VIẾNG THÁNH ĐỊA ĐỨC MẸ MEDJUGORJE, BOSNIA, NAM TƯ Phượng Vũ
Hôm nay, chúng tôi sẽ giã từ nước Ý, băng qua mấy nước nhỏ ( Đông Âu) để đến Bosnia ( Nam Tư), viếng thăm thánh địa Medjugorje. Hành trình khá dài nên chúng tôi phải khởi hành khá sớm.
Tôi chọn đi chuyến hành hương này chỉ vì muốn viếng thăm Medjugorje. Trước đây trong chương trình Radio“Giờ của Mẹ” do chị Kim Hà phụ trách, tôi đã nghe danh Medjugorje, và tôi đã ao ước được viếng nơi này. Lúc đó còn dạy ở trường cũ, tôi chỉ có thể đi được vào dịp hè, nhưng hè thì không ai tổ chức vì gía vé máy bay cao qúa!. Một lần trước khi chị Hà dẫn đoàn đi Medjugorje tôi đến nhà găp chị và nói:
“Tôi ao ước được đi viếng Medju, nhưng tôi không đi được.Vậy xin chị khi về “chuộc” cho tôi một chuỗi hạt Mân côi từ Medju và làm phép tại đó”. Chị vui vẻ gật đầu đồng ý.
Lúc chị trở về, tôi gọi điện thoại cho chị, để đến xin chị chuỗi hạt Mân côi. Lúc tôi lái xe đến nhà chị, vừa bước xuống xe, tôi ngạc nhiên vì mùi hương Hoa Hồng ngào ngạt, sực nức cả không gian. Trước đây tôi cũng đã từng đến nhà chị nhiều lần, vườn nhà chị có trồng vài khóm Hồng, nhưng chưa bao giờ tôi ngữi thấy hương Hoa Hồng tỏa ngát và rất đậm đà như hôm nay. Khi vào nhà chị nhận chuỗi hạt, tôi nêu thắc mắc, chị cười bảo:
“Như vậy là Đức Mẹ thấu hiểu lòng thành của chị với Đức Mẹ, nên Người tỏa hương thơm Hoa Hồng cho chị! Có nhiều người không tin, nhưng sự thực là vậy. Có nhiều người đến đây, nhưng không phải ai cũng được ngữi thấy mùi hương Hoa Hồng như chị. Cũng như khi chúng tôi đi viếng Đức Mẹ cả một nhóm đông nhưng chỉ có vài người hưởng được mùi Hoa Hồng…”
Tôi cám ơn chị và từ đó xâu chuỗi hạt ấy, tuy rất đơn sơ, nhưng tôi vẫn trân qúy và dùng mỗi ngày.
Thú thật tôi cũng thuộc loại con cháu Tôma. Nếu có nghe ai kể lại câu chuyện hương Hoa Hồng, chắc tôi sẽ nghĩ người đó mắc bệnh tưởng tượng hơi nặng, nhưng bây giờ thì tôi thật sự tin vì tôi đang cảm nghiệm hương Hoa Hồng ngào ngạt chung quanh. Tôi bèn đấm ngực ăn năn vì trước đây khi nghe ai kể những chuyện lạ như vậy, tôi thường cho là “vớ vẫn” và có thái độ của Tôma “Nếu tôi không thấy thì tôi không tin” Từ đây tôi xin tôn trọng những cảm nghiệm thiêng liêng của người khác. Lạy Đức Mẹ xin giúp con trong cuộc sống luôn có thái độ biết tôn trọng những cảm nghiệm, những khác biệt của những người chung quanh con, tuy nó có thể đối lập với cách nhìn của con…
Hành trình đi hôm nay khá dài, chúng tôi phải băng qua biên giới nhiều nước, trình passport nhiều lần. Hai bên đường đa số là đồi núi, nên chúng tôi phải đi qua rất nhiều đường hầm, có cái ngắn, nhưng có cái rất dài, lúc đó tôi có dịp ý thức hơn ý nghĩa câu nói “Ánh sáng le lói cuối đường hầm”, nó báo hiệu cho ta biết sắp ra khỏi đường hầm đen tối ! Cầu chúc cho những ai đang đi trong bóng tối của đường hầm đau khổ sớm thấy tia sáng hy vọng, dù hãy còn xa xa...
Dọc đường thỉnh thoảng xe dừng lại cho chúng tôi xuống đi toilet, thư giản đôi chân hoặc mua thức ăn vặt. Ở đây họ không dùng dollars, mà chỉ dùng tiền của họ hoặc Euro. Như vây là dollars đã mất vị trí thống lĩnh thị trường thế giới như trước kia. Vào một quán bên đường thấy họ bán những ổ bánh to như bánh Bông Lan, nhưng bên trong có trộn lẫn các loại hạt nut và trái cây khô.
Cha Hiền đã kể lại một câu chuyện tình sử về nguồn gốc chiếc bánh, và cho biết bánh này chỉ có nhân dịp lễ Phục sinh. Đặc biệt các Đức cha VN khi sang đây đều thích mua về làm qùa và các Ngài đặt tên là “bánh nhéo”, vì mỗi người có thể “nhéo” một miếng để ăn, vừa đơn giản, vừa tiện lợi. Nghe cha kể hấp dẫn qúa, một chị trong đoàn đã mua 2 ổ, 1 ổ mang về làm qùa, 1 ổ biếu Đức ông, nhưng đức ông đề nghị “chia xẻ” với cả đoàn. Vậy là cả đoàn, ai cũng có dịp thực hành “nhéo” một miếng để thưởng thức “món lạ xứ người”.Đó cũng là một điều thú vị khi đi du lịch đây đó ! Cám ơn cha Hiền với tinh thần chia xẻ “Có vui cùng hưởng, có bánh cùng ăn”.
Khi gần đến Bosnia , để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Medju, cha Hiền đã giới thiệu sơ lược về nơi này. Medjugorje là một thành phố nhỏ nằm giữa 2 ngọn núi lớn, nó nhỏ đến nỗi không có tên trên bản đồ của Bosnia. Nó nhỏ tương tự như Kontum (VN) đã dược diễn tả qua một bài hát:
“Phố núi cao, phố núi đầy sương Phố núi không xa, nên phố tình thân
Đi 5 phút đã về chốn cũ…
Xin cảm ơn thành phố có MẸ
Tôi xin phép tác gỉa để sửa lại chữ cuối của câu hát hầu diễn tả lại tâm tình của người dân ở đây, vì từ khi có Đức Mẹ hiện ra (1981) thành phố đã phát triễn rất nhanh. Số lượng khách hành hương đổ về mỗi ngày một đông. Khách sạn, nhà hàng, đặc biệt là các tiệm bán các ảnh tượng, đồ lưu niệm mọc lên san sát hai bên đường. Trong số khách hành hương đổ về đây từ khắp nơi trên thế giới, nhiều nhất vẫn là người Ý, có lẽ vì ở gần. Tổng cộng đến nay đã có hơn một triệu khách hành hương người Ý. Cha Hiền vừa được tin hiện nay có một đoàn 26 linh mục Ý đang hành hương ở đây.
Sự kiện lạ xảy ra vào lúc 6 giờ chiều ngày 24/6/1981 Đức Mẹ đã hiện ra trên một ngọn đồi nhỏ với 6 thiếu niên tuổi từ 16, 17. Các em nhìn thấy một người phụ nữ mặc áo choàng trắng trên tay bồng một hài nhi, ngạc nhiên và hoảng sợ các em không dám đến gần và bỏ chạy. Chiều hôm sau cũng vào giờ đó, 4 trong 6 thiếu niên đó, cảm thấy mạnh dạn hơn nên trở lại chốn cũ và lần này họ nhận ra người phụ nữ đó chính là Đức Mẹ, họ cũng gặp lại 2 người bạn trong nhóm hôm qua. Từ đó họ thành một nhóm hằng ngày đến cầu nguyện và nói chuyện với Đức Mẹ, khi thì riêng lẽ, khi thì cả nhóm. Đức Mẹ truyền cho họ những thông điệp quan trọng kêu gọi mọi người lo thống hối ăn năn, đền tội, siêng năng lần chuỗi Mân Côi để loài người được cứu thoát..Thời kỳ đó Nam Tư còn là nước cộng sản, nên chính quyền muốn bưng bít thông tin, tạm giam một số em và cấm không cho dân chúng tụ tập về Medjugorje..
Ngồi xe cả ngày mỏi mệt, nhưng khi đến Medju, nhìn thấy ngôi thánh đường được xây dựng để dâng kính Đức Mẹ Mejdugorje. Mọi người như có một luồng sinh lực mới, tỉnh táo hẳn ra., quên cả mêt mỏi. Xe đưa chúng tôi về khách sạn gần đó, để nhận phòng, tắm rữa, nghỉ ngơi rồi ăn tối. Ngày mai mới bắt đầu chương trình thăm viếng và sẽ có tour guide địa phương hướng dẫn. Nhưng ngay tối đó có nhiều người nôn nao qúa không thể đợi tới ngày mai được, đã rủ nhau đi bộ, hỏi thăm đường để ra viếng Đức Mẹ ở nhà thờ. Bởi vậy mới biết sức mạnh tinh thần rất quan trọng, nó giúp con người vượt qua được những khó khăn, trở ngại về thể chất để đạt được điều mình mong muốn.
Tối khi lên giường ngủ, tôi mới chợt nhận ra ảnh Đức Mẹ và Thánh gía được treo trong phòng, thường phòng ở hotel chỉ treo tranh Hoa hoặc phong cảnh, nhưng có lẽ ở đây toàn khách hành hương, vùng này được xem như là vùng “Công Giáo toàn tòng”.
Sáng hôm sau, chúng tôi gặp Mary, một cô gái trẻ Nam Tư, sẽ là người hướng dẫn chúng tôi hành hương tại Mejdu. Cô cho biết chúng tôi may mắn vì giờ chót có tin sáng nay sẽ có một buổi gặp gỡ với một “Thị Nhân” (1 trong 6 người từng được gặp Đức Mẹ khi xưa). Cô ấy lấy chồng và sinh sống ở Ý, thỉnh thoảng về thăm Mejdu. Trên đường đi, Mary kể cho chúng tôi nghe câu chuyện rất cảm động về một Thị nhân:cô ấy bị bệnh ung thư rất đau đớn, có khi tới độ hôn mê, nhưng mỗi khi Đức Mẹ hiện ra nói chuyện với cô thì cô khỏe mạnh trở lại..Sau nhiều lần như thế, mẹ cô mới nói với cô:
“Sao con không xin Đức Mẹ cất hết mọi bệnh tật cho con , để con khỏi phải chịu đựng đau đớn nữa?”
Mary hỏi lại chúng tôi :
“Có phải mỗi lần chúng ta bị bệnh tật , đau đớn ,chúng ta đều luôn luôn cầu xin cho được mau chóng khỏi bệnh phải không ??
Tôi gật đầu rất lẹ :”Đúng rồi!” vì nó nói đúng tim tôi Tôi không những cầu xin cho khỏi bệnh, mà nếu cầu xin lâu qúa chưa được thì tôi còn than trách “ Sao con cầu hoài đến mòn mõi mà Chúa, Mẹ chẳng nghe lời con cầu xin??.” Mary cười tiếp lời “Hãy nghe cô Thị nhân trả lời với mẹ của mình”: “Mẹ ơi ! con chấp nhận chịu đau đớn do bệnh tật gây ra, như những hy sinh để đền vì tội lỗi của bao nhiêu người khác, nhờ đó mà nhiều linh hồn được cứu rỗi !” Nghe xong tôi thấy “mắc cỡ” qúa, vì nếu tôi mà được diễm phúc gặp Đức Mẹ hiện ra thì chắc là tôi sẽ xin “tùm lum” vì tôi có biết bao nhiêu nhu cầu từ vật chất tới tâm linh trong cuộc sống hằng ngày.
Đây là một ý tưởng mới tôi cần phải học hỏi . Từ đây, tôi không chỉ “cầu xin” mà là “cầu nguyện” với Chúa Mẹ và tôi luôn nhớ thêm chữ “Nhưng” nếu Chúa Mẹ, không cho hoặc chưa cho thì xin cho con thêm sức mạnh để con “bằng lòng” chịu đau khổ để đền bù cho tội lỗi con, cứu linh hồn con trong giờ sau hết, chứ tôi không dám có cao vọng đền bù tội lỗi người khác hoặc cứu linh hốn người khác vì thân con tội lỗi, con chưa đền xong, lấy gì mà dám “đèo bòng” để “cứu vớt” người khác!!
Khi chúng tôi đến nơi “gặp gỡ” thì đã có 5,6 xe bus tới trước chúng tôi. Mọi người tập trung rất đông trong một sân rộng trước một ngôi nhà. Họ đang lần chuỗi Mân Côi ( tiếng Croatia hay tiếng Ý??) do một cha đứng trên thềm nhà điều khiển..Sau đó cha Hiền lên gặp cha kia và có vài lời ngắn gọn giới thiệu về đoàn chúng tôi Tiếp theo mọi người lần hạt chung với nhau, họ đọc một vế bằng tiếng của họ, vế còn lại chúng tôi đọc bằng tiếng Việt. Thật là một sự hòa đồng tuyệt vời, vì tất cả đều là con cái Đức Mẹ và đều yêu mến , sùng kính Đức Mẹ
Sau một thời gian chờ đợi, xe chở “Thị nhân” xuất hiện, Đúng như lời Mary đã giới thiệu trước với chúng tôi về chị “Đặc điểm của chị là gương mặt lúc nào cũng tươi cười, nụ cười luôn rộng mỡ trên đôi môi chị” Chị bước xuống xe, vừa đi vừa cười vừa đưa tay vẫy chào mọi người Tuy chưa hề quen biết chị, nhưng nụ cười tươi sáng trên khuôn mặt của chị khiến mọi người cảm thấy gần gủi với chị. Nói tới đây tôi lại chợt nhớ tới “yếu điểm” của mình, tôi bị nhiều người phê bình là có gương mặt “chù ụ” hoặc “ nghiêm nghị”..Từ đây tôi phải rán sữa, lúc nào cũng phải “cười toe” mới được kẻo bị hiểu lầm là “ khó chịu” hoặc “kênh kiệu” thì tội nghiệp tôi lắm vì tôi lúc nào cũng muốn thân thiện với mọi người!
Chị “thị nhân” đứng trên bậc thềm cao nói chuyện với mọi người ( có người thông dịch ra tiếng Ý, nhưng cả 2 ngôn ngữ đó chúng tôi đều không hiểu ) thành thử cứ “như vịt nghe sấm” dù có lòng thành. Do đó ngôn ngữ giúp người ta hiểu nhau ( communication) rất quan trọng, thiếu nó người ta không hiểu nhau hoặc hiểu lầm nhau sẽ gây ra nhiều tác hại Điều này khiến tôi nhớ tới câu chuyện trong Thánh kinh về việc xây tháp Abel, tuy mọi người đều quyết tâm xây tháp nhưng vì ngôn ngữ bất đồng, nói ra không ai hiểu ai, nên cuối cùng họ phải bỏ dỡ công việc, không xây được tháp. Lạy Chúa xin giúp chúng con biềt sử dụng ngôn ngữ Chúa ban cho như một khí cụ tình thương để hiểu biết và xây dựng tình người mỗi ngày một tốt đẹp hơn trong môi trường đời sống hằng ngày của chúng con..Tuy không hiểu ngôn ngữ của chị, nhưng tôi cũng đoán chi đang kêu gọi mọi người thực hành thông điệp của Đức Mẹ :siêng năng lần hạt Mân Côi, làm việc phúc đức, ăn chay hãm mình đền tội để cứu nhân loại khỏi sự trừng phạt của Thiên Chúa ( Sau này t ôi hỏi lại cha Hiền, thì cha cũng gật đầu”Gần đúng như vậy”)
Sau đó chị kêu gọi mọi người nhắm mắt, chắp tay lại để cùng cấu nguyện với chị. Tôi nhắm mắt cầu nguyện chừng 5,10 phút là đã mở mắt ra, tôi dễ bị phân tâm không tập trung cầu nguyện được lâu! Nhìn lên chị, tôi thật sự cảm phục! chị cầu nguyện sốt sắng đến độ xuất thần, tôi cảm thấy hình như chị đang nói chuyện với Đức Mẹ ở một thế giới riêng, nên những tiếng động chung quanh (tiếng trẻ con khóc, tiếng cell phone reo..) không mảy may ảnh hưởng đến chị. Hơn 30 phút rồi nhưng chị cứ đứng bất động, nhắm mắt cầu nguyện, dù lát sau ánh nắng mặt trời di chuyển, chiếu thẳng vào mặt chị, chị vẫn cứ đứng im, khuôn mặt xuất thần, như thể chị với Đức Mẹ trở thành một. Cầu nguyện như thế mới là cầu nguyện, xin Chúa và Đức Mẹ giúp cho lòng trí con bớt “lao xao” chuyện đời để mỗi khi con cầu nguyện, tâm hồn con thực sự hướng về Chúa và Mẹ..
Sau đó đoàn chúng tôi lên xe bus để về nhà thờ cho kịp giờ dâng thánh lễ (tiếng Anh ), vì lịch trình dâng thánh lễ trong ngày đã kín mít với rất nhiều ngôn ngữ khác nhau ( đã ghi danh từ trước). Đúng là con cái Đức Mẹ từ khắp nơi trên thế giới với nhiều ngôn ngữ khác nhau đã tề tựu về đây để bày tỏ lòng sùng kính và yêu mến Mẹ. Thánh lễ đồng tế bắt đầu đúng giờ, với nhiều cha tham gia ( có lẽ cũng hướng dẫn nhiều đoàn hành hương khác nhau) Cha chủ tế tự giới thiệu cha đến từ San Francisco (Mỹ), hướng dẫn một đoàn hành hương hơn 20 người, cha Hiền cũng tham gia đồng tế..Mọi người sốt sắng tham dự thánh lễ để cầu nguyện cho sự thay đổi chính bản thân ( đa số hay nhớ cầu nguyện cho người khác thay đổi, thậm chí “xin lễ đặc biệt”, nhưng quên là chính mình phải lo thay đổi trước vì điều đó khả thi nhất) và cho những người thân trong gia đình..
Sau thánh lễ chúng tôi đến cầu nguyện nơi bàn thờ Đức Mẹ ở bên phải bàn thờ, với thật nhiều hoa tươi tràn ngập. Có người thì ra cầu nguyện với đài Đức Mẹ ở ngoài sân. Đây là thời gian tự do nên mọi người tản ra mua sắm qùa lưu niệm nơi các gian hàng dày đặc ỏ ngay phố phía trước nhà thờ. Nhìn chung giá cả ở đây ( đặc biệt là về Đức Mẹ Mejdu) rẻ hơn bên Roma nhiều. Mọi người đi ăn trưa và lo mua gậy để chuẩn bị cho chương trình leo đồi Đức Mẹ vào buổi chiều.
Sau khi nghĩ trưa chốc lát, 2:30 chiều, dù trời trưa nắng gay gắt, nhưng đoàn chúng tôi ai nấy đã sẳn sàng nón, gậy để bắt đầu cuộc hành hương leo đồi Đức Mẹ hiện ra. Trên đường đi Mary kể lại một số câu chuyện linh thiêng đã xảy ra cho một số trường hợp khi họ leo đồi Đức Mẹ. Mary cũng nhắc nhở chúng tôi là đường lên đồi không có lối đi bằng phẳng, mà chỉ toàn đá lởm chởm khắp nơi , nên phải rất cẩn thận kẻo té. Nếu ai thấy đuối sức không đi tiếp được thì nên trở xuống, và Mary cũng đã chỉ điểm hẹn cho mọi người tập trung ở đó để chờ nhau lên xe bus về lại khách sạn. Tôi bị cái gót chân đau nên cũng đã mua gậy để “nương tựa” khi lên đồi và cầu xin Đức Mẹ ban ơn đủ sức để lên tới đỉnh đồi Cái gậy tuy nhỏ bé đơn sơ, nhưng quan trọng, nó sẽ giúp đở tôi rất nhiều trong khi lên đồi .Lạy Mẹ! xin cho con đừng coi thường bất cứ ai trong đời dù họ nhỏ bé và tầm thường đến đâu
Khi đoàn chúng tôi đến nơi khởi hành để leo đồi thì đã có một đoàn khác khá đông cũng đã ở đó trước, nên chúng tôi phải đợi vì đường lên đồi được thiết kế dọc theo lối đi với 5 bức tượng khá lớn minh họa hình ảnh về Đức Mẹ theo năm sự Vui. Chặng thứ nhất minh họa hình ảnh Thiên thần truyền tin cho đức Mẹ chịu thai..Ở mỗi chặng, mọi người dừng lại ngắm 1 phần của 5 sự Vui rồi đọc 10 kinh Mân Côi, hát một bài hát về Đức Mẹ rồi leo đến chặng tiếp theo. Cứ tiếp tục đến khi hết 5 sự Vui, kết thúc một chuỗi Mân côi là lên tới đỉnh đồi Ai đã có sáng kiến tuyệt vời này, nhờ đó giúp tăng thêm lòng sốt sắng đọc kinh cầu nguyện, ca hát ngợi khen Mẹ trong khi leo đồi Ngoài ra nhờ dừng lại ở mỗi chặng để cầu nguyện nên đôi chân được tạm nghỉ ngơi hầu có sức leo tiếp, do đó mà cả đoàn ai cũng đều leo lên tới đỉnh đồi an toàn, chỉ trừ vài người nghe nói “sợ leo không nỗi”nên đã ở nhà.Đúng là:
“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi Mà khó vì lòng người ngại núi e sông”
Khi trở xuống theo một lối khác, ai cũng nghĩ xuống đồi dễ dàng và khỏe hơn lên đồi nên không cẩn thận nhiều, thành ra có người bị té! Đường đời cũng vậy, những lúc khó khăn leo dốc mệt nhoài ta chạy tới với Chúa, Mẹ cầu xin sự hổ trợ để đứng vững Nhưng những lúc đường đời “dễ dàng”, có thành công, có tiền bạc, ta lại quên chạy tới Chúa, Mẹ, “buông lõng” đời mình nên tuột dốc, ngã qụy lúc nào không hay!!
“Ôi Mẹ hằng Cứu giúp, Chúa ở cùng Mẹ.. “Trên đường đời gian nguy, Mẹ chở che con..”
Buổi tối Chúa nhật, ngày trước khi rời Mejdu, chúng tôi đi đến khu vườn phía sau nhà thờ để ngắm 14 chặng đàng thánh gía và quan trọng nhất là viếng Phép Lạ Tượng Chúa Jesus. Tương truyền là nơi đầu gối tượng Chúa có nước rỉ ra. Đó là tượng thánh gía Chúa khá cao, phía dưới là một khung đồng đen được đúc theo hình dáng Chúa nằm (có lẽ khi táng xác) Khi chúng tôi đến thì đã có một nhóm người tới trưóc đang xếp hàng chờ đến phiên được trèo lên ( có bậc thang 3 bước kế bên tượng Chúa) để có thể leo lên và hôn vào đầu gối Chúa, rồi lau nước rỉ ra nơi đó. Ai cũng chuẩn bị sẳn cho mình một cái khăn nhỏ, mỏng (mua ở các cửa hàng) để lau đầu gối Chúa và thấm nước rỉ ra, nhưng có lẽ vì mọi ngườ lau liên tục, nên đầu gối Chúa lúc nào cũng khô bóng!
Khi trở về, lúc đi ngang quảng trường rộng lớn phía sau nhà thờ, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước một rừng người tràn ngập đang sốt sắng qùy chầu Thánh Thể Chúa trên bàn thờ ở sân khấu phía sau nhà thờ. Họ qùy tràn ra cả lối đi và lên trên các thảm cỏ chung quanh. Nhiều người qùy trên nền xi măng, có người qùy trên miếng mốp. Bây giờ tôi mới hiều ra công dụng của miếng mốp ( to hơn miếng trượt ván) có in hình chữ Mejdugory bán ở các cửa hàng, tôi thắc mắc không biết dùng để làm gì??. Tôi qùy được gần ½ giờ thì thấy đau đầu gối lắm rồi, chỉ muốn đứng dậy đi về, trong khi mọi người ở đây có lẽ họ đã quỳ trước tôi cả giờ và vẫn điềm nhiên sốt sắng quỳ tiếp chầu Thánh Thể Chúa. Tôi thật sự khâm phục lòng sốt sắng và sùng kính Thánh Thể Chúa của họ
Lạy Chúa Thánh Thể, con là kẻ lười biếng, xác thịt thì yếu đuối, kém chịu đựng lại hay lầm lỗi làm sao con có thể đền bù tội lỗi con cho được, con chỉ còn biết trông mong vào lòng thương xót hải hà của Chúa tha thứ cứu vớt đời con. Tôi phải thành thật thú nhận, tôi chỉ đi chầu Thánh Thể chung với cộng đoàn những dịp đặc biệt mà thôi. Bởi thế khi lần chuỗi Mân côi đến thứ 5 ( 5 sự Sáng ) “Xin cho con siêng năng viếng Thánh Thể Chúa mỗi ngày”, tôi mắc cỡ không dám đọc,phải chuyển qua ngắm khác, vì biết mình không thực hiện được. Ôi sao con người tôi nhiều yếu đuối, lỗi lầm qúa! Tôi chỉ còn biết thầm thì với Chúa:
“Bao giờ đến bao giờ con không còn lỗi Chúa ơi. Bao giờ đến bao giờ con nên trọn lành Chúa ơi Xin Ngài chớ chấp tội vì con yếu đuối Chúa ơi Chúa ơi giây phút này con thiết tha cầu Chúa thưong..”
Phượng Vũ
21/5/2011
(Còn tiếp)
|