TÂM SỰ CỦA NGƯỜI CON Viết CHO MẸ
(Đêm 22/12/11 @ buồng điểm, Khoa Thận Nhân Tạo, bv Cấp Cứu Trưng Vương)
1. Đêm nay trực bên Mẹ, có 3 lý do để con thức trắng đêm để viết cho Mẹ:
- Hôm nay, con mới có được giấc ngủ dài suốt 6 tiếng kể từ khi mẹ nhập viện (5/12). Nhờ vậy, con mới đủ tỉnh táo để suy tư.
- ngày mai, có khả năng mẹ chạy thận - một khâu điều trị mà con không biết mẹ có chịu đựng được hay không. Con sợ rằng không còn cơ hội để thức đêm với mẹ nữa.
- chiều nay, dự lễ tĩnh tâm ở Giáo Xứ chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh. Chủ đề 'Hãy Tỉnh Thức' làm cho con thấy cần phải thức đêm nay để lắng nghe tiếng thở mệt nhọc của mẹ, lắng nhìn những nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ, những vết chai sạn ở bàn tay phù to, ở bàn chân thô ráp mà con biết mẹ đã hao mòn vì chúng con.
Nhờ mẹ nằm bệnh viện, con cảm nhận ra được nhiều điều mà trước kia con chỉ biết qua sách vở. Trong buồng điểm với những bệnh nhân thận nặng, con chứng kiến nhiều hình ảnh buồn: con bỏ mẹ một mình chỉ vì tính khí thất thường của mẹ; con trai tát bố chỉ vì bố lắc đầu chán ăn; bà mẹ la lối con chỉ vì chậm chăm sóc. Có phải tại cha/mẹ khó tính hay con cái bất nhân? Căn bệnh suy thận quái ác làm cho con người bứt rứt khó chịu, biếng ăn và cư xử cộc cằn. Người bệnh phụ thuộc vào máy móc đến mức mất dần ý chí, chất lượng cuộc sống giảm đi rõ rệt.
Nhìn lại mẹ, con lo cho mẹ quá. Mẹ có làm gì nên tội để phải chịu căn bệnh nghiệt ngã này? Cả cuộc đời mẹ đã chịu đựng và hy sinh rất nhiều.
2. Lập gia đình, Mẹ đã vất vả, tủi nhục thế nào khi làm dâu mà mẹ đã kể nhiều lần cho con nghe, dù rằng điều an ủi của mẹ là Thầy rất thương Mẹ. Di cư vào nam, Mẹ vừa nuôi con vừa chăm lo cho các Dì. Thầy đi lính, Mẹ phải tằn tiện để xoay xở cho chúng con được tươm tất. Dù là út, nhưng trong ký ức con vẫn còn như in hình ảnh êm đềm, hạnh phúc của gia đình mình ngày nào, khi còn đầy đủ các anh, các chị. Không hiểu sao Chúa lại ban cho con trí nhớ từ còn rất bé, để bây giờ nghĩ về cuộc đời Mẹ, những hình ảnh đó đã làm cho con không cầm được nước mắt.
- Con còn nhớ khi bé còn nằm trên võng, Thầy Mẹ đi đâu về tới nựng con, giơ cho con xem quà mua cho. Cái sập cũ có từ hồi ở Kiến thiết, mà con được chạy, nhảy lúc 2 tuổi, rồi nhìn qua cái ô cửa sổ tròn ngăn cách phòng khách và phòng ngủ. Lon guigoz đựng bánh mẹ hay mở ra lấy cho mỗi khi con làm gì đó mà mẹ vui. Những buổi tối, mẹ bồng con cầm đèn dầu đi ra, đi vào và bóng mẹ in trên tường di động làm con chú ý. Sau này, lớn lên một chút khi nghe bài hát 'Gia tài của mẹ', hình ảnh này lại hiện ra trong tâm trí con.
- Con còn nhớ khi dời về nhà mới ở Tân Hoà (1969), con đã nhảy tung tăng thế nào với căn gác gỗ mà anh Đích thường cấm không cho con lên vì là giang sơn riêng của anh ấy. Ở căn nhà này, là cả một quãng đời thơ ấu và hạnh phúc của con. Những bữa cơm có đầy đủ cả nhà. Thầy mặc đồ lính đi về thật uy nghi, Mẹ làm bánh trôi, bánh cuốn, bánh xèo, bánh đúc cho ăn. Chơi với chị Tuyết, chị Mai thật vui, con học thuộc lòng cả bài học của các chị khi mới 4 tuổi. Trí nhớ của con là niềm hãnh diện cho Thầy Mẹ. Mỗi khi có khách đến chơi, Thầy hay kêu con đứng đọc bài cho mọi người nghe. Noel về con ngồi xem Thầy làm hang đá và Lễ đêm Giáng sinh đối với con thật linh thiêng.
Hạnh phúc ngày đó thật ngắn ngủi. Chỉ vài năm sau (1973), mẹ khi đó ở tuổi con bây giờ đã phải chịu đựng sự mất mát quá lớn: mất 2 người con chỉ trong 6 tháng (chị Mai và anh Đích). Con mới 7 tuổi chưa biết gì nhiều, nhưng cứ mỗi lần nhìn mẹ ôm hình anh chị trên bàn thờ mà khóc thì con lại ngồi một chỗ, chả muốn đi đâu chơi, và có lúc khóc theo. Gần như ngày nào mẹ cũng khóc. Một số nếp nhăn trên mặt Mẹ bây giờ có lẽ hình thành từ nỗi mất mát đó.
Nỗi đau của Mẹ không chỉ dừng ở đó. Cứ mỗi 10 năm Mẹ lại mất đi một người thân yêu: Thầy (1990), chị Tuyết (2002).
Hôm nay, trong xóm đang có đám tang của một cậu bé mới 12 tuổi. Hội đồng Mục Vụ GX đến viếng mà ai cũng thấy xót xa và chia sẻ sự mất mát của gia đình. Cuộc đời Mẹ còn khổ đau gấp bội. Mẹ mong còn con gái để bầu bạn lúc về già nhưng không được. Mẹ mong muốn con cháu quây quần bên Mẹ nhưng không được, anh em mỗi đứa một phương. Mẹ mong con có cháu cho mẹ bồng, nhưng con thật bất hiếu đã không làm vui lòng mẹ. Mẹ chăm các đứa cháu từng chút một, mà có đứa nào chăm được Bà. Mới sáng CN rồi, khi cháu Ngọc chào bà đi làm, bà nói thì thào : 'Ăn gì đi rồi đi'. Mẹ không nghĩ gì cho riêng Mẹ, chỉ nghĩ đến con cháu thôi.
Người ta thường nói: 'có con mới biết lòng cha mẹ' nhưng cha mẹ có biết lòng con cái? Con chưa có con nên không biết lòng cha mẹ thế nào. Con chỉ biết rằng Mẹ đã cả đời hy sinh, mà không cần biết tấm lòng của các con, các cháu đối với mình ra sao. Ai cho mẹ cái gì, mẹ lại đem cho cháu. Ở bệnh viện, khi mẹ còn tỉnh táo, nhìn các giường khác có con gái chăm, hết đứa này đến đứa khác thay phiên nhau. Con biết mẹ tủi thân lắm nhưng mẹ không nói. Để mẹ vui, con đỡ mẹ ngồi dậy nhìn ra đường Tô Hiến Thành. Con nhắc mẹ về con đường, ngày xưa mẹ hay dắt con đi xuống Dì chơi và đi bán áo gối. Mẹ vẫn nhớ và còn nói đi qua Trường Bách Khoa. Số phận nào đã dun dủi mẹ con mình vô đây? Cũng ở BV này, con đã hàng tuần lấy thuốc giảm đau cho chị Tuyết. Con cũng chở mẹ đi chữa bệnh loãng xương ở đây. Bây giờ, nhìn mẹ nằm trong cái tĩnh mịch của BV, tiếng ho của bệnh nhân, cái nhìn lặng lẽ của một bệnh nhân đang ngồi vì không ngủ được, con thấm ướt môi mẹ, lấy đờm cho mẹ mà lòng nặng trĩu.
3. Bây giờ là 2 giờ sáng ngày 23/12/11. Ngày mai là ngày 24 rồi. Nhớ năm ngoái, cũng chỉ mẹ con mình dắt nhau đi lễ đêm. Năm nay, thánh lễ đêm của con chính là bên giường mẹ. Con chiêm ngưỡng Chúa Hài đồng qua thân thể đau đớn, bệnh tật của mẹ. Chúa muốn con Tỉnh thức để chấp nhận mẹ, để chia sẻ thập giá Chúa trao cho mẹ.
Lạy Chúa Hài Đồng, xin Ngài hãy đến để xoa dịu nỗi đau thể xác, đem lại sự bình an trong tâm hồn của Mẹ con. Amen.
Con của Mẹ
|