"Các con hãy nhận lấy Thánh Thần..."
Suy niệm của
ĐGM. Nguyễn Văn Khảm.
Trong những năm gần đây phong
trào canh tân đoàn sủng phát triển mạnh trong Giáo Hội
Tin Lành và trong giáo Hội Công Giáo, có người gọi
đó là mùa xuân của Giáo Hội đang là sức sống
mới. Nhưng cũng có ngừơi đang nhìn phong trào
này với thái độ cảnh giác. Họ sợ rằng
nó sẽ đi xa đường lối của Giáo Hội.
Tôi không có ý phân tích phê phán, nhưng theo tôi phong trào có một
điểm mà chúng ta có thể ghi nhận. Phong trào giúp cho ta
ý thức hơn về vai trò của Chúa Thánh Thần trong
đời Kitô Hữu. Một vai trò mà nhiều khi chúng ta
lãng quên. Có lẽ phần nào nó cũng giống như một
nhà khoa học ở trong phòng thí nghiệm. Ông ra sức
nghiên cứu về không khí như là một vật thể
và mô tả không khí bằng những công thức khoa học
có vẻ phức tạp mà ông quên rằng từng giây từng
phút mình đang được ngủ lặng trong không khí
mà đôi khi mình quên hít thở. Cho nên sự sống thân xác của
mình mỗi lúc mỗi tàn tạ.
Tôi xin lấy một hình tượng
quen thuộc trong Kinh Thánh để diễn tả về
Chúa Thánh Thần. Thánh Luca mô tả: Vào ngày lễ ngũ tuần
các môn đệ tề tựu cầu nguyện. Khi ấy
có những lưỡi như lưỡi lửa rải
rác đậu xuống trên mỗi người. Lửa là
hình tượng Kinh Thánh dùng để diễn tả về
Chúa Thánh Thần trong chúng ta.
Hôm nay tôi xin nhắc lại và đào sâu
hơn hình tượng Thánh Gioan Thánh Giá sử dụng. Ngài
là người có kinh nghiệm thần bí sâu sắc đồng
thời là một nhà thơ cho nên ngài đã vận dụng
ngôn ngữ thi ca để diễn tả kinh nghiệm thần
bí đó. Đó là hình ảnh của lửa, của củi.
Chúng ta thử tưởng tượng
cảnh mùa đông băng giá ở Châu Âu, ngoài vườn
có một khúc củi nằm cô đơn giữa tiết trời
băng giá. Cái lạnh làm cho làn da của nó xần xùi, xấu
xí. Thế rồi nó được ông chủ nhà đem vào
quăng vào lò sưởi. Hơi nóng làm khúc củi cảm thấy
ấm áp, hạnh phúc. Nó cảm nhận được
đầy sự an ủi không tả được.
Nhưng tiếc rằng sự sung
sướng kéo dài chẳng được bao lâu. Trong khỏanh
khắc ngọn lửa ôm chặt lấy nó. Sức nóng của
lửa nung nấu khiến cho nhựa cây rỉ ra bên ngoài
làm thành một lớp da sần sùi như da cóc. Nó tỏa ra
một mùi thật khó chịu. Khúc củi quằn quại
trong than hồng một thời gian. Cuối cùng nó trở
nên một với lửa. Nó không còn là củi mà chỉ là lửa.
Lửa đem ánh sáng, lửa đem hơi ấm cho những
người trong phòng.
Gioan Thánh Giá dùng hình ảnh tuyệt vời
ấy để diễn tả về tác động của
Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta. Hình ảnh ấy
giúp chúng ta thấy được đâu là cùng đích của
đời sống trong Thánh Thần. Cái cùng đích ấy
là Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được nên một với
Thiên Chúa. Như Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu nói: "Ta trở
thành một giọt nước hoà trong đại
dương". Sự nên một ấy chỉ trở
thành trong đời sống vĩnh cữu cho những
người mà Chúa ban cho kinh nghiệm thần bí, những
người cảm nghiệm được sự nên một
hồng phúc với Thiên Chúa.
Chúng ta chưa có được kinh nghiệm
huyền bí đó. Nhưng tôi nghĩ: Nếu chúng ta thực
hiện đúng những bí tích mà Giáo Hội cử hành là
chúng ta đã đi đúng mục đích của Giáo Hội,
dẫn ta đến chỗ nên một với Thiên Chúa. Khi
ta rước mình Thánh Chúa và để Máu Thánh Chúa hoà vào máu
thịt ta để ta nên một với Ngài.
Sự nên một xét trên một bình diện
mà người ta gọi là hữu thể học đó hoàn
toàn có thật nhưng không ai thấy được. Sự
nên một ấy phải diễn tả qua cuộc sống
bên ngoài theo kiểu nói của thánh Phaolô. "Anh em hãy mang trong
anh em những tâm tư như đã có trong Chúa Giêu Kitô".
Cho nên khi nào chúng ta nên một với Chúa thật thì ta sẽ
suy nghĩ như Chúa Giêsu, phản ứng như Chúa Giêsu, cảm
xúc, yêu thương như Chúa Giêsu. Đấy là dấu chỉ
cụ thể. Đấy là cùng đích.
Nhưng để đạt được
tới cùng đích nên một trong Thiên Chúa ấy thì chúng ta
phải trải qua một hành trình thanh tẩy của Thánh
Thần. Hành trình này khởi đầu bằng một niềm
an ủi ngọt ngào. Có một số kinh nghiệm nói lên
điều ấy. Có anh chị em dự tòng nói với tôi:
"Thưa Cha, con xin gì Đức Mẹ cũng cho con hết".
Những tu sinh hoặc những nữ tu mới chập chững
bước vào đời sống tận hiến:
"Thưa Cha, con cảm thấy hạnh phúc vô cùng.".
Những lúc ấy ai cũng ca ngợi Chúa, cảm thấy
rất ư là dễ thương. Chúa yêu ta vô cùng.
Thưa anh chị em. Đấy chỉ
là giai đoạn đầu. Sớm hay muộn gì chúng ta
cũng được Chúa Thánh Thần dẫn vào giai đoạn
thanh tẩy, giai đoạn đau đớn, giai đoạn
này sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn. Vì nó đau
đớn cho nên ta không muốn bước vào, không dễ
chấp nhận.
Tôi nghĩ có hai lý do chính và cũng là hai
giai đoạn chính.
Lý do thứ nhất: Thánh Thần giúp
chúng ta chấp nhận con người thật của mình. Có lẽ nhiều người sẽ
ngỡ ngàng khi nghe thế. Chúa Giêsu nói: "Hãy yêu tha nhân
như chính mình." Nếu tôi không yêu chính mình thì tôi không thể
yêu người khác được. Yêu chính mình là chấp nhận
con người thật của mình. Chấp nhận hình hài
mà Chúa đã ban cho mình. Anh chị em thử kiểm nghiệm
lại đời sống của mình xem. Đã biết bao
lần ta mơ ước những điều mà chúng ta
không có. Ví dụ: Phải chi Chúa ban cho mình sóng mũi cao
hơn tí nữa thì đẹp biết bao. Hay phải chi da
mình được trắng như bạn mình nhỉ... Những
mơ ước ấy biều lộ điều chúng ta
không chấp nhận chính mình.
Những suy nghĩ ấy làm cho ta tự
mình dằn vặt mình. Tự mình hành hạ mình, tự gây
đau khổ cho mình bằng những tự ti mặc cảm.
Phải đau đớn lắm, phải tự đấu
tranh mới chấp nhận chính con người thật của
mình. Chúng ta hãy kêu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thực hiện
để chúng ta tự nhủ rằng: Dù tôi thế nào
đi nữa Chúa vẫn yêu tôi. Chúa tạo dựng tôi cho
Chúa. Cảm nhận được như thế sẽ làm
cho ta thấy bình an hạnh phúc hơn.
Lý do thứ hai: Chấp nhận
được chính mình rồi thì đến giai đoạn
hai của sự thanh tẩy. Đi từ chỗ "tôi
đang là" đến chỗ "tôi được mời
gọi để trở thành..." Ở đây đòi hỏi sự bỏ
mình. Cuộc sống Thánh Augustinô là một điển hình.
Lúc trẻ ông xa vào con đường ăn chơi, mê đắm
trên con đường tình dục, biết là sai nhưng ông
vẫn biện minh cho mình, không nhìn nhận sự thật của
chính mình, ông bảo: "Sở dĩ tôi bê bối thế vì
ông thần ác ở trong hoành hành". Nhờ tác động
của Chúa Thánh Thần Thánh Augutinô mới đủ can
đảm nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Từ
đấy ông đã bước vào giai đoạn hai. Ông trở
thành một người sống như Chúa Giêsu, yêu
thương, phục vụ, suy nghĩ như Giêsu. Một
con người trong Chúa Thánh Thần.
Chúng ta phải trở thành cái mà Chúa mời
gọi chúng ta. Đó là gì? Thưa là mỗi ngày tôi trở
thành người hơn. Cho dù tôi sống bậc gia đình
hay tu sĩ, cho dù tôi hành động gì nhưng vẫn hàm ẩn
tất cả bên trong là cái tính người, là tính Kitô Hữu.
Và hành trình đó đòi chúng ta phải tự bỏ mình mỗi
ngày. Công việc ấy rất khó, một mình ta không thể
làm được mà phải có tác động của Chúa
Thánh Thần. Hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần sống như không khí
tràn ngập vũ trụ, vấn đề là tôi có hít thở
không? Chúa Thánh Thần như dòng suối tràn lan mọi
nơi. Vấn đề là tôi có múc mà uống không? Chúa Thánh
Thần là ngọn lửa hừng hực, vấn đề
là tôi có nhóm lên hay không? Cho nên cầu nguyện là tự tạo
cho mình một nội tâm thích hợp. Mở lòng ra cho gió ùa
vào, làm rỗng chính mình cho dòng nước chảy vào, và nhóm
ngọn lửa lên cho đời mình.
Nếu chúng ta chấp nhận trở về
với chính mình trong thinh lặng, nhìn lại đời
mình, ta có thể khám phá ra những gì mà Lời Chúa hướng
dẫn chúng ta hôm nay.
Tôi xin kết thúc suy niệm này bằng
tâm tình của Thánh Augustinô. "Lạy Chúa là vẻ đẹp
ngàn đời, vẻ đẹp cổ xưa nhưng vẫn
luôn luôn mới mẻ. Con đã chạy tìm những cái đẹp
bên ngoài vốn chỉ là phản ánh èo uột của vẻ
đẹp vĩnh hằng. Chúa là vẻ đẹp vĩnh
hằng ở trong con thì con lại không kiếm tìm. Vì thế,
xin Chúa cho con biết trở về với chính lòng mình mỗi
ngày, để ở đó con gặp được Chúa,
hít thở Chúa. Con đón nhận dòng nước ân sủng
và lòng con được đốt cháy ngọn lửa Thánh
Thần. Amen."