SUY NIỆM
VỀ LỄ BA VUA
(Bài đọc:
Isaiah 60:1-6; Epheso 3:2-3a; PhúcÂm: Math 2:1-12)
Bác sĩ Nguyễn Tiến
Cảnh
Lễ BA VUA hay là
LỄ HIỂN LINH, tức lễ kỷ niệm ba nhà đạo sĩ đến thờ lạy Chúa Hài Đồng Giêsu, cũng
được gọi là lễ Chúa Tỏ Mình Cho Dân Ngoại. Chúa tỏ mình cho dân ngoại thế nào?
Làm sao để nhận ra Chúa?
CỰU ƯỚC NÓI VỀ CHÚA RA ĐỜI
Khi nghe các bài
đọc về phụng vụ trong lễ Ba Vua ai mà không cảm thấy rúng động với cảnh tráng lệ
huy hoàng nơi thị thành, ánh sáng chan hòa chiếu tỏa khắp phố phường, đặc biệt
là quang cảnh mà tiên tri Isaiah đã mô tả. “Hỡi Jerusalem, hãy vùng dậy trong huy hoàng;
ánh sáng của ngươi đã đến, vinh quang Thiên Chúa chiếu rọi trên ngươi. Hãy trông
kìa, bóng tối bao phủ tràn lan mặt đất, mây mù che lấp muôn dân. Nhưng
Thiên Chúa chiếu sáng trên ngươi và trên ngươi là vinh quang của Chúa…”
(Isaiah 60:1-6). Những dân ngoại đến từ những phương trời xa xôi nhờ ánh sáng
chiếu toả trên thành Jerusalem hướng dẫn. Họ mang tặng vật đi theo
cùng với con trai và con gái của Thị Trấn Thánh này! Mặc dù bóng tối bao phủ
muôn dân, nhưng vinh quang Chúa đã bừng sáng chiếu tỏa như bình minh ban mai.
Làm sao chúng ta có thể diễn tả đúng mức và đầy đủ nỗi vui mừng khi chúng ta hân
hoan đón chào Chúa Giáng Sinh Ra Đời!
TÂN ƯỚC BÁO TIN CHÚA GIÁNG SINH
Câu chuyện Tin
Mừng thánh Mathew kể về Ba Vua được ngôi sao dẫn đường đến thờ lạy Chúa Hài Đồng
(2:1-12) cho chúng ta thấy đã lấp ló một cuộc phấn đấu tất nhiên là căm go khi
mà Thiên Chúa tỏ mình cho muôn dân qua Chúa Kitô. Nếu đọc câu chuyện thật cẩn
thận và để ý một chút, chúng ta sẽ thấy đây không phải đơn thuần là câu chuyện
kể về một hài nhi, mà là một câu chuyện khá bi thảm về một người lớn. Làn ranh
chiến trận đã được vạch ra và quân đội đã sẵn sàng. Một hài nhi bé nhỏ khi vừa
chào đời thì đồng thời cũng là lúc phải đối đầu với chết chóc do quyền lực thế
gian. Chúa Giêsu đã là mối đe dọa đối với Herod và mọi thế quyền: một đàng là
ngai vàng của ông vua, một đàng là cả một đế quốc tôn giáo của nhiều người khác
….
BA VUA NHẬN RA CHÚA VÀ CUỘC HÀNH TRÌNH
Tại quê hương xa
vời, ở những miền đất xa lạ, ba nhà đạo sĩ họ có thể sống bình thản hưởng thụ
cảnh vua chúa quan quyền một cách thoải mái, nhưng họ bồn chồn băn khoăn trong lòng cảm thấy như thiếu thốn một
cái gì. Thế là họ chấp nhận khó khăn hiểm nguy làm một cuộc hành trình viễn xứ
để tìm cho ra chân lý cuộc đời, môt viễn tượng đầy hứa hẹn. Không như những kẻ
chăn chiên nghèo hèn, ba vị đạo sĩ đã phải làm một cuộc hành trình dài, phải đối
diện với biết bao nghịch cảnh trên đường tìm kiếm lý tưởng. Những kẻ chăn chiên
chúng cũng nhận ra những nghịch cảnh như những phương tiện giúp chúng chuẩn bị
tâm hồn để chấp nhận sứ điệp của các thiên thần. Chúng đã vượt qua mọi sợ hãi,
và tiến bước đi về Bethlehem để gặp Chúa Kitô Hài
Đồng.
Đối với ba
vua, cuộc hành trình đi về Bethlehem quả là khó khăn hơn nhiều vì đường xá
xa xôi lại hiểm trở. Đây không phải là một cuộc hành hương để vui chơi, hoặc gặp
gỡ lãng mạng tình cảm mà chúng ta thường thấy nơi quang cảnh hang đá máng cỏ
ngày nay. Ba vua không phải là
những người mộng tưởng hay những nhân vật, những biểu tượng bất thường về tôn
giáo; nhưng các ngài là những người thực tâm chấp nhận hy sinh cả tiền bạc, thời
giờ, nghị lực và, có lẽ cả mạng sống mình để tìm cho ra được người có thể đem
lại hòa bình đích thực.
CỰU ƯỚC/JERUSALEM, DẤU CHỈ CHO DÂN NGOẠI NHẬN BIẾT
CHÚA
Ba vua đã hoàn
toàn không bị lạc trên đường tới Jerusalem . Thị trấn hoa lệ này cũng không thể
làm cho cuộc hành hương của các ông bị ngưng trệ. Trái lại, từ Jerusalem , họ đã đổi hướng để đi Bethlehem . Những nhân vật
này từ phương Đông, đúng nghĩa là những người ngoại quốc, họ được hướng dẫn
không phải do sự khôn ngoan và hiểu biết về thiên văn qua các vì sao, mà còn
được chỉ bảo bởi Kinh Thánh / Cựu Ước. Ý nghĩa của cựu ước rất là quan trọng:
Chúa Kitô đã kêu gọi muôn dân của mọi quốc gia, dân ngoại cũng như dân Do Thái
là phải theo Ngài. Chúng ta có thể nói rằng Jerusalem và Cựu Ước chính là điểm mốc khởi
hành đối với dân ngoại trên đường hành hương đi tìm Niềm Tin vào chúa Giêsu. Dân
chúng trong thị trấn vĩ đại này, và ngay cả chính vua Herod cũng đã là dụng cụ
chỉ đường cho ba nhà đạo sĩ tìm đến với Chúa Kitô. Họ không bị "thế gian" mê
hoặc phủ dụ.
NIỀM VUI LÀ ĐIỂM KHỞI HÀNH CỦA CHÚNG TA ĐỂ TÌM VỀ
CHÚA
Việc này có ý
nghĩa gì đối với cuộc hành hương đi tìm sự thật của chúng ta ngày nay? Dĩ nhiên
Cựu Ước phải là trung tâm điểm của cuộc hành trình của chúng ta để đến với chúa
Kito; phải chăng những thị trấn của chính chúng ta, tâm hồn chúng ta với những
hỗn loạn và nghi hoặc, không thể được dùng làm khởi điểm di hành đi tìm niềm tin
của chúng ta ư?
Trung tâm điểm
của toàn thể câu chuyện Tin Mừng với những tương phản nằm tại Hài Nhi Giêsu ở
Bethlehem chính
là Niềm Vui. Herod e ngại, sợ “dân chúng quá vui mừng”. Anh em đừng sợ, tôi báo tin mừng trọng đại
cho anh em, cũng là tin mừng cho muôn dân.. (Luc 2:10). Theo Tin Mừng thánh
Mathew thì chúng ta không biết cái gì đã xẩy ra cho ba vua khi họ trở về xứ sở
của họ, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng họ đã thay đổi. Bởi vì họ đã khám
phá ra, thấy rằng ở Jerusalem và Bethlehem không có một Chúa cho nước này hay
nước kia nữa, cũng không có một tiên tri phát sinh ra ở một miền xa xôi nào đó,
nhưng là đã có một Thiên Chúa là đấng Cứu Chuộc muôn dân đã hiện hình
làm người bằng xương bằng thịt. Đó là đấng Cứu Thế, là Niềm Vui cho nhân
loại.
Cuối cùng, ba
vua đã đi theo con đường riêng của mình trở về nước, bởi vì họ không còn bị mê
hoặc hồ nghi nữa, họ cảm thấy ngỡ ngàng vì nỗi vui mừng quá lớn lao và, ngôi sao
dẫn đường cho họ đến đây giờ này lại hiện ra tiếp tục chỉ đường dẫn lối cho họ
đi về. Đây không phải chỉ là dấu chỉ của thời đại chúa Giêsu sinh ra, mà còn là
dấu chỉ của thời đại ngày nay của chúng ta. Khi chúng ta tìm ra được niềm vui
lâu bền và đích thực giữa vòng tròn quanh quẩn với những buồn rầu, nghi hoặc,
thất vọng, dửng dưng và vô nghĩa…thì cách duy nhất phải làm là chúng ta quỳ gối và tôn thờ.
Lạy Ba Vua
(Gaspar, Melchior và Balthasar), xin hãy chúc bình an và ban lòng khiêm tốn tràn
đầy tâm hồn chúng tôi, gia đình chúng tôi! Khi chúng tôi nghe thấy tiếng gọi của
tử thần, của sợ hãi và nghi hoặc, chớ gì chúng tôi có được can đảm tiếp tục đi
theo con đường của chúng tôi….và vui mừng, bởi vì chúng tôi đã thấy và đã kinh
qua sự huy hoàng cao cả của Thiên Chúa.
ĐÔI LỜI KẾT
Để kết thúc ,
chúng tôi muợn lời thánh nữ Teresa
Benedicta Thánh Giá, viết về mầu nhiệm Giáng Sinh làm lời suy
niệm::
“Quì
gối chung quanh hang đá là hình ảnh của Ánh Sáng: Những đứa trẻ đơn sơ dịu dàng,
những mục đồng đầy tin tưởng, những ông vua khiêm cung, Stephen, môn đệ nhiệt tình, và Gioan, môn đệ của
tình yêu, tất cả những người đã nghe theo tiếng gọi của Chúa. Họ là kẻ thù của
đêm tối cố chấp và mù quáng: các thánh sử là những người thực sự biết đấng Cứu
Chuộc nhân loại sinh ra ở đâu và lúc nào, nhưng các ngài sẽ không đưa ra kết
luận là: ‘Chúng ta hãy về Bethlehem,’ Vua Herod là người muốn giết Chúa. Con
đường tỏa đi từ Chúa Hài Đồng nơi máng cỏ…..”
Có người
chọn con đường đi đến Sự Sống, có người chọn con đường đi đến Sự Chết. Ngày nay
khi chúng ta rời xa máng cỏ Chúa Hài Đồng là Vua, xin hãy hy sinh hiến mình cho
lý tưởng của cuộc sống là trung tâm điểm của Niềm Vui Giáng Sinh. Nhất quyết đi theo
con đường LÝ TƯỞNG, con đường của NIỀM TIN ở Chúa Kitô đã sinh ra làm người và
chịu chết trên thập giá để cúu chuộc nhân loại, không để cho thế quyền lung lạc
hoặc chạy theo thế quyền và bả vinh hoa mà bội phản Chúa.
Fleming
Island , Florida
Jan.5, 2012
|