Một bạn cũ kể chuyện về Đức Gioan Phaolô II
vietcatholic.net
ROMA - "Tháng 8-1944. Khi cuộc nổi dậy ở Warsaw chống lại Đức Quốc xã bắt đầu, Đức Hồng y Sapieha quyết định qui tụ các sinh viên về tòa Tổng giám mục. Tại đây, lần đầu tiên tôi gặp và quen biết với Karol Wojtyla".
Đó là lời của Đức ông Kazimierz Suder, khi ngài đọc hồi ký được đánh máy chữ nhỏ trên các trang giấy trắng trước mặt ngài, với giọng bình thản. Ở phía bên kia bàn, cũng giống như các học sinh chờ làm bài thi, là các nhà báo đã đến Krakow, để gặp thành viên duy nhất còn sống của nhóm tám chàng trai trẻ, là những người làm thành chủng viện bí mật trong thời gian Đức chiếm đóng Ba Lan, chủng viện này được tổ chức bởi Hồng y giáo chủ Adamo Sapieha, Tổng giám mục tổng giáo phận Krakow.
Đức ông Suder giải thích: “Trong thời giam chiếm đóng của Đức Quốc xã, khi thanh niên nào nói với Đức Hồng y là mình muốn trở thành Linh mục, Hồng y bảo người ấy nên học những gì ở nhà trong bí mật. Không ai trong chúng tôi biết các người khác cả”.
Đây là một biện pháp cần thiết, sau khi Đức quốc xã tìm thấy năm người trong chủng viện mà họ đã đóng cửa; họ bắt cả năm người và bắn chết, trong khi một số người khác bị đi đày ở Auschwitz. Sau vụ này, Hồng y Sapieha đưa các thầy xuống hầm bí mật để học.
Lắng nghe
Trên bức tường phía sau vị linh mục cao niên treo một bức chân dung của Karol Wojtyla trong một tâm trạng suy tư, với cái cằm dựa trên bàn tay. Từ cửa sổ của căn phòng nhìn ra ngoài là cảnh của Vương Cung Thánh Đường Mariacka, nơi 50 năm trước, ngài đã làm cha linh hướng.
Đức ông Suder nói: "Hình ảnh của Karol vào ngày Tháng Tám đó vẫn gây nhiều ấn tượng trong trí nhớ của tôi. Ngài mặc áo sơ mi trắng và quần tây làm bằng vải dày, với đôi guốc gỗ dưới chân mình. Một vết sẹo đã được thấy rõ trên trán. Sau đó, tôi phát hiện ra rằng vết sẹo này là do Ngài bị một xe tải tông nhẹ".
Đức ông kể: "Ngài là một người bạn tốt. Ngài không có vấn đề gì với sự giao tiếp cả. Wojtyla là người ít nói vì khiêm tốn, nhưng Ngài thích nghe nhiều hơn; Ngài cho ý kiến về vấn đề nhưng không áp đặt ý mình, Ngài cố gắng để hiểu người khác; và Ngài không bao giờ nói dối”.
Thầy Wojtyla trẻ trung cho bạn bè mượn các trang ghi chép bài học - mỗi trang vở của Ngài được đánh dấu bằng các chữ cái đầu của tên Chúa Giêsu và Mẹ Maria - và Ngài vui vẻ giúp đỡ bạn bè trong học hành, nhưng không hề giúp trong kỳ thi cử. Trả lời cho một người bạn hỏi Ngài đáp án trong một bài trắc nghiệm, Ngài nói: “Bạn hãy tập trung một lát, xin Chúa Thánh Thần soi sáng, rồi cố gắng tự tìm ra câu trả lời nhé!”.
Đức ông Suder tiếp tục: “Ngài có một cái nhìn thanh thản, và một cảm thức hài hước; Ngài thích nghe kể chuyện cười".
"Sau khi cuộc nổi dậy Warsaw thất bại, các linh mục đã chạy khỏi thành phố trước đó đã đến tòa Tổng giám mục, và chúng tôi đã giao phòng của chúng tôi cho các vị ở, còn chúng tôi ngủ chung trong phòng khách của Hồng y, và chúng tôi cũng học ngay tại đó luôn nữa”.
Giai đoạn sống bên nhau gần gũi này tiếp tục cho đến khi người Liên Xô đến vào năm 1945, và thời kỳ này đã mang nhiều người trẻ đến gần nhau hơn. Đức ông kể: “Tôi biết rằng Ngài sinh ở Wadovice, Ngài đã đến Krakow với thân phụ của mình, sau khi các thành viên khác trong gia đình đã qua đời, và sau khi thân phụ cũng qua đời năm 1941, Ngài quyết định rằng mục đích của cuộc đời Ngài là chức linh mục”.
Sự đau khổ
Một tính tình khác của Wojtyla trẻ trung vẫn còn sống trong kỷ niệm của người bạn cùng lớp là "sự nhạy cảm của Ngài trước nỗi đau khổ của con người. Ngài đã cho lại người nghèo mọi thứ Ngài đã nhận được, nhưng với sự kín đáo để người ta không biết lòng quảng đại của Ngài”.
Đức ông nói thêm: "Trên tất cả, Ngài có hồng ân biết cách cầu nguyện. Ngài hầu như luôn quỳ gối khi lần chuỗi Mân Côi, và đeo dây Carmêlô ở cổ. Ngài không hề tách biệt việc học thần học với việc cầu nguyện; vì đối với Ngài cả hai là một. Sau giờ kinh tối, Ngài vẫn ở lại trong nhà nguyện, tay cầm cuốn sách giáo khoa thần học hay quyển vở học thần học. Kết nối việc học hành với cầu nguyện, và ngược lại, là một trong các đặc điểm của Ngài".
Đức Ông cũng nói về cách các thanh niên nhìn thấy Đức Hồng y Sapieha - một đối thủ đáng tự hào của Đức quốc xã và là người ủng hộ cuộc kháng chiến Ba Lan – nằm dài trên sàn khi cầu nguyện với hai tay giang ra, tạo cho cả con người thành hình thánh giá.
Quay nhìn về bức ảnh của người bạn học cũ của mình, với khuôn mặt tươi cười, và bây giờ bức ảnh đã treo lên trước Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Đức ông khiêm nhượng thừa nhận: "Tôi không bao giờ thành công trong việc tập trung tâm trí, mà Ngài có được khi cầu nguyện"
Ngày về Roma
Wojtyla được truyền chức linh mục ngày 1-11-1946. Vào ngày sau, Ngài dâng lễ mở tay tại Nhà nguyện Thánh Leonard trong Nhà thờ chính tòa Wawel, và ngày 10-11, Ngài dâng lễ tại giáo xứ Wadowice.
Đức ông kể: “Cũng trong tuần ấy, Karol đi Roma để dọn luận án Tiến sĩ, chỉ hai năm sau khi học xong ở đại chủng viện”.
Cuộc phiêu lưu vĩ đại này, vốn sẽ góp phần làm thay đổi lịch sử của đất nước Ngài và thế giới, đã khởi đầu. (Zenit 8-5-2011)
Nguyễn Trọng Đa
|