Chia sẻ Tin Mừng CN Lễ Thăng Thiên NB
Chứng Nhân của Đức Kitô
Từ hơn 500 năm trước, ngôn sứ Dacaria đã tiên báo Chúa Giêsu sẽ chia tay các môn đệ tại núi Ôliu. “Ngày ấy, Người sẽ dừng chân trên núi Ôliu, đối diện với Giêrusalem về phía đông.”(Dcr 14,4) Điều đó đã được sách Công Vụ Tông Đồ xác nhận ngay trong phần mở đầu. (Cv 1, 12)
Mặt khác, cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu bắt đầu diễn ra tại vườn Giệtsimani, dưới chân núi Ôliu. Nay Chúa thăng thiên trên núi Ôliu, phản ảnh sự liên tục đầy ý nghĩa, cũng như sự liên kết chặt chẽ giữa đất và trời qua trung gian Chúa Giêsu.
Kinh ngạc trước cảnh tượng Chúa Thăng Thiên vinh hiển và huy hoàng, các tông đồ cứ mãi ngẩn ngơ dõi theo, đến nỗi hai thiên sứ hiện đến nhắc nhủ: Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông thấy Người lên trời.(Cv 1, 11)
Bây giờ, chúng ta cũng chẳng khác các ngài, cũng hay chỉ đơn giản nhìn lên trời, mà than thở, kêu van, kinh kệ, hay ao ước, mong vào cõi phúc vĩnh cửu. Làm như sống đạo chỉ biết đến duy nhất hai chữ “Xin Cho”, y như bắt chước nếp sống thế gian, khi long đong lận đận, chỉ biết xin xỏ lòng hảo tâm.
Tuy nhiên, điểm nổi bật trong bài Tin Mừng theo thánh sử Máccô hôm nay, chính là lời dặn dò cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi Người lên trời. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ, còn ai không tin sẽ bị kết án.”(Mc 16, 15)
Sách Công Vụ Tông Đồ còn nhấn mạnh hơn nữa: “Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất.”(Cv 1, 8)
Như thế, tuy hai câu nói cuối cùng của Chúa Giêsu được hai sách thánh ghi lại, không hoàn toàn giống nhau về mặt chữ nghĩa, nhưng lại cùng chung một nội dung truyền giáo, một lời trăn trối, hay đúng hơn là một mệnh lệnh.
Mệnh lệnh truyền giáo đó được thực hiện cụ thể qua hai hành động: Loan báo Tin Mừng và làm Chứng Nhân của Chúa Kitô. Tuy hai, mà lại kết hợp mật thiết làm một, như hai mặt của một đồng tiền. Dẫu vậy, thường chúng ta lại chỉ quen chọn và ưu ái một việc, là thích rao giảng hơn làm chứng nhân.
Trước đây, Chúa Giêsu đã nêu tấm gương sáng, ngôn hành hiệp nhất, qua ba năm giảng dạy và cuộc khổ nạn đau đớn, để minh chứng công khai tính khả thi trọn vẹn của mệnh lệnh đó.
Riêng vai trò chứng nhân được Chúa nhắn nhủ nhiều lần. “Chính anh em là muối cho đời…Chính anh em là ánh sáng cho đời…Ánh sáng của anh em phải chiểu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp của anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”(Mt 5, 13-16) (Mc 9, 50)( Lc 14, 34-35)
Cảm nghiệm về vai trò chứng nhân, ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận chia sẻ:”Giáo dân thời sơ khai diễn tả cách nôm na: Tông đồ là người có Chúa Kitô trong lòng, Chúa Kitô trên miệng, Chúa Kitô trên tay, Chúa Kitô trong óc, Chúa Kitô trên vai…Tóm lại, là một người đầy tràn Chúa Kitô và cho kẻ khác Chúa Kitô.”( ĐHV, số 292)
Lạy Chúa Kitô, xin cho con biết nhiệt thành đón nhận sứ mệnh Đi Gieo Tin Mừng, mặc dù gian nan, thử thách và hiểm nguy.
Lạy Mẹ Mân Côi, xin giúp sức con can đảm, trở thành chứng nhân đích thực của Chúa Kitô, giữa xã hội xô bồ đầy mâu thuẫn, đang mải mê chạy theo tà thần và phù vân. Amen.
AM Trần Bình An
|