XIN DẠY CON KÍNH TRỌNG CUỘC SỐNG TRONG MỌI CHIỀU KÍCH
... Chứng ”mất trí nhớ - Alzheimer” mới khám phá cách đây không lâu, khi thân phụ tôi đã 78 tuổi. Sau thời gian phát triển chậm chạp, chứng bệnh bỗng đột ngột xuống dốc không phanh vào tháng 11 năm 2010 khi thân mẫu chúng tôi phải nhập viện, bỏ lại Ba ở nhà một mình. Thế là Ba nhất định không chịu ra khỏi giường, không ăn uống gì cả. Nhiều lần nhân viên cứu cấp hay bạn bè phải đến tận nhà để đỡ Ba dậy vì Ba ngã nằm yên dưới đất!
Thân phụ - người hùng của tuổi thơ tôi - bỗng một sớm một chiều bị biến dạng. Ba tôi có dáng người thật cao và hết lòng yêu thương vợ con. Ba tỏ ra nhân hậu, kín đáo và trìu mến khi tôi bước vào tuổi trưởng thành. Rồi Ba trở thành Ông Ngoại Ông Nội thích nô đùa với đàn cháu! Vậy mà giờ đây, tất cả tan thành mây khói!
Dịp Lễ Giáng Sinh năm 2010, 8 anh chị em chúng tôi với đàn con 8 đứa cùng tụ họp nơi nhà Cha Mẹ. Mưa rơi bên ngoài nên tất cả các cháu phải nô đùa chơi giỡn bên trong! Ba tôi nhăn nhó khó chịu vì không thể chịu được tiếng động ồn ào. Ba cũng từ chối không muốn về nhà với một đứa con nào để nghỉ ngơi.
Chúng tôi phải thay phiên nhau đến nhà canh chừng Ba và để cho Mẹ có thể nghỉ ngơi một chút. Sau cùng chúng tôi buộc lòng phải thuê y tá giúp Ba ban ngày và canh giữ Ba ban đêm. Chi phí thật cao và chúng tôi thấy trước rằng chỉ trong vòng 4 năm, trọn số tiền dành dụm của Cha Mẹ sẽ không còn một đồng nào! Nhưng đó là chuyện tương lai. Chúng tôi chỉ nên sống với hiện tại. Ngày nào có đủ sự khó cho ngày ấy!
Trở lại với chứng bệnh ”mất trí nhớ” của Ba. Có những lúc Ba như rơi vào một thế giới khác, bên ngoài thế giới chúng tôi đang sống. Ba vô cảm dửng dưng trước mọi lời nói, mọi cử chỉ trìu mến chúng tôi tỏ bày cùng Ba. Tim tôi như co thắt lại mỗi khi chứng kiến nước mắt Ba chảy dài trên gò má hoặc khi thấy Ba tự khép kín trong nỗi âu sầu, trong các tư tưởng cố định. Rồi Ba trở nên hung-hăng dữ-tợn, lập đi lập lại một câu hỏi đến cả trăm lần, câu hỏi mà không tài nào chúng tôi có thể trả lời!
8 anh chị em chúng tôi cùng đau đớn đặt vấn đề: - Làm thế nào để chăm sóc Cha Mẹ khi mà chúng tôi sống cách xa đến hàng trăm cây số?
Riêng tôi từng ước mơ cầu chúc Cha Mẹ có được tuổi già trầm lắng thì giờ đây phải bất lực chứng kiến cảnh Cha Mẹ đang chịu đau khổ! Nhiều lúc tôi cay đắng tự hỏi: - Đâu là hình ảnh đích thật của Ba? Quá khứ nào đưa Ba đến những sầu khổ hiện tại? Làm sao từ một người dịu hiền Ba trở thành một kẻ hung-hăng giận dữ?
Thật là mầu nhiệm!
Thân mẫu chúng tôi là tín hữu Công Giáo và tất cả anh chị em chúng tôi được Rửa Tội trong Giáo Hội Công Giáo. Thân phụ chúng tôi là tín hữu Tin Lành chỉ trở lại Công Giáo khi đã đến tuổi hưu và là tín hữu Công Giáo nhiệt thành. Giờ đây còn lại gì nơi Đức Tin của Ba? Thánh Lễ và kinh nguyện Công Giáo mà Ba học được khi trí nhớ bắt đầu giảm, giờ đây còn lại gì nơi Ba?
Đây cũng lại là một mầu nhiệm khác đối với tôi!
Vào một đêm vì không có y tá trực, Mẹ tôi khám phá ra Ba tôi tỏ ra yên hàn hơn vì có Mẹ ngủ bên cạnh Ba. Thật an ủi biết bao khi thấy Mẹ tỏ ra cảm động vì biết mình trao bình an cho Ba, dầu Ba không còn nhận ra Mẹ là ai! Tình yêu vợ chồng trung tín vẫn còn mang lại hoa trái!
Thật là niềm vui lớn lao khi Ba mỉm cười nhìn tôi và nói: - Chào cưng của Ba, con khoẻ không?
Hoặc khi Ba ôm hôn con gái tôi và nói: - Ngoại thương cháu biết là chừng nào!
Hay khi Ba âu yếm cầm tay Mẹ với khuôn mặt rạng rỡ thì chúng tôi biết rằng vào lúc ấy, Ba cảm nhận tình yêu con thảo chúng tôi vẫn dành cho Ba!
Tôi thật an tâm khi thấy các con của tôi biết rõ chứng Alzheimer của Ông Ngoại và luôn luôn đối xử với tâm tình kính yêu.
Lễ Thánh Gia cử hành vào Chúa Nhật 26-12-2010 mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng khi chúng tôi lắng nghe Lời Chúa trích từ Sách Huấn Ca:
”THIÊN Chúa suy tôn người cha trong con cái, quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đàn con. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái .. Ai thảo kính cha mình sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ. Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người, khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi và xây dựng đức công chính của ngươi” (3,2-17).
THIÊN CHÚA trả lại chỗ đứng của Ba tôi cho người và cho chúng tôi. THIÊN CHÚA mặc cho thân phụ chúng tôi vẻ uy nghi của Ngài. THIÊN CHÚA cũng hiện diện trong cái yếu đuối của thân phụ và trong sự không hiểu được của chúng tôi. Muôn vàn cảm tạ hồng ân bao la của THIÊN CHÚA. Chúng ta sinh ra trong trần trụi và trở về cùng THIÊN CHÚA trong trần trụi. Xin THIÊN CHÚA dạy cho chúng con biết kính trọng cuộc sống trong mọi chiều kích, ngay cả khi nó không mang chút gì ”hấp dẫn lôi cuốn”!
... Ông Gióp thưa với THIÊN CHÚA: Con biết rằng việc gì Ngài cũng làm được, không có gì Ngài đã định trước mà lại không thành tựu. ”Ai là kẻ dám dùng những lời thiếu khôn ngoan hiểu biết để làm cho kế hoạch của Ta không còn được rõ ràng minh bạch?” Phải, con đã nói dù chẳng hiểu biết gì về những điều kỳ diệu vượt quá sức con. Vậy, xin Ngài lắng nghe, và cho con thưa gửi đôi điều, con sẽ hỏi và xin Ngài đáp lại. Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến. Vì thế, điều đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn (Sách Ông Gióp 42,1-6).
(”OMBRES & lumière”, Revue Chrétienne Des Personnes Malades Et Handicapées, De Leurs Familles Et Amis, N 182, Juillet-Aout 2011, trang 27-28)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
|