Hành Hương La Vang (3), ĐẠI LỄ BẾ MẠC NĂM THÁNH 2010
Từ tờ mờ sáng tiếng chuông nhà thờ đã lảnh lót reo vang, đánh thức mọi người dậy để chuẩn bị tham dự phần nghi lễ quan trọng nhất: Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010. Tiếng chuông nhà thờ ngân vang trong sương sớm đã đánh thức những kỷ niệm thời thơ ấu trong tôi: Ngày xưa mỗi sáng sớm lúc 5 giờ khi nghe tiếng chuông hiệp nhất, má tôi đánh thức hai chị em tôi dậy để chuẩn bị đi lễ Misa cho kịp đến nhà thờ lúc chuông hiệp 2, thánh lễ bắt đầu.
Lúc bấy giờ hai chị em tôi còn rất nhỏ, nhưng má tôi đã rèn thành thói quen, mỗi sáng sớm đều thức dậy đi lễ Misa. Nhiều hôm buồn ngủ qúa, hai chị em tôi vừa đi,vừa mặc áo dài, vừa ngủ, chân nam đá chân bắc nhưng theo quán tính và thói quen, men theo những con hẽm ngoằn ngoèo, băng qua mấy con đường lớn, rồi chị em tôi cũng đến được nhà thờ kịp giờ lễ . Dù muốn hay không, chị em tôi cũng phải vâng lời ba má vì: “con cãi cha mẹ trăm đường con hư”.
Ngày nay thì hoàn toàn khác, đừng nói đến việc dậy sớm đi lễ mỗi ngày. Nhiều phụ huynh ở Mỹ than phiền việc con cái bỏ lễ ngày chúa nhật ! Nhưng nói chúng không nghe, biết làm sao đây ? Nhiều khi các cha giải tội nghe các bà kể khổ và lo lắng nhiều qúa, bèn phải an ủi:
”Chúng trên 18 tuổi rồi, chúng phải chịu trách nhiệm về hành vi của chúng, các bà đừng lo lắng nữa, cứ giao chúng nó cho Chúa lo.”
Truớc đây tôi hay thắc mắc: sao cứ đến dịp lễ lớn, như Giáng sinh, Phục sinh nhà thờ lại đông nghẹt người đến dự lể hơn lúc thường rất nhiều ? thì ra có những người chỉ đi lễ “xuân thu nhị kỳ”, nghĩa là một năm, chỉ đi lễ vài lần vào dip lễ lớn mà thôi ! Vì thế ở Âu châu, nhà thờ bị rao bán rất nhiều, vì chúa nhật nhà thờ chỉ còn lèo tèo vài giáo dân tới dụ lễ. Thật đáng buồn cho tình hình đạo đức mỗi ngày một đi xuống! Trong khi thiên tai càng ngày càng tăng lên ở khắp nơi Theo thống kê năm 2010, những trận động đất kinh hoàng, những cơn bão lụt chưa từng thấy, những trận cháy rừng khủng khiếp.,,trên thế giới đã chiếm những kỷ lục mới, chưa từng có hằng trăm năm nay. Đó phải chăng là dấu hiệu cho biết sắp tới ngày Chúa phải ra tay uy quyền của Ngài chăng?
Tôi thức dậy, lo vệ sinh cá nhân rồi xếp đồ đạc gọn gàng bỏ vào túi xách,.xong ra nhà thờ Một số người vẫn còn ngủ, nhưng đa số đã thức dậy đang đọc kinh cầu nguyện. May qúa, tôi gặp môt linh mục ở đó, nên xin cha làm phép giải tội..Sau đó tôi ra đài Đức Mẹ, thấy đã đông kín người ở đó đang tâm tình cầu nguyện buổi sáng với Đức Mẹ. Loa phóng thanh đang thông báo chương trình nghi lễ chính thức bế mạc Năm Thánh 2010 và lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Đại Vương Cung Thánh Đường Quốc Gia La Vang hôm nay.
Một buổi sáng êm ả, hiền hòa.mát dịu. ánh mặt trời bắt đầu tỏa sáng nơi nơi, hòa cùng dòng người mỗi lúc mỗi đông đổ về quảng trường để chính thức làm lễ bế mạc năm thánh 2010
Các phái đoàn đại biểu lần lượt lên lễ đài gồm có:
-Đoàn đại biểu Thái Lan, với lễ phục truyền thống Thái Lan -Ông bà Tổng lảnh sự Mỹ -Phái đoàn đại diện các tôn giáo bạn -Đức tổng giám mục chủ tịch hội đồng giám mục Úc Châu -Phái đoàn đại diện các quốc gia: Pháp, Lào, Campuchia, Hàn quốc, Malaysia, Philippine…
Bên cánh phải của lễ đài , các ca đoàn Sàigòn,Huế Hà Nội và Hải ngoại đã tụ họp đầy đủ. Ai cũng mặc quốc phục truyền thống, áo dài khăn đóng. Dàn nhạc dân tộc với các loại đàn Tỳ bà, đàn tranh, đàn lục huyền cầm, đàn gáo..sẳn sàng réo rắt cung đàn
Các đoàn trống Thái Bình, Hà Nội cũng đã sẳn sàng nơi vị trí riêng của mình. Có những chiếc trống to hơn 3 m đường kính (xe cần cẩu cở lớn chỉ chở được môt cái). Các tay trống cũng đều có lễ phục riêng theo đoàn trống của mình..Tất cả tạo nên những màu sắc phong phú nổi bật của ngày lễ hội lớn. Đó là chưa kể đến màu sắc “núi rừng” qua các y phục đặc biệt của đoàn cồng chiêng Tây Nguyên
Trong không khí tưng bừng lễ hội ấy, lòng tôi cũng nao nức như hằng mấy trăn ngàn tín hữu khác chờ đợi giờ khai mạc đại lễ hôm nay. Đức cha phó chủ tịch hội đồng giám mục VN, trân trọng lần lượt giới thiệu các thành phần dân chúa về tham dự: -Đức Tổng giám mục Hà Nội (đại diện 10 giáo phận miền Bắc) -Đức Tổng giám mục Huế, trưởng ban tổ chức.đại diện 6 giáo phận miền Trung -Phái đoàn Đức cha đại diện cho 10 giáo phận miền Nam (giờ chót Đức hồng y Mẫn không đến được) -Đức cha Mai Thanh Lương, đại diện cho cộng đồng Công Giáo VN hải ngoại -Các đấng Viện phụ và Bề trên các dòng tu nam, nữ -Rất nhiều Đức cha và hằng ngàn các linh mục từ khắp các giáo phận trong nước và hải ngoại về đồng tế
Đức cha Hoàng văn Đạt, tổng thư ký Hội Đồng Giám mục VN, trân trọng đọc bản văn của Đức Thánh Cha Bêneđictô 16 bổ nhiệm “Đăc sứ” Đức hồng Y Ivan Dias, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo, đại diện Ngài tham dự và chủ tọa đại lễ, vì Ngài không thể đích thân tham dự tại Đền thánh Quốc Gia La Vang được
Sau đó Đức Hồng Y chủ tế đã ngỏ lời cùng toàn thể dân chúa có mặt với lời chào bằng tiếng Việt:
“Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô” Cả quảng trường vang rộn tiếng vổ tay nồng nhiệt
Tôi đem đến cho anh chị em lời chào thăm và lời chúc phúc từ Đức Thánh Cha ở Toà Thánh Vatican. Đức Thánh Cha cũng gửi lời chúc mừng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tổ chức thành công đại lễ Tạ Ơn và Bế Mạc Năm Thánh: -24/11/09 : khai mạc ở Sở Kiện Hà Nội ( nhắc tới sự kiện này khiến tôi nhớ tới Đức Tổng Giám Mục Ngô quang Kiệt là người đã chủ tọa lễ khai mạc này, vì bảo vệ chân lý và bảo vệ đoàn chiên, ngài đã phải “ra đi” ?Xin mọi người hãy nhớ cầu nguyện cho Ngài, vị chủ chăn đáng kính, đáng yêu!) -Đại hội Dân chúa 20/11/10 ở Sàigòn
Đức Hồng Y cũng sơ lược những mốc điểm quan trọng mà Giáo Hội VN cần ghi nhớ : 350 năm thành lập hai giáo phận Tông Toà đàng trong và đàng ngoài. 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm VN.
Ngài nhắc nhở 6 triệu ½ giáo dân trên toàn đất nước VN nghĩ gì về tỷ lệ 94% người Việt chưa biết Chúa ? Đó là trách nhiệm của cộng đồng, của cá nhân trong việc sống đạo thế nào để loan báo Tin Mừng của Chúa.
Để kết thúc, Ngài đọc lời nguyện bằng tiếng Việt:
“Lạy Đức Mẹ La Vang, xin cầu Chúa chúc lành cho chúng con”
Ngoài ra Đức Thánh Cha cũng gửi tặng Chén Thánh đặc biệt cho Thánh Đường Quốc Gia La Vang và Chén Thánh đó sẽ được dùng trong Thánh Lễ đặc biệt hôm nay vì cũng là Thánh Lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Thánh Đường của Đức Mẹ
Nhân dịp nghe Đức Hồng y chủ tọa nhắc nhở về tinh thần trách nhiệm trong vụ truyền giáo ở VN khiến tôi giật mình khi nhớ lại chuyện xưa: Má tôi là người tốt hay thương người , hay giúp đở người khác, đặc biệt là những người ngoại đạo. Sau một thời gian giúp đỡ họ, bà liền rủ rê họ theo đạo, gửi họ đi học giáo lý.. Ngày họ rửa tội trở lại đạo là ngày bà vui mừng nhất. Bà thường nói với tôi: “Đem môt linh hồn ngoại đạo về với Chúa là cả thiên đàng vui mừng”.Bà miệt mài trong công tác ‘truyền giáo” kiểu này nên con đỡ đầu của bà tùm lum..Rồi sau nhiều năm trôi dạt, họ sống đạo ra sao bà cũng không rõ!. Tôi để ý thấy, họ chỉ theo đạo, rửa tội cho bà vui lòng, sau một thời gian “đâu lại vào đấy”
Tôi thì không cùng quan điểm với má tôi,tuy tôi cũng thích giúp đỡ người khác. Khi đi dạy, tôi không chỉ giúp đỡ các em học sinh lớp tôi mà cả lớp khác, nếu tôi thấy hoàn cảnh khó khăn tôi vẫn giúp, chỉ vì “thấy cầm lòng không đặng” chứ không hề có “hậu ý” như má tôi.! Thậm chí có trường hợp đặc biệt: Có một em nữ sinh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, má em bắt em bỏ học, ở nhà đi làm kiếm tiền giúp gia đình khi em đang học giữa năm lớp 11. Em báo tin cho tôi và khóc vì em rất ham học. Tôi thấy em thông minh và học tốt, bỏ học ½ chừng như vậy thì uổng quá và tội nghiệp cho em.! Tôi quyết định đến nhà gặp má em để năn nỉ cho em được tiếp tục đi học đến xong lớp 12. Tôi chấp nhận mọi chi phí và điều kiện má em đưa ra để em được tiếp tục đến trường.
Từ đó em gắn bó thân tình với tôi như người thân trong nhà. Em cảm nhận tôi thương và lo cho em nhiều hơn là má em! Rồi lần lần em đòi đi học đạo, theo đạo giống cô và ước mong cô sẽ là mẹ đỡ đầu của em! Nhưng tôi từ chối. vì tôi biết lúc này em đang trong trạng thái “cảm xúc đặc biệt” Tôi không muốn em theo đạo kiểu “ăn xổi” như vậy sẽ không bền lâu!. Kiểu mấy ông vì lấy vợ phải theo đạo để rồi “Tôi lấy được vơ ,tôi thôi nhà thờ”.
Câu chuyện đến tai má tôi, tôi bị má tôi la rầy và sai cô em tôi ‘nhảy vào”giúp đỡ, giới thiệu cho em đi học đạo, rồi rửa tội và làm mẹ đở đầu cho em. Ngày lễ Phục sinh, em rửa tội, tôi cũng tham dự thánh lễ và cầu nguyện cho em nhiều! Thời gian dần trôi đã xác minh suy nghĩ của tôi, em chỉ giữ đạo ít năm rồi thôi. Dòng đời trôi dạt đưa đẩy em xa tôi, bây giờ em đã có chồng con, hiện em vẫn còn giữ liên lạc với tôi, nhưng chuyện em “có đạo” đã trở thành một kỷ niệm xưa! Tôi không thích kiểu “truyền giáo” rữa tội đếm đầu người của má tôi. Tôi chỉ cố gắng sống tốt và giúp đỡ mọi người trong hoàn cảnh và khả năng có thể của mình. Tôi không hề rủ rê ai theo đạo bao giờ, kể cả học trò và bạn thân nhất của tôi. Mỗi người đều có niềm tin riêng của mình và tôi tôn trọng niềm tin của họ, như họ đã tôn trọng niềm tin của tôi. Thời nay chuyện lấy vợ, lấy chồng giáo hội cũng không còn buộc phải theo đạo như xưa, huống hồ là…( dù tôi vẫn quan niệm vợ chồng nên cùng một niềm tin thì sẽ tốt hơn rất nhiều)
Trong vụ truyền giáo này, tôi không hiểu má tôi đúng hay tôi sai ở điểm nào ??Tôi xin chia xẻ những cảm nghĩ chân thật của mình, kính mong được quý cha hoặc các bậc thức gỉa giúp ý kiến cho. Xin thành thật cám ơn ! Vì qủa tình là tôi hơi giật mình và áy náy khi nghe Đức Hồng y chủ toạ nói đến trách nhiệm của cộng đoàn, của cá nhân trước tỷ lệ 94% người VN chưa biết Chúa!
Mãi miên man suy nghĩ về lời nhắc nhở của Đức Hồng y, bỗng tiếng hát Latin của cả quảng trường trong bài “ Kinh thương xót” đã kéo tôi trở về với thực tại. Lâu lắm rồi tôi mới lại được nghe và hát lại những bài hát Latin quen thuộc từ tấm bé, mà cha hướng dẫn chương trình đã cho biết đó là những bài hát Latin đã được sử dụng phổ biến trước Cộng Đồng Vaticanô 2.. Hát lại một số bài hát Latin quen thuộc cũng là một cách nối sợi dây linh thiêng giữa quá khứ và hiện tại.
Phần dâng lễ, tôi thấy một đoàn các thiếu nhi nam nữ mặc quốc phục VN và các sắc tộc mang các lễ vật đặc sản của mọi miền đất nước, tiến dâng lên bàn thờ tượng trưng cho tâm tình của toàn con dân nước Việt khắp nơi trên đất nước dâng lên cho Chúa
Trời bắt đầu mưa lất phất, nhưng mọi người vẫn đứng yên tại chỗ và mọi nghi lễ vẫn tiếp tục tiến hành. Đến phần rước lễ, các linh mục đựợc ban hướng dẫn mặc sắc phục lính thú đời xưa, có lọng che đầu đi kèm, tỏa ra khắp nơi. Tôi thấy có cha Bill Cao của giáo xứ La Vang (O.C.), nghe nói ngài mang Đức Mẹ La Vang từ giáo xứ của ngài ở Mỹ về linh địa La Vang, để hiệp thông,và làm phép bởi đức hồng y và các đức cha, rồi ngài lại “thỉnh” Đức Mẹ trở lại Mỹ
Những tiếng trống, tiếng chiêng cồng vang dội khắp cả không gian rộng lớn làm háo hức thêm không khí lễ hội, dù trời đã bắt đầu mưa nặng hạt. Tôi đã đem dù theo để phòng hờ trời mưa vì nghe nói mưa Huế rất dai và lạnh, nhưng sáng nay thấy trời đẹp nên tôi đã bỏ dù lại trong lều. Thật là khó đoán được tính nết của cô nàng “thời tiết! Bây giờ để trả giá cho việc làm “thầy bói” thời tiết trật lất, tôi phải đứng trân mình chịu ướt để cùng “hiệp thông” với bao nhiêu người khác cùng chấp nhận chịu ướt để giữ cho Thánh lễ đại trào được tiếp tục diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm! Thôi cứ xem như mưa là Hồng ân của Chúa đang “tưới xuống chan hòa”…Trong cuộc sống cũng thế: chuyện vui, buồn; may mắn, rủi ro; như ý, trái ý luôn xảy ra. Tôi luôn tập chấp nhận mọi hoàn cảnh và tìm ra điểm tích cưc nhất của nó, hoặc tư động viên mình : “rồi mọi việc sẽ qua”
Kết lễ, 27 cô gái VN trong trang phục áo dài xanh khăn đóng, đại diện cho 26 giáo phận trong nước và Cộng đồng Công giáo VN hải ngoại, tay cầm từng chùm bong bóng đủ sắc màu, lần lượt thả lên không trung để mở đầu nghi lễ: Đức Hồng Y chủ tế sẽ làm phép viên đá nền tảng cho việc khởi công xây dựng Vương Cung Thánh Đường Quốc Gia La Vang và tấm bia lưu niệm những mốc điểm quan trọng của lịch sử của Giáo Hội Việt Nam. Mọi người được mời gọi đóng góp cho công trình vĩ đại chung của Người Công Giáo Việt Nam: xây dựng Linh Địa La Vang thành một Trung Tâm Hành Hương lớn nhất VN và có thể là lớn nhất châu Á. Ngôi thánh đường của Đức Mẹ hoàn thành nhanh hay chậm là tùy vào lòng hảo tâm và công sức đóng góp quảng đại của con cái Đức Mẹ trên cả nước và đặc biệt là ở Hải Ngoại. Hy vọng các vị có trách nhiệm trong Cộng Đồng Công Giáo VN hải ngoại sẽ có sáng kiến để kêu gọi sự đóng góp từ mỗi giáo xứ VN trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Mỹ. Tôi tin tưởng tấm lòng đối với Đức Mẹ của người Công Giáo VN, lúc nào cũng đều có sẳn, chỉ chờ cơ hội thuận tiện để đóng góp mà thôi. Nói tới đây tôi lại nhớ tới sự đóng góp “quảng đại”với đồng tiền”bà goá” của bà cụ nghèo khổ tối qua trong việc xây dựng thánh đường Đức Mẹ La Vang. Nếu giáo dân Việt Nam ở khắp nơi, ai cũng có lòng hào phóng với Đức Mẹ như bà cụ, thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ có một công trình vĩ đại ở Linh địa La Vang để dâng kính Đức Mẹ. Công trình đó sẽ là niềm tự hào lớn lao ccủa Giáo Hội Công Giáo VN nói riêng và của người Công Giáo VN trên toàn thế giới, nói chung. Hãy “rộng tay” với Đức Mẹ, rồi Đức Mẹ sẽ trả công bội hậu cho chúng ta và con cháu chúng ta Nghe nói ở Bình Dương, người ta mới hoàn thành một công trình Văn hóa vĩ đại rất quy mô mang tên “Đại Nam Văn Hiến”. Đó là công trình của một cá nhân hay của một tập thể nhỏ! Trong khi chúng ta gần 7 triệu người Công Giáo khắp nơi trên thế giới, chẳng lẽ chúng ta không thể đồng lòng góp công góp của để hòan thành môt công trình để đời cho con cháu chúng ta và để xứng đáng với lòng ưu ái của Đức Mẹ đối với dân tộc Việt Nam.! Hy vọng một ngày không xa, chúng ta sẽ vui mừng và tự hào tụ họp về đây dự lễ khánh thành công trình Linh Địa La Vang, với ngôi Thánh Đường mang tầm vóc quốc tế để dâng kính Mẹ La Vang thân yêu của chúng ta. Tan lễ, dòng người tuôn ra như nước chảy khi trời bắt đầu đổ mưa tầm tả. Các soeur có lẽ cũng dự đoán thời tiết mưa ở đây, nên đã đem từng thùng áo mưa (loại mỏng mặc một lần) ra phát cho mọi người, có người chê áo mưa “dỏm”, nhưng đối với tôi nó vẫn qúy vì có nó lúc này cũng đỡ ướt biết bao! Xin cám ơn sự chu đáo của các soeur! Trong cuộc đời, có những lúc sự giúp đỡ nhỏ nhoi nhưng thật cần thiết:. một lời thăm hỏi ân cần khi ta đang buồn phiền, một bàn tay nâng đỡ đưa ra khi ta vấp ngã, một sự chia xẻ khi ta đang hoạn nạn..đều rất đáng qúy! Tôi nhớ cách đây vài năm, tôi tham gia chuyến du lịch 4 ngày Nha Trang Đà Lạt do trường các soeur tổ chức. Ngày cuối cùng trên đường về gần tới khu Long Khánh, bác tài chạy hơi nhanh,( vì chạy theo quy định 40km/giờ, thì xe chạy “rù rù”), nên bị công an giao thông bắn tốc độ phạt. đến 1triệu 2 và giữ bằng lái. Mọi người ai cũng tiu ngĩu, buồn bả nhất là bác tài, chuyến này về chắc vợ con nhịn đói!. Tôi thấy trắc ẩn, nên đề nghị với soeur, mình quyên góp mọi người trên xe để chia xẻ với bác tài, nhưng soeur từ chối vì không phải trách nhiệm của mình, rồi soeur nói “nếu cô muốn cô tự làm đi”,. Thế là tôi phải đứng lên kêu gọi mọi người:
“Mấy hôm nay bác tài đưa chúng ta đi chơi khắp nơi ,đồng hành với chúng ta. Nay bác bị phạt qúa nặng, chẳng lẽ chúng ta đành lòng nhắm mắt làm ngơ? nên xin mọi người tùy lòng hảo tâm, “của ít lòng nhiều”, “góp gió thành bảo” Xin vui lòng tự nguyện đóng góp để chia xẻ với bác tài, hầu bày tỏ tình người liên đới”
Nói rồi tôi lấy một túi nylon và tự nguyện bỏ tiền vô trước, chiếc túi được chuyền lần lượt tới mọi người trên xe.Cuối cùng tổng kết lại đượcgần 1 triệu, tôi xin làm tròn con số cho chẳn. Khi chúng tôi đưa tiền cho bác tài, bác rất cảm động nói:
“Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhận được sư chia xẻ kiểu này. Số tiền này đối với tôi rất qúy, nhưng tấm lòng của các cô còn qúy hơn!. Tôi xin hết lòng cám ơn và xin hứa sẽ học bài học chia xẻ của các cô, từ nay nếu gặp ai hoạn nạn khó khăn, tôi sẽ hết lòng giúp đỡ họ”
Sau đó bầu khí trên xe nhẹ nhàng hơn, mọi người vui vì đã làm được điều tốt dù nhỏ nhoi, bác tài vui vì đã nhận được sự chia xẻ và tình người ấm áp…
Nhìn lại thực tại, ôi mưa vẫn tiếp tục rơi càng lúc càng to! Chúng tôi phải đội mưa, lội bộ ra điểm hẹn để đợi xe đến đón đi ăn trưa, nhưng đợi cả mấy tiếng đồng hồ,.đến khi hết kẹt xe, đường đã thông thoáng vẫn chẳng thấy xe mình đâu?? Mọi người bắt đầu mất kiên nhẫn, vì vừa đói bụng, vừa mệt, lại trong trạng thái nhấp nhỏm ngóng đợi vì không biết lúc nào xe đến? Những lời nói than phiền, trách móc được đưa ra..không kềm giữ được! Qủa là bài học về “nhẫn nhịn” xem ra khó thuộc lắm thay! Bởi thế mới biết tập được một đức tính tốt không phải là điều dễ dàng chút nào, nhiều khi cứ phải tiếp tục rèn luyện mãi, rồi lại phải tự “kiểm điểm” mình sau mỗi lần “thất bại” để rút kinh nghiệm, cố gắng hơn lần sau… Cuối cùng thì xe cũng đến, mọi người thở ra nhẹ nhỏm..
Tối đó đa số đều ngủ rất ngon, vì sau một ngày dài chờ đợi mệt mỏi, sau đó được ăn ngon tới 2 bữa gần như liên tiếp( trưa và chiều), được tắm rửa thoải mái, rồi được ngủ nệm ấm, chăn êm…Có những điều trong cuộc sống, ta được hưởng mỗi ngày, riết ta quen.. thấy không qúy! nhưng khi bị mất đi, rồi được có trở lại ta mới thấy nó qúy!
Sáng hôm sau thức dậy, ai nấy trông cũng tươi tắn, khỏe khoắn sẳn sàng cho một cuộc du ngoạn viếng động Phong Nha (Quảng Bình), một thắng cảnh hang động nỗi tiếng của V.N.. Đây là thời điểm chúng tôi được thư giản, vui chơi và thưởng ngoạn phong cảnh đẹp thiên nhiên. Thực ra cầu nguyện sốt sắng là điều quan trọng, nhưng du lịch vui chơi,thư giản cũng rất cần thiết cho tâm hồn con người Nó giúp ta giải tỏa stress, thêm niềm vui, và sự hăng hái khi ta trở lại với cuộc sống. Điều này thì tôi rất tâm đắc, nên tôi luôn thích đi đây, đi đó thưởng ngoạn thiên nhiên, khám phá những nét văn hóa khác biệt của con người ở khắp nơi vì nó rất thú vị! Ngoài ra nó còn giúp ta mở rộng tầm nhìn, cởi mở tâm hồn, dễ đến với mọi người. Bằng cớ là từ ngày đầu đi hành hương đến hôm nay chúng tôi mới có dịp trò chuyên vui vẻ và biết rõ về nhau nhiều hơn. Chúng tôi chụp hình dùm nhau, mời nhau củ khoai Từ còn nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Chúng tôi quan tâm đến nhau, nhắc nhở nhau cẩn thận khi đi vào những hang động thiếu ánh sáng, tình thân có cơ hội phát triển. Khung cảnh hang động thiên nhiên tuyệt đẹp giúp chúng tôi cảm nhận rõ hơn kỳ công tuyệt vời do bàn tay Chúa tạo dựng nên cho con người Khi lên lại thuyền, để tạo hứng thú và linh động cho cuộc đi chơi, cha Linh hướng đề nghị thi đua hát xem đội nào thắng, chúng tôi đi 2 thuyền.cùng cất vang tiếng hát các bài thánh ca, âm thanh vang vọng trong các hang động.ngợi ca Chúa Mẹ., nghe thật tuyệt! Sau này lên xe, chúng tôi có 2 đội ở 2 dãy ghế 2 bên, mọi người càng lúc càng hào hứng tham gia tích cực. Các bài hát thánh ca về Chúa Mẹ, về sau là cả các bài hát tình ca từ thuở xa xưa, được mọi người tận dụng trí nhớ để moi ra cho hết, hầu đội mình khỏi bị thua!. Bầu khí thật vui nhộn và sinh động khiến mọi người “xích lại” gần nhau hơn!. Đội chúng tôi có cha Linh hướng làm đội trưởng nên có phần trội hơn vì cha không những biết nhiều bài thánh ca, mà cả tình ca, cha cũng biết nhiều luôn! Cha kiêm luôn “trọng tài” nhưng cha luôn xử rất công bằng và không hề thiên vị đội nào cả!.Cha thật là “đa năng, đa tài”! Khi đội chúng tôi nhận giải thắng cuộc, cha đã “chơi đẹp”, chia kẹo cho đội thua trước, rồi mới tới đội nhà, nên dù thắng hay thua mọi người cùng được thưởng như nhau nên cả làng cùng vui vẻ.
Lâu lắm tôi mới có một chuyến hành hương: đạo đức sốt sắng rất nhiều, gian khổ không thiếu nhưng đầy vui vẻ và hào hứng! Xin cám ơn cha Linh hướng và ban tổ chức. Hy vọng sẽ gặp lại mọi người trong chuyến hành hương khánh thành Thánh Đường Đức Mẹ La Vang sau này!
Lạy Đức Mẹ La Vang xin cầu Chúa, chúc lành cho ước nguyện của chúng con. Amen!
Phượng Vũ
|