Niềm
hy vọng sống lại.
Đức Kitô đã sống lại thế
nào, thì chúng ta cũng sẽ được sống lại
như vậy. Thế nhưng, làm sao chúng ta có thể sống lại
được?
Có những kẻ nghĩ rằng: Sự
sống lại làm sao có thể xảy ra cho những người
chết mất xác, chết không toàn thây, chẳng hạn
như bị pháo kích thân xác nổ tung
thành từng mảnh nhỏ, hay chết chìm dưới lòng
biển cả làm mồi cho cá mập? Chết
mà không để lại một dấu vết nào cả.
Tôi xin hỏi lại họ: Phải
chăng đó là điều khó khăn đối với
quyền năng Thiên Chúa? Dựng nên một sự sống
khi nó chưa có hay là phục hồi nó một khi đã có,
thì đằng nào khó hơn? Làm cho một thân
xác được sống lại hay là tạo thành nó từ
hư vô, đằng nào khó hơn? Chẳng
lẽ Đấng Toàn Năng, đã tạo dựng vũ
trụ lại bất lực, không thể cứu chúng ta khỏi
sự hư mất sao? Trong bức thư
gửi giáo dân Côrintô, thánh Phaolô đã viết: Có người
bảo kẻ chết làm sao sống lại được,
họ sẽ lấy thân xác nào mà phục sinh? Thật
là vô lý. Đúng thế. Thật là vô lý, nếu chúng ta bảo rằng Đấng
đã tạo thành sự sống, lại không có thể trao
ban sự sống ấy lại một lần nữa.
Thật là vô lý nếu chúng ta bảo rằng một thân xác
đã chết và bàn tay uy quyền của
Chúa sẽ không thể nào làm cho nó sống lại.
Có kẻ thì nói: Tất cả đã bị
vùi sâu trong lòng đất lạnh, tất cả đã trở
về với cát bụi, thì làm sao có thể nghe thấy tiếng
Con Thiên Chúa?
Như chúng ta đã biết: Lời của
Thiên Chúa là Lời của uy quyền. Lời ấy đã
phán: Hỡi chàng trai, Ta truyền cho con hãy chỗi dậy. Lập tức chàng trai thành Naim đã chỗi dậy,
đã sống lại. Đứa con gái của ông
Giairô, cũng đang nằm chết ở trên giường
và Lời ấy đã vang lên: Hãy chỗi dậy. Lập tức,
cháu bé ấy cũng đã chỗi dậy, cũng đã sống
lại. Cũng như Lagiarô, mặc dầu đã được
chôn táng trong mồ những bốn ngày rồi, nhưng khi Lời
ấy vang lên, thì Lagiarô cũng đã chỗi dậy,
cũng đã sống lại và ra khỏi mồ. Và như thế, Lời ấy cũng sẽ vang
lên một lần nữa và tất cả mọi người
đã chết đều được sống lại.
Nhìn vào cảnh vật thiên nhiên, chúng ta sẽ
thấy được rằng Thiên Chúa đã in dấu chiến
thắng trên vật chất. Sau đêm tối là hừng đông rạng
rỡ. Sau mùa đông băng giá là mùa xuân huy hoàng. Một hạt giống mục thối cho mầm
non vươn lên.
Với chúng ta cũng vậy, sẽ có một
cuộc phục sinh để hoàn tất chương trình
cứu độ. Bấy
giờ sẽ không tang tóc và đau khổ, chết chóc và buồn
phiền, bởi vì Thiên Chúa sẽ lau khô những giọt
nước mắt chúng ta. Bấy giờ chúng
ta sẽ tiến lên, lãnh nhận cuộc sống vĩnh cửu.
Vậy niềm tin vào sự sống lại
sẽ đem đến cho chúng ta những hậu quả
nào?
Hậu quả thứ nhất, đó là một lời báo động:
Hãy chuẩn bị cho ngày ấy vì ngày ấy là một ngày
trọng đại nhất của lịch sử nhân loại.
Cũng như ngày đầu tiên, Thiên Chúa phán: Hãy có ánh sáng
và ánh sáng liền có. Thì trong ngày cuối cùng ấy, Thiên Chúa
sẽ nói: Hãy có bóng tối và chấm dứt mọi sự.
Lập tức đã xảy ra như thế.
Rồi những người đã chết sẽ chỗi dậy
và sống lại: Từng triệu triệu người, từ
những ngôi mộ lộng lẫy hay từ lòng đất
ở một nơi xa xôi nào đó, cũng như từ biển
khơi bao la; những kẻ đã bị quên lãng, không một
ai biết đến; những kẻ đã từng nếm
mùi khổ đau trong cuộc sống; những người
trung thành với Đức Kitô cũng như những kẻ
phản bội Ngài…Tất cả sẽ nhìn thấy Con
Người ngự đến trong vinh quang.
Hãy chuẩn bị cho ngày ấy. Nếu một lúc nào
đó chúng ta sẽ được sống lại, thì ngay từ
giờ chúng ta phải mến Chúa và yêu người, vì cuộc
đời vĩnh cửu không thể nào được tạo
nên bởi một nếp sống tầm thường, trống
rỗng và không một chút công nghiệp. Cũng như
một hạt lúa lép hay một chiếc vỏ trấu sẽ
không thể nào nảy mầm và mọc lên thành một cây
lúa xanh tươi. Bởi đó, hãy chuẩn bị cho mình tấm
áo cưới là tâm hồn trong sạch và đôi tay chất đầy công nghiệp, vì đó
là những thứ hành trang cần thiết để
được đón nhận vào nước trời.
Niềm tin tưởng vào sự sống
lại còn là một nguồn sức
mạnh cho chúng ta trong những cám dỗ và thử thách.
Thực vậy, thánh Phaolô đã viết: Nếu anh em
được sống lại với Đức Kitô, thì
anh em hãy tìm kiếm những sự trên trời. Nhờ việc Phục sinh mà chúng ta có được
sức mạnh để đứng vững, để
trung thành cùng Chúa. Nếu như bây giờ
chúng ta phải chờ đợi, thì chắc chắn ngày
huy hoàng ấy sẽ xuất hiện. Nếu như
bây giờ chúng ta phải bước đi trong đêm tối,
thì chắc chắn bình minh sẽ bừng sáng. Điều quan trọng đó là đừng bao giờ
chúng ta thất vọng, đừng bao giờ chúng ta nản
chí. Bởi vì, chúng ta không thể nào gặt
hái khi những bông lúa còn xanh và chưa được chín
vàng.
Sau cùng, niềm tin tưởng vào sự
sống lại sẽ là một
niềm an ủi cho chúng ta. Thực vậy,
người ta kể lại rằng: Những sắc dân
bán khai ở Pérou, mỗi khi có nhật thực, mặt trời
bắt đầu tối lại giữa ban ngày, thì họ
vội vã giật tóc và nức nở khóc lóc một cách thảm
thiết vì họ nghĩ rằng sẽ chẳng còn mặt
trời nữa.
Với chúng ta thì khác. Từ ngày Đức Kitô Phục sinh,
chúng ta biết rằng: Bóng tối và cái chết chỉ kéo
dài một thời gian ngắn. Chúng ta có thể buồn và
khóc trên phần mộ của những người thân yêu,
nhưng nỗi buồn của chúng ta sẽ chẳng bao giờ
đi đến chỗ tuyệt vọng như những kẻ
không tin tưởng, bởi vì chúng ta biết rằng: Hạt
lúa cần phải mục nát đi thì mới nảy mầm,
lớn lên, đâm bông và kết trái.
Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô sống
lại thế nào, thì Ngài cũng sẽ làm cho chúng ta
được sống lại như vậy. Chúng ta cũng biết rằng: Mặt
trời lặn vào ban chiều, nhưng sáng hôm sau, sẽ là
hừng đông rạng rỡ. Mùa thu thì
lá vàng rơi, nhưng khi mùa xuân trở lại, thì những
cành cây trơ trụi sẽ đâm chồi nẩy lộc
và trở nên xanh tươi.
Sau cùng, chúng ta cũng biết rằng:
Hiện thời thân xác chúng ta sẽ phải chết đi,
nhưng rồi ngày hội lớn sẽ đến và chúng ta sẽ được sống
lại như lời Chúa đã phán: Ta là sự sống lại
và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết
cũng sẽ sống. Và Ta, Ta sẽ cho họ
được sống đời đời.
Cái chết là khung cửa hẹp mà tất
cả chúng ta đều phải bước qua. Kẻ thì lo buồn run sợ, kẻ
thì khóc lóc chống cự. Chỉ có một người
đã hiên ngang bước vào, đã chiến thắng và
đã chiếu vào khung cửa tối tăm ấy một
luồng ánh sáng. Người ấy chính là Đức Kitô Phục
sinh, Ngài đã cầm trên tay cành lá chiến
thắng và đem đến cho chúng ta một mùa xuân
vĩnh cửu.