Niềm tâm sự – JKN.
Câu hỏi gợi ý:
1. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu có nói: “Cha Thầy dạy
Thầy thế nào, Thầy cũng dạy anh em như vậy,
nên anh em hãy dạy nhau như Thầy đã dạy anh em”
không? Hay nói: “Cha Thầy làm gì cho Thầy, Thầy cũng làm
điều ấy cho anh em, nên anh em hãy làm cho nhau như Thầy
đã làm cho anh em”? Điều đó có nghĩa gì?
2. Xét về gương của Đức Giêsu: Ngài
yêu thương con người đến mức độ
nào? Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau ở mức
độ nào?
3. Để yêu thương mọi người, ta có
thể làm gì cụ thể và ích lợi cho họ nhất? Họ
cần gì nhất?
Chia sẻ
1. Đức Giêsu bắt chước Chúa Cha, sau
đó Ngài mời gọi ta bắt chước Ngài
Trong bài Tin Mừng, ta thấy có những lời của
Đức Giêsu có hình thức ít nhiều tương tự
như sau: “Chúa Cha làm cho Thầy, Thầy cũng làm như vậy
cho anh em”, nên “anh em hãy làm như vậy cho nhau, giống
như Thầy đã làm cho anh em”. Chẳng hạn:
- Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúa Cha
đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến
anh em như vậy”. Sau đó Ngài mời gọi: “Anh em hãy
yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh
em”
- “Thầy đã giữ các điều răn của
Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”,
Vậy “anh em (hãy) giữ các điều răn của Thầy
và ở lại trong tình thương của Thầy”
- “Tất cả những gì Thầy nghe được
nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”, nghĩa
là: Tất cả những gì Cha Thầy nói với Thầy,
Thầy lại nói hết với anh em, nên tất cả những
gì Thầy nói với anh em, anh em hãy nói hết với nhau. Vì
nói cho nhau biết hết tức coi nhau như bạn hữu,
nên lời trên có thể diễn tả cách khác: Cha Thầy
đã coi Thầy như bạn hữu, Thầy cũng coi
anh em như bạn hữu, vậy anh em hãy coi nhau như bạn
hữu, giống như Thầy đã làm như vậy với
anh em.
Như vậy, Chúa Cha nêu gương cho Đức
Giêsu noi theo, Đức Giêsu lại nêu gương cho chúng ta
noi theo. Đức Giêsu cũng đã nói rõ điều ấy:
“Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em
cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). Vì thế,
bổn phận của chúng ta là tiếp tục nêu
gương tốt cho nhau, và cho mọi người. Nhờ
đó, chúng ta trở nên “muối cho đời” và “ánh sáng
cho trần gian” (x. Mt 5,13-16).
Trong nghi thức phong chức giáo sĩ, Đức
giám mục đại diện Giáo Hội trao cho các tân chức
bổn phận phúc âm hóa, gồm hai nhiệm vụ
được tóm lại trong câu: “Facete et docete” (=Hãy làm và dạy).
Không phải là không có dụng ý khi Giáo Hội đặt chữ
làm trước chữ dạy. Giáo Hội không bảo: “Hãy
dạy và làm”, mà bảo: “Hãy làm và dạy”. Giáo Hội có ý nói:
hãy làm gương trước đã rồi hãy dạy bảo
sau, vì làm gương thì cần thiết và quan trọng
hơn dạy bảo rất nhiều. Nhưng dường
như nhiều nhà phụ trách phúc âm hóa thời nay thường
chú tâm đến việc dạy bảo hơn là làm
gương, thậm chí coi rất nhẹ việc làm
gương. Nhiều khi lời dạy và việc làm của
người dạy trái ngược hẳn nhau. Vì thế,
việc phúc âm hóa và việc giáo dục Kitô hữu không
đi đến kết quả mong muốn vì chưa đi
đúng tinh thần của Đức Giêsu và Giáo Hội. Cần
nhận thức rõ ràng rằng gương sáng có tác dụng
giáo hóa hữu hiệu gấp nhiều lần lời dạy:
“Lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn”. Các nhà phúc âm
hóa và giáo dục Kitô hữu nên tránh vết xe đổ của
những người Pharisiêu xưa là “nói mà không làm” (Mt
23,3), hay “nói một đằng, làm một nẻo”.
2. Gương yêu thương và hy sinh của Đức
Giêsu
Điểm nhấn của bài Tin Mừng hôm nay là
gương yêu thương và hy sinh của Đức Giêsu,
và lời Ngài yêu cầu chúng ta hãy bắt chước Ngài mà
yêu thương nhau: “Đây là điều răn của Thầy:
anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu
thương anh em”.
Gương của Ngài trong việc yêu thương
chúng ta là: Ngài yêu bằng những hành động cụ thể,
nghĩa là hy sinh thật sự cho người mình yêu. Khi
yêu ai, người ta có thể hy sinh cho người ấy
thì giờ, tiền bạc, sức khỏe, công việc,
cơ hội, tình cảm khác, v.v… Nhưng hy sinh cao độ
nhất là hy sinh chính mạng sống mình: “Không có tình
thương nào cao cả hơn tình thương của
người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của
mình”. Đức Giêsu đã thực hiện chính sự hy
sinh cao độ ấy: “Đức Kitô đã chết vì
chúng ta” (Rm 5,6.8; x. Ep 5,2; 1Ga 3,16). Không ai thật sự yêu
thương mà lại không sẵn sàng hy sinh cho người
mình yêu. Ai nói mình yêu thương mà lại không muốn hy
sinh, kẻ ấy nói dối, hay tình yêu của kẻ ấy
chỉ là thứ môi miệng.
Như vậy, một trong những lý do quan trọng
khiến chúng ta phải yêu thương nhau, đó là chính
Thiên Chúa và Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta: “Nếu
Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng
ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,11); “Chúng ta hãy
yêu thương nhau, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta
trước” (1Ga 4,19); “Đức Kitô đã thí mạng vì
chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng
phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16).
3. Yêu thương nhau bằng cách làm gương sáng
cho nhau: gương tốt nhất là gương yêu
thương nhau
Người yêu thương đích thực thì sẵn
sàng hy sinh bất kỳ điều gì mà người mình yêu
cần đến. Điều mà người mình yêu cần
đến có thể rất khác nhau, tùy theo mỗi người
và theo từng trường hợp cá biệt. Để hy
sinh, để thể hiện tình yêu một cách thích hợp,
chúng ta cần phải tìm hiểu xem người mình yêu cần
những gì, và cần gì nhất. Đức Giêsu dạy
chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người
không trừ ai. Vậy chúng ta thử tìm hiểu xem con
người thời nay, nhất là những người
chung quanh ta, cần gì nhất.
Trong vô số những nhu cầu tinh thần cũng
như vật chất, điều mà con người cần
nhất là được cứu rỗi; nói cụ thể
và chi tiết hơn là tin vào Thiên Chúa, đồng thời biết
sống xứng đáng với phẩm giá của mình là hình
ảnh và là con cái Thiên Chúa để nhờ đó được
hạnh phúc vĩnh cửu. Vì thế, người yêu
thương tha nhân cách sáng suốt là người biết
quan tâm tới sự cứu rỗi của họ, nghĩa
là chẳng những giới thiệu cho họ biết Thiên
Chúa, tin Đức Giêsu, ý thức phẩm giá cao quí của
mình, mà còn giúp họ sống cho xứng với phẩm giá
cao quí ấy.
Để sống xứng với phẩm giá cao quí ấy,
không gì tốt cho con người bằng thực hiện
chính bản tính Thiên Chúa mà Ngài đã chia sẻ hay thông phần
cho họ: “Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất
quý báu và trọng đại Người đã hứa, là
cho anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa”
(2Pr 1,4). Mà điều cốt yếu trong bản tính Thiên
Chúa chính là tình yêu: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8.16). Vì thế, sống
yêu thương - yêu Thiên Chúa và tha nhân - chính là thực hiện
bản chất cao quí nhất của con người, là sống
xứng với phẩm giá của con người là hình ảnh
và là con cái Thiên Chúa. Đó cũng chính là điều mà con
người cần thiết phải làm để
được cứu rỗi. Chính vì thế, Đức
Giêsu chỉ truyền cho con người một giới luật
duy nhất là yêu thương nhau: “Điều Thầy truyền
dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15,17; x. Ga 13,34-35;
15,12; 1Ga 3,23; 2Ga 1,5). Vào ngày chung thẩm, Thiên Chúa chỉ
căn cứ vào một điều duy nhất để
phán xét chúng ta, đó là tình yêu của chúng ta đối với
tha nhân (x. Mt 25,31-46).
Vì thế, tìm cách làm cho những người chung quanh
ta yêu thương nhau, hy sinh cho nhau, chính là làm cho họ
được cứu rỗi. Và không cách nào hữu hiệu
để giúp họ yêu thương nhau cho bằng chính ta
làm gương sáng cho họ về điều ấy.
Nghĩa là ta không chỉ dạy họ yêu thương nhau
và yêu thương mọi người, mà chính chúng ta phải
thật sự gương mẫu trong việc yêu
thương mọi người và yêu thương chính họ
(những người ta dạy dỗ). Phải sống làm
sao để có thể nói được tương tự
như Đức Giêsu, chẳng hạn: “Thiên Chúa và Đức
Giêsu yêu thương tôi, nên tôi cũng yêu thương anh chị
em như vậy… và anh chị em cũng hãy yêu thương
nhau giống như tôi đã yêu thương anh chị em”.
Tình yêu của ta đối với mọi người phải
là tấm gương để mọi người nhìn vào
đấy mà yêu thương nhau.
Tình yêu thật sự sẽ như một mồi lửa
có thể lan truyền từ người nọ sang người
kia và cuối cùng biến trần gian này thành Nước Trời.
Chính Đức Giêsu đã mong ước lửa tình yêu mà
Ngài đã đem đến trái đất lan truyền
đến mọi người và bùng cháy lên: “Thầy đã
đem lửa đến trần gian, và Thầy những
ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49).
Lửa ấy có bùng lên hay không, điều ấy tùy thuộc
vào mỗi người chúng ta có lửa ấy trong tâm hồn
mình hay không, và có biết truyền lửa ấy đến
tâm hồn những người chung quanh ta hay không!
Cầu nguyện
Lạy Cha, Cha và Đức Giêsu đã yêu thương
con vô bờ bến, xin cho con cũng biết yêu
thương mọi người chung quanh con bằng những
hy sinh cụ thể về thì giờ, tiền bạc, sức
khỏe, công việc, cơ hội… Xin cho mọi người
chung quanh con cảm nghiệm được tình yêu chân thật
của con dành cho họ, để chính họ cũng bắt
chước con mà yêu thương nhau.