Tốt lành.
Thế nào là một mục tử
tốt lành? Đó là người biết các con chiên của
mình, ân cần săn sóc chúng, và sẵn sàng hy sinh, chịu cực
khổ để bảo vệ chúng, thậm chí sẵn sàng
hy sinh cả mạng sống cho chúng nữa. Đó là những
đặc điểm hay những vẻ đẹp của
một người chăn chiên tốt lành mà Chúa Giêsu đã
phác họa trong bài Tin Mừng hôm nay và áp dụng cho chính
Ngài.
Chúa Giêsu là mục tử tốt
lành của chúng ta, vì Ngài biết chúng ta. Chúa biết từng
con chiên một, Chúa biết tình trạng sức khỏe của
từng con, và con nào đi lạc trong cả bầy trăm
con Ngài cũng biết. Chúa biết tất cả và biết
rõ từng người một. Không phải Chúa chỉ biết
một cách chung chung, nhưng có thể nói Chúa đi guốc
trong bụng chúng ta.
Người đời không
đo được lòng người: “Dò sông dò biển dễ
dò. Đố ai đo nổi lòng người nông sâu”.
Nhưng với Chúa, Chúa biết từng chân tơ kẽ tóc
của chúng ta. Chúa hiểu biết chúng ta hơn bất cứ
ai, hơn cả chúng ta biết về chính mình nữa. Ngài
thấu suốt tư tưởng, ước mơ, lời
nói, việc làm, dự định, khuynh hướng tốt
xấu của chúng ta. Ngài còn biết tất cả chúng ta
trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngài biết
những ai đã bê tha trong tội lỗi, những ai
đang đau khổ về thể xác và những ai đang
bị dằn vặt trong tâm hồn. Ngài biết rõ từng
người: ai là con chiên tốt, trung thành, ngoan đạo,
ai là con chiên ghẻ, lười biếng, khô khan, phản bội…
Tóm lại, không ai có thể lẩn trốn khỏi mắt
Chúa, bất cứ sự gì, dù thầm kín hay bí mật đến
đâu, Chúa cũng biết hết, biết tất cả,
biết từng ly từng tí, theo kiểu “Một sợi
tóc trên đầu cũng được đếm cả
rồi, sợi nào rơi xuống đất Chúa đều
biết hết”.
Tuy nhiên, Chúa biết rõ mọi con
chiên và từng con chiên. Đây không phải là cái biết lý
thuyết: biết để biết hay biết suông vậy
thôi, nhưng là cái biết để đối xử với
đàn chiên và từng con chiên theo tình trạng của nó.
Thông thường, tiến trình của hầu hết các
tình cảm của chúng ta đều theo một diễn tiến
như sau: quen – biết – hiểu – thông cảm –
thương mến – yêu, nghĩa là khi chúng ta quen một
người, dần dần chúng ta hiểu biết về
người ấy, rồi mới dễ dàng đi tới
cảm thông, giúp đỡ và thương yêu.
Đó là chưa kể trường
hợp nhiều khi biết rõ nhau, người ta lại
ghét nhau hơn. Đó là về phía con người chúng ta với
nhau. Còn đối với Chúa, là Đấng toàn tri, toàn
năng và yêu thương, nơi Ngài không có vấn đề
tách rời từng giai đoạn như diễn tiến
nơi con người. Cùng một lúc, sự hiểu biết
và yêu thương của Ngài gồm tóm tất cả mọi
yếu tố, nên không thể có trường hợp Chúa biết
rồi Chúa mới yêu hay Chúa biết mà Chúa không yêu
thương.
Thực vậy, Chúa Giêsu là mục tử
tốt lành, vì Ngài ân cần săn sóc các con chiên. Trong
ba năm giảng dậy, chúng ta thấy Ngài ân cần
săn sóc tất cả những ai đến với Ngài,
nhất là những người vất vả, khó khăn.
Ngài kêu gọi: “Những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy
đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ, bổ sức
cho”. Đặc biệt những người tội lỗi.
Ngài không bao giờ xua đuổi, xa lánh họ, nhưng tìm
kiếm, kêu gọi, tha thứ. Cả một đời tận
tụy, hy sinh, giảng dạy và ban ơn, Chúa chưa cho là
đủ, Chúa còn muốn thực hiện đặc tính
sau cùng của một mục tử tốt lành nữa, là chết
vì con chiên và cho con chiên, như Ngài đã tuyên bố: “Không có
tình yêu nào cao quý hơn, lớn hơn là chết cho người
mình yêu”.
Chúa Giêsu là mục tử tốt
lành, nhưng sứ vụ mục tử ấy Chúa cũng
đã trao cho Giáo Hội, cho mỗi người trong Giáo Hội. Dù có chức
vụ gì, hay chỉ có vị trí khiêm nhường, nhỏ
bé đến đâu trong cuộc sống, mỗi người
đều là mục tử: Giám mục là mục tử
trong giáo phận; linh mục là mục tử trong giáo xứ;
vợ chồng, cha mẹ là mục tử trong gia đình.
Có thể con cái cũng là mục tử cho cha mẹ và anh chị
em với nhau; thầy cô giáo là mục tử trong lớp,
trong trường mình. Rất có thể học sinh cũng
là mục tử cho thầy cô giáo và các bạn học; các bạn
trẻ là mục tử cho nhau… Tóm lại, mục vụ là
sứ mệnh của Giáo Hội và mỗi tín hữu đều
có phần của mình trong sứ mệnh ấy, vừa
được chăn dắt vừa có trách nhiệm
chăn dắt.
Là mục tử, dù trong vị trí
nào, chúng ta cũng phải nhìn vào mục tử gương
mẫu là Chúa Giêsu. Chúng ta phải biết nhau, ân cần quan
tâm đến nhau, giúp đỡ nhau, yêu thương nhau.
Đặc tính nổi bật của mục tử tốt
lành là nhân hậu, thương xót. Vì thế, ai muốn nên
trọn lành thì phải tập sống nhân hậu,
thương xót. Ai muốn kéo người ta về với
Chúa thì càng phải cố gắng có những cử chỉ
và những việc làm nhân hậu, thương xót.
Chúng ta hãy nhớ: mỗi người
chúng ta đều được Chúa trao cho trách nhiệm
chăn dắt một ai đó trong đoàn chiên hay
đưa một ai đó vào đoàn chiên, hay đưa một
ai đó về lại trong đoàn chiên… bằng cách sống
biểu hiện nhân hậu và thương xót của chúng
ta.