CHÚA NHẬT 2 Phục sinh 1-5-2011 Cv 2: 42-47; Tv 118; 1 Pr 1: 3-9; Ga 20: 19-31 Lm Jude Siciliano, OP
ĐỨC TIN VÀ CẦU NGUYỆN; YẾU TỐ CƠ BẢN GIÚP CHÚNG TA PHỤC SINH
Tôi được hứng khởi từ những người tôi đã gặp nơi các giáo xứ. Sau mùa giảng tĩnh tâm Mùa chay vừa qua, tôi có thể ghi nhận hình ảnh những nhân chứng đức tin và nhiệt tình công việc của hội đồng giáo xứ, các tình nguyện viên và giáo dân mà tôi đã gặp nơi các xứ đạo trong nhiều miền khác nhau của đất nước.
Ấy thế mà, tôi không được chứng kiến bất cứ xứ đạo nào giống như những ý tưởng về thế hệ các Kitô hữu tiên khởi được miêu tả cách sinh động trong bài đọc trích từ sách Công vụ tông đồ hôm nay. Nếu thấy, tôi có lẽ đã dừng chân và ở lại xứ đạo đó – đó có thể đấy là hương vị của thiên đàng! Thử hình dung một cộng đoàn tín hữu hết lòng vì (1) lời dạy của các tông đồ; (2) sống hiệp thông; (3) cử hành các bữa tiệc thánh; (4) cầu nguyện; (5) chia sẻ của cải, với sự quan tâm đến những thành viên thiếu thốn. Nghĩ xem bao nhiêu người sẽ tham gia làm thành viên của một xứ đạo như thế!
Các học giả kinh thánh đồng ý rằng thánh sử Luca đã lý tưởng hoá cộng đoàn tín hữu đầu tiên –rốt cuộc có Ananias và Sapphira không trung thực đã phải chết vì đã giấu một phần tiền khi nộp vào tài sản cộng đoàn (Cv 5,1-11). Vì thế, lý tưởng hoá Hội thánh sơ khai xét cho cùng không hẳn là một cộng đoàn hoàn hảo–chúng ta hiện tại cũng thế.
Vậy mà phải có những chứng tá đáng kể về Đức Kitô Phục Sinh nơi những Kitô hữu mới này, bởi vì sách Công vụ tông đồ thực sự diễn tả lại sự trưởng thành tiệm tiến của Hội thánh sơ khai. “ Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”. Cuộc sống của họ hấp dẫn lôi cuốn những người xung quanh.
Đây là lý do để chúng ta suy nghĩ về cách làm chứng cho niềm tin của chúng ta. Sách Công vụ tông đồ nói rằng những người chứng kiến “sợ hãi” Giáo hội non trẻ. Nhưng các tín hữu đầu tiên này không là những biểu tượng hay những bảng chỉ dẫn thánh thiện, họ đã sống trong thế giới thực – đúng như chúng ta sống. Cuộc sống của chúng ta phản ánh Tin Mừng Đức Giêsu bao nhiêu? Chúng ta có thể hiện những việc làm từ bi trắc ẩn cụ thể đối với nhu cầu tha nhân như là nét đặc trưng của cộng đoàn Kitô giáo thời sơ khai chăng?
Đời sống xứ đạo nơi địa phương của chúng ta thì sao? Cứ cho là có những cách thờ phượng riêng tư chúng ta thích và chúng ta có tham gia các sinh hoạt giáo xứ; nhưng ngay cả trong những khác biệt này, phải chăng chúng ta vẫn diễn tả niềm tin căn bản và sống cùng với nhau như những người “một lòng một ý” hợp nhất nhờ Thần Khí của Đức Kitô? Bài đọc Công vụ tông đồ diễn tả sự viên mãn mà các Kitô hữu mong ước, nhưng phải công nhận là chưa hẳn đúng ở Giáo hội địa phương và hoàn vũ. Lời cầu nguyện của chúng ta hôm nay là cùng một Thần khí, Đấng đã mang lại sự sống cho những môn đệ nhát đảm, khép kín đang qui tụ trong phòng, cũng tiếp tục khích lệ và giúp chúng ta đạt được ước mơ mà Đức Kitô dành cho chúng ta – cuộc sống chung của chúng ta làm chứng cho sự hiện diện và sứ vụ đang tiếp diễn của Chúa Phục Sinh giữa chúng ta.
Thánh Tôma đóng vai trò người ngã lòng trong số các tông đồ. Ông là người hoài nghi (“Tôma Hoài Nghi), người mà chúng ta thích chỉ trích là yếu lòng tin. Nhưng hãy nhìn lại xem, chẳng phải chúng ta sẽ vui mừng khi thấy thánh Tôma và nói lên mọi nỗi nghi ngờ mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể đặt ra? Sau hết, chưa bao giờ có quá nhiều người làm chứng về một người trỗi dậy từ cõi chết như thế. chúng ta thường cho rằng “Chết là chết”, “đó là dấu chấm hết”.
Tôi thắc mắc không biết thánh Tôma làm gì mà vắng mặt khi Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ đang trạng sợ hãi và lẩn trốn? Ông có thu gom của cải, chia tay bạn bè hay tuyệt vọng bởi ông thấy mong ước cuộc đời đã tan thành mây khói khi mà Đức Giêsu đóng đinh vào thập giá chăng? Các môn đệ khác cũng chán nản thất vọng về cái chết của Đức Giêsu. Nhưng ít ra là họ đã ở với nhau. Giống như những gì người Công giáo chúng ta đang thực hiện trong những ngày này, khi chấn động bởi những hành động tai tiếng của giáo sĩ; chúng ta cố gắng ở lại cùng nhau và trông cậy vững vàng Đức Giêsu làm một cuộc hiện ra mới ở giữa chúng ta và lại nói lời khích lệ cho những anh chị em đã mất định hướng, “bình an cho anh chị em”.
Chỉ ở lại với nhau trong sợ hãi thì không thể là chứng tá hữu hiệu cho thế giới bên ngoài. Ai muốn gia nhập nhóm những người bị loại trừ, buồn phiền, nhát đảm? Điều khác biệt là Đức Giêsu đến giữa các ông, không một lời trách móc về những sai lỗi trong quá khứ, nhưng với lời chữa lành, “Bình an cho anh em”.
Quá khứ đã qua. Nhưng tương lai thì sao? Rõ ràng trước đây chẳng gì có thể đưa các ông rời khỏi căn phòng đóng kín và ra đi vào thế giới hiểm nguy. Nhưng, Đức Giêsu không sai các ông đi tay không; Ngài ban cho các ông Thần Khí. Với thần khí đó, các ông khai mở sứ vụ hoà giải mà Đức Giêsu ban cho. Đầu tiên các ông đến với người anh em đã bỏ đi là Tôma. Họ chia sẻ những kinh nghiệm với Tôma, nhưng ông đòi hỏi bằng chứng cụ thể hơn nữa – chạm vào vết thương của Đức Giêsu.
Chúng ta không biết liệu Tôma có thực sự đụng chạm đến những vết thương hay không. Điều chúng ta biết là Đức Giêsu mời gọi ông tin. Có lẽ sờ vào vết thương chẳng phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là những đòi hỏi vượt quá niềm tin; ngay cả bất chấp lý luận và “hành động hợp lý”.
Vâng, tạ ơn Chúa vì thánh Tôma! Chúng ta mừng vì ông đã ở đó nói lên những nghi ngờ của lý trí. Chúng ta cũng vui mừng vì Giáo hội cũng ở đó, những môn đệ mới và tràn đầy Thánh Thần đã không từ bỏ thành viên cứng lòng tin của họ. Hãy hy vọng vì chúng ta là những Kitô hữu thời đại mới ở lại thực sự trong lời mời gọi trở thành cộng đoàn hoà giải và cũng là cộng đoàn chữa lành cho những anh chị em đau khổ tinh thần và thể xác.
Khi họp nhau cầu nguyện hôm nay, chúng ta có thể nghĩ về chính mình như các môn đệ trong phòng trên lầu xưa. Vì giây phút ngắn ngủi này, giống như các ông, chúng ta cùng nhau ở trong một căn phòng. Chúng ta mang đến đây những lỗi lầm và thiếu sót trong quá khứ và nhận lời hoà giải của Đức Giêsu, “bình an cho anh chị em”. Chúng ta tạ ơn vì những người đầu tiên làm chứng tá cho sự phục sinh. Nhờ lời chứng thực của họ, lời chứng ấy cùng với chứng tá của những người mà chúng ta biết, đã khích lệ niềm tin cho chúng ta – đó là những người giảng thuyết, các thầy cô giáo, cha mẹ, bạn bè, v.v.. Chúng ta bây giờ được Đức Giêsu gọi là “người có phúc”, là “những người không thấy mà tin”. Vì vậy, chúng ta có thể dâng những lời cầu nguyện tạ ơn cho những người dẫn đưa chúng ta đến niềm tin hôm nay – người giúp chúng ta tin dù không thấy.
Khi lắng nghe Lời Chúa, chúng ta không chỉ nghe tin mừng cho chính mình, mà còn đem đến cho người khác như được diễn tả trong sách Công vụ tông đồ hôm nay. Khi rời khỏi đây chúng ta sẽ ra đi, với những ngôn từ và cách sống trong cộng đoàn, chúng ta rao truyền tin mừng về Vương Quốc Mới mà Đức Giêsu khai mở. Nhưng trước khi rời “phòng tiệc” này chúng ta sẽ nuôi dưỡng để thi hành những phận vụ đang chờ đợi chúng ta. Chúng ta sẽ ăn mừng lễ cùng những anh chị em khác nữa và với Đức Chúa Phục Sinh của chúng ta.
Lm. Jude Siciliano, OP Chuyển ngữ Anh Em HV Đaminh Gò Vấp
|