Hồng
Phúc từ Lòng Thương Xót của Chúa
Sau cuộc khổ nạn đau đớn, nhục nhã và cuộc Phục Sinh thầm lặng
của Chúa Giê su, các tông đồ chưa khỏi bàng hoàng, khiếp sợ. Mặc dù chính hai
ông Phê rô và Gioan đã đích thân ra ngoài mồ, mơ hồ nhận ra Chúa đã sống lại,
nhưng nỗi sợ hãi vẫn còn ám ảnh, hằn dấu trên gương mặt các đấng. Do vậy, phòng
họp mới cửa đóng then gài cẩn thận và chắc chắn.
Các ông âm thầm nguyện cầu, cùng đang nhỏ to thuật lại những
biến cố mới xảy ra. Thì bất ngờ Chúa hiện đến, trao tặng những món quà vô cùng
quý giá.
1. Ban bình an và niềm vui, yên ủi những kẻ sầu khổ, lo sợ.
Trong Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu đã chúc: “Phúc cho những ai sầu khổ, vì họ sẽ được
Thiên Chúa ủi an.” (Mt 5, 5) Hôm nay
lời chúc ấy đã thực hiện tỏ tường. Đức
Giê su đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an
cho anh em! Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh
sườn, các môn đệ vui mừng vì được thấy
Chúa. (Ga 20, 20)
Chỉ trong đoạn trình thuật ngắn ngủi này của Tin Mừng theo
Thánh Gioan, đã có đến 3 lần Chúa Giê su lập lại cầu chúc bình an.
2. Ban Sứ Mạng Truyền Giáo
Ngay sau khi sống lại, Chúa Giê su trao phó cho các môn đệ công việc đầu tiên, ưu tiên và cấp bách nhất,
là sai đi truyền giáo. Như Cha đã sai Thầy,
thì Thầy cũng sai anh em. (Ga 20,
21) Như thế lệnh truyền này quan trọng và thiết yếu vô cùng.
3. Ban Chúa Thánh Thần cho người được sai đi.
Nói xong, Người thổi
hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận
lấy Thánh Thần. (Ga
20, 22) Nhờ Đức Chúa Thánh Thần ban ơn khôn ngoan và can đảm, các môn đệ sau đó
mới dám công khai đi rao gảng trước các Thượng tế, Biệt phái, kinh sư, quan
quân Hêrôđê, Philatô và đông đảo dân chúng khắp nơi. Sau này các chứng nhân đã
cam đảm hy sinh chụ tuẫn đạo, như Thánh Gioan bị tù tội, làm kiếp nô lệ lưu đầy ở đảo
Patmos, Thánh Phêrô chịu đóng đinh ngược, Thánh Phao lô bị chặt đầu ở Roma…
4. Ban quyền năng tha tội cho các môn
đệ, linh mục sau này.
Nhân dịp này, Chúa Giê su nhắc lại quyền năng tha tội qua bí
tích Hòa Giải: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị
cầm giữ.” (Ga, 20, 23) mà trước đây Chúa đã từng trao phó cho các
môn đệ, khi Người chưa chịu khổ nạn: “Thầy
bảo thật anh em, dưới đất anh em cầm buộc
những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất anh em tháo cởi những
điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.”(Mt 18, 18)
Ngày hôm nay tôn kính trọng thể Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu.
Từ cạnh sườn Người đã tuôn trào hai luồng
sáng, biểu thị Máu và Nước, để thanh tẩy linh hồn nên trong sạch, cùng ban sức
sống cho linh hồn. Thánh nữ Fautina Kowaska đã giải thích như thế sau khi
nhiều lần được thị kiến Chúa dẫn giải. Hai
luồng sáng này phát xuất từ lòng xót thương dịu hiền sâu thẳm của Chúa, lúc trái
tim thống khổ của Chúa bị lưỡi đòng mở ra trên Thập Giá.
Những luồng sáng này che chở các linh hồn khỏi cơn nghĩa nộ của
Chúa Cha. Phúc cho linh hồn nào cư ngụ, nương náu vào lòng thương xót của Chúa,
vì bàn tay công thẳng của Thiên Chúa sẽ không đè nặng trên họ. (NK 299)
Lạy Chúa, Giê su xin ban
cho con luôn biết tìm đến Lòng Thương Xót của Ngài, để con luôn được bình an, niềm
vui và hy vọng được cứu rỗi.
Lạy Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp,
xin luôn dẫn con đến Lòng Thương Xót vô biên của Chúa, để con đổi mới và làm chứng
nhân cho Tình Yêu tuyệt đối của Chúa. Amen.
AM Trần Bình An
|