ƠN GỌI (CN 2 QN.B)
(1Sam
3,3-10.19; 1Cor 6,13c-15a. 17-20; Ga 1, 35-42)
Thánh Gioan Tẩy
Giả đã giới thiệu Chúa Giêsu với các môn đệ: Đây là Chiên Thiên
Chúa. Lời giới thiệu thật đơn giản. Hai môn đệ đã đi theo Chúa. Họ
muốn tìm hiểu về cuộc sống của Chúa. Chúa mời gọi: Hãy đến mà xem.
Chúng ta không biết họ đã xem thấy gì. Nơi Chúa cư ngụ có lẽ rất đơn sơ và
nghèo khó. Họ ở lại với Chúa ngày hôm đó. Hai môn đệ đã gặp Chúa và nhận ra
Ngài chính là Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô. Từ đó họ đã gọi nhau tìm đến
với Chúa, Anrê mời Phêrô đến gặp Chúa. Khởi đầu Giáo Hội Chúa ở trần gian chỉ
giản dị như thế. Chúa bắt đầu qui tụ các môn đệ. Ngài chọn và gọi các môn đệ
từ những người ngư phủ. Ngư phủ không được học hỏi nhiều ở trường lớp. Họ
không có địa vị chức quyền trong xã hội. Họ không phải là những người giầu có
sang trọng. Chúa gọi họ là những người bình thường để thi hành những công việc
ngoại thường.
Chúa gọi và
chọn những kẻ Ngài muốn. Chính Chúa đã huấn luyện và sai họ ra đi rao giảng
tin mừng. Các môn đệ đã sống cận kề bên Chúa. Chúa coi họ là bạn hữu đồng bàn.
Chúa chấp nhận họ với cả con người từ những cách cư xử đôi khi cộc cằn, nóng
giận và ghen tương. Chúa không loại trừ những yếu đuối và ý hướng thấp hèn xảy
ra hằng ngày trong cuộc sống. Ba mươi năm sống trong cảnh gia đình Nazareth,
Chúa Giêsu đã học hiểu được rất nhiều kinh nghiệm đối xử ở đời. Chúa đã không
vào đền thờ tìm kiếm ơn gọi nơi các Luật Sĩ, Biệt phái và Tư Tế. Thật lạ, Chúa
ra ngoài bãi biển, bờ sông, sườn núi và phố chợ để tìm người. Chúa đọc được
tâm tư và nguyện vọng của riêng từng tâm hồn.
Ơn gọi là một
mầu nhiệm. Như xưa, ông Encana và bà Anna đã cầu xin cùng Chúa và Chúa đã ban
cho hai ông bà được một người con tên là Samuel. Ông bà hứa sẽ dâng đứa con
cho Chúa. Ngay khi tuổi còn trẻ, Samuel đã ở trong đền thờ Chúa, nơi đặt Hòm
Bia Thiên Chúa. Chúa đã gọi Samuel trong giấc ngủ. Cậu đã đáp lại tiếng
Chúa: Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe. Samuel
đã lắng nghe và đáp lời Chúa suốt dọc cuộc đời. Ông đã sống trong ơn nghĩa của
Chúa và thực thi các huấn lệnh của Ngài.
Chúa gọi Phaolô
theo cách thức riêng biệt. Phaolô đã từng bách hại và đánh phá Giáo Hội Chúa,
Chúa đã chọn ông trở thành tông đồ Dân Ngoại. Thơ của Thánh Phaolô gởi cho tín
hữu Corintô đã nhắc nhở mọi Kitô hữu rằng thân xác của chúng ta là chi thể và
là đền thờ của Chúa. Nhờ công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu trên thập giá, chúng
ta được chung hưởng sự sống mới nơi Đức Kitô. Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội,
mỗi người chúng ta được tháp nhập vào Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Chúng ta trở
nên chi thể của Đức Kitô được thông phần vào các chức vụ tư tế, tiên tri và
làm vương đế đến cõi sống muôn đời. Thánh Phaolô dậy rằng: Thân xác
không phải vì dâm dật, những kẻ tà dâm thì phạm tội trong thân xác
mình. Một đòi hỏi vượt thắng những khát vọng bản năng.
Chúng ta có thể
suy tư về ơn gọi của chính mình. Chúa gọi mỗi người theo ơn gọi bậc sống riêng
trong những hoàn cảnh khác nhau. Ơn gọi nào cũng là ơn gọi thánh. Nên thánh
trong bậc gia đình. Nên thánh trong bậc độc thân. Nên thánh trong ơn gọi tu
trì. Có những ơn gọi tu Dòng, giữ ba lời khấn: Khó nghèo, Khiết tịnh và Vâng
lời. Có những ơn gọi hiến dâng trong bậc tu Triều phục vụ tha nhân nơi xứ đạo,
cộng đồng. Có những ơn gọi hiến thánh tại thế trong đời sống truyền giáo. Mỗi
người tự lắng nghe tiếng Chúa để đáp lời: Lạy Chúa, xin hãy nói, vì
tôi tớ Chúa đang lắng nghe. Biết lắng nghe là một khởi đầu tốt. Tiếng
Chúa thì thầm qua mọi biến cố của cuộc đời. Cần có sự thinh lặng và tịnh tâm
để nhận biết tiếng Chúa.
Con xin chia sẻ
một chút về ơn gọi của con. Ơn gọi tu trì nhen nhúm khi con còn rất trẻ, mới
học lớp ba, lớp bốn, con đã được vào đội giúp lễ của giáo xứ. Con có cơ hội
học thuộc lòng những câu thưa La-tinh khi giúp lễ. Học biết những nghi thức
phụng vụ tiền Công Đồng Vaticanô II. Rồi được gia nhập Tiểu Chủng Viện mới 11
tuổi và theo học hết chương trình Trung học. Từ sau năm 1975, những tháng ngày
gian khó phải phấn đấu vất vả tư bề. Phần tinh thần bị khủng hoảng nhưng cũng
có một vài phấn chấn như sinh hoạt giáo xứ và những năm trở về tu học từng lớp
riêng. Con được nếm thử mọi gian khó từ những ngày tù đầy, lao động, thủy lợi,
đắp đê, nằm bờ nằm bụi, ngâm mình dưới nước cả ngày, khuôn vác, ruộng rẫy gánh
gồng… Thả về từ trại giam, tiếp theo là những tháng ngày bơ vơ không định
hướng. Con phó thác cuộc đời trong tay Chúa. Con vượt biên, sống nơi trại tỵ
nạn, thường trú nơi đất lạ quê người và đối diện với ngôn ngữ văn hóa khác
biệt. Như em bé học vần, con khởi lại từ đầu với chữ nghĩa và trường lớp. Hình
như tiếng mời gọi của Chúa cứ âm thầm dõi theo từng bước trên đường con đi.
Mọi thuận lợi cứ mở cửa dẫn con vào: Hãy đến mà xem.
Con đã đến xem
và đã ở lại. Cứ thế tiếp tục học tập qua những tháng ngày miệt mài trên ghế
nhà trường Đại Chủng Viện tại Hoa Kỳ. Kết thúc ra trường, con được lãnh nhận
thừa tác vụ linh mục. Rồi con nhận Bài Sai đến một giáo xứ lớn đa văn hóa. Như
một người lính mới ra trường, cái gì cũng còn bỡ ngỡ, phải học và phải lắng
nghe. Kinh nghiệm cho thấy những bài học nơi trường lớp và những thực hành nơi
môi trường cụ thể có nhiều khác biệt. Nhớ rằng ngày xưa, Chúa sai các tông đồ
từng hai người ra đi rao giảng tin mừng, khi trở về các ngài vui mừng hởn hở
vì làm được nhiều sự lạ. Con về giúp xứ cả bao năm mà chẳng làm được sự lạ
nào. Nhưng nhìn lại tất cả những gì đã qua, con lại nhận ra đó đều là sự lạ.
Sự lạ của ơn gọi. Sự lạ của ơn phục vụ. Con chỉ là một con người tầm thường,
dốt nát và yếu đuối nhưng sao Chúa lại gọi con làm việc trong nhà
Chúa.
Đôi lúc trong
khi cử hành thánh lễ, con thực sự đã lo ra tự hỏi mình là ai? Tại sao được
ngồi ở ghế chủ tế trong nghi thức phụng vụ của cộng đoàn dân Chúa. Là một
người di dân da vàng, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha chỉ là ngôn ngữ thứ hai
còn yếu kém, thế mà đứng chủ tế cử hành Thánh lễ tam ngữ cho cộng đoàn giáo xứ
đa văn hóa như lễ các Dân Tộc, lễ Giáng Sinh, lễ đêm Vọng Phục Sinh với đầy đủ
các nghi thức. Con chỉ biết phục vụ với tấm lòng chân thành yêu mến, khả năng
giới hạn và sự hiểu biết ít ỏi. Con không hiểu việc Chúa đang thực hiện trong
con. Hồng ân của Chúa thật bao la diệu vời. Hoàn toàn phó thác, con chỉ biết
cảm tạ và ngợi khen Chúa, vì Chúa đã thực hiện những việc lạ lùng trước mắt
chúng ta. Con không hiểu được mầu nhiệm ơn gọi. Chúa yêu con qúa nhiều. Con
chỉ biết dâng lời cám tạ và đáp trả: Anh em đã được cho không, thì cũng
phải cho không như vậy (Mt 10,8).
Lời thánh
Phaolô gởi tín hữu Corintô luôn là lời nhắc nhở cho mỗi người chúng ta, vì
chúng ta đã được mua chuộc bằng giá rất lớn. Hãy tôn vinh Thiên Chúa
trong thân xác chúng ta. Trong bất cứ ơn gọi nào, chúng ta đều phải
cố gắng phấn đấu không ngừng. Chúng ta không thể cậy dựa vào sự hiểu biết khôn
ngoan hay sức mạnh của mình, mà hãy luôn cậy trông vào ơn Chúa
giúp: Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã
(1Cor 10,12). Đường theo Chúa còn dài và cuộc sống còn nhiều chông
gai, chúng ta cần có những thời gian tĩnh lặng để lắng nghe tiếng Chúa. Chúng
ta có thể lắng nghe lời Chúa qua Kinh Thánh, qua sự giảng dạy của Giáo hội,
qua sự cầu nguyện, qua việc nhận lãnh các Bí Tích và qua những lời chỉ dạy
khôn ngoan của các vị linh hướng.
Chúa mời gọi
mỗi người: Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu
không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả
đồng nào (Is 55,1). Chúa ban ơn dồi dào cho chúng ta một cách nhưng không.
Mỗi người đã lãnh nhận biết bao ơn lộc của Chúa. Xin cho nguồn ơn thánh của
Chúa biến đổi tâm hồn chúng ta nên quảng đại và dám dấn thân làm nhân chứng
cho Chúa trên mọi nẻo đường.
Lm. Giuse Trần
Việt Hùng
Bronx, New
York.
|