Sống liên đới.
Trước Công
đồng Vatican II, nói đến tổ chức cơ cấu
của Hội thánh, người ta thường nghĩ
đến hình ảnh một kim tự tháp: ở chóp đỉnh
là Đức Giáo Hoàng, dưới là các Hồng Y, Giám mục,
Linh mục, phó tế, tu sĩ, và cái đáy dưới cùng
là giáo dân. Hình ảnh này đưa đến
một quan niệm không đúng về nhiệm vụ của
mỗi thành phần, nhất là giáo dân, bị coi là thấp
kém, chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời cấp trên.
Nhưng từ Công
đồng Vatican II, hình ảnh trên đã được
thay thế bằng hình ảnh có một tâm điểm là
Đức Giêsu, từ tâm điểm này có nhiều vòng tròn
đồng tâm: một vòng là các giáo sĩ, gồm các giám mục
có Đức Giáo Hoàng đứng đầu, và các cộng
sự viên là linh mục và phó tế; vòng khác là các tu sĩ;
và vòng rộng lớn hơn là giáo dân. Hình ảnh
này cho thấy mọi thành phần đều liên đới
với nhau và tất cả đều qui hướng về
trọng tâm là Đức Giêsu.
Một hình ảnh
khác sâu sắc hơn, thánh Phaolô đã nói tới và nay
được chú ý, đó là hình ảnh một thân thể,
có Đức Giêsu là đầu, mọi người Kitô hữu,
dù là giáo sĩ, giáo dân, tu sĩ… đều là các chi thể của
thân thể. Mỗi chi thể có nhiệm vụ
riêng, không ai thay thế được. Hình
ảnh này diễn tả rõ hơn và đúng hơn mối
hiệp thông giữa các thành phần với nhau và với
Đức Giêsu; và cũng cho thấy rằng tất cả
đều cùng có trách nhiệm thi hành sứ vụ mà Đức
Giêsu trao phó để xây dựng sự hiệp thông trong Hội
thánh.
Nhưng tất cả
những điều trên đây đã được chính
Đức Giêsu đề cập tới trong bài Tin Mừng
hôm nay.
Đó là hình ảnh cây nho. Đối với
dân Do thái, vườn nho và cây nho là một hình ảnh rất
lâu đời, rất quen thuộc, được dùng
để tượng trưng cho dân tộc, một dân
riêng được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc
đặc biệt. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc
này để áp dụng vào Ngài và chúng ta: Ngài là cây nho, chúng ta
là cành. Sự liên kết và hỗ tương
giữa thân cây với cành, và giữa các cành với nhau,
đó là hình ảnh sự liên kết và hỗ tương
giữa Chúa Giêsu với chúng ta, và giữa chúng ta với
nhau.
Một điều
hiển nhiên và rõ ràng là cành cây phải hoàn toàn cần tới
thân cây mới sống được. Nếu
cắt lìa thân nho, thì cành sẽ khô héo và chết. Đó
là hình ảnh cho chúng ta biết: mỗi người chúng ta
cần phải liên kết với Chúa Giêsu, thì chúng ta mới
sống và sống mạnh được. Chúng
ta cần tới Chúa để đạt ơn cứu rỗi,
nghĩa là chúng ta không thể thành toàn, tự giải thoát,
thần hóa con người của mình, nếu không sống
trong Chúa, nhờ Chúa và với Chúa. Điều
này phải hiểu một cách tuyệt đối. Cũng
giống như bóng đèn điện: có bao giờ một
bóng đèn bị cắt đứt với dòng điện
hay bị cúp điện mà còn sáng không? Hay một nhánh sông cắt
đứt với con sông cả mà còn nước không? Hay một
cành cây cắt đứt lìa thân cây mà còn sống không? Có lẽ nó có thể sống một vài ngày tạm
bợ rồi sẽ chết khô.
Cũng thế, một
khi chúng ta xa lìa Chúa, tâm hồn chúng ta cũng sẽ chết
khô.
Bên ngoài chúng ta có thể là thành công trên phạm vi danh vọng, tiền tài, được ca
tụng, kính nể… nhưng trước mặt Chúa, chúng ta
là kẻ chết và chết khô. Vậy chúng ta
có thể kết hợp với Chúa Giêsu cách nào? Bằng
những phương thế rất quen thuộc và cụ
thể là cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, nhất là
Bí tích Thánh Thể, bí tích quan trọng và hiệu năng nhất,
để chúng ta thường xuyên duy trì mối
tương quan huyết mạch với Chúa Giêsu.
Đó là về phía giữa
Chúa với chúng ta, tức là giữa thân nho và cành nho. Còn giữa
chúng ta với nhau, tức là giữa các cành nho thì sao? Chúng ta cần cộng tác với nhau, cần nâng
đỡ nhau, cần kết hiệp với nhau trên con
đường cứu rỗi. Ở
đời này, không ai chủ trương “mỗi người
là một hòn đảo” mà sống tốt được.
Cũng như một thân cây nho chuyển thông
sức sống, nhựa sống cho các cành, thì Chúa Giêsu
cũng làm như thế. Cành nho nào không
tiếp nhận nhựa sống thì sẽ cằn cỗi,
khô héo và rụng gẫy đi. Nhựa sống trong
thân cây nho hằng lưu chuyển, không cành nào được
giữ riêng lại cho mình mà ngăn cản nhựa sống
truyền sang cho những cành khác.
Chúng ta sống với
nhau trong một cộng đoàn, một gia đình, cũng
được ví như thế, được so sánh
như một cây nho. Chúng ta tiếp nhận
được sự sống của Chúa, chúng ta phải
chuyển thông cho nhau để tất cả chúng ta cùng sống
và sống tốt đẹp. Thế mà
trong cuộc sống rất có thể chúng ta sống mà không
quan tâm đến mối tương quan giữa mình với
anh em. Vì không để ý “mình vì mọi
người và mọi người vì mình”, nên chúng ta đã sống
“mình vì mình và mọi người vì mình”. Như
thế là ích kỷ. Chúng ta cứ thử nhìn chung quanh
chúng ta xem, thật đáng buồn: người ích kỷ
nhiều hơn người vị tha. Ai
cũng thấy “cái tôi” của mình là lớn hơn cả và
coi người khác không ra gì. Là con cái Chúa, chúng ta không
được sống như thế. Chúng ta
cần có nhau, hãy nâng đỡ nhau, hãy thông cảm nhau.
Đó chính là đạo bác ái của chúng ta vậy.