TRÁI TIM CHA THÁNH
PIO
ÐANG CẦU NGUYỆN
~
“Người ta tìm kiếm Thiên Chúa trong những trang sách, người ta gặp được Người
trong sự cầu nguyện”
Lời Cha Thánh Pio Năm Dấu Thánh nói cùng
các con thiêng liêng của Ngài. Nếu ngày nay người ta không còn đức tin nữa, là
vì người ta thiếu cầu nguyện. Thiên Chúa không có mặt nơi những trang sách, mà
Người ở trong lời kinh nguyện cầu; càng cầu nguyện, đức tin ta càng lớn mạnh
lên và gặp được Thiên Chúa. “Hỡi các con, đừng bao giờ coi thường việc cầu nguyện:
Hãy thường năng cầu nguyện trong ngày. Cũng cần suy gẫm chút ít, các con sẽ gặp
và xem thấy Thiên Chúa”. Ngài thường nói: “Cầu nguyện là tấm bánh và là sự sống
của linh hồn, là hơi thở của trái tim, là cuộc gặp gỡ thâm trầm và tiếp nối dài
lâu với Thiên Chúa”. Kinh Thánh không thiếu những cuộc đàm đạo với Ðấng Tạo-Hóa;
Chúa Giêsu đã cầu nguyện và đã khuyên bảo chúng ta cầu nguyện. Cha Thánh Padre
Piô quan tâm đến sự cầu nguyện và nhấn mạnh hai khía cạnh quan trọng sau đây: Cầu
nguyện là một cuộc gặp gỡ thâm trầm và tiếp nối dài lâu.
Thâm trầm: tôi không thể cầu nguyện
thâm sâu được, nếu tôi không tự chuẩn bị để bước vào tư thế cầu nguyện, và nếu
tôi đầy ắp mọi vấn đề với những âu lo và bận lòng.
Tiếp nối dài lâu: Tôi không thể cầu nguyện trong một
khoảnh khắc ngắn ngủn được; cần phải có thời gian để bước vào trong sự cầu nguyện;
đáng tiếc thay, nếu chúng ta đang khởi sự cầu nguyện rồi bỏ lại đó đi ra, thì sự
cầu nguyện cũng theo ta biến mất.
~ Cầu nguyện và
yêu mến:
Chúng
ta không ảo tưởng: Không có tình yêu nào mà không kèm theo đau khổ, không có sự
cầu nguyện nào mà không mỏi gối đau lưng, không mòn mỏi, chờ mong, bởi vì cầu
nguyện chính là yêu mến vậy. Ai yêu mến Thiên Chúa thì người đó cầu nguyện, chứ
không phải ai nói nhiều lời với Chúa là yêu mến Ngài. Cho những ai yêu mến
Thiên Chúa thì mọi sự đều trở thành cầu nguyện hết. Tại sao vậy? Thưa là vì mọi
nơi mọi lúc, trí tâm người ấy luôn hướng về Người Yêu, về Ðấng ta tìm kiếm và ước
mong: tất cả mọi dịp đều là cơ duyên để nói lên tình yêu này bằng một lời ca ngợi,
một tiếng hát, một tác động yêu mến liên lĩ: “Giêsu Maria Giuse con mến yêu,
xin cứu rỗi các linh hồn” v.v…
~ Cầu nguyện là
lương thực nuôi dưỡng Cha Piô:
Vào những năm cuối đời, Ngài nói: “Tôi chỉ muốn được điều này mà thôi, là trở
nên một người anh em đang cầu nguyện”. Nơi bàn thờ, trong cung thánh, lúc quỳ,
lúc ngồi tòa giải tội, Cha luôn luôn cầm tràng chuỗi trong tay. Vậy thì theo
Cha Padre Piô cầu nguyện là gì? Ngày 01.11.1913, Ngài có viết cho Cha
Benedetto, linh hướng của Ngài, như thế này: “Trong kinh nguyện dường như linh
hồn con hoàn toàn mất hút trong Thiên Chúa… Những lần khác, con cảm thấy hao
mòn vì Chúa… linh hồn con ước muốn lìa đời hết sức mãnh liệt… con cảm thấy thời
gian qua nhanh và không khi nào có đủ để cầu nguyện….” Vậy là biến mất trong
Thiên Chúa, là quên mình để gặp lại chính mình nơi Thiên Chúa, là hao mòn vì
Tình yêu dành cho Thiên Chúa, là nồng cháy mãnh liệt ước ao được kết hiệp với
Người. Là rời bỏ thời gian này để tham dự vào một thực tại vượt thời gian.
~ Cầu nguyện là điều thiết yếu cho tất cả
mọi ngày trong đời sống:
Ðó là điều Mẹ Chúa Giêsu mời gọi chúng ta từ bao thế kỷ nay. Cha Padre Pio đã
nghe và làm theo lời mời gọi của Ðức Mẹ và đã trở thành Thầy dạy cầu nguyện cho
mọi người. Không phải vì Ngài đã trải qua những lớp dạy cầu nguyện đặc biệt
nào, mà vì Ngài đã đặt mình vào tư thế cầu nguyện với một lòng khiêm nhường thẳm
sâu. Ngài thường nói: “Khi ta bị nản chí, nghi nan, lo sợ, khổ đau xâm chiếm,
hơn bao giờ hết, cần phải chạy đến với Chúa Giêsu trong sự cầu nguyện, và sẽ
tìm được sự nâng đỡ và khích lệ trong lúc ta cầu nguyện”. “Cầu nguyện là vũ khí
tuyệt chiêu chúng ta có, là chìa khóa mở được trái tim Thiên Chúa”.
~ Cha Padre Piô
khuyên trước tiên phải cầu nguyện cá nhân (cầu nguyện riêng):
Thế nhưng một lời cầu nguyện phải đưa đến kết quả và phải được nuôi dưỡng bởi lời
cầu nguyện cộng đồng, cả hai cần có nhau, sống chung với nhau. Một lời cầu nguyện
không phải là ý nghĩ trừu tượng của thế giới, nhưng nó mang thế giới đến cùng
Thiên Chúa. Có người hỏi: “Thưa Cha, khi sáng lập các nhóm cầu nguyện, Cha muốn
nhấn mạnh điều gì?”- Ðáp: “Là đem các linh hồn về cho Chúa,… là dạy họ cầu nguyện
cá nhân, cầu nguyện chung, cầu nguyện với Chúa Giêsu. Tôi luôn khuyên nhủ và ước
muốn các nhóm là hãy sống đời sống Kitô hữu trong gia đình và ngoài xã hội, sống
tình bác ái huynh đệ, làm việc thiện và đặc biệt phục tùng và vâng nghe Hội
Thánh theo tinh thần Dòng Phan Sinh của chúng tôi”.
~ Vậy thì, cầu
nguyện không phải là điểm kết thúc trong chính sự cầu nguyện:
Nếu cầu
nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa, thì chúng ta không thể ra khỏi những cuộc gặp gỡ
trong cầu nguyện này mà tình trạng tâm hồn vẫn còn y nguyên như khi mới bước
vào: Sự cầu nguyện phải biến đổi được chúng ta, phải làm cho chúng ta trở thành
những chứng nhân Tin Mừng trong gia đình và trong lòng thế giới. Cầu nguyện là
dòng suối niềm vui và sự thiện, là suối mến yêu và bình an. Cha Piô thường nói:
“Nếu các con là con cái thuộc nhóm cầu nguyện của Cha thì chiều tối đến, các
con hãy họp nhau lại cầu nguyện chung trong gia đình các con. Hãy nguyện Kinh
Mân Côi Rất Thánh dâng kính Ðức Mẹ”. Biết Cha Piô là biết Tình yêu mà Thiên
Chúa có để ban cho con người, và con người có thể có để dâng lên Thiên Chúa; biết
Cha Piô là học “trở nên Kitô hữu” chứ không phải để “làm Kitô hữu”; là học biết
cầu nguyện phải mang lại Tình yêu, và không cầu nguyện thì không thể có Tình
yêu; vì Chúa Giêsu bảo: “Không có Thầy, các con không thể làm gì được”. Bởi vậy,
chỉ khi nào chúng ta kết hiệp với Người thì hành động chúng ta mới đạt được hiệu
quả. Không cần có Chúa Giêsu, tôi cũng có thể sáng lập được một tổ chức hoàn hảo,
tập hợp nhiều người bằng lời nói khả ái, bằng quyền lợi và nghĩa vụ… nhưng tôi
sẽ chẳng bao giờ yêu thương họ, vì Thiên Chúa mới là Chủ Tể duy nhất của Hành động.
Chính Thiên Chúa là Tình yêu và Người dạy chúng ta biết yêu thương, bằng cách
làm cho chúng ta nhận biết Tình yêu mà Thiên Chúa có để ban cho mỗi người.
~ Cầu nguyện
làm lan tỏa Tình yêu ra mọi hướng:
Ngày kia một
thiếu nữ con thiêng liêng của Cha Piô, có một thị kiến trong giấc ngủ: Dường
như cô xem thấy cảnh Thiên đàng, và ở chính giữa có một linh mục mặc lễ phục được
trang điểm lộng lẫy. Nơi vị linh mục này, cô nhận ra khuôn mặt Cha Piô trở nên
như mặt trời, nơi đây tỏa ra muôn phương những tia sáng được tết bởi vô vàn hoa
hồng bé tí, trắng và đỏ. Cô đã hỏi Cha Piô để mong Ngài giải thích thị kiến
này, thì được nghe trả lời: “Những tia bông hồng là các nhóm cầu nguyện đang được
thành lập tràn lan khắp thế giới. Những bông hồng màu trắng chỉ các linh hồn
đang cố gắng sống trong Ân sủng, trong Tình yêu Thiên Chúa và trong tình huynh
đệ. Những bông hồng màu đỏ chỉ các linh hồn ôm lấy thập giá đau thương một cách
vui vẻ và hiệp nhất với Chúa Giêsu và với cha đây (cha Piô), họ đang cộng tác
nhằm đem lại ơn ăn năn hối cải cho các tội nhân và cho ơn cứu rỗi của anh chị
em”. Như ta biết đó, Cha Piô đợi nơi mỗi người chúng ta: chúng ta phải trở
thành những đóa hoa hồng- hoặc trắng hoặc đỏ- nhưng phải là những bông hồng
(=biểu tượng của Tình yêu). Cha Piô đang ở cùng chúng ta và sẽ không để chúng
ta một mình, song Ngài không thể trả lời thay cho chúng ta được. Ngài đã làm
xong công việc của Ngài, còn chúng ta giờ đây phải hoàn thành phận vụ của chính
mình.
(Lễ Nhớ Thánh Padre Piô Năm Dấu: 23/09 hàng năm)
Simon
Maria Trần,
Nguồn : – Eco of Mary No. 163 www.medjugorje.org
- Nguyệt san L’étoile Notre Dame No. 71
|