Hãy Mở Ra
Hoàng Thị Đáo Tiệp
Năm mới Nhâm Thìn
2012 chưa đến nhưng từ nửa đầu
tháng 11 /2011 tôi đã được dăm điện thư của quý người thân, quen sớm
gửi những hình ảnh về con Rồng cho mình chiêm ngắm.
Con Rồng thật
xưa nay tôi chưa từng thấy. Tôi chỉ có thấy
con Rồng qua tranh vẽ, qua niềm tự hào về truyền
thuyết xa xưa của dân tộc mình là một dân tộc
vô cùng cao quý vì thuộc nòi giống Rồng Tiên, qua việc
ngày xưa vua chúa và các bậc vương giả hay người
khôn kẻ quý cao sang … thường được sánh với
Rồng nên mới có sự ví von ...chảnh ơi là chảnh:
“ Rồng vàng tắm nước
ao tù. Người khôn ở với người ngu bực
mình”! Còn trong dân gian thì Rồng lại kết với tôm
nên “ Rồng đến nhà tôm” để
cùng nhau chén tạc chén thù, nhất là cùng chung chịu cuộc
đời hoạn nạn khổ đau của kẻ nghèo
hèn thất thế chẳng khác chi thân phận của con ong
cái kiến, con tép con tôm: “Rồng nằm bể cạn
phơi râu! Sa cơ rồng cũng như tôm khác gì” bởi
đời con người ta lên voi xuống chó mấy hồi!
Thậm chí Rồng còn được ví với hạng
người thùng rổng tiếng to khoe khoang khoác lác hợm
mình: “ Rồng nằm bể cạn
phơi râu. Mấy lời anh nói giấu đầu hở
đuôi”… Lại vì “rồng” tiếng Hán Việt là
“long” nên mặt của
vua được gọi cách tôn quý là “long nhan”, mình vua
là “long thể”, áo vua mặc là “long bào”, giường
vua nằm là “long sàng”, xe vua đi là “long xa”…
Thì vâng, nay được
dăm vị thân quen thương quý mình gửi những
hình ảnh về con Rồng gồm có“Rồng Trái Cây” và “ Rồng lá” cho mình chiêm ngắm là tôi hân
hoan bằng thích để cứ chiêm ngắm đi chiêm ngắm
lại, vì khi điện thư nầy xem xong thì vài hôm sau
điện thư khác gửi
tới cũng lại vẫn những hình ảnh
đẹp đó của mấy
con rồng mời mọc mình phải…ghé mắt trầm trồ
chớ đâu thể thờ ơ!
Rồng trái cây được
làm bằng trái cây nên màu sắc rực rỡ đa dạng.
Rồng trái cây là sản phẩm của những bộ óc
sáng tạo cùng với tài khéo tuyệt vời từ đôi
bàn tay các nghệ nhân được “ông
Trời” phú cho.
![](http://www.memaria.org/Images/upload/gallery/HayMoRa (2).jpg)
Rồng lá trái lại
không do con người làm ra mà được chính “ông Trời”
tác tạo nên. Đây là một loài cá có hình dáng của con Rồng:
đẹp một cách tráng lệ, sống động. Rồng lá được tìm thấy dưới
độ sâu của vùng biển ở miền Nam nước
Úc. Màu sắc của Rồng lá hầu như chủ yếu
là màu vàng “Gold”: tức màu của vàng thật, vàng quý kim
.
![](http://www.memaria.org/Images/upload/gallery/HayMoRa (4).jpg)
Phải nói Rồng trái cây trước
đây tôi vốn đã có thấy và hình dáng thì cũng vẫn
giống với con rồng trong tranh vẽ xưa nay là có họ với… nhà rắn.Và có lẽ vì có
họ với nhà rắn nên Rồng trái cây hay được
tạo dáng ở cái thế…thị oai! Còn Rồng lá thì
đây là lần đầu tôi được thấy và xem
ra có họ với…nhà cá nên đẹp một cách thanh nhả.
Và vì có họ với nhà cá nên tôi nhớ về việc
người xưa cho rằng con cá chép vượt Vũ
Môn thì hóa rồng là hữu lý chớ chẳng không. Lại Rồng
lá là một sinh vật có thật với hiếm quý vì
đâu phải vùng biển nào cũng có, rồi thêm cái màu
vàng quý kim của thân Rồng lá nữa… giúp tôi hiểu
hơn việc tại sao ngày xưa các bậc vua chúa
vương giả cao sang thường được sánh
với Rồng, cũng như người Việt Nam mình tự
hào thuộc nòi giống Rồng Tiên… Tôi chưa thấy cái
đẹp của “Rồng bay Phượng múa” như
thế nào, nhưng với dáng hình cùng sắc vàng óng ả
quý kim của con Rồng lá có thật như thế, tôi hiểu
một khi nó lả tấm thân bơi lội giữa màu xanh
bạc ngàn dưới lòng biển khơi trầm mặc:
sẽ đẹp cái đẹp thướt tha uyển chuyển và lộng
lẫy phải biết…
Nhưng, càng có chiêm
ngưỡng hình ảnh các con Rồng nầy với cả
sự trầm trồ và thán phục đến đâu về
vẽ đẹp của chúng đi nữa, tôi càng
được nhớ lại lời Chúa dạy: “Những
gì các con nhìn ngắm đây, sau nầy sẽ không còn hòn
đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá” ( Lc 21,6). Nhất là lời dạy nầy
Chúa tiên báo về sự sụp đổ của đền
thờ hùng vĩ, tráng lệ ở
Giêrusalem được trang hoàng toàn bằng vàng khối với
đá tốt nên bền chắc phải biết! Và thực
tế đền thờ nầy đã bị binh lính Rôma
đốt cháy thành bình địa vào năm 70! Tôi không khỏi
không nghĩ tới ngày hai loại Rồng nầy cũng sẽ
bị lụi tàn mà lụi tàn cách chóng vánh nữa kià! Vì Rồng
trái cây dẫu đẹp rực rỡ và nom oai dũng vậy,
nhưng thực chất là chúng do các loại trái cây định
hình với tạo dáng cho! Gì chớ trái cây thì việc hết
tươi chóng thối mấy hồi! Còn Rồng lá tuy sống
sâu dưới lòng biển nhưng một khi bị con
người phát hiện ra rồi thì ắt có ngày: “Rồng
nằm bể cạn phơi râu. Sa cơ rồng cũng
như tôm khác gì”! Thành thử việc Rồng lá đây rồi
sẽ bị bắt, bị hại, thậm chí bị…ăn
thịt cũng là cầm chắc ( “rồng
cũng như tôm khác gì” mà số phận con tôm là để
cho người ta thịt)! Thêm nữa nếu như thịt
Rồng lá cung cấp được cho con người món
ăn đã ngon lại bổ thì con người sẽ càng
đua nhau…thịt, nên không chừng bị tuyệt chủng
mấy hồi! Nhìn ra vậy, tôi thêm thấm hiểu trên
đời nầy mọi thứ đều sẽ qua
đi nên việc Chúa cho mình hiện hữu ở cõi tạm
ngày nào là để mình cống hiến, sẻ chia chớ
không phải là để mình bo bo giữ từ bạc
tiền, của cãi, tài năng, công sức và luôn cả cái mạng sống mình vì mình có
giữ cũng không
xong...
Và vì Rồng là biểu
tượng của Vua, chạnh lòng trước hình ảnh
đẹp tuyệt của mỗi loài mỗi vẻ từ
Rồng trái cây đến Rồng lá thì tôi cũng đau
đoài đoạn nhớ tới hình ảnh điêu tàn,
hoang phế của Hoàng Cung triều Nguyễn mình đã được diện
kiến tận mắt, nhân chuyến về thăm quê
hương hồi tháng 10 vừa qua!
Như đã có
thưa với quý bạn đọc: ngôi mái ấm Nhân Ái
để nuôi trẻ mồ côi mà Hội Dòng Mến Thánh Giá
Cái Mơn được có lại đầu tiên từ sau
năm 1975 ở làng Hưong Mỹ tỉnh Bến Tre, khánh
thành trong tháng 10 vừa qua. Tôi " người trong cuộc" nên có về tham dự. Ngày khánh
thành được dời lại 15 chớ không phải
13(vì ngày 13 nhiều tu sĩ bận với các chương
trình mừng kính Đức Mẹ hiện ra ở Fatima nên
khó thể tham
dự). Khánh thành xong ,sáng sớm 16 tôi theo tiển chân một
số khách dự lên Sài Gòn và cũng để sẵn sàng
cho mình sáng sớm 17 bay ra Huế viếng Đức Mẹ
La Vang. Anh ruột tôi cũng sẽ từ Hà Nội bay vô Huế
để anh em được trùng phùng.
Sự cố bất
ngờ là chiều ngày 16/10 mưa tầm tả ở Huế!
Sơ Huyền Nhung ( tôi có hụ hợ giúp nuôi ơn gọi)
của Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng báo cho biết
đang lụt to, phi trường tại Huế hiện
không có chuyến bay nào lên xuống nên lo lắng hỏi tôi
có muốn hoản lại vì dẫu có ra tới Huế
cũng không chắc đến được La Vang!
Ơi! Tôi về quê hương chuyến nầy là ước
ao viếng Mẹ La Vang một lần trong đời nên
đã chọn sẵn ngày( sáng 17 đi,về
chiều 18) và vé cũng đã mua, hoản lại thì làm sao
đây?! Vì ngày 19 là tôi đến với buổi họp mặt
cùng quý đồng nghiệp và các em học sinh đã hẹn
sẵn rồi, sang ngày 20 là bay về Mỹ!
Cho nên tôi quyết cứ đi và vững tin Mẹ sẽ xuống
ơn: cho tạnh mưa rút nước để mình đến
được với Mẹ yêu. Anh Hai tôi thấy
tôi quyết thế cũng chiều ý, chẳng ngại chi
mưa lụt nữa.
Sáng
ngày 17/10 anh em tôi đến được Huế và trời
quang mưa tạnh, nhưng chưa thể ra La Vang viếng
Mẹ vì ngoài đó vẫn còn lụt. Tại Huế
nước đã rút nên chiều lại thầy Hiếu bên
Đan Viện Thiên An cùng với sơ
Huyền Nhung đưa anh em tôi đi viếng Đại Nội.
Thật không ngờ
Đại Nội mà bị lụt! Đứng ngoài
đường nhìn vô thấy hoàng cung như nằm trong biển
nước! Tôi ngỡ ngàng hết sức! Anh Hai tôi vô cùng
kinh ngạc nên buộc miệng thốt lên: "
Không thể tưởng tượng được!
Anh chưa từng nghe thấy cung vua mà bị lụt bao giờ
"!
![](http://www.memaria.org/Images/upload/gallery/HayMoRa (6).jpg)
Lụt thì lụt, đã tới là
tiến chớ không có lui! Tôi nhanh nhẩu lột
đôi giày xỏ ra và xắn hai ống quần lên đến
gối. Anh Hai tôi vừa cúi xuống tháo mở dây giày
vừa tiếp tục lập lại câu nói anh đã kinh ngạc
thốt ra: " Thật không thể
tưởng tưởng! Anh chưa từng nghe thấy
cung vua mà bị lụt bao giờ cả!".
Vâng, tôi cũng vậy "chưa từng nghe thấy" , bây giờ mới được "mở
mắt mở tai" ! Và tôi vụt nhớ đến lời
Chúa bảo "Ephata" tức là "hãy mở
ra" khi Ngài chữa cho một người bị
điếc và câm...Thì hôm nay càng có đi vào bên trong, anh em tôi
càng được " mở mắt mở tai"
quanh cái việc nước lụt tứ tung khiến các
cung điện cứ trông như những... hòn đảo!
Đã bì bỏm lội nước để tới
được hòn đảo nầy rồi là ngại lại
bì bỏm lội nước nữa để sang hòn đảo
khác! Dù biết ở bên hòn đảo nọ, hòn đảo
kia ắt thế nào cũng có lưu giữ những vật
dụng tôn quý của đức vua đã dùng để cho
mình chiêm ngắm mà mình vốn cũng ước ao được
nhìn ngắm một lần cho thoả: như nào "long
sàng" là giường vua nằm, " long bào" là
áo vua mặc, "long ẩm" là bộ chén trà
vua uống, " long xa" là xe vua đi.....Nhưng,
thú thật trong cái cảnh phải lội nước, lại
nhìn hòn đảo nào cũng thấy hoang lạnh mà thêm u u tối
tối vì chiều đang xuống nên tôi ngại lắm! Anh Hai tôi mới trỏ về hướng cái sân rồng
có hai vạc đồng to lớn đang đứng sừng
sững và rủ tôi đến xem. Chân tôi bước theo anh mà mắt ngó đè chừng hai cái vạc
đồng vì nghe đâu thuở xưa
người ta dùng
chúng làm loại dụng cụ giết người dã man ghê
rợn lắm! Hiểu ý tôi nên đến nơi anh trỏ
vào hai cái vạc đồng-
thảy đều đang đựng nước mưa chớ
đâu có chứa dầu sôi sùng sục để chém đầu
ai cho vào mà làm khiếp đảm- và nói :
- Đâu có gì phải
nhát sợ nào! Em xem đấy, hai cái vạc
đồng nầy bây giờ nào có làm hại chi ai. Hễ
bao lâu chúng còn được đứng sừng sững ở
đây là chúng cứ thoải mái mà đựng mưa, chắn
nắng ban phát yêu thương dù chỉ chút nước lả,
tí bóng râm cho ai đó cần .
Ôi thật không ngờ
anh mình bào vậy! Tình thương đối với đứa em đang nhát sợ
khiến anh có được cái nhìn quá tuyệt để an ủi nó! Tôi thầm tạ ơn Chúa đã
đến trong tâm hồn anh nên anh có được cái nhìn
mang ơn cứu độ của Chúa: thương và không
bỏ rơi ai dù đó là người tội lỗi, là vật
dụng sát nhân! Sẵn anh bảo vậy, tôi muốn nói với
anh mình về cái dụng cụ giết người cũng
thật dã man ghê rợn đã hành hình Chúa Giêsu mà Chúa lại
dùng nó làm Thánh giá cứu chuộc… nhưng tôi thấy để
Chúa nói với anh thì tốt hơn. Còn mình thì hãy nghe anh nói vì
thấy anh đang muốn nói tiếp:
-Trước
đây anh đã có dịp vào Đại Nội mà hôm mưa, mưa thường
thôi nhưng cung vua lại
bị dột tứ tung, đến mức long sàng và các kỷ
vật phải che bằng ny lông như nhà dân nghèo! Rồi
nãy giờ đi vòng quanh anh để ý vì biết có một
số cung điện mới được xây lại vài
năm nay thôi, mà sơn son thiếp vàng thì đã ngả màu
xám xịt như được làm từ thế kỷ
trước! Lại cũng còn bị dột tứ tung nên các kỷ vật vẫn phải che bằng
vải ny lông như nhà dân nghèo! Anh mà là Bộ trưởng
Bộ Văn Hóa thì tạm miễn chức Chủ nhiệm
dự án để điều tra, nếu
phạm tội thì lập tức truy tố trách nhiệm
hình sự.
Tôi nghe
anh nói chớ không nêu ý kiến và cảm như anh mình
đang được Chúa cho “mở miệng”.
Phần tôi tuy đâu biết việc các cung điện
được xây sửa tân trang chỉ mới có khoảng
vài năm nay thôi mà lại thế, nhưng tôi vẫn thấy
bức súc thế nào trước cảnh đã cũ kỹ,
thêm bị dột tứ tung đến phải dùng vải
ny lông che cho các kỷ vật mà vé thì vẫn cứ bán cho
thiên hạ vào xem …thì tiền thu được ấy đâu sao không sửa sang để bảo tồn di tích?! Nhất
là nhìn quanh thấy khách tham quan hầu hết là người
ngoại quốc nên tôi đã có ít nhiều hổ ngươi với cũng đau lòng
thay cho sĩ diện của quốc gia dân tộc nữa…
Và rồi đã đến lúc anh em phải lui gót. Ra đến
cổng, tôi bịn rịn ngó ngoái lại: cảm thế
nào cảnh cung điện "vua trần thế"
vốn đã hoang lạnh, dột tứ tung, còn bị nước lụt tơi bời...
lại thêm những lời anh mình vừa nói nên tôi cứ nghe lòng buồn
thương muốn khóc! Đồng thời tôi cũng cảm
làm sao việc Chúa Giêsu "vua vũ trụ" mình
nguyện trót đời kính thờ vâng phục thì Ngài lại
chỉ có hủy mình ra không! Không cung điện, không quyền
lực, không đến cả như theo lẽ thường
là " Con chim có tổ, con cáo có hang" nhưng Ngài
thì "Con Nguời không có chỗ gối đầu"....
Rời Đại
Nội, anh em tôi đến viếng lăng
vua Khải Định. Sau đó về Đan Viện Thiên
An tham quan một vòng rồi dùng bữa tối với ngủ
đêm tại đây.
Lần đầu
tiên đến Đan Viện tôi mới hiểu thế nào
là đời sống của một dòng khổ tu nên kính và
thương tận đáy lòng... Cha Đan Phụ đi vắng,
cha Phó Bề Trên có cho anh em tôi biết trước đây
Đan Viện được quý ân nhân ở nước
ngoài giúp cho số tiền tổng cộng là 1800 dollars mỗi
năm để làm công tác xã hội ( vì
dòng tu nào cũng có bổn phận làm công tác xã hội )
nên hàng năm Đan Viện
đã giúp được cho 22 người già lão neo
đơn với 52 em học sinh nghèo đi học. Từ
vài năm nay số tiền được trợ giúp nầy
không có nữa nên Đan Viện đành phải bó tay! Tôi có ăn bữa tối với bữa
điểm tâm tại Đan Viện nên phải nói thật
khổ hạnh chưa từng, lại thấy cả 100 thầy
đều gầy yếu nên hiểu là Đan Viện không
thể nào nhín nhịn thêm được phần ăn của
mình để có tiền mà tiếp tục công viêc xã hội
dang dở đó( đất của
Đan Viện đã bị lấy bớt, đâu còn đủ
rộng để nuôi bò nuôi ngựa kiếm thêm thu nhập!
Nguồn sống của Đan Viện hiện nay là Phòng Kỷ
Vật với vườn cam mà cam bán không được
và cái vườn trồng cam cũng bị dọa lấy
hoài! Phòng Kỷ Vật thì đâu phải mùa nào cũng có
khách vãng lai mua quà lưu niệm) ...
Ôi là tạ
ơn Chúa Mẹ! Sáng ra anh em tôi đến được
Thánh địa La Vang mà ngồi xe bốn
bánh phóng vù vù nhờ đường khô ráo! Trước linh
đài Mẹ, tôi dâng những giọt nước mắt hạnh
phúc của mình để tạ ơn Mẹ và xin Mẹ tiếp
tục ban ơn cho bao người bao việc và đặc
biệt ban cho mình học biết “xin vâng”vì tôi đang có nhiều
nỗi khổ lòng lắm! Trời có mưa chút chút, tôi xem
đấy là mưa hồng ân nên hứng
uống những giọt mưa chảy xuống từ
tượng Mẹ mà thấy hạnh phúc vô vàn! Tôi tin
đây là nước Mẹ muốn ban cho mình uống để
Mẹ chữa lành mình từ xác thể đến tâm linh hầu
mình được sống làm con ngoan của Mẹ như
mình nguyện ước! Và mưa chỉ
thoáng tí rồi ngưng. Xe của khách
hành hương lớn nhỏ đủ cở bắt
đầu tuôn vào viếng Thánh điạ mỗi lúc một
thêm.
Lần đầu
tiên viếng Thánh địa La Vang thấy ở đây hoành
tráng đông vui, tôi ngẩn ngơ cho việc cũng lần
đầu tiên mình viếng cung vua mà thấy hoang lạnh
điêu tàn! Tất nhiên cũng là có do vấn đề không
bị lụt và bị lụt mới như thế. Nhưng , như thế cũng đủ làm
cho tôi suy nghĩ lắm! Bất giác tôi vụt nghĩ đến
hai câu thơ đã được nằm sẵn từ
đời thuở nào
trong trí nhớ:
" Khuất
Bình từ phú huyền nhật nguyệt.
Sở vương đài tạ
không sơn khâu"
( có nghĩa là
"Phú từ họ Khuất sáng ngời. Lâu đài vua Sở
chôn vùi cổ khâu" )
Vâng! Thì đấy, từ phú của Khuất
Nguyên thì vẫn cứ
sống mãi trong lòng quần chúng Trung Quốc qua muôn thế
hệ dù ông là người
bề tôi bất hạnh: bị Sở vương
nghe lời biếm
trích đày ải ông khiến ông uẩn chí trầm mình dưới sông Mịch La!
Và đấy các vua nhà Nguyễn cũng bách hại đạo
ghê lắm nhưng....
x x x x
Tôi
về lại Mỹ, không thấy anh mình đá động chi
đến chuyến vô Huế vừa qua. Nhưng
đùng một hôm, nhân gọi về Dòng Con Đức Mẹ
Đi Viếng , tôi được quý
sơ cho hay đã được
anh mình biếu một ít tiền để bồi dưỡng
! Vậy đó, mà anh chẳng nói chi với tôi hết, cho
tôi mừng! Thú thật hôm ghé Dòng nghỉ ngơi và dùng bữa
trưa, mặc dù anh em tôi được quý sơ hiếu
khách đãi cho ăn no nê những món ngon bình dân của Huế
như bánh khoái, bánh nậm , bánh bột lọc... nhưng
trước đó anh em tôi có tranh thủ đi tham quan một
vòng nhà. Gặp lúc nhà bếp đang làm cơm mà thức ăn xem ra chẳng có đủ dinh dưỡng
cho từ quý sơ trẻ đến luôn cả quý sơ già
đang yếu bệnh! Nên có lẽ
vậy anh mới được "mở mắt, mở
tai, mở lòng" là lập tức mở
luôn đôi bàn tay ra để kíp có cái hành động. Và tuy
không là bao vì anh chị tôi chẳng giàu có gì, mà như vậy
cũng đủ cho tôi suy nghĩ lắm!
Đấy,
anh tôi đó! Anh là người công sản chớ đâu phải
kitô hữu mà thấy việc thấy người
được "mở mắt mở tai mở
lòng" thì mau mắn mở đôi bàn tay
ra chia sẻ... Còn tôi đã kitô hữu, thêm thấy việc thấy
người " mở mắt
mở tai mở lòng " ra rồi, lại còn được
có lời yêu thương Chúa dại là " Hãy Mở Ra "
thôi thúc cho nữa... mà không kíp mở đôi bàn tay để
hành động là nghĩa làm sao?!
Thì vâng, đang
phải cái lúc làm ăn khốn khó chẳng kiếm ra tiền,
lại thêm sẵn dịp tôi bị "Kaiser" ( chỗ tôi mua bảo hiểm sức khoẻ
cho mình) gửi lá thư cho biết kể từ tháng 1/2012 họ sẽ tăng số tiền
tôi đóng bảo hiểm hàng tháng là 539$ ( hiện tôi
đang đóng 488$ mỗi tháng)
nên tôi sẽ từ chối phức không mua nữa! Chớ
tiếp tục mua nữa thì 6 tháng sau họ lại tăng
giá, rồi cứ tăng mãi mỗi 6 tháng! Và sẽ tăng
đến mức tôi
không thể mua nổi đâu, cho tới lúc mình đến
tuổi hưu mới
sẽ được thẻ phúc lợi của xã hội
cho để chữa bệnh miễn phí. Hơn nữa việc
tôi mua bảo hiểm là phòng lúc mình đau bệnh lớn phải
ra vô bệnh viện thì cái nhà mình đang ở mới không
bị xiết nợ, vậy thôi! Mà giữ cái nhà không bị
xiết nợ thì đến cả cái mạng sống mình
rồi cũng có lúc phải tàn lụi, tiêu vong thôi! Lại
giữ cái nhà không bị xiết nợ để chi trong
lúc tôi biết là các dòng tu có bổn phận phải làm việc
xã hội nên cần được mình tiếp tay, thêm chính
mắt tôi cũng đã thấy ở các dòng tu thì quý tu
sĩ nhất là các sơ già, yếu, bệnh … bữa
ăn quá đạm bạc đâu có đủ dưỡng
chất!
Nghĩ là làm.
Tôi ngưng ngay việc mua bảo hiểm sức
khỏe trong tháng 12/2011. Từ nay tháng tháng tôi sẽ
dâng số số tiền khoảng 500$ thay vì mua bảo hiểm,
để thực hiện lời Chúa dạy “
Hãy Mở Ra” mà buông cái chuyện ốm
đau của mình cho Chúa quan phòng. Và nhờ dám buông như vậy,
tôi được nhớ thêm còn có biết bao là lời Chúa
động viên cho nữa: như nào “ Hãy
Tin”, nào “Đừng Sợ”…..
California 4/12/2011
|