Lên trời.
Có những cuốn sách khi
khép lại chính là lúc mở ra: mở ra cho suy tư, mở
ra cho trách nhiệm, mở ra cho hành động. Sách Tin Mừng
là cuốn sách như thế, theo ý nghĩa trọn vẹn
nhất. Nếu Tin Mừng khép lại cuộc đời
Chúa Giêsu thì đồng thời lại mở ra cho một
trang sử mới. Nếu biến cố Thăng Thiên khép lại
cuộc đời tại thế của Chúa Giêsu, thì đồng
thời lại mở ra cho một mệnh lệnh mới
phải được thực thi, một trách nhiệm mới
phải được hoàn thành, một hiện diện mới
phải được đón nhận. Chính trong sự
đan kết đó mà phụng vụ lời Chúa hôm nay vừa
mời gọi chúng ta suy niệm mầu nhiệm Thăng
Thiên, lại vừa đòi hỏi chúng ta đào sâu trách nhiệm
tông đồ, trách nhiệm truyền giáo, trách nhiệm rao
giảng Tin Mừng trong đời người Kitô hữu.
Trước hết, về
mầu
nhiệm Thăng Thiên, tức là mầu nhiệm Chúa
Giêsu lên trời. Trong bốn sách Tin Mừng, chỉ có hai
sách nói đến việc Chúa Giêsu lên trời, đó là Tin Mừng
Marcô và Luca. Thánh Marcô nói rất vắn tắt, chỉ nói
Chúa Giêsu lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa, chứ
không nói rõ Chúa lên trời ở đâu và sau khi sống lại
được bao lâu. Còn thánh Luca, đọc Tin Mừng của
ngài, chúng ta có cảm tưởng Chúa Giêsu lên trời ngay
ngày Chúa sống lại và ở gần Bêtania. Nhưng theo
sách Công vụ Tông đồ, cũng của thánh Luca, thì Chúa
lên trời sau khi sống lại được 40 ngày, và chỗ
Chúa lên trời là núi Cây Dầu.
Chúa Giêsu lên trời là một
điều chắc chắn. Đây là một mầu nhiệm,
một tín điều chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính:
“Ngày thứ ba, Người sống lại như lời
Thánh Kinh, Người lên trời ngự bên hữu Đức
Chúa Cha”. Vậy ý nghĩa của mầu nhiệm này thế
nào? Việc Chúa lên trời là một sự kiện tất
yếu của quá trình nhập thể và cứu chuộc của
Ngài, nghĩa là Ngài là Con Thiên Chúa, từ trời xuống trần
gian để thực hiện chương trình cứu chuộc
của Chúa Cha, Ngài đã giảng dạy, phục vụ và
cống hiến cả mạng sống, nên sau khi sống lại
từ cõi chết, Ngài đã được Thiên Chúa Cha tôn
vinh, được đặt bên hữu Thiên Chúa và ban cho
quyền xét xử vũ trụ.
Chúa lên trời là một câu
trả lời vô cùng phấn khởi cho chúng ta, nếu chúng
ta trung thành tin theo Chúa, chúng ta cũng sẽ được
về trời, sẽ được Chúa Giêsu đón
vào trong nhà Cha để cùng với Ngài hưởng hạnh
phúc vinh quang muôn đời. Tuy nhiên, để đạt
được nước trời đòi hỏi chúng ta phải
trả giá, cũng như không có thành công nào hay hạnh phúc
nào ở đời này mà lại đạt được
quá dễ dàng, thì hạnh phúc nước trời thì lại
càng khó hơn biết bao, đòi hỏi chúng ta phải kiên
trì và cố gắng về mọi phương diện. Những
ngày sống lữ thứ trần gian là để đi vào
nước trời, chúng ta phải cố công đi cho tới
đích, không bao giờ được bỏ cuộc, không
rẽ ngang, không đi lui, phải đi tới mãi.
Đường vào nước trời thiên nan vạn nan chứ
không phải dễ dàng ra vào như đi chợ hay đi
bát phố. Kinh Thánh nói: Người ta phải dùng sức mạnh
sấn sả mà đi vào; qua con đường hẹp, phải
ra đi trong nức nở mới trở về trong hân
hoan. Cũng thế, ai cũng biết bài học:nước
chảy đá mòn”, “kiến tha lâu đầy tổ”, “có công
mài sắt, có ngày nên kim”, “có khó mới có miếng ăn”, thì
trên phạm vi siêu nhiên cũng vậy, Chúa dạy: “Ai bền
đỗ đến cùng mới được cứu rỗi”,
vì nước trời đòi hỏi rất nhiều cố
gắng, rất nhiều công lao khó nhọc.
Nhưng làm sao người
ta có thể biết Chúa, tin theo Chúa, sống theo những lời
Chúa giảng dạy để rồi cũng được
về với Chúa? Chính vì thắc mắc đó mà trước
khi về trời, Chúa Giêsu đã ra chỉ thị cho các môn
đệ của Ngài. Ngài đã sai các ông ra đi trên vạn
nẻo đường thế giới, ban cho các ông nhiều
quyền năng để rao giảng Tin Mừng và đem
ơn cứu rỗi đến cho mọi người.
Chính nhờ các tông đồ đầu tiên ấy, rồi
các tông đồ khác, lại các tông đồ khác nữa kế
tiếp nhau trung thành thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng
ấy mà người ta biết Chúa, tin theo Chúa, được
cứu rỗi và rồi sẽ được về trời.
Nói khác đi, Chúa
Giêsu đã dùng Giáo hội như đôi tay để tiếp
tục công cuộc cứu chuộc của Ngài,
nghĩa là Giáo hội như một nối dài của Chúa
Giêsu. Cách đây hai ngàn năm, Chúa Giêsu đã đi lại,
đã giảng dạy, đã làm nhiều điều tốt
đẹp. Ngày nay, Ngài cũng muốn cho các hoạt động
của Ngài được tiếp tục qua Giáo hội. Sứ
mạng của Chúa Giêsu là một sứ mạng thiêng liêng,
nhưng sứ mạng đó cần phải được
thể hiện bằng lời nói, bằng hành động
bên ngoài. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi trao phó sứ
mạng đó cho Giáo hội, Chúa muốn nó được
thực thi trong một khung cảnh hữu hình, nhờ những
phương tiện cụ thể. Chính nhờ những
sinh hoạt hữu hình và đôi tay cụ thể của Giáo
hội mà Chúa Giêsu tiếp tục loan truyền chân lý, trao
ban sự sống và dẫn đưa nhân loại về hạnh
phúc vĩnh cửu.
Là chi thể của Giáo hội,
thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô, mỗi Kitô hữu là cánh tay
rộng mở của Chúa, nhờ đó Ngài không ngừng
giãi tỏa ánh sáng, trao tặng tình thương, ơn cứu
độ và hạnh phúc cho mọi người. Để
được như thế, cách tốt nhất là chúng ta
hãy sống tốt: hãy sống tốt với mọi người
trong gia đình, với xóm ngõ, với bạn bè, trong nơi
làm việc và với những người chung quanh, bất
kỳ lương hay giáo. Sống tốt có nghĩa là sống
cởi mở, sống hòa đồng, sống vui
tươi, sống bác ái, sống chan hòa tình yêu
thương với mọi người.
Mừng lễ Chúa Giêsu lên
trời nhắc nhở chúng ta: Chúa
đã lên trời, chúng ta cũng sẽ về trời,
đó là cùng đích của hạnh phúc đời người.
Vì thế, chúng ta hãy sống cho thật tốt, thật tròn
đầy những bổn phận hằng ngày để
đạt được hạnh phúc ấy. Đồng
thời ngày lễ hôm nay cũng mời gọi chúng ta hãy ra
đi vào thế giới, vào môi trường mình đang sống
để làm chứng cho Chúa, để giới thiệu
Chúa cho anh em bằng chính đời sống tốt đẹp
của chúng ta.