LINH MỤC LÀ CHA ? CN 31 A, Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Chúa Giêsu khẳng định trong Tin Mừng hôm nay : “Đừng gọi ai dưới đất là Cha vì các ngươi chỉ có một Cha trên trời”. (Mt 23,11-12). Người ta thường dựa vào câu Thánh Kinh này để biện hộ cho quan điểm không gọi Linh mục là Cha.Vậy phải hiểu câu nói Chúa Giêsu như thế nào ?
1.Tại sao gọi Linh mục là Cha ? Thói quen ấy có từ lúc nào trong Giáo hội ? Đâu là nền tảng của cách gọi này ?
“Cha” theo định nghĩa là một người đàn ông có một hay nhiều con.Một cách nào đó,Cha là người mang lại sự sống cho con.Do đó,bất cứ ai mang lại sự sống cho người khác,bằng cách này hay cách khác cũng đều có thể được gọi là Cha.Người ta cũng gọi một ai đó là Cha Già Dân Tộc khi người này đã hy sinh đấu tranh mang lại độc lập cho tổ quốc. Danh từ Cha ở đây được hiểu theo nghĩa loại suy.Chúng ta gọi Cha những người đàn ông nào đó có đặc tính của người Cha.Cũng như khi chúng ta chào hỏi một người là ông bà,chú bác thì không nhất thiết người đó phải có một liên hệ họ hàng với chúng ta.Danh xưng Cha được gán cho Linh mục cũng được hiểu theo nghĩa ấy.
Cách gọi này không phải là điều mới mẻ, ngay từ đầu lịch sử Giáo hội, các Giám mục được gọi là Cha, rồi dần dà người ta áp dụng cách gọi ấy cho các Linh mục.
Lý do gọi Linh mục là Cha thật đơn sơ và tự nhiên : Linh mục là thừa tác viên các bí tích.Ngài
nhân danh Chúa Kitô và Giáo hội để ban bí tích và sự sống ơn thánh.Qua lời dạy bảo,một cách nào
đó Linh mục cũng nuôi dưỡng người Kitô hữu trong đời sống thiêng liêng. Do đó Linh mục đóng
vai trò người Cha đối với các tín hữu.
Công đồng Vaticanô II trong sắc lệnh về sứ vụ và đời sống Linh mục đã nói về tương quan giữa
Linh mục và giáo dân : Do bí tích thánh chức,các Linh mục Tân ước thi hành nhiệm vụ cao cả và
cần thiết,đó là Cha và Thầy trong dân Chúa và cho dân Chúa.
2 . Gọi Linh mục là Cha phải chăng đi ngược lại Tin mừng vì Đức Giêsu đã nói: đừng gọi ai dưới đất là Cha vì các ngươi chỉ có một Cha,Đấng ngự trên trời. Phải hiểu câu nói này như thế nào?
Vào thời Cải cách,người Tin Lành đã dựa vào câu nói này để bãi bỏ cách gọi Linh mục là Cha.Chúng ta phải hiểu đúng nghĩa câu nói của Đức Giêsu.Đặt câu nói này trong văn mạch của đoạn Tin mừng. Đức Giêsu đang tranh luận với nhóm Pharisiêu,Luật sĩ. Ngài khiển trách họ giả hình nói mà không làm, họ thích thống trị, họ bó những gánh nặng chất lên vai người khác còn họ không nhúng tay vào, họ thích khoe khoang làm mọi việc cho người ta thấy, họ hám danh muốn ngồi chỗ nhất nơi công cộng và muốn người khác tỏ lòng kính trọng qua những danh xưng thầy ,cha,người chỉ đạo. Qua đó, Đức Giêsu đưa ra một quan điểm mới cho các môn đệ : trong anh em ,người làm lớn hơn cả phải làm người phục vụ anh em.
Đức Giêsu không cấm chúng ta gọi Cha đẻ của mình là Cha hoặc gọi bất cứ ai dạy dỗ chúng ta là Thầy. Hẳn Ngài đã từng gọi Thánh Giuse là Cha và những người dạy mình là Thầy. Do đó không nên hiểu câu nói ấy theo từng chữ. Người Do thái thường dùng kiểu nói phóng đại. Chúa Giêsu dùng kiểu nói này khi bảo rằng : Nếu tay con gây vấp ngã hãy chặt nó đi.Nếu mắt con làm cớ cho con vấp phạm hãy móc mắt đi để được vào Nước trời. Chính Thánh Phaolô,người hiểu sâu xa Lời Chúa, thế mà ngài tự xưng mình là Cha các tín hữu, ngài cũng gọi Timôthêô là con yêu dấu.
Khi Đức Giêsu nói: “Đừng gọi ai trên mặt đất này là cha, vì ngươi chỉ có một Cha trên trời”, Ngài không phủ nhận chúng ta có những người cha người mẹ mà Thiên Chúa đòi buộc chúng ta phải kính trọng (Mt 15,4). Ngài muốn dạy rằng tình phụ tử nhân loại chỉ là một sự chia sẻ tư cách cha của Chúa Cha Tối Cao là Đấng Tạo Thành, một Người Cha hoàn hảo. Đức Giêsu vừa đề cao tính cách là Cha của Thiên Chúa,vừa xác định tính cách chỉ đạo của Ngài,đồng thời Ngài cũng đả phá sự kiêu hãnh của một số nhà lãnh đạo Do thái giáo thời đó,họ ưa thích được người ta gọi là Cha,là Thầy.
3. Có buộc phải gọi Linh mục là Cha không ?
Về cách xưng hô,dường như không có một luật nào buộc.Gọi Linh mục là Cha hay không đó là vấn đề của tình cảm và niềm tin.Gọi Linh mục là Cha hay không điều đó không quan trọng cho bằng có ác ý trong cách cư xử với Linh mục hay không.Sự thiếu lễ độ,lịch sự tối thiểu đối với một người lãnh đạo,dù chỉ là lãnh đạo một cộng đoàn nhỏ,không chỉ là một xúc phạm đến Linh mục,mà còn có thể xúc phạm đến chính tình cảm tôn giáo của người tín hưũ nữa.
Chúng ta quen gọi các linh mục là cha. Tuy nhiên đó không phải là danh xưng mang tính ẩn dụ hay màu sắc thi ca. Tư cách cha của linh mục là thật vì là sự tham dự vào tư cách Cha thần linh (1 Cr 4,15; Ep 3,15). Vì thế, tư cách cha của linh mục được thiết lập bởi tư cách làm Cha của Chúa Cha trên trời mang tính tổng thể, hoàn tất việc tự hiến.
Với tư cách là cha, linh mục thực hành như lời thánh Phaolô đã dạy Titô: "Phần anh, hãy dạy những gì phù hợp với giáo lý lành mạnh. Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành. Đó là những điều anh phải nói, phải khuyên, phải sửa dạy với tất cả uy quyền. Chớ gì đừng có ai coi thường anh" (Ti 2,1-3.15).
Đức Giêsu đã dạy bài học quan trọng nhất cho các linh mục, lãnh đạo là để phục vụ. Vào Bữa Ăn Tối, sau khi rửa chân cho Nhóm Mười Hai, Ngài nói : “Anh em gọi Thầy là “Thầy” và là “Chúa”, điều đó phải lắm. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”. (Ga 13,13-15).
(Viết theo “Bạn muốn biết”, R. Veritas) Lm Giuse Nguyễn Hữu An
|