Nước mắt Mẹ
Ngày ấy hẳn Mẹ là một thiếu nữ đôi mươi duyên dáng và dễ thương, với nhiều mơ ước như những thiếu nữ khác cùng trang lứa. Dĩ nhiên khi ấy chưa có tôi trên cõi đời này. Về sau, tôi mới được Ngoại tỉ tê kể về Mẹ. Ngoại buồn, có khi Ngoại khóc, vì đã “ép duyên” Mẹ để Mẹ chịu đựng nỗi khổ cả một đời. Có thể nói rằng Mẹ không được một ngày vui trọn vẹn cho đến cuối đời. Cuộc đời Mẹ đẫm đầy nước mắt!
Gia đình chồng khá khắt khe theo quan niệm cổ xưa. Chị em chồng lúc nào cũng lườm nguýt, xa cách. Mấy cô em chồng lúc nào cũng như chiếc máy cassette bật sẵn, tự động lặp đi lặp lại điệp khúc như người ta đọc vè: “Mua mâm thì đâm cho thủng, mua thúng thì đựng cho mòn”. Ôi, cái quan niệm “gả bán” thời phong kiến thâm độc quá! Sáng sớm Mẹ đã phải dậy trước lo cơm nước, cả ngày lại phải quần quật việc đồng áng. Mùa nào việc nấy. Trong cái lạnh như cắt da của thời tiết miền Bắc, Mẹ vẫn phải lội ruộng cấy lúa – nghe Mẹ nói là mùa Chiêm. Tối về lại phải nai lưng xay lúa, giã gạo cho ngày hôm sau. Tôi cứ tưởng tượng cảnh làm dâu của Mẹ mà rợn cả người. Thế mà Mẹ vẫn âm thầm chịu đựng, không nửa lời than thân trách phận. Đau khổ cứ chồng chất lên đôi vai Mẹ!
Khi hai chị tôi trưởng thành, vì thấy cảnh đời mình như vậy, Mẹ không ép gả ai mà cho tự do chọn hướng đời. Anh cả mất sớm. Ngày chị Huệ theo chồng, Mẹ khóc rất nhiều vì thương con, rồi Mẹ lại khóc thương chị mãn phần quá sớm khi tuổi đời mới ngoài 30, bỏ lại 5 đứa con nheo nhóc. Chắc Mẹ an tâm phần nào khi chị Hảo đi tu. Còn tôi thì số phận cứ lận đận mãi, khiến Mẹ đã nhiều lần khóc vì tôi. Năm ấy, ròng rã gần 4 tháng trời (16/6 tới 10/10/1979), lại vào năm trời làm đói kém, Mẹ càng khổ vì phải lo cho tôi nằm viện. Căn bệnh trầm kha của tôi bòn rút bao nhiêu là tình Mẹ. Xa quá, Mẹ già không thăm tôi được nên Mẹ càng buồn và khóc hàng ngày đến rạc người. May mà trời cho tôi qua khỏi!
Sau khi lo vợ cho em trai út, Mẹ để cho tôi tự do đi xa sống tự lập. Bao ngày tháng bôn ba, tương lai vẫn mịt mờ. Tôi biết Mẹ vẫn ngày đêm khóc thầm thương cho đứa con trai tha phương cầu thực mà cuộc sống vẫn bấp bênh như đi trên cầu khỉ. Mỗi lần về thăm, thấy Mẹ xót xa tôi mà tôi nghe lòng quặn đau. Ở xa về tôi không có đồng quà tấm bánh cho Mẹ già, thế mà Mẹ vẫn dành cho tôi những món quà vô giá, tuy mộc mạc chân chất nhưng chứa chan tình yêu thương. Nhìn vóc dáng tiều tụy, mái tóc bạc trắng, và những vết thời gian hằn sâu trên khuôn mặt Mẹ, tôi xót lòng mà không biết làm sao được!
Tình Mẹ bao la quá, tuyệt vời quá! Thế nhưng tôi vẫn chẳng làm được gì cho Mẹ có chút niềm vui. Tôi không muốn khoanh tay mà vẫn đành thúc thủ, dù tôi thực sự không muốn tự biện hộ cho mình. Thân cò Mẹ suốt đời lặn lội trên Bến Lặng Yêu Thương với những giọt nước mắt khổ đau nhưng lại nồng ấm tình thương. Không bao giờ tôi có thể hiểu thấu và không bao giờ tôi có thể đền đáp được tình Mẹ – dù chỉ là một phần nhỏ – vì Mẹ đã vĩnh viễn xa tôi để về bên kia thế giới. Tình Mẹ đã chắp cánh cho tôi và soi bước tôi đi giữa cuộc đời này.
Xin cảm ơn Mẹ, xin thắp nén nhang lòng tưởng nhớ Mẹ. Xin được hòa chung với nước mắt Mẹ với niềm thành kính của một đứa con bất hiếu!
Trầm Thiên Thu
|