LỬA THÁNH THẦN
Người Ý đa tình có một câu nói dí dỏm so sánh sự dịch thuật giống như các bà vợ: một sự dịch thuật hay (đẹp) thì có chiều hướng không trung thành, và một sự dịch thuật trung thành thì có chiều hướng không hay (đẹp). Người Việt Nam thì không ví von như vậy nhưng về dịch thuật câu này rất đúng trong tiếng Việt Nam. Chữ Pentecost, dịch đúng là ngày thứ năm mươi nhưng dịch như vậy thì nghe không được hay, do đó, Giáo Hội Việt Nam dịch là Ngũ Tuần – nghe thì hay nhưng không trung thành với nghĩa chữ. Ngũ Tuần là năm tuần, năm nhân bẩy mới có 35, còn thiếu 15 mới đủ Pentecost. Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống và như bài đọc một cho biết, biến cố Hiện Xuống xảy ra vào ngày Pentecost, một ngày lễ lớn của người Do Thái được cử hành sau lễ Vượt Qua 50 ngày, để tạ ơn và tưởng nhớ việc Thiên Chúa ban Mười Điều Răn cho ông Môsê sau khi Người cứu dân Do Thái thoát khỏi cảnh nô lệ cho người Ai Cập. Sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống đã chu toàn lời hứa của Chúa Giêsu sau khi về trời là Người sẽ sai Thần Chân Lý đến để dậy bảo, dẫn dắt các môn đệ. Khi hiện xuống vào ngày Pentecost, dường như Chúa Thánh Thần muốn nhắc nhở chúng ta điểm quan trọng liên quan đến tội nguyên tổ.Trước đây, sau khi dân Do Thái được cứu thoát khỏi sự nô lệ cho người Ai Cập, và sau khi được ban cho Mười Điều Răn, dân Do Thái vẫn chưa được tự do thực sự: họ vẫn bị sự chết thống trị vì hậu quả của tội nguyên tổ, nói cách khác, họ vẫn bị nô lệ cho tội lỗi. Nhưng bây giờ, Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết để mở ra cho loài người một sự sống mới: Những ai tuân giữ Mười Điều Răn và sống theo phúc âm, họ sẽ trở nên giống Chúa Kitô: chiến thắng được sự chết – được tự do, không còn bị nô lệ cho tội. Tội là một vấn đề rất tế nhị, xã hội ngày nay biện minh cho những hành động tội lỗi bằng sự tự do và quyền lợi của con người, nhưng thực tế cho thấy tội đã làm con người trở nên nô lệ và thay đổi bản chất con người. Để minh họa phần nào hậu quả của tội, có câu chuyện sau đây của hai anh em Giang và Hoa, khoảng 14 tuổi. Nhân dịp nghỉ hè, Giang và Hoa về thăm ông bà nội ở miền quê. Giang được ông nội cho một cái giàng ná để bắn chim. Ngày ngày nó vào khu rừng sau nhà để tập bắn giàng ná. Một hôm sau khi đi bắn chim trong khu rừng trở về nhà, nó thấy con vịt mà bà nội cưng lắm đang lạch bạch đi ngoài sân. Phản ứng tự nhiên, nó lấy giàng ná ra, bắn con vịt trúng đầu, chết ngay tại chỗ. Hoảng hồn, nó cầm con vịt giấu trong đống củi, nhưng ngay lúc đó nó trông thấy Hoa, em nó, đang đứng nhìn. Hoa đã chứng kiến mọi sự nhưng không nói gì hết. Sau bữa ăn trưa, bà nội nói, “Hoa ơi, con rửa dùm nội mấy cái chén nha.” Nhưng Hoa trả lời, “Nội ơi, anh Giang nói là anh ấy sẽ rửa chén cho con.” Sau đó, nó quay sang Giang nói nhỏ, “Có nhớ con vịt không?” Thế là Giang im lặng rửa chén. Đến buổi chiều, ông nội hỏi hai đứa có muốn đi câu cá không, nhưng bà nội vội lên tiếng, “Chiều tối nay tôi cần con Hoa phụ làm cơm, nó không đi được đâu.” Nhưng Hoa lại mỉm cười và nói, “Không sao đâu nội ơi, anh Giang nói là sẽ giúp bà nội.” Hoa lại quay sang Giang nói nhỏ, “Có nhớ con vịt không?” Thế là Giang phải ở nhà trong khi Hoa đi câu cá với ông nội. Sau vài ngày, Giang cứ phải thi hành công việc của mình và của Hoa, cuối cùng nó chịu không nổi, nó đến thú tội với bà nội là nó đã bắn chết con vịt của bà. Bà nội ôm nó vào lòng, và nói, “Con ơi, nội biết chứ. Nội đứng ở cửa sổ và nhìn thấy hết mọi chuyện, nhưng vì thương con, nội đã tha cho con rồi. Nội đang chờ coi, cho đến khi nào thì con không còn làm nô lệ cho nhỏ Hoa nữa.” Tội lỗi đã đưa con người vào tình trạng mất sự tự do. Càng từ chối, càng giấu diếm tội của mình, chúng ta càng nô lệ cho tội, và càng khốn khổ. Thiên Chúa yêu thương con người và đã tha thứ mọi tội lỗi của loài người, nhưng chỉ khi nào chúng ta nhìn nhận tội lỗi của mình thì lúc đó chúng ta mới thấy được kết quả của sự tha thứ, và hiểu được sự tự do cao quý biết chừng nào. Chúa Giêsu lập bí tích giải tội để giải thoát chúng ta khỏi tình trạng nô lệ cho tội lỗi, và Người đã trao quyền này cho các môn đệ. “Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Các con cầm buộc ai, thì tội người ấy bị cầm buộc” (c. 23). Hôm nay, lẽ ra chúng ta phải cắt bánh mừng sinh nhật của Hội Thánh, bởi vì ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày khai sinh Hội Thánh của Chúa Kitô. Để hiểu điều này, chúng ta hãy nhớ lại cách đây khoảng 53 ngày, Đức Giêsu và các tông đồ tụ họp trong một căn phòng để mừng lễ Vượt Qua. Người rửa chân cho các tông đồ để dậy bảo họ thế nào là người lãnh đạo, Người thiết lập bí tích Thánh Thể và phong chức linh mục cho các ông, Người cầu xin Chúa Cha gìn giữ các ông, nhưng điều gì đã xảy ra khi Đức Giêsu bị bắt? Tất cả các tông đồ đều trốn chạy mà chỉ trước đó vài giờ họ đã được lãnh nhận Mình Máu Chúa, họ đã được phong chức thánh! Không những thế, Giuđa bán Chúa với 30 đồng bạc, ông Phêrô chối Chúa ba lần, và ông Gioan là tông đồ duy nhất can đảm đứng dưới chân thánh giá! Ngay cả sau biến cố Phục Sinh, dù đã được chứng kiến, được ăn uống với Chúa Kitô Phục Sinh nhưng các môn đệ vẫn còn trong tâm trạng sợ hãi, chưa dám sống theo con đường của Chúa Kitô. Nói tóm lại, trong ba năm giảng dậy, Đức Giêsu đã chuẩn bị cho các môn đệ đón nhận những gì sẽ xảy đến cho Người, và những gì họ được mời gọi để thi hành, nhưng sự chuẩn bị ấy chưa đủ. Vẫn còn thiếu một điều gì. Trong ngày Pentecost hôm nay, sau khi Đức Giêsu lên trời, các môn đệ cùng với Mẹ Maria tụ họp trong căn phòng mà họ mừng lễ Vượt Qua để cầu nguyện, và Chúa Thánh Thần đã hiện xuống dưới hình thức lưỡi lửa trên đầu các môn đệ. Kết quả là họ được biến đổi – từ những người nhút nhát trở nên những chứng nhân can đảm, từ những người yếu lòng tin trở nên những vị sẵn sàng tử đạo. Họ đã ra đi khắp nơi để rao giảng, để loan truyền tin mừng của Chúa Kitô. Họ đã khởi đầu Hội Thánh của Chúa Kitô nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Làm thế nào các môn đệ đã có thể biến đổi như vậy? Chúa Thánh Thần đã làm gì trên các môn đệ? Tại sao Chúa Thánh Thần không ngự xuống trên các môn đệ trong hình dạng giống như chim bồ câu, tương tự như ngự xuống Đức Giêsu khi thanh tẩy ở sông Giođan, mà lại dưới hình thức lưỡi lửa? Phúc Âm không giải thích gì hơn ngoài tường thuật ngày Pentecost, nhưng chúng ta có thể suy diễn để thấy được một hai ý nghĩa nào đó và áp dụng trong thực tế. Lửa có ánh sáng và sức nóng. Ánh sáng có thể tượng trưng cho sự hiểu biết, và sức nóng có thể tượng trưng cho nhiệt huyết. Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa nên Người đã có sự hiểu biết, và Người nhập thể là vì nhiệt huyết yêu thương nhân loại. Chúa Thánh Thần ngự trên Đức Giêsu trong hình dáng giống như chim bồ câu để nói lên bản chất của Đức Giêsu: nhân từ, giầu lòng thương xót. Nhưng với các môn đệ, những người chưa có sự hiểu biết về Chân Lý và vì vậy chưa có nhiệt huyết để sống cho Chân Lý, Chúa Thánh Thần đã ban lửa cho họ để thiêu đốt sự dốt nát, và làm nóng chảy sự băng giá của tâm hồn thiếu tình yêu. Thực tế cho thấy người ta lo sợ, có thể là vì thiếu hiểu biết. Khi đến một thành phố xa lạ, chúng ta thường lo sợ vì không biết đường xá sẽ như thế nào, công việc làm ăn sẽ ra sao. Nhưng nếu có ai đó chỉ dẫn, giúp đỡ, chúng ta sẽ hết lo sợ. Tương tự như vậy, trong tâm trạng lo sợ của các môn đệ, Chúa Thánh Thần đã ban cho họ sự hiểu biết về chân thiện mỹ, về sự thật của đời sống, về cùng đích của loài người, và các khả năng lạ lùng về ngôn ngữ. Sự hiểu biết đó đã giúp họ không còn lo sợ. Giờ đây, họ đã hiểu và đã thấy được Tin Mừng trọng đại mà Chúa Kitô đem đến cho loài người: con người không còn bị sự chết thống trị, không còn nô lệ cho tội lỗi mà có thể được hạnh phúc muôn đời. Chúa Thánh Thần đã đem cho các môn đệ hai điều căn bản là sự hiểu biết và nhiệt huyết. Nếu trước kia họ sợ chết thì bây giờ họ hiểu rằng qua cánh cửa sự chết, họ sẽ được gặp lại Đức Kitô toàn chân, toàn thiện và toàn mỹ, đó là sự bình an vô cùng. Nếu trước kia họ không thấy được tin mừng của Chúa Kitô thì bây giờ tâm hồn họ đã bừng cháy lên vì muốn chia sẻ tin mừng ấy cho tất cả mọi người để tất cả được hưởng ơn cứu độ. Đó là các đặc điểm của công cuộc truyền giáo trong Hội Thánh. Đi đến đâu, Hội Thánh thường mở lớp học để mở mang trí tuệ, để đem lại cho con người sự hiểu biết về Thiên Chúa. Và qua công việc bác ái của các nhà truyền giáo và của mọi tín hữu Kitô, xã hội loài người sẽ nhận thấy rằng điều quan trọng trong đời sống là tình yêu, bởi vì tình yêu đem lại sự sống. Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta khao khát, tìm hiểu chân lý để chúng ta không còn lệ thuộc vào những giá trị tạm bợ của thế gian mà hướng đến những sự trên trời; xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta một tâm hồn bừng cháy vì tình yêu tha nhân để sẵn sàng hy sinh, ngay cả chính bản thân, để làm chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa Kitô.
Pt Giuse Trần Văn Nhật
|