TÍNH
SỔ (CN 33 A)
Vậy lẽ ra
người phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả
vốn lẫn lời (Mt 25,27).
Cuối năm
Phụng Vụ 2011, lời Chúa trong bài Phúc âm mời gọi mỗi người chúng ta hãy tính
sổ kết năm. Hằng năm, trong bất cứ tổ chức nào cũng có những kết toán sổ sách
sinh hoạt, chi thu và rà soát những thành qủa thu hoặch hơn thua. Con người
sống trong thời gian cần có những mấu chốt để khởi sự và hoàn thành chỉ tiêu.
Về đời sống tôn giáo, chúng ta cũng cần tịnh tâm xét mình về những cách thức
tin đạo, sống đạo và hành đạo. Xét về trách nhiệm và bổn phận của chúng ta đối
với Chúa và tha nhân. Thiên Chúa yêu thương tạo dựng muôn loài, Ngài đều trao
ban cho mỗi thụ tạo một khả năng riêng biệt và một mục đích. Mọi loài thú vật
theo bản năng phát triển và sinh tồn theo định luật tự nhiên. Con người là tạo
vật cao qúy có linh hồn, trí khôn, ý chí và tự do. Mỗi người được tạo hóa trao
ban cho những vốn liếng và khả năng khác nhau để sinh lời.
Ai trong
chúng ta cũng nhận được một số vốn khác nhau. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn về “nén
bạc” để dậy bài học: Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén,
người khác nữa một nén, tuỳ theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi (Mt
25,15). Số vốn nhiều hay ít không quan trọng. Điều quan trọng nhất là làm
sao mỗi người phát triển và làm lợi thêm qua số vốn của chính mình. Số vốn là
những kiến thức, trí tuệ, thời gian, tài năng cả về tinh thần và thể xác.
Chúng ta biết có một sự khác biệt rất lớn giữa con người với nhau về mọi
phương diện. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải sinh lợi giống nhau và bằng
nhau. Điều thiết yếu là mỗi người phải sinh lời theo số vốn mà mình đã được
lãnh nhận. Không ai có thể nói rằng tôi chẳng nhận được đồng vốn nào cả. Đã
sinh ra làm người là đã lãnh nhận ân huệ của Đấng Tạo Hóa.
Mỗi người
nhận số vốn khác nhau để sinh lời. Người lãnh
năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác (Mt 25,
16). Ông chủ đã
khen và ban phần thưởng. Rồi người nhận hai nén bạc cũng ra đi đầu tư
và làm lụng vất vả để sinh hoa lợi: Người
lãnh hai nén cũng đi làm lợi được hai nén khác (Mt 25,17). Ông chủ rất vui
mừng vì kết qủa và sự chăm chỉ của các đầy tớ. Họ xứng đáng đáng được ông chủ
yêu thương và tin tưởng. Khổ cho người lãnh một nén: Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu
tiền của chủ mình (Mt 25,18). Sự nghi ngờ và lười biếng đã đưa dẫn anh ta
vào ngõ cụt. Anh chẳng sinh lợi được gì.
Chúng ta biết
những người lo việc chính trị xã hội thì xem xét những thành qủa xây dựng và
phát triển đất nước giúp con người xã hội sống trong tự do, an bình và hạnh
phúc. Những người lo việc giáo dục học đường thì lo các sách giáo khoa, giáo
án, giáo trình để giúp các học sinh trau dồi trí thức học làm người và nâng
cao trình độ hiểu biết mọi khía cạnh của cuộc sống. Những vị lo về vấn đề lãnh
đạo tinh thần, tôn giáo thì xem xét những bước tiến sinh hoạt cộng đoàn tín
ngưỡng, giúp con người thành nhân, thành đạo và thành thánh. Những người kinh
doanh buôn bán thì tính sổ tiền bạc trong công việc chi thu để phát triển nền
kinh tế và nâng cao cuộc sống. Nói chung, trong bất cứ ngành nghề nào cũng
phải có những đúc kết để nhận định giá trị phát triển. Là người công giáo,
chúng ta có bổn phận trở thành người công dân tốt trong nước sở tại và còn có
bổn phận trở nên người công dân gương mẫu, đạo đức và thánh thiện trong Nước
Trời.
Xét về cuộc
sống, mỗi năm ai trong chúng ta cũng có thêm được một chút. Ai cũng có thêm tí
tuổi, thêm khôn ngoan, thêm chút kinh nghiệm, thêm bạn bè, thêm sự hiểu biết,
thêm bằng cấp và có thêm của cải trần gian nữa. Mỗi người tự biết về sự sinh
lợi của mình trong cuộc sống hằng ngày. Thánh Luca viết về Chúa Giêsu: Còn
Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân
nghĩa cùng Thiên Chúa (Lc 2,40). Mỗi ngày chúng ta một lớn lên về mọi sự
phát triển từ trong ra ngoài. Lớn lên và trưởng thành về thân xác, về sự hiểu
biết và về các ngành chuyên môn nhưng về lòng đạo, sống đạo và đời ssống đạo
đức luân lý có phần không phát triển đồng đều. Đôi khi còn rơi xuống tỉ lệ
nghịch với sự phát triển con người.
Thực tế cuộc
sống, có nhiều hoàn cảnh éo le không lường. Có những người không được may mắn
bình thường ngay từ bẩm sinh. Tuy nhiên, họ cũng nhận được những nén bạc làm
vốn liếng. Chúng ta biết có rất nhiều tiềm năng thiên tài phát sinh từ những
người bị dị tật bẩm sinh. Người ta thường nói: Có tật có tài. Nhiều
người với ý chí kiên cường và sự kiên nhẫn tuyệt vời để cố gắng khắc phục mọi
khó khăn để sinh lợi số vốn có được. Trong khi đó, rất nhiều người có nhiều
tài, có khả năng và có cơ hội sinh lời nhiều hơn nhưng lại tiêu xài hoang phí
số vốn liếng được trao ban. Một số người đã sa vào những cuộc ăn chơi trụy
lạc, hưởng thụ, hút sách, trộm cướp, chém giết và bài bạc sa cơ lỡ bước. Có
những con người đã gây chiến tranh hận thù, phá sản niềm tin, chối bỏ Thiên
Chúa, gieo mầm tội lỗi, phò văn hóa sự chết, gây đồi bại luân thường đạo lý,
dẫn đường lầm lạc, nêu gương mù gương xấu, lười biếng ăn không ngồi rồi và phí
sức cho phường ngoại nhân.
Cuối năm là
dịp rất tốt để chúng ta nhìn lại phía sau một chút. Biết rằng thời gian đã qua
là qua đi vĩnh viễn. Chúng ta chẳng làm gì thêm được cho những công việc đã
qua. Ngó nhìn lại, chúng ta có thể cảm thấy thoáng chút vui mừng phấn khởi vì
sự thành công và thắng lợi, nhưng cũng có thể là phút giây hối tiếc về những
sự cố không đẹp và không tốt đã gây nên. Thật thế, chúng ta đã có những hành
động giúp xây dựng tình yêu thương đoàn kết, nhưng rồi cũng có những việc gây
buồn phiền chia rẽ và hận thù. Có những sự tốt lành thôi thúc sống đạo đức
nhiệt thành nhưng cũng không thiếu những sự giả hình, nặng về trình diễn và
nông cạn. Chúng ta cần có phút giây để hồi tâm tính sổ lòng mình. Để biết mình
rõ hơn, chúng ta không chỉ dựa vào phán đoán chủ quan, dự luận bên ngoài hay ý
kiến của người khác mà còn phải soi mình trước tấm gương Điều Răn của Chúa,
tiếng nói lương tâm và Lời Chúa. Đôi khi sự thành công hoành tráng bên ngoài
chỉ là cái vỏ hình thức khoe mẽ để che đậy sự trống rỗng bên trong. Chúa Giêsu
dùng hình ảnh thật cụ thể để cảnh tỉnh chúng ta:
Khốn cho các
người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người giống như mồ mả
tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ
mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt
thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác! (Mt 23,
27-28).
Bất cứ làm
việc gì, ai trong chúng ta cũng mong có thành qủa. Hình ảnh các nhà nông giúp
chúng ta nhìn vấn đề thật rõ. Các nhà nông dám đầu tư mọi vốn liếng vào thửa
ruộng để mong thu hoặch kết qủa. Trồng cây hoa, hoa phải nở. Trồng cây ăn
trái, cây phải có trái. Trồng cây rau, rau phải phát triển. Trồng cây cảnh,
cây cảnh phải tươi đẹp. Nếu cây giống trồng bị đòi đẹt, cằn cỗi và thui chột
thì chỉ có cách cắt bỏ đi. Cũng vậy, các nhà chăn nuôi cũng phải đầu tư vốn
liếng vào các trang trại chăn nuôi để mong phát triển sinh xôi nẩy nở. Chẳng
ai nhọc xác chăm dẵm các loại thú vật hay thực vật không phát triển hay không
sinh hoa kết trái. Tạo thành con người cũng thế, Thượng Đế yêu thương trao ban
cho mỗi người một số vốn khả năng và tài khéo riêng biệt. Tạo Hóa mong muốn
con người phát triển mọi khả năng để sinh lời. Giờ đây, chúng ta phân định xem
số vốn khả năng đầu tư thế nào? Chúng ta có được khả năng chuyên môn gì? Và đã
làm lợi được bao nhiêu cho chính chúng ta, cho gia đình, xã hội và Giáo Hội?
Thú thật, nhìn lại kết qủa cuộc sống của chúng ta chẳng có là bao. Thế mà Tạo
Hóa vẫn tiếp tục ban mưa nắng thuận hòa, ban thời gian đắp đổi mỗi ngày 24
tiếng và được chung hưởng muôn phúc lộc đồng đều cho mỗi thụ tạo.
Chúng ta đã
và đang được thừa hưởng những thành qủa hoa trái do các tiền nhân để lại và
mọi người xung quanh đang kiến tạo và cống hiến. Ngoài những hồng ân trời biển
của sự sống và thiên nhiên, chúng ta được sử dụng mọi kết qủa của văn minh kỹ
thuật. Nhìn vào thế
giới nơi chúng ta đang sống, đã có biết bao nhiêu sự góp công, góp sức, góp
khả năng để xây dựng một xã hội kỹ thuật tân tiến và văn minh hiện đại. Tất cả
các dụng cụ khoa học kỹ thuật và các đồ gia dụng mà chúng ta sử dụng hằng ngày
đều do sức lao công của con người
làm nên. Mỗi người
được mời gọi góp một chút khả năng của mình để làm giầu cho đời sống xã hội và
Giáo Hội cả tinh thần lẫn vật chất. Trả lời câu hỏi Giáo Lý Công Giáo: Ta
sống ở đời này để làm gì? Thưa: Ta sống ở đời này để nhận biết, thờ phượng,
kính mến Đức Chúa Trời là Cha chúng ta và thương yêu mọi người như anh em,
cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp, cho ngày sau được hưởng hạnh phúc đời
đời. Đây là mục đích cuộc sống mà chúng ta cần đầu tư vốn liếng để sinh
lợi cho cả đời này lẫn đời sau.
Lạy Chúa,
Chúa đã ban cho chúng con muôn vàn ân sủng và phúc lộc đầy tràn. Xin cho chúng
con biết dùng những khả năng Chúa ban để sinh lợi và mưu ích chung cho đời
sống. Sinh thêm lợi thì chúng con sẽ được hưởng lợi thêm. Chúa Giêsu đã nhắn
nhủ: Vì người có
sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó,
cũng lấy đi (Mt 25,29).
Lm. Giuse
Trần Việt Hùng
Bronx, New
York
|