Trở nên hoàn thiện là năng thay đổi.
(Suy niệm của Lm. Vincent
Travers)
Chúa Giêsu Thăng Thiên là một
biến cố mà các Tông Đồ không bao giờ quên
được. Họ sẽ không bao giờ gặp lại
Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt. Đó là lúc giả
biệt. Lời nói giả biệt cuối cùng bao giờ
cũng đau đớn nhất. Cứ theo bản tính con
người mà nói, có lẽ họ đã trở về lại
kinh thành Giêrusalem với một tâm trạng sầu muộn.
Nhưng thay vì trở lại kinh thành, than khóc buồn bã
như Thánh Luca đã viết, thật ra họ rất vui mầng.
Một điều đầy ý nghĩa đã xảy ra
nơi đỉnh đồi nhìn xuống kinh thành tráng lệ
đã biến đổi họ từ một trạng thái
sa sút tinh thần đến một tình trạng mầng
vui.
Cuộc sống đáng sống
Một thiếu nữ sau khi sinh bé gái đầu lòng
đã cho biết chị rất ngạc nhiên đến sững
sờ khi nhận thấy chị có thể yêu thương
con chị một cách đậm đà đến thế.
Chị ở bên cạnh con, lòng tràn đầy niềm vui.
Sự sinh đẻ đã biến đổi con người
của chị. Kinh nghiệm thật đáng giá, đầy
ý nghĩa. Giống như khi chúng ta ngắm nhìn vũ trụ
bao la với muôn vàn vì sao lấp lánh khiến chúng ta phải
thốt lên: “Oi lạy Chúa! Thật tuyệt diệu biết
bao!” Và dĩ nhiên Thiên Chúa rất hài lòng khi nghe chúng ta xung tụng
kỳ công tuyệt hảo của Ngài. Đó là chúng ta nói
theo ngôn ngữ loài người. Thiên Chúa rất ngạc
nhiên khi thấy ai đó ở nơi chân trời xa lạ
đã khâm sùng tán thưởng kỳ công do bàn tay Ngài tạo
dựng. Rồi Thiên Chúa thấy chúng ta đến với
Ngài và la lên: “Thật tuyệt diệu!” Và Thiên Chúa cảm thấy
thích thú vì chúng ta đã mở mắt ra để chiêm ngắm
những kỳ quan của Ngài.
Đó là kinh nghiệm mà
các Tông Đồ đã trải qua trong ngày Thăng Thiên của
Chúa. Họ đã bừng sáng mắt ra khi chiêm ngắm sự
hiện diện của Chúa. Điều nầy cắt
nghĩa tại sao họ đã trở lại Giêrusalem mà hồn
còn ở trên mây. Và ‘Linh đạo’ có nghĩa là thức giác
đối với những thực tại cao cả
đang bao quanh chúng ta.
Sống là thay đổi
Gerard Manley Hopkins là một thi sĩ người
Ai-Nhĩ-Lan. Hồi còn trẻ, ông là một giáo sư dạy
học tại một học đường của các cha
dòng Tên ở Wales. Ngày kia ông đang trên đường trở về
nhà ở trong cư xá dòng Tên. Lúc bấy giờ là mùa thu.
Hopkins đang ở trong một trạng thái rầu rĩ vì
mùa hè đã qua, mùa đông sắp tới và thời tiết
bắt đầu đổi thay. Nếu ai đã trải
qua mùa đông ở Wales thì sẽ rõ tại sao thi sĩ bị
sa sút tinh thần. Tại đây rất nhiều ngày chỉ
thỉnh thoảng sương mù hơi mõng một chút,
nhưng phần nhiều trong ngày là một màng sương
dày đặc ẩm ướt bao trùm và nhìn đâu đâu
cũng chỉ thấy mờ mịt. Đang khi ông trên
đường trở về nhà, bất chợt Hopkins tự nói với mình: “Hãy thư
thả một chút. Mùa hè không còn đây nữa. Hè đã qua rồi.
Mùa đông chưa có ở đây. Mùa đông chưa đến.
Vậy thì mùa gì đây? Đó là mùa thu, mùa của lá rụng và
cũng là mùa gặt hái hoa quả. Hãy mở mắt ra mà xem.
Xem vẻ đẹp của hoa lá. Xem mây trôi lơ lững
trên nền trời. Hãy thưởng thức gió mát từ bờ
biển Ai-Nhĩ-Lan thổi vào. Đừng bận tâm về
điều gì không còn ở nơi đây nữa. Đừng
bận tâm về điều gì chưa xảy tới nơi
đây. Hãy ngắm xem cái gì đang xảy ra bây giờ
đây. Hãy trân trọng giây phút hiện tại. Hãy trân trọng
ve đẹp rạng rỡ đang phô bày trước mắt!”
Điều mà Hopkins
đang ngắm nhìn vẫn luôn hiện diện ở đó.
Điều thiếu sót là không có ai nhìn ngắm và chiêm
ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ ấy mà thôi.
Thiên nhiên không thay đổi. Mùa gặt hoa quả cũng
chưa bắt đầu lúc bấy giờ. Lá cây cũng
chưa đổi màu vào lúc đó. Vậy cái gì đã thay
đổi? Chính Hopkins đã thay đổi và vì thi sĩ
đã thay đổi nên ông lần bước trở về
nhà mà tâm hồn ông đã biến đổi theo mùa xuân
đang dò dẫm theo những bước chân âm thầm của
ông, với nụ cười tươi nở trên khuôn mặt
và một bài hoan ca sảng khoái ở trong tâm hồn mà giờ
đây đang trổi dậy khi ông đối diện với
vẻ đẹp thần tiên của một buổi chiều
vào thu ở xứ Wales đầy tríu mến.
Trở nên hoàn thiện là
năng thay đổi
Vào ngày Thăng Thiên, Chúa
Giêsu không thay đổi. Ngài cũng vẫn là một Chúa
Giêsu. Dĩ nhiên Ngài đã trở về với Chúa Cha. Ở
một giai tầng nào đó, Chúa không còn ở với các
tông đồ nữa, nhưng ở một giai tầng cao
hơn, Chúa vẫn ở với họ một cách nào đó
mà trước kia họ không bao giờ chứng nghiệm
được. Vậy thì ai đã thay đổi? Chính các
Tông Đồ đã thay đổi. Đó là điều bất
chợt đã chiếu tỏa trên họ, ở trên đỉnh
đồi đó, điều mà Chúa đã hứa hẹn là
sẽ ở với họ luôn mãi. Sự kinh ngạc về
điều đó đã thay đổi họ. Họ đã
được biến đổi. Vì vậy tại sao họ
đã trở về lại kinh thành Giêrusalem, không phải với
những giòng lệ tuôn tràn trong đôi mắt mà với một
bài hoan ca ở trong con tim. Giờ đây họ đã có một
nhãn quan mới mang lại nhiều nghị lực cho họ
và làm cho cuộc đời của họ mang nhiều ý
nghĩa. Đó là nhãn quan về Chúa Phục Sinh sẽ ở
với họ luôn mãi và họ sát cánh bên nhau trong niềm hoan
lạc.
Tại sao chúng ta ngày nay mầng
kỷ niệm mầu nhiệm cao cả về biến cố
Thăng Thiên? Chúng ta không chủ ý tụ họp lại cho
đông đảo, để nêu gương tốt cho
đám trẻ em, hoặc để làm vui lòng người lớn.
Chúng ta hội nhau lại để mở mắt ra như Hopkins
đã làm vào một ngày mùa thu ảm đạm ở xứ
Wales và, chiêm
ngưỡng sự vinh quang của Chúa trong giây phút hiện
tại để rồi la lên: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa
cao cả biết bao!” Thiên Chúa luôn ở với chúng ta.
Điều thiếu sót là chúng ta chưa nhận ra Ngài.
Thăng Thiên làm cho chúng ta có khả năng rời khỏi
nơi gọi là Núi Chúa để trở về nhà chúng ta với
lòng mừng vui. Một thứ mừng vui làm cho chúng ta muốn
biết điều gì sẽ xảy ra? Điều gì đã
đến với chúng ta? Điều gì đã vượt
lên trên chúng ta? Các Tông Đồ đã cảm nghiệm một
sự khác biệt. Một đức tin mà không có gì khác biệt
thì không còn là một đức tin nữa. Một người
thấy đường đi thi sẽ bước đi
khác với một người mù mắt.
Đức Hồng Y Newman
có lần đã nói: “Sống là thay đổi. Trở nên
hoàn hảo là năng thay đổi.” Chúng ta thay đổi
hay không thay đổi? Đó là vấn đề! Những
ai thay đổi và năng thay đổi là những người
sống thật. Những ai không thay đổi và giữ
nguyên cách sống của họ là những kẻ chỉ sống
mà không sống thật. Sự lựa chọn trước
mắt là ở giữa sự sống và sống thật.
Mỏm nhô của tảng
băng trôi
Sự Thăng Thiên của
Chúa Giêsu là mầu nhiệm của đức tin. Chúng ta phải
là những con người có niềm tin mới đi vào mầu
nhiệm nầy được. Câu chuyện về
Thăng Thiên chẳng khác nào một tảng băng trôi. Bảy
phần tám của tảng băng chìm dưới mặt
nước. Chỉ mỏm tảng băng - tức một
phần tám - mới nhô lên trên mặt biển. Sự ngạc
nhiên thích thú là điều gì cơ bản thì không thấy
được.
Ở trên đỉnh
đồi trông xuống kinh thành Giêrusalem, các tông đồ
chỉ thấy một phần tám của mầu nhiệm
Thăng Thiên. Phần còn lại được che giấu.
Họ biết câu chuyện về Chúa Giêsu chưa kết
thúc. Chương cuối chưa viết xong. Phần hấp
dẫn nhất còn đang diễn tiến, nhưng họ
đã có đủ dữ kiện để tiến tới.
Một phần tám của mầu nhiệm Thăng Thiên
cũng đủ để đưa họ xuống núi,
trở lại kinh thành Giêrusalem và sau đó sẽ vượt
ra khỏi biên giới của Giêrusalem để tiến qua
biên vực đang chia cắt Giêrusalem với thế giới
bên ngoài.
Ý nghĩa của mầu
nhiệm
Thăng Thiên là một mầu
nhiệm sáng chói. Không có bảy phần tám kia thì sẽ không
có mầu nhiệm. Cuộc sống chỉ viết bằng
văn xuôi, chứ không viết thành văn vần. Cuộc
sống được xây cất trên gạch ngói và vôi hồ,
chỉ là trần tục, bình thản và vô vị. Không có bảy
phần tám kia thì sẽ không có câu chuyện về Chúa Giêsu,
không có Kitô giáo, không có biến cố Thăng Thiên. Cũng sẽ
không có đời sống linh thiêng, không có bí tích, không có
Thánh Thể, không có Thánh Lễ Chúa Nhật. Jeanne Guyon đã
viết: “Nếu biết tìm ra đáp số cho vấn nạn
cuộc sống là điều tuyệt đối cần
thiết cho bạn, vậy thì bạn hãy quên đi hành trình
của mình. Bạn sẽ không bao giờ thực hiện
được hành trình đó, bởi vì đó là một hành
trình vô định, hành trình của những vấn nạn
không có đáp số, hành trình của những bí ẩn, của
những điều không thể hiểu nổi và nhất
là của những sự bất công.”
Chúng ta được sinh
ra và sống cho Thiên Chúa vô biên. Ở trên trần thế nầy,
không thể có bản nhạc giao hưởng trọn vẹn
như thế được. Thiên Chúa đã tạo dựng
chúng ta cho sự vinh quang của Ngài, để được
chiêm ngắm Ngài mặt tợ mặt. Giờ đây, chúng
ta chỉ thầy Ngài một cách lờ mờ, khiếm khuyết.
Nhưng rồi đây, chúng ta sẽ xem thấy Ngài một
cách tuyệt hảo như Ngài hiện có và nỗi mầng
vui của chúng ta sẽ được trọn vẹn.
Trong khi chờ đợi, Thăng Thiên mang lại cho chúng
ta một viễn tượng mới để nhận thấy
rằng đời sống cá nhân chúng ta đang góp phần
một cách nào đó vào một câu chuyện lớn lao
hơn. Một câu chuyện lớn hơn là chính cuộc sống
chúng ta và một câu chuyện kỳ diệu hơn bất cứ
điều gì hết mà chúng ta sẽ chưa lúc nào thấy
hết hay biết hết ở trong cuộc sống nầy.
Phỏng theo bài suy niệm
“TO BECOME PERFECT IS TO CHANGE OFTEN” (Trở Nên Hoàn Thiện Là
Năng Thay Đổi) của cha Vincent Travers O.P. trong sách
“IN STEP WITH GOD” (Đồng Hành Với Chúa).