Sứ mạng người Kitô
hữu.
Tin Mừng thuật lại
hai điều: sự kiện Chúa Giêsu lên trời và lệnh
truyền rao giảng Tin Mừng. Trước hết, sự
kiện Chúa Giêsu lên trời, Tin Mừng thánh Marcô ghi lại
rất vắn tắt: chỉ nói Chúa lên trời và ngự
bên hữu Thiên Chúa, chứ không nói rõ Chúa lên trời ở
đâu và sau khi Chúa sống lại bao lâu. Theo sách Công vụ
Tông đồ, Chúa Giêsu lên trời sau khi sống lại
được 40 ngày, và nơi lên trời là núi Cây dầu,
Vậy Chúa Giêsu lên trời chính xác là khi nào?
Có thể trả lời
tóm tắt và rõ ràng như sau: Chúa lên trời ngay ngày phục
sinh, tức là sau khi sống lại, Chúa lên trời ngay. Và
sau đó Chúa đã hiện ra với các tông đồ nhiều
lần để củng cố lòng tin của họ, trong
một khoảng thời gian mà sách Công vụ Tông đồ
xác định là 40 ngày. Sau cùng, Ngài cho các môn đệ biết
Ngài chấm dứt việc hiện ra bằng sự công
khai về trời. Như vậy, mầu nhiệm lên trời
mời gọi chúng ta nhìn nhận hai khía cạnh liên hệ
nhưng riêng biệt nhau: một bên là Đức Kitô
được vinh quang lên trời ngay lúc Ngài sống lại.
Điều này giác quan các tông đồ không thể cảm
nghiệm được mà chỉ có nhận thức bằng
đức tin. Và một bên là Đức Kitô ra đi sau một
thời gian hiện ra nhiều lần. Đó là cuộc ra
đi trở về với Chúa Cha mà các tông đồ
được chứng kiến trên núi Cây Dầu.
Chúa Giêsu lên trời là
điều chắc chắn. Nhưng ý nghĩa thế nào?
Việc Chúa lên trời là một sự kiện tất yếu
của quá trình nhập thể và cứu chuộc của
Ngài, như chu trình phát triển của một hạt lúa: phải
tự mục nát trong đất mới đâm mầm và
tăng trưởng dần cho đến thời kỳ trổ
bông, sinh hạt. Chúa Giêsu, sau thời gian đi gieo lời hằng
sống, thiết lập và xây dựng một nền móng
đạo đức đặt căn bản trên tình
thương, công bằng trong xã hội Do thái thời
đó, mảnh đất thí điểm và khởi điểm…
Ngài đã chịu chết, sống lại và vinh hiển về
trời. Nói khác đi, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã từ trời
xuống trần gian để thực hiện
chương trình cứu chuộc của Chúa Cha. Ngài đã
giảng dạy, phục vụ và cống hiến cả mạng
sống. Nên sau khi sống lại từ cõi chết, Ngài
đã được Thiên Chúa Cha tôn vinh, được
đặt bên hữu Thiên Chúa và ban cho quyền xét xử
vũ trụ. Đây cũng là một câu trả lời vô
cùng phấn khởi cho chúng ta, nếu chúng ta trung thành tin
theo Chúa, chúng ta cũng sẽ được về trời,
chúng ta sẽ được Chúa Giêsu đón vào trong nhà Cha
cùng với Ngài hưởng hạnh phúc vinh quang muôn đời.
Nhưng làm sao người
ta có thể biết Chúa, tin theo Chúa để rồi
cũng được về trời với Chúa? Chính vì thắc
mắc đó mà trước khi về trời, Chúa Giêsu
đã ra chỉ thị cho các môn đệ của Ngài. Ngài
đã sai họ ra đi trên vạn nẻo đường
thế giới, ban cho họ nhiều quyền năng để
rao giảng Tin Mừng và đem ơn cứu rỗi đến
cho mọi người. Chính nhờ các tông đồ đầu
tiên ấy, rồi các tông đồ khác, lại các tông đồ
khác nữa kế tiếp nhau trung thành thi hành sứ mạng
rao giảng Tin Mừng ấy mà người ta biết Chúa,
tin Chúa, được cứu rỗi và rồi sẽ
được về trời.
Nói khác đi, Chúa Giêsu
đã dùng Giáo Hội như đôi tay để tiếp tục
công cuộc cứu rỗi của Ngài, nghĩa là Giáo Hội
như một nối dài của Chúa Giêsu. Cách đây hai ngàn
năm, Chúa Giêsu đã đi lại, đã nói, đã làm nhiều
điều tốt đẹp. Ngày nay, Ngài cũng muốn
cho các hoạt động của Ngài được tiếp
tục qua Giáo Hội. Sứ mệnh của Chúa Giêsu là một
sứ mệnh thiêng liêng. Nhưng sứ mệnh đó cần
phải được thể hiện bằng lời nói,
bằng hành động bên ngoài. Vì thế, không có gì đáng
ngạc nhiên khi trao phó sứ mệnh đó cho Giáo Hội,
Chúa Giêsu muốn nó được thực thi trong một
khung cảnh hữu hình, nhờ những phương tiện
cụ thể. Nhờ những sinh hoạt hữu hình và
đôi tay cụ thể của Giáo Hội mà Chúa Giêsu tiếp
tục loan truyền chân lý, trao ban sự sống và dẫn
đưa nhân loại về hạnh phúc vĩnh cửu.
Là chi thể của Giáo Hội,
thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô, mỗi Kitô hữu cũng
là những cánh tay mở rộng của Chúa Kitô, nhờ
đó Ngài không ngừng giải tỏa ánh sáng, trao tặng
tình thương, ơn cứu độ và hạnh phúc cho mọi
người. Để được như thế, cách tốt
nhất là chúng ta hãy sống tốt. Hãy sống tốt với
gia đình, với xóm ngõ, trong họ đạo và với những
người chung quanh, bất cứ lương hay giáo. Sống
tốt cũng có nghĩa là sống bác ái, sống chan hòa
tình yêu thương với mọi người.
Người có lòng bác ái,
yêu thương giống như một bông hoa đẹp.
Bông hoa không nói gì cả, bông hoa không tuyên xưng gì cả,
nhưng vì nó là một bông hoa đẹp, tuy không nói,
nhưng người ta cũng thấy được cái
đẹp của nó, cái hương thơm của nó. Mỗi
người Công giáo, mỗi giáo xứ, hãy là những
đóa hoa, những bó hoa tươi, đẹp, thơm, do
tinh thần bác ái cởi mở chan hòa. Và nếu được
như vậy, đạo chúng ta sẽ mở ra, và đức
tin ấy mới là đức tin truyền giáo thực sự.
Xin hãy nhớ: Chúa Giêsu về
trời sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ ở trần
gian. Chúng ta cũng vậy, bao lâu sống ở trần gian,
chúng ta cũng phải nỗ lực hoàn tất nhiệm vụ
Chúa đã trao phó và tích cực đóng góp vào sự mưu ích
cho đồng loại, cho gia đình, xóm đạo, quê
hương, Giáo Hội theo tinh thần phục vụ và bác
ái của Tin Mừng.