Hãy cho trẻ em một
tương lai hoà bình.
(Trích trong ‘Niềm
Vui Chia Sẻ’)
Từ xưa, khi
mừng lễ Giáng Sinh, Giáo Hội vẫn chú tâm đến
Đức Maria và không ngừng chiêm ngắm khuôn mặt
của Đức Mẹ bên cạnh máng cỏ Hài Nhi Giêsu.
Nhưng ngày
đầu năm dương lịch hôm nay, Giáo Hội
mừng kính đặc biệt Đức Maria với
tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa. Và
từ năm 1968, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI lại dành ngày
đầu năm dương lịch để cầu
nguyện cho hoà bình thế giới.
Thưa anh chị em,
Nhìn vào hang đá, ai
lại không nói rằng Đức Maria là Mẹ của Chúa
Giêsu. Và sở dĩ chúng ta chú ý đến máng cỏ là vì
Hài Nhi Giêsu nằm đó là chính Thiên Chúa
Nhập Thể làm người, là con của Đức
Maria. Thiên Chúa hằng hữu, tự mình mà có
và không ai sinh ra Ngài. Nhưng nay Thiên Chúa
đã sinh làm người, sinh bởi một người
nữ, một người mẹ. Đức
Maria đã sinh ra Chúa Giêsu, nên Đức Maria cũng là
Mẹ Thiên Chúa. Giáo Hội luôn kêu cầu Mẹ: “Thánh
Maria, Đức Mẹ Chúa Trời”.
Trong Tin Mừng hôm
nay, Mẹ Maria hiện ra như là một từ mẫu ghi
sâu tất cả những gì liên hệ đến Con
của mình và suy đi nghĩ lại trong lòng. Quả
thật, người mẹ nào không tự hỏi về
tương lai của con mình? Bất
cứ dấu hiệu nào cũng khiến người
mẹ suy nghĩ. Đức Maria không suy đi nghĩ
lại sao được khi thấy các mục đồng
đến thăm và kể chuyện về các thiên thần
hiện ra ban đêm báo tin cho họ? Và Mẹ có thể nào
không suy nghĩ về danh “Giêsu” (Chúa Cứu) mà từ nay theo lệnh sứ thần, Mẹ sẽ dùng
để gọi Con mình. Chính sứ thần đã giải
thích trong buổi truyền tin: “Bà sẽ gọi Con Trẻ
là Giêsu. Ngài sẽ nên cao trọng và
được gọi là Con Đấng Tối Cao.
Chính Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai báu vua Đavít, cha
Ngài, và Ngài sẽ cai trị trong nhà Giacob đến muôn
đời”. Những lời đó không đơn giản
dễ hiểu. Nội dung chắc chắn vô cùng phong phú. Maria dĩ nhiên phải suy đi nghĩ lại
trong lòng.
Anh chị em thân
mến,
Chính lúc một
người mẹ trần gian gọi Thiên Chúa bằng con,
thì trên trời các thiên thần ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên
trời, hoà bình dưới thế cho loài người Chúa
thương”. Con Thiên Chúa gọi một người nữ
bằng mẹ, để tất cả những ai sinh ra
bởi người nữ, dù ở địa vị nào,
giai cấp nào, đều được gọi Thiên Chúa là
Cha và gọi nhau là anh em. Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người
để làm “ôTrưởngam giữa một đoàn em
đông đúc” (Rm 8,29) và “không còn phân biệt Do Thái hay Hy
Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì tất cả
chỉ là một trong Đức Kitô Giêsu” (Gl 3,28).
Trong lòng Trinh Nữ
Maria, Thiên Chúa và con người đã gặp lại nhau, và
con người đã gặp lại con người. Đó là vinh danh Thiên Chúa trên trời. Đó cũng là hoà bình dưới đất cho
loài người. Vì thế, hôm nay
được chọn làm ngày Thế Giới Cầu
Nguyện Cho Hoà Bình. Chủ đề của sứ
điệp Ngày Thế Giới Hoà Bình năm nay (1996) là: “Hãy
cho trẻ em một tương lai hoà bình”. Thế
giới chúng ta, kể cả thế giới của các tôn
giáo, là thế giới của người lớn, của
những kẻ thích làm lớn. Thế giới của
chúng ta là thế giới mà trẻ thơ bị xua
đuổi, bị loại trừ, nhiều khi ngay từ
khi chúng mới chỉ là những bào thai,
và nếu như không kịp bị huỷ hoại, thì
cũng bị bỏ rơi khi mới chào đời. Còn
những em nào lớn lên, thì sẽ bị khai thác bóc
lột, kể cả khai thác trong cái “kỹ nghệ”
tội ác, đó “du lịch tình dục”.
Đức Thánh Cha
đã viết: “Những gì xảy ra cho Hài Nhi
Giêsu ở Bêlem cũng đang xảy ra cho các trẻ em trên
khắp thế giới. Có biết bao trẻ em đang là
nạn nhân của đói khổ, của chiến tranh,
đang bị cha mẹ bỏ rơi, đang sống
cảnh màn trời chiếu đất, đang đau
khổ vì biết bao hình thức bạo động và xung
đột của người lớn”.
Để có một
vài con số cụ thể, chúng ta chỉ cần lắng
nghe báo cáo của tổ chức Nhi Đồng Quốc
Tế (UNICEF) về tình trạng trẻ em trên
thế giới năm 1995 như sau: “Trong những thập
niên cuối của thế kỷ 20 đang có khoảng 2
triệu trẻ em chết vì chiến tranh, từ 4
đến 5 triệu tật nguyền, hơn 5 triệu
sống trong các trại tỵ nạn, trên 12 triệu
sống cảnh không nhà không cửa”. Bản báo cáo
ước tính cần phải có ít nhất 34 tỷ Mỹ kim mới có thể đảm bảo các nhu
cầu về dinh dưỡng, sức khoẻ, giáo dục
cho các trẻ em trên khắp thế giới.
Đức Thánh Cha
kêu gọi người lớn chúng ta “Hãy cho trẻ em
một tương lai hoà bình”. Tương lai hoà bình
của trẻ em phải là một vấn đề
chiến lược của thế giới, vấn
đề chính sách của quốc gia. Các
nhà lãnh đạo thế giới và các nhà cầm quyền
quốc gia phải chịu trách nhiệm trước nhân
loại và dân tộc mình về thảm trạng của các
trẻ em.
Tuy nhiên, chính
những người Kitô hữu cũng cần phải ý
thức rằng, với tư cách là cha mẹ, là anh chị
em, là người thân trong gia đình, tất cả chúng ta
đều là những người trước tiên có trách
nhiệm đối với con em chúng ta. Sống cho con cái,
nuôi dưỡng và giáo dục chúng nên người, đó là
trách nhiệm hàng đầu của bậc cha mẹ
để tạo cho trẻ em một tương lai hoà
bình.
Anh chị em thân
mến,
Chúng ta hãy suy nghĩ
về tương lai hoà bình của các trẻ em như
Đức Maria hằng suy đi nghĩ lại trong lòng
về những gì liên hệ đến Con của Mẹ. Mẹ
suy nghĩ về Danh “Giêsu” có nghĩa là “Cứu Thế”.
Danh đó phải được kêu cầu trên con cái loài
người, để phúc lộc phong phú cụ thể là
chính Thánh Thần mà Thiên Chúa muốn đổ xuống lòng
mọi người trong năm mới, để khi chúng ta
gọi Chúa là Cha thì chúng ta thấy mình là anh em với nhau (x.
Bđ 2), để sống yêu thương nhau, cùng nhau xây
dựng tương lai hoà bình và hạnh phúc cho mọi
người anh em.
|