Những lời cuối cùng của
Đức Giêsu trước khi Người lên trời
Suy niệm của JKN.
Câu hỏi gợi ý:
1. Trước khi về trời,
Đức Giêsu đã trăn trối lại
những gì cho chúng ta, là những môn đệ của Ngài? Chúng ta có quan tâm thực hiện những điều
ấy không? thực hiện thế
nào?
2. Những dấu lạ -
mà Đức Giêsu hứa sẽ đi theo
những kẻ có lòng tin - có ứng nghiệm với chúng ta
không? Nếu không thì tại vì Ngài hứa «cuội» hay vì
chúng ta chưa có đức tin đích thực? Đức tin đích thực là gì? Ta đã có
chưa?
3. Là người đang
rao giảng Tin Mừng, ta đã có đức tin thật sự
chưa, hay mới chỉ là thứ đức tin được
tuyên xưng chứ chưa được sống? Có những
«dấu lạ» đi kèm theo lời ta rao
giảng để những ai nghe ta dễ tin tưởng
không?
Suy tư gợi ý:
1. Lời trăn trối cuối cùng
Trước khi từ giã
các môn đệ để về trời và để hiện
hữu một cách khác bên cạnh các ông, Đức Giêsu
đã trăn trối nhiều điều.
Những lời trăn trối quan trọng
nhất là những lời Ngài nói ra trong bữa tiệc ly
trước khi ra đi chịu tử nạn và ngay trước
khi về trời. - Những trăn trối
trong bữa tiệc ly nói lên tinh thần mà môn đệ của
Ngài phải có: chủ yếu là yêu thương nhau (Ga 13),
tin và hợp tác với Thánh Thần (Ga 14; 16), liên kết chặt
chẽ với Ngài (Ga 15), hiệp nhất với nhau (Ga 17),
mong đợi Ngài trở lại (Ga 16).
- Còn lời trăn
trối ngay trước khi Ngài về trời nói lên việc
mà các môn đệ Ngài phải làm là «đi khắp tứ
phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ
tạo» để tiếp tục sự nghiệp mà Ngài
đã khởi sự. Đó cũng chính là công
việc phúc âm hóa và tái phúc âm hóa, để mọi người
không chỉ biết Tin Mừng mà còn thật sự sống
tinh thần Tin Mừng nữa.
Về lời trăn trối sau, rất nhiều Kitô hữu
chỉ hiểu một cách nông cạn, là chỉ nghĩ tới
việc rao giảng cho người ta biết Thiên Chúa, biết
Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu, và dừng
lại tại đấy! Nhưng thử hỏi
nếu chỉ biết thôi thì ích lợi gì? Chẳng hạn
biết rõ sự cần thiết và ích lợi của thức
ăn, hay biết rõ mình cần phải ăn gì để mạnh
khỏe mà lại không chịu ăn, thì sự biết rõ ấy
có ích lợi gì? Nếu biết mà không sống
điều mình biết, không đem nó ra áp dụng thì chẳng
những vô ích mà còn phải chịu trách nhiệm về cái
biết ấy nữa. Vì kẻ nhận 1 nén bạc
thì chỉ phải làm lợi thành 1 nén khác thôi, nhưng kẻ
nhận 5 nén thì có trách nhiệm làm lợi thành những 5 nén
khác kia! (x. Mt 25,14-30; Lc 19,12-27).
Vì vậy, biết Tin Mừng
mà không chịu sống Tin Mừng là tự làm cho mình bị
kết án nặng hơn. Cũng vậy,
rao giảng cho người ta biết Tin Mừng mà không giúp
người ta sống Tin Mừng thì chỉ làm cho người
ta bị kết án nặng hơn chứ
chẳng đem lại lợi ích gì cho họ. «Đức
tin chết» hay «đức tin không có việc làm» (Gc 2,17.26) đâu thể đem lại ơn cứu
độ? Cũng như có đồ mà không
đem ra dùng thì đồ ấy có ích lợi gì? hoặc cho người ta đồ mà không chỉ
cho người ta cách sử dụng thì coi chừng kẻo
làm hại người ta? Việc rao giảng Tin Mừng cần
phải đi xa hơn một chút là giúp người ta sống
Tin Mừng, như thế sẽ làm lợi cho họ vô cùng.
Như vậy, điều quan trọng là chính chúng ta phải
sống tinh thần Tin Mừng và làm cho mọi người
cũng sống tinh thần Tin Mừng. Biết và sống
Tin Mừng, hoặc làm cho người ta biết và sống
Tin Mừng, hai thứ ấy phải đi đôi với
nhau mới không có hại mà sinh ích lợi vô cùng cho mình và cho
người. Nên đã biết Tin Mừng hoặc giúp ai về
mặt Tin Mừng thì hãy biết hoặc giúp «tới nơi
tới chốn», với tinh thần trách nhiệm. Đừng
«đánh trống bỏ dùi», «đem con bỏ chợ», tức
giúp nửa vời, rất tai hại!
2. Những dấu lạ
đi theo những ai có lòng tin
Theo lời của Đức
Giêsu thì những kẻ có lòng tin đích thực - tức tin
và sống điều mình tin - sẽ có được những
dấu lạ theo mình: «Họ sẽ trừ
được quỷ, sẽ nói được những
tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm
được rắn, và dù có uống nhằm thuốc
độc cũng chẳng sao. Và nếu
họ đặt tay trên những người bệnh, thì
những người này sẽ được mạnh khoẻ».
Đó là những điều mà tôi nghĩ rằng
thời nào cũng đều ứng nghiệm, không chỉ
là thời các tông đồ. Và những
điều này trước tiên được ứng nghiệm
ngay nơi bản thân những người tin rồi sau
đó mới ứng nghiệm ra bên ngoài, tức với
người khác hay với ngoại cảnh. Tuy nhiên, lời
Ngài nói cần phải hiểu theo
nghĩa tâm linh, chứ không nên hiểu theo nghĩa đen:
tôi không tin rằng bất kỳ người mạnh tin nào
cũng đều có thể uống thuốc độc mà
không chết, hay bị rắn cắn mà không sao! Vì thế,
những dấu lạ nói trên cần được hiểu
như sau:
- «trừ được
quỉ»: quỉ tượng trưng cho thế lực của
sự ác. Người thật sự tin vào Thiên Chúa - là nguồn
sức mạnh của mình - có thể thắng được
những thế lực của sự ác hay của tội lỗi
ngay trong bản thân mình. Cụ thể là thắng được
những cám dỗ, những tư tưởng xấu, những
khuynh hướng xấu, v.v… Nếu đức
tin của họ mạnh hơn nữa, họ có thể
giúp những người yếu tin cũng thắng
được thế lực ác giống như họ.
- «nói được những
tiếng mới lạ»: người có đức tin
đích thực và sống nhuần nhuyễn đức tin ấy
sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện
của Thiên Chúa và Đức Giêsu, tức chứng ngộ
được chân lý nơi bản thân mình. Nhờ đó họ
có thể tự diễn đạt đức tin của
mình theo đủ mọi phương thức
khác nhau, chứ không dùng những kiểu nói sáo mòn, trống
rỗng, thiếu chất sống. Họ luôn
luôn dùng những cách diễn tả mới lạ, phù hợp
với thời đại, với trình độ của
người nghe, giúp người nghe cũng cảm nghiệm
được thực tế đức tin như họ.
Họ như một y sĩ đã nắm thật vững cốt
yếu của y lý nên biết tùy bệnh mà tự mình cho thuốc
thật hữu hiệu, phù hợp với từng căn bệnh.
Họ không sao y những bài thuốc có sẵn
của người khác để áp dụng chữa bệnh
một cách máy móc giống như những y sĩ chưa nắm
vững y lý. Hay như một thầy
giáo đã tiêu hóa thật kỹ môn mình dạy nên chỉ cần
nói tất cả những gì đang có sẵn trong bụng
không phải lệ thuộc một bài bản nào cả.
Họ có thể nói một cách sáng tạo theo
đủ kiểu đủ cách mới lạ để học
sinh dễ hiểu mà vẫn luôn luôn chính xác, chứ không nô lệ
vào những giáo trình mẫu do người khác soạn sẵn.
- «cầm được rắn
trong tay»: người có đức tin đích thực ắt
nhiên có tâm hồn an bình và đầy tràn
tình yêu. Họ coi mọi người - dù xấu ác hay ghét họ,
muốn làm hại họ - như anh em ruột thịt và sẵn
sàng hy sinh cho những người ấy. Vì thế, họ
có thể tiếp cận và sống chung
cả với những người xấu ác mà không hề
bị hại, vì những người nguy hiểm này vẫn
luôn cảm nghiệm được tình thương của
họ dành cho mình: không ai lại muốn hại người
đang yêu thương mình.
- «dù có uống nhằm thuốc
độc cũng chẳng sao»: tất cả những nghịch
cảnh, những đau khổ trong cuộc đời
không thể làm mất được sự bình an và hạnh phúc của những người
có đức tin thật sự. Với đức tin, họ
biết rằng tất cả những đau khổ hay nghịch
cảnh Chúa gửi tới đều là những hồng ân do tình thương của Ngài. Họ tin rằng:
« Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho
những ai yêu mến Người» (Rm 8,28)
và «những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao
được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải
nơi chúng ta» (8,18). Vì thế, họ rất
vui khi đau khổ hay nghịch cảnh xảy tới, nên
đau khổ hay nghịch cảnh cỡ nào cũng không hề
làm hại được họ.
- «nếu họ đặt
tay trên những người bệnh, thì những người
này sẽ được mạnh khoẻ»: Ngoài ra người
có đức tin đích thực còn có sức cảm hóa và
giúp những người xấu ác - là người bị bệnh
về tâm linh - trở về đường ngay nẻo
chính. Họ có khả năng nâng đỡ và
thêm sức mạnh cho những người yếu đuối
tinh thần. Ai gần họ cũng cảm
thấy mình bình an hạnh phúc hơn, tin vững mạnh vào
Thiên Chúa, vào chính bản thân và tương lai mình hơn.
3. «Có Chúa cùng hoạt
động» với người rao giảng Tin Mừng
Bài Tin Mừng kết thúc bằng
một câu thật tuyệt vời, làm an lòng tất cả
những ai đang rao truyền Tin Mừng: «Các Tông Đồ
ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động
với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng».
Điều quan trọng nhất để việc loan báo
Tin Mừng trở nên hữu hiệu - nghĩa là không chỉ
giúp người ta biết Tin Mừng, mà còn làm cho họ sống
Tin Mừng nữa - đó là «có Chúa cùng hoạt động
với họ». Nhưng làm sao để có Chúa
ở cùng? - Họ chỉ có Chúa ở cùng khi họ
thường xuyên ý thức sự hiện diện của
Ngài, và luôn gắn bó với Ngài bằng tình yêu chân thành có khả
năng thúc đẩy họ hy sinh, dấn thân thật sự.
Nhờ đó, họ có «những dấu lạ kèm theo» xác nhận những gì họ rao giảng
là chân lý. Dấu lạ quan trọng và căn bản nhất
- có khả năng thuyết phục những người
nghe họ - chính là họ đã thật sự sống
được những điều họ rao giảng. Nhờ
sống điều mình nói mà lời họ nói trở nên sống
động, mạnh mẽ, đầy sức hấp dẫn,
khiến người nghe luôn «tâm phục khẩu phục»,
đồng thời cảm nghiệm được sự
hiện diện cụ thể của Thiên Chúa ở nơi
họ. Ước gì mọi người loan báo Tin Mừng
đều luôn «có Chúa cùng hoạt động» như vậy!
Cầu nguyện
Lạy Cha, xin cho con biết
sống đức tin của mình một cách thực tế
và sống động. Vì quả thật rất nhiều
khi con tuyên xưng đức tin của mình hết sức mạnh
mẽ trước mặt mọi người, nhưng
đời sống con lại chứng tỏ con chẳng
tin bao nhiêu! Thế mà con lại rao giảng thật hùng hồn
về đức tin ấy khiến người nghe con cảm
thấy những lời con nói chỉ là những sáo ngữ,
những lời giả dối, không thể tin nổi. Xin
Cha giúp con thật sự sống những điều con
tin, và rao giảng những điều con sống.