Để có Chúa cùng hoạt động.
(Suy niệm của Lm
Phêrô Vũ Văn Quí – CVK64)
“Nói xong, Chúa Giêsu
được đưa lên trời và ngự bên hữu
Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp
nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những
dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời
các ông rao giảng” (Mc 16, 19-20).
Hai câu cuối cùng trên
trong Tin Mừng Marcô mang lối văn nặng hình tượng
nhưng, với tôi, là lời mời gọi vô cùng tha thiết
trong thế giới kỹ thuật số hiện nay.
Để “có Chúa cùng hoạt
động”, tôi tớ của Lời Chúa, như Phaolô quả
quyết: “Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Kitô Giêsu,
tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để
loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa” (Rm 1, 1), phải là người
rao giảng thật xứng danh với địa vị
cao cả, vì Chúa Giêsu đã kêu gọi trong chân lý trọn vẹn:
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi,
vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29),
hay như thánh Phaolô đã nêu gương: “Anh em hãy bắt
chước tôi, như tôi bắt chước Đức
Kiô” (1Cr 11, 1).
Để “có Chúa cùng hoạt
động”, tôi tớ của Đức Kitô không thể là
những kỳ lục và biệt phái, những kẻ bị
Chúa quở trách khi căn dặn dân chúng: “Vậy, những
gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng
theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không
làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người
ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động
ngón tay vào” (Mt 23, 2-4).
Những
người rao giảng Lời Chúa như vừa nêu trên cao
rao một lý tưởng sống cao đẹp nhưng bản
thân lại sống mâu thuẫn. Họ hô
hào những người khác dấn thân vào con đường
hẹp. Còn chính họ thì lại vi
vút giữa đại lộ thênh thang. Chính vì thế mà những
người được nghe giảng khi họ gặp
những con người kiên trung với nội dung rao giảng,
chấp nhận đau khổ thua thiệt, không bị của
cải thế gian vùi dập, vượt lên khỏi những
sự dữ tác hại và dám chết vì điều mình loan
báo (Mc 16, 17-18), thì đây quả là một ấn tượng
rất lớn đối với họ. Một chân lý hiển
nhiên là, từ kinh nghiệm bản thân, ai cũng biết rằng
người ta chỉ sẵn lòng chịu cực khổ vì
những điều họ thực sự thâm tín mà thôi. Do
đó, Lời đã được sống có một sức
mạnh thu hút vô địch, không gì thay
thế được. Lời đó đầy
lôi cuốn, đầy thuyết phục bởi đó là Lời
đã từng cảm nghiệm, và đã vì đó mà chịu
thương chịu khó trong cõi đời và trong nếp sống
cầu nguyện của người rao giảng. Lời
đó từ môi miệng phát ra mang theo một
nhiệt tâm và một sức mạnh hết sức đặc
biệt. Trong Lời đó có mảng linh hồn
của chính người giảng, và có thể bắt gọn
linh hồn người nghe. Sự
tương giao giữa người giảng và người
nghe xẩy ra không phải trên ý niệm suông, nhưng trên thực
tế. Đây cũng chính là điều mà tác giả
trong phần cuối của Tin Mừng Marcô đã khẳng
định: “có Chúa cùng hoạt động với các ông, và
dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận
lời các ông rao giảng.”
Chính thánh Phaolô tông đồ
đã khích lệ: “Chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ
rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa; còn chúng tôi, chúng tôi chỉ
là tôi tớ của anh em, vì Đức Giêsu” (2Cr 4, 5). Vậy ở đâu chưa có sự nhất quán với
Lời Chúa, tức chưa cùng đồng hình đồng dạng
với Đức Kitô thì trước tiên cần có đức
khiêm nhường. Đây là thái độ
tối cần thiết cho những tôi tớ của Lời
Chúa. Người rao giảng phải tự xóa nhòa bản
thân trước sự hiện diện của Lời Chúa,
phải khước từ vinh quang của riêng mình, như
thánh Gioan Tẩy Giả đã sống và đã chia sẻ với
các môn sinh của mình: “Đức Kitô phải nổi bật
lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3, 30).
Không chỉ hạ mình
khiêm nhường, thánh Phaolô, Vị Tông Đồ rao giảng
vĩ đại đã sống chết với Tin Mừng
khi ngài viết cho môn đệ Timôthê yêu dấu: “Vì Tin Mừng,
tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích
như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên
Chúa đâu bị xiềng xich!” (2Tm 2, 9).
Với lòng mến thâm sâu, ngài đã đặt
trọng tâm tất cả vào việc loan báo Tin Mừng, cho
dù có phải bị gông cùm, ngài vẫn sẵn lòng đón nhận.
Với lòng mến đầy tin yêu và để “được
đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” như
Đấng mà ngài say mê rao giảng, thánh Tông Đồ
đã thể hiện được ý nghĩa siêu nhiên mà
Chúa Giêsu đã truyền đạt trước khi trở về
nơi Người đã đến là “dù có uống nhằm
thuốc độc, thì cũng chẳng sao.”
Mới đây, kết
thúc buổi triều yết chung tại Quảng trường
Thánh Phêrô sáng ngày 20/5/2009, ĐTC Biển Đức XVI đã
vắn tắt mở lời kêu gọi về Ngày Truyền
thông Thế giới sẽ được cử hành vào ngày
Chủ nhật 24 tháng 5 sắp tới. Ngài mời gọi:
“Đặc biệt với
giới trẻ, cha kêu gọi các con hãy làm nhân chứng cho
đức tin của chúng con qua thế giới kỹ thuật
số. Hãy dùng những kỹ thuật mới đó để
truyền bá Thánh Kinh, hầu cho Tin Mừng về tình yêu vô hạn
của Thiên Chúa vang dội bằng những phương thức
mới khắp trong thế giới của chúng ta, một
thế giới không ngừng tăng tiến về kỹ
thuật.” (trích Vietcatholic.net)
Làm nhân chứng cho đức
tin mà ĐTC vừa nhắc nhở trên đã giúp tôi khâm phục
biết bao một nhân chứng trên xe
lăn mà tôi mới nhận được từ một
nhóm trên mạng gửi tới. Bài viết có nội dung
như sau và trích từ R. Veritas:
“Một phụ nữ tên là Mensi đã đăng quảng
cáo trên một tờ báo địa phương như sau:
"Nếu bạn cô đơn hay gặp nan đề nào,
xin hãy gọi điện thoại cho tôi. Tôi bị liệt
phải ngồi xe lăn tay, nên rất
ít khi ra ngoài. Chúng ta có thể trao đổi nan
đề với nhau. Mời bạn cứ gọi.
Tôi rất thích nói chuyện với bạn".
Việc đáp ứng quảng
cáo này rất kỳ lạ. Mỗi tuần bà Mensi nhận được khoảng
từ 30 cú phôn, và bà rất mừng. Điều gì thúc đẩy
một người tàn tật ngồi trên xe
lăn tay muốn tiếp xúc nói chuyện với những
người khác?
Bà Mensi kể rằng trước khi bị tê liệt
bà có sức khỏe hoàn toàn, nhưng rất tuyệt vọng.
Bà đã tự tử bằng cách nhảy từ
trên gác cao xuống đất. Nhưng thay vì chết,
bà bị tê liệt từ thắt lưng trở xuống. Nằm trong nhà thương bà hoàn toàn tuyệt vọng.
Nhưng một hôm bà nghe như Chúa Giêsu nói với bà:
"Mensi ơi, trước đây con đã có một thân
xác hoàn hảo, nhưng linh hồn con lại què quặt, Kể
từ nay con sẽ có thân xác què quặt, nhưng linh hồn
con kháng kiện".
Sau khi ra khỏi nhà thương, bà Mensi quyết tâm
dâng đời mình cho Chúa. Bà cầu xin Chúa cho
bà được chia sẻ niềm tin của mình với
người khác. Rồi bà đăng báo
như đã kể trên đây.
Công việc của bà Mensi xem ra
như không có gì đối với người khác. Nhưng với bà, đó là công việc
lớn lao nhất mà một người tàn tật có thể
làm để phục vụ Chúa.”
Và lời cuối cùng của
bài viết cũng là lời nhắc nhở rất cụ
thể về việc loan báo Tin Mừng bình an dành cho những
ai muốn “có Chúa cùng hoạt động” trong thế giới
kỹ thuật số hiện đại như ngày nay:
“Mỗi
người tin Chúa phải làm một việc nào đó
để giúp đồng bào, đồng loại của
mình. Mạnh khỏe hay tật nguyền, trẻ tuổi
hay già nua, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện, viết
thư hay làm bất cứ điều gì
theo khả năng, nếu chúng ta thực sự muốn
đem Chúa vào tâm hồn những người chung quanh mình”.
Lạy Chúa,
Xin giúp con sức mạnh
để con cũng kiên cường biết sống cho tha
nhân như bà Mensi dù cho bà ngồi trên xe
lăn như con vậy. Amen.