Hãy yêu
thương nhau như Thầy yêu thương anh em.
Suy
niệm của Lm. Đan Vinh.
TÌM HIỂU LỜI CHÚA
1) Ý chính: Hãy yêu
thương nhau như Thầy yêu thương anh em.
Tin Mừng hôm nay tiếp theo dụ
ngôn cây nho và cành nho. Đức Giêsu nói về mối
tương quan mật thiết giữa các cành nho là tình yêu
thương giữa các môn đệ, các tín hữu với
nhau. Như Chúa Cha đã yêu thương Chúa Con thế
nào, thì Đức Giêsu cũng yêu thương các môn đệ
như vậy, và người truyền cho các môn đệ
cũng phải yêu thương nhau giống như Người
đã yêu thương và hy sinh chịu chết để cứu
độ họ.
2) Chú thích:
- Chúa Cha đã yêu mến Thầy
thế nào, thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy,
Anh em hãy ở trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều
răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình
thương của Thầy, như Thầy giữ các
điều răn của Cha Thầy, và ở lại trong
tình thương của Người (Ga 15,9-10):
+ Chúa Cha đã yêu mến Thầy: Đức Giêsu nhiều
lần nói về tình yêu của Chúa Cha dành cho Người
(x. Ga 3,35; 5,20; 17,24). Chúa Cha cũng nhiều
lần xác nhận điều này (x. Mt 3,17;
17,5). Tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Con là thứ
tình yêu chia sẻ và trao ban, và tình yêu của Chúa Con đối
với Chúa Cha là thứ tình yêu tôn kính và vâng phục.
+ Thầy cũng yêu mến anh em: Noi gương Chúa
Cha, Đức Giêsu cũng yêu thương các môn đệ
bằng một tình yêu như vậy.
+ Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy:
Đây là lời mời gọi tha thiết của Đức
Giêsu đối với các môn đệ. Người
kêu gọi họ hãy luôn kết hiệp với Người,
và đừng bao giờ từ chối hay phản bội
tình yêu của Người.
+ Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy:
Giữ các giới răn là một cách thế diễn tả
tình yêu của các môn đệ đối với Đức
Giêsu. Đó cũng là dấu chỉ cho thấy
các ông đang “ở lại trong” tình thương của
Người.
+ Nếu Thầy đã giữ các điều răn của
Cha Thầy: Trong suốt cuộc sống ở trần gian,
Đức Giêsu luôn xin vâng theo thánh ý Chúa Cha (x. Ga 6,38; 8,29; Dt 10,9). Người vâng phục thánh
ý Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết
và chết trên cây thập giá (x. Pl 2,8). Nhờ
tuân giữ các giới răn của Chúa Cha, là bằng chứng
cho thấy Đức Giêsu luôn “ở lại trong” tình
thương của Người.
- Các điều ấy, Thầy đã nói với anh
em, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và
niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu
thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.
Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương
của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu
của mình (Ga 15,11-13):
+ Để niềm vui của Thầy ở trong anh
em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn:
Niềm vui hân hoan mà Đức Giêsu cảm nhận
được là kết quả của việc Người
đã tuân giữ các giới răn của Chúa Cha, luôn làm theo Thánh Ý Chúa Cha. Niềm vui ấy các môn
đệ cũng sẽ nhận được, nếu các
ông biết tuân giữ giới răn yêu thương nhau
như Đức Giêsu đã truyền dạy.
+ Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy
yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh
em: Điều răn mà các môn đệ phải thi hành là
yêu thương nhau không phải bằng tình cảm suông hay
lời nói cử chỉ bề ngoài, nhưng tình yêu phải
thể hiện qua việc tình nguyện hiến thân chịu
chết vì anh em, noi gương Đức Giêsu yêu
thương và đã phó nộp mình chịu chết để
đền tội thay cho các môn đệ và các tín hữu
chúng ta.
+ Không có tình thương nào cao cả hơn tình
thương của người đã hy sinh tính mạng vì
bạn hữu mình: Tình thương đòi phải hy sinh và
cho đi. Món quà trao tặng càng có giá trị thì tình yêu càng lớn
lao. Sự trao tặng cả
mạng sống của mình là dấu hiệu một tình yêu
tột đỉnh. Đức Giêsu đã sẵn sàng
chịu chết để đền tội thay cho môn
đệ, thay cho mọi tín hữu chúng ta. Người
cũng đ¨°i môn đệ phải noi gương Người
để sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì anh em (x. 1
Ga 3,16; Pr 2,21).
- Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em
thực hiện những điều Thầy truyền dạy.
Thầy không còn gọi anh em là tối tớ nữa, vì tối
tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi
anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy
nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã
cho anh em biết (Ga 15,14-15):
+ Anh em là bạn hữu của Thầy: Các môn đệ
là học trò sẽ được Đức Giêsu nâng cấp
lên trở thành bạn hữu của Người, với
điều kiện họ thực thi những điều
Người truyền dạy.
+ Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa
nhưng là bạn hữu: Tình bạn đưa tới sự
hiệp thông về tư tưởng, tâm tình vàsức sống.
Đức Giêsu đã cư xử với các
môn đệ bằng thứ tình bạn này, vì Người
đã bày tỏ cho các ông biết tất cả những gì
Người đã đón nhận được từ
nơi Chúa Cha.
- Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng
chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để
anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của
anh em tồn tại. Hầu tất cả những gì anh em
xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.
Điều Thầy truyền dạy anh em là: Hãy yêu
thương nhau (Ga 15,16-17):
+ Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng
chính Thầy đã chọn anh em: Ơn gọi trở thành
môn đệ của Đức Giêsu không phải do các ông có
công xứng đáng và chủ động chọn Người,
nhưng chính Người đã tuyển chọn và kêu gọi
các ông trước và các ông đã sẵn sàng đáp lại bằng
việc từ bỏ mọi sự mà đi làm môn đệ
Người, như hai đôi anh em: Simon Phêrô và Anrê, Giacôbê và
Gioan (x. Mt 4,19.21).
+ Và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh
được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại:
Chính Đức Giêsu đã huấn luyện và sai các môn đệ
ra đi truyền giáo bằng việc rao giảng Tin Mừng
Nước Trời và làm chứng nhân cho Người (x. Mt
10,1-10; 28,19; Cv 1,8). Nhờ kết hiệp
mật thiết với Đức Giêsu và nhờ Ơn Thánh
Thần tác động mà các ông đã đem lại nhiều
hoa trái tốt là đưa nhiều người gia nhập
vào Hội Thánh (x. Ga 20,22-23; Cv 2,37-41).
+ Những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì
Người ban cho anh em: Trong sự hiệp thông với
Đức Giêsu như cành nho liên kết với thân cây nho,
thì những lời cầu xin nhân danh Đức Giêsu sẽ
được Chúa Cha chấp nhận.
+ Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu
thương nhau: Yêu thương nhau là một giới
răn mới và quan trọng nhất nên được
Đức Giêsu nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Tình yêu ấy là dấu hiệu người
môn đệ đích thực của Đức Giêsu.
HỌC SỐNG LỜI CHÚA
1) “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã
yêu thương anh em” (Ga 15,12):
- Câu chuyện: Tình yêu mạnh hơn sự chết.
Có hai anh em nhà kia, cậu bé trai 8 tuổi
và cô em gái của cậu 6 tuổi. Cả hai đều gầy
yếu và hay đau ốm luôn. Một hôm cậu bé bị
đau gan cấp tính, được cha mẹ đưa
vào cấp cứu tại bệnh viện gần nhà. Sau thời
gian hai tuần lễ điều trị, cậu bé đã
thoát khỏi tình trạng nguy hiểm và đang nằm viện
thêm ít ngày để hồi sức. Nhưng
sau đó, lại đến lượt cô em gái bị chứng
xuất huyết nội và được mang đi cấp
cứu tại cùng một bệnh viện với anh.
Cô bé bị mất máu khá nhiều cần phải được
tiếp máu. Thế nhưng bệnh viện lại
không có sẵn loại máu của cô để truyền cho
cô. Rất may là máu của cậu bé anh cô lại cùng một
loại với em. Khi được hỏi có muốn cho
máu để truyền cứu sống em gái hay không, thì lúc
đầu cậu bé hơi ngần ngại và lo lắng một
chút. Nhưng ngay sau đó, cậu ta đã bình tĩnh lại
và can đảm trả lời bác sĩ rằng: “Vâng, con bằng
lòng hiến máu cho em con. Xin bác sĩ hãy cố
gắng cứu sống nó. Vì con thương em con lắm”.
Sau đó các bác sĩ đã tiếp máu của cậu bé cho
em. Khi tỉnh dậy, mọi người trong phòng đều
ngạc nhiên và buồn cười khi nghe cậu bé hỏi:
“Ô hay! Con vẫn còn sống đấy ư? Vậy bác
sĩ đã tiếp máu cho em gái con chưa? Em con bây giờ
ra sao rồi?”
- Suy nghĩ và quyết tâm: Thì ra cậu bé tưởng
lầm rằng khi cho máu, thì mình sẽ phải hy sinh mạng
sống của mình cho em, vì bác sĩ sẽ lấy hết
máu của cậu mà tiếp sang cho đứa em gái! Vì quá
thương em và không muốn em chết, nên sau một lúc ngần
ngại, cậu đã can đảm hy sinh mạng sống
của mình để cho em cậu được cứu sống!
Quả thật, trong trường hợp này: “Tình yêu mạnh
hơn sự chết”. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu
đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình
thương của người đã hy sinh tính mạng vì
bạn hữu của mình’ (Ga 15,13). Con
Thiên Chúa đã yêu các môn đệ là chúng ta đến cùng,
nên đã hy sinh chịu chết trên thập giá để
đền tội thay và đã sống lại để cứu
sống chúng ta để ban cho chúng ta sự sống đời
đời. Vậy trong Mùa Phục Sinh này, bạn quyết
tâm làm gì để biểu lộ tình thương đối
với các người thân yêu trong gia đình mình, noi
gương Chúa Giêsu như cậu bé trong câu chuyện trên
đã thể hiện?
2) Anh em hãy ở lại trong tình thương của
Thầy:
- Câu chuyện: Mục sư Mác-tin Lu-tơ Kinh (Martin
Luther King):
Vào năm 1963, tại Thủ
đô Wa-sinh-tân (Washington), 200.000 người
đã lắng nghe vị mục sư da đen là Mác-tin
Lu-tơ kinh, người đã đoạt giải No-ben Hòa
Bình nói chuyện. Nội
dung bài phát biểu của ông được cô đọng
trong mấy lời như sau: “Tôi ước mơ một
ngày kia, trên những cánh đồng miền
Gioóc-giơ (Georgia), con cháu của những người
nô lệ và của những chủ nôsẽ ngồi chung với
nhau trong một bàn tiệc huynh đệ. Tôi mơ ước
một ngày kia, 4 người con của tôi sẽ trở về
sống trong một đất nước mà chúng sẽ
không bị đánh giá, đối xử bất công dựa
trên màu da, nhưng là trên những công lao đóng góp xây dựng
của chúng …”. Ong luôn cố gắng thực
hiện ước mơ đó, dù gặp biết bao khó
khăn trở ngại, ganh ghét đố kỵ. Đến
năm 1968, Mác-tin lu-tơ Kinh đã ngã gục
dưới làn đạn của những kẻ thù ghét ông.
Nhưng chương trình hành động của
ông vẫn được tiếp tục. Bởi vì ước mơ hòa bình và bình đẳng
giữa các dân tộc của ông đã được hàng
triệu người trên thế giới đồng cảm
cùng quyết tâm thực hiện.
- Suy nghĩ và quyết tâm: Hiện nay tại môi
trường bạn đang sống như: khu xóm, trường
học, xí nghiệp, nhà máy, công sở, bệnh viện, nhà
thờ…có sự kỳ thị về Nam Bắc, tôn giáo,
cũ mới, nam nữ…hay không? Bạn sẽ
làm gì để khắc phục tình trạng kỳ thị ấy,
hầu xã hội của chúng ta ngày một công bình nhân ái
hơn?
3) “Không có tình thương nào cao cả hơn tình
thương của người đã hy sinh tính mạng vì
bạn hữu của mình” (Ga 15,13):
- Câu chuyện: “Anh phải sống”.
Có hai vợ chồng nhà kia, hàng ngày
cùng nhau vào rừng từ sáng sớm để kiếm củi
bó thành từng bó rồi chất lên một chiếc thuyền,
xuôi dòng ra chợ bán. Họ phải vất vả kiếm
tiền nuôi một gia đình gồm 4 miệng ăn: hai vợ
chồng và hai đứa con thơ: Đứa lớn
được 7 tuổi và đứa em mới 4 tuổi. Một hôm, vào buổi chiều, trên đường
chèo thuyền về nhà thì trời bổng tối sầm và
đổ mưa tầm tã. Sấm chớp
ầm ầm và gió mạnh làm mặt sông dậy sóng.
Chiếc ghe nhỏ bé của họ đầy nước
đang trôi nhanh giữa dòng sông và rồi bị lật úp,
khiến hai vợ chồng bị văng ra khỏi ghe. Rất
may là họ đã bám được vào một thân cây
đang trôi gần đó. Tuy nhiên thân cây chỉ
đủ cho một người bám. Bấy giờ chị
vợ ôm chặt lấy cổ chồng đang khi anh chồng
một tay bám vào thân cây, còn tay kia cố
bơi vào bờ. Nhưng phần vì bị sóng
gió vùi dập, phần phải đỡ vợ nên anh dần
dần đuối sức. Cảm thấy mình quá mệt
và có nguy cơ cả hai vợ chồng có thể đều
chết chìm, người chồng nói với vợ rằng:
“Em hãy buông anh ra và bám vào khúc cây rồi cố bơi vào bờ
để nuôi các con em nhé!”. Nhưng chị
vợ đáp: “Không! Anh phải sống mà nuôi con!”, rồi chị đã tự buông tay ra cho
chìm xuống để anh đủ sức bơi
được vào bờ. Sáng sớm hôm sau, người ta
thấy người chồng và hai đứa con thơ,
đầu chít khăn tang, dắt dìu nhau ra bờ sống lập
bàn thờ và thành tâm khấn vái để cầu xin
hương hồn người chết phù hộ cho ba bố
con.
- Suy nghĩ và quyết tâm: Cao cả thay tình
thương của một người vợ, người
mẹ! Chị đã quên mình, sẵn sàng hy sinh chịu chết
để cho chồng và con được sống! Đúng
như lời Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay:
“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương
của đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của
mình” (Ga 15,13). Còn bạn, bạn
quyết tâm làm gì trong những ngày Mùa Phục Sinh này để
chứng tỏ tình thương đối với các
người thân yêu ruột thịt của mình?
HIỆP SỐNG NGUYỆN CẦU
1) Lạy Chúa Giêsu, Con hiểu rằng: Đạo của
Chúa lấy giới răn Mến Chúa Yêu người làm
căn bản. Nhưng trong thực tế, con đã chưa
làm theo giới răn ấy. Lòng chúng con còn đầy sự ích kỷ vụ lợi,
trong khi lẽ ra con phải vị tha bác ái. Gia đình
chúng con chưa thực sự có tình yêu của Chúa, chưa
hiệp nhất yêu thương nhau, trên thuận dưới
hòa như Chúa đã dạy. Các bậc cha mẹ hay cãi lộn
nhau, vợ chồng chưa quên mình và hy sinh cho nhau, con cái
chưa hiếu thảo với cha mẹ, anh chị em
chưa thực sự tôn trọng lẫn nhau và chia sẻ
tình thương cho nhau.
Vậy lạy Chúa, xin ánh sáng Phục Sinh của Chúa
chiếu dọi vào tâm trí chúng con. Xin ngọn lửa tình yêu
của Chúa sưởi ấm và biến đổi lòng chúng
con ngày một quảng đại hơn. Xin cho tình yêu
đích thực của Chúa luôn ngự trị và tỏa sáng
trong chúng con. Xin cho chúng con luôn biết cảm thông chia sẻ
đón nhận người khác và sẵn sàng quảng đại
cho đi. Nhất là xin cho chúng con biết yêu thương
đến độ dám hy sinh quên mình để noi
gương Chúa xưa. Nhờ đó, ánh sáng vinh quang của
mầu nhiệm Phục Sinh sẽ tỏa chiếu rạng
ngời trên chúng con.
X) Hiệp cùng Mẹ Maria. -Đ) Xin Chúa nhậm lời
chúng con.
2) Lạy Mẹ Maria. Xưa trong cuộc
thương khó của Đức Giêsu, Mẹ đã luôn hiện
diện và kết hiệp mật thiết với Người.
Mẹ đã cảm thông và chia sẻ với nỗi
đau khổ của Chúa. Mẹ đã chấp
nhận đi đường thương khó của Chúa,
để cùng chết và cùng sống lại vinh quang với
Người.
Giờ đây, xin Mẹ giúp chúng con biết noi
gương Mẹ: luôn sống mầu nhiệm Tử Nạn
và Phục Sinh trong cuộc đời chúng con, thể hiện
trong cách suy nghĩ, nói năng và hành động. Xin cho chúng
con mỗi ngày biết chết đi cho những sự ganh
ghét hận thù, ích kỷ vụ lợi, đam mê lạc thú
bất chính và các thói hư tật xấu. Xin cho ánh sáng Phục
Sinh của Chúa chiếu soi vào mọi sinh hoạt của
chúng con. Xin cho chúng con biết chia sẻ cảm thông với
nỗi đau khổ của người khác. Xin cho chúng con
biết nở nụ cười cởi mở để
giơ tay ra trước làm hòa với
người không ưa chúng con, sẵn sàng đi bước
trước đến với người chúng con chưa
quen biết. Xin cho chúng con biết nhìn nhận người
khác là anh chị em để quên mình mà phục vụ họ,
nhất là đối với những người đang
đau khổ thể xác cũng như tâm hồn. Xin Mẹ
giúp con luôn ý thức rằng: yêu thương không phải chỉ
là tình cảm suông, nhưng là hành động cho đi, là
luôn hy sinh để làm cho người yêu được hạnh
phúc. Xin cho chúng con biết yêu thương bằng tình yêu của
Đức Giêsu, Đấng đã tặng cả mạng sống
của mình, sẵn sàng chịu chết để chúng con
được sống. Nếu chúng con thực hành tình yêu
như thế là chúng con đang hòa nhịp với trái tim yêu
thương của Chúa, đang làm chứng rằng ‘Thiên
Chúa là Tình yêu”, và hy vọng chúng con sẽ trở thành khí cụ
bình an của Chúa, và đưa được nhiều anh
em về làm con cái Chúa với chúng con.
X) Hiệp cùng Mẹ Maria. -Đ) Xin Chúa nhậm lời
chúng con.