THẾ NÀO LÀ CÂY NHO VÀ CÀNH
NHO ?
Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật V Phục
Sinh
(Cv 9: 26-31; 1Ga 3: 18-24; Ga 15:
1-8)
________________________
Bác sĩ
Nguyễn Tiến Cảnh, MD
Tin Mừng thánh
Gioan Chúa Nhật thứ 5 Phục Sinh hôm nay (Ga15: 1-8) gợi cho chúng ta hình ảnh
cây nho và cành nho, diễn tả mối tương quan giữa Chúa Kito và các môn đệ của
ngài. Hình ảnh này coi thì đơn giản, nhưng nghĩ kỹ nó có một ý nghĩa khá huyền
bí và tuyệt vời đến độ người thường không thể tưởng tượng nổi.
Cành Nho dĩ
nhiên có một liên hệ mật thiết với Cây Nho. Cành cây phụ thuộc vào thân cây để
làm thành một cây đầy đủ như một cơ thể duy nhất và sống động. Đối với Việt Nam chúng ta và ở những xứ khí hậu
miền Bắc thì Cây Nho là một hình ảnh xa lạ, nhưng ở miền Cận Đông thì nó lại rất
quen thuộc ai cũng biết, hầu như gia đình nào cũng có trồng cây nho, cây vả hoặc
cây oliu trong vườn…
« TA LÀ CÂY NHO, CÁC CON
LÀ CÀNH NHO »
Đức Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài: “Ta là Cây Nho, một cây nho thực sự” và “các con là những cành nho”. Bổn phận
của cành nho là sinh ra hoa trái qua việc chia sẻ với tha nhân cuộc sống của
Chúa: “Thầy là cây nho thật, Cha Thầy là
người trồng nho….Hãy ở lại trong thầy như thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với
cây nho. Anh em cũng thế nếu không ở trong thầy. Nếu ở trong Thầy thì lời thầy
sẽ ở trong anh em, lúc đó anh em muốn gì, xin gì thì anh em sẽ được” (Ga
15:1, 4-5,7)
Những hình ảnh
Chúa Kitô là vua, là chúa, là thầy dạy, là mục tử và là quan tòa cũng rất quan
trọng đối với chúng ta vì nó tạo nên một viễn tượng liên đới tương hợp giữa Đức
Kitô và chúng ta. Hình ảnh này đòi hỏi cây nho phải có sự cân xứng và công bằng,
nghĩa là sự liên hợp giữa môn đệ với cuộc sống của chúa Kito và chúa Kito liên
hợp với cuộc sống của môn đệ phải thành một đơn vị thuần nhất và thắm thiết nhất
mà những hình ảnh khác không bao giờ đạt được.
Những bài đọc
chúa nhật hôm nay diễn tả cuộc sống thiêng liêng của người Kito hữu quả là đúng
nguyên tắc, đích thực và rất chính xác. Hình ảnh cây nho đã gợi cho mỗi người
chúng ta một vấn nại riêng tùy hoàn cảnh của từng người, trong khung cảnh một
đại gia đình rộng lớn hơn của Thiên Chúa, trải dài qua mọi không gian và thời
gian, từ thời ông Abraham cho tới thời hiện tại và tương lai, từ thế kỷ I ở Cận
Đông cho tới ngày nay, khắp năm châu bốn biển.
HÃY LẬP MÁI ẤM GIA ĐÌNH TRONG CHÚA
KITÔ
Nếu Chúa Giêsu
là Cây Nho thì mỗi người chúng ta đều được mời gọi để kết hợp và sống với ngài để tạo thành một mái ấn gia
đình. Bài Tin Mừng nói về cây nho thúc đẩy chúng ta phải thân thiết với Thiên
Chúa bằng cách vâng lời, tuân theo ơn gọi của mình là sinh ra hoa trái cho mọi
người trên thế giới Điều đó có
nghĩa gì? Phải chăng là liên hợp và trú ngụ ngay trong cây nho hầu có thể kết
hợp thiết thân với cây nho tức Chúa Giêsu.
Liên hợp với
Chúa Giêsu là một phần của đời sống Giáo Hội, phải đươc mọi tín hữu cam kết liên
hợp mọi người lại với nhau như tình bạn để khuyến khích, giúp đỡ nhau, cùng nhau
cầu nguyện, thờ phượng Chúa, sống đời sống thánh thể, nghiên cứu, học hỏi và
hành động vì Tin Mừng Chúa nơi trần thế. Mỗi khi chầu viếng hay rước Mình Thánh
Chúa là chúng ta được kết hợp vào với tình bạn thiết thân ấy, với chính chúa
Giêsu, và với mỗi một người chúng ta nơi bàn tiệc của Chúa
Đời sống thiêng
liêng thực sự của người Kito hữu chính là sự hiểu biết của mỗi người về Chúa
Giêsu Kito, như cây nho lưu thông nhựa sống trên các cành nho. Nhờ đó, chúng ta
có thể khuyếch trương công trình, tình yêu và sự sinh hoa kết trái của Ngài,
đồng thời ca tụng vinh danh Thiên Chúa Cha của Ngài. Đó là trọng tâm của bí tích
Thánh Thể.
THIÊN CHÚA CHA LÀ NGƯỜI TRỒNG NHO VÀ TỈA
CÀNH
Tuy nhiên, khi
chúa Giêsu đưa ra chủ đề cây nho và cành nho là Ngài có ý nói về Thiên Chúa Cha
của Ngài là người trồng nho và tỉa nho. Hai việc đó đòi hỏi phải có con dao.
Cành nào không có trái, Thiên Chúa Cha sẽ cắt nó đi; cành nào đang mang hoa trái
thì Người sẽ tỉa cho sạch gọn để chúng sinh thêm hoa trái nữa.
CÀNH NHO KHÔNG THỂ TỰ DO PHÁT
TRIỂN
Theo tinh thần
của đoạn Tin Mừng này thì đời sống thiêng liêng của chúng ta không thể phát
triển theo tự do cá nhân hoặc hoàn thành tất cả mọi khả năng mà mình có. Khi
bước theo chúa Giêsu và tìm hiểu
Ngài là chúng ta đã chấp nhận con dao tỉa của Chúa, đồng ý để nó cắt bỏ một vài
cái ra khỏi cuộc sống của chúng ta
-mà có thể chúng còn tốt, còn có thể sinh hoa trái- để cho những cành
khác có cơ hội đâm trồi nảy lộc kết hoa trái phì nhiêu hơn. Cắt tỉa thì dĩ nhiên là
một tiến trình tạo đau đớn; nó có thể làm mất mát hay gây chết chóc. Người tỉa
nho chỉ nhúng tay vào cây nho một cách thân thiết hơn khi ông ta vung tay đưa
dao lên tỉa.
LIÊN HỢP VỚI CÂY NHO LÀ TÌM HIỂU VÀ HỌC HỎI VỀ ĐỨC
KITÔ
Kêu gọi liệp hợp
với cây nho là kêu gọi để tìm hiểu cẩn thận và thiết thân về chính con người
Chúa Giêsu để học hỏi, không phải chỉ trong tư tưởng mà cả trong hành động. Môn
đệ thực sự của chúa Giêsu phải luôn luôn trông nhờ vào sự hiện diện nội tại và
hoạt tính của chúa Kitô để canh tân và triển nở chính cuộc sống của mình hầu trở
nên một là niềm tin và tình yêu thương. Môn đệ thực chỉ có thể sinh hoa trái
thêm cho tha nhân bằng những cuộc sống mới khi họ biết “bám chặt vào chúa
Giêsu”, “ghép liền” với đời sống của Ngài, để chính sự hiện diện của Ngài sẽ
sàng gạn và làm sạch tâm trí họ.
GIÁO HỘI LÀ VƯỜN NHO, GIÁO DÂN LÀ CÂY NHO ĐƯỢC TUYỂN
CHỌN
Hai hình
ảnh cây nho và vườn nho đã làm nổi bật vẻ đẹp mỹ miều, đầy tượng hình cho đoạn
văn khá phổ thông trong thông điệp Ánh Sáng Muôn Dân /Lumen Gentium, câu số 6
của Công Đồng Vatican II về Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội:
“Giáo Hội là một mảnh đất được Thiên Chúa
trồng trọt và vun sới. Trên đất đó cây dầu oliu cổ thụ mọc lên mà các tiên tri
là những rễ thánh của nó. Nơi cây cổ thụ này đã và sẽ có sự hòa giải giữa dân Do
Thái và những dân ngoại. Mảnh đất này đã được người trồng nho thiên quốc vun sới
trồng tỉa như một cây nho đã được tuyển chọn. Cây nho đích thực là chúa Kitô,
Ngài ban sức sống và hoa trái dồi dào nơi các nhánh là chúng ta. Nhờ Giáo Hội,
chúng ta được ở trong Chúa Kitô, không có Ngài chúng ta không thể làm được gì
cả.”
ĐÔI LỜI KẾT
Để làm sáng tỏ
sự phụ thuộc này như là sự ghép nối với Chúa, chúng ta thử suy niệm những lời
rất thâm thúy của thánh nữ Teresa Benedicta Thánh Giá (1891-1942), dòng Kín, tử
đạo, đồng quan thầy của Âu Châu. Thánh nhân là người hiểu biết ý nghĩa nối kết
thiết thân với Chúa là thế nào. Ý nghĩa này được lấy từ Chương 6, tập luận văn
của Thánh Nữ viết về người phụ nữ. (ICS Publications).
Ý niệm về Giáo
Hội như là một cộng đồng các tín hữu thì rất dễ hiểu. Bất cứ ai tin vào Chúa
Kitô và Tin Mừng của Ngài, hy vọng những hứa hẹn của Ngài sẽ được thực hiện, bám
sát lấy Ngài trong yêu thương và giữ những giới răn của Ngài thì phải kết hợp
với tất cả mọi người cùng có một lòng hiệp thông tâm trí với nhau. Những ai gắn
liền với Chúa trong khi Chúa còn tại thế thì đều là những hạt giống tiên khởi
của cộng đồng Kito giáo vĩ đại. Chúng sẽ phát triển rộng lớn cái cộng đồng ấy và
niềm tin ấy sẽ nối kết họ với nhau cho đến ngày nay qua dòng thời gian để cho
chúng ta được thừa hưởng nó.
Nhưng, ngay cả
một cộng đồng nhân loại bình thường cũng còn hơn cả một sự liên minh lỏng lẻo
của những cá nhân riêng lẻ, và cho dù chúng ta có thể kiểm chứng được cả phong
trào phát triển để thành một loại đơn vị có tổ chức, thì nó cũng giống cái cộng
đồng siêu nhiên của Giáo Hội hơn. Sự kết hợp linh hồn lại với Chúa Kitô thì khác
với sự kết hợp giữa con người với nhau. Nó bắt rễ và khởi đầu nảy nở trong Chúa
-như nói trong ngụ ngôn cây nho và cành nho- khi chúng ta chịu phép Thánh Tẩy.
Nó sẽ được tạo thành và liên tục trở nên vững mạnh một cách đa diện nhờ nhiều
phép bí tích khác nhau. Sự kết hợp
thực sự này với chúa Giêsu Kitô cũng bao hàm sự lớn mạnh của cộng đồng các tín
hữu Kitô giáo. Giáo Hội như vậy đã tạo thành Nhiệm Thể Đức Kitô. Nhiệm thể này
là một nhiệm thể sống động, và thần khí làm nên sức sống của nhiệm thể chính là
thần khí Đức Kitô, nó tuôn trào từ đầu đi khắp mọi phần của cơ thể. (Epheso 2:
21-22)
Trong tuần này,
chúng ta hãy cầu nguyện, xin Chúa cho chúng ta được thuộc về Chúa Kitô một cách
sâu xa và thực sự, vượt qua tất cả nhũng xáo trộn đang lũng loạn cuộc sống hàng
ngày của chúng ta. Chớ gì sức sống của Chúa Kitô đã tạo thành Giáo Hội, liên tục
tuôn chảy tràn đầy cả thể xác lẫn tâm hồn chúng ta mỗi ngày nơi mái ấm gia đình
thân yêu trong Chúa Kitô.
Fleming
Island , Florida
May 2, 2012
NTC
|