NHẬN RA THIÊN CHÚA LÀ CHA (Tĩnh tâm Mùa Chay)
Ta chỉ có một Chúa trên trời là Cha Ta chỉ có một Đức Kitô là Thầy Còn chúng ta là anh em.
“Lạy Cha chúng con ở trên trời …..” thật hạnh phúc biết bao khi chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha, mà là một người Cha rất nhân từ giầu lòng thương yêu, luôn quan tâm chăm sóc cho con cái. Một loài tạo vật mà lại gọi Đấng Tạo Hóa là Cha của mình thì còn hạnh phúc và niềm vinh dự nào hơn. Điều này không phải do sự suy diễn của con người mà do mạc khải của chính Đức Giêsu Kitô khi dạy các môn đồ cầu nguyện. Như vậy, tất cả chúng ta có một Cha trên trời, chúng ta đã nhận ra Thiên Chúa là Cha của chúng ta hay chưa? Người tín hữu nào cũng nhận mình là con Thiên Chúa, nhưng mình có thực sự sống đúng thiên chức làm con yêu dấu của Thiên Chúa, có sống tương quan với Người trong tâm tình phụ tử? Hay đã nhận ra, nhưng chỉ sống hờ hững, chỉ mang danh là một đưa con hờ của Cha, chỉ chờ Cha chia của, hoặc chỉ cầu cạnh Cha ban ơn khi cần đến, hay sống như một người làm công đối với một ông chủ, làm gì cũng mong ông chủ trả công. Đây chính là nền tảng căn bản trong cuộc hành trình đức tin của ta trên con đường tiến về Nhà Cha.
Ngày 03/04/2011 Gia đình Naza Thủ Đức có buổi tĩnh tâm định kỳ vào mỗi Chúa nhật thứ nhất hằng tháng để cùng nhau học hỏi, chia sẻ Lời Chúa và chia sẻ kinh nghiệm sống đạo, mỗi tháng có một đề tài chia sẻ khác nhau, những đề tài rất cụ thể và thiết thực cho đời sống tâm linh. Tháng này, anh Gioan Khổng Nhuận và chị Maria Cao Mỹ Dung cùng nhau chia sẻ với cộng đoàn đề tài: “CON YÊU DẤU CỦA CHA”. Trong buổi chia sẻ hôm nay còn có sự hiện diện của cha Gioan Baotixita Hoàng Văn Minh, cha Hilariô Hoàng Đình Thiều, cha Anrê Hoàng Đức Nhân, anh Giuse Ngô Văn Hiền và gần 80 thành viên của cộng đoàn Gia Đình Chúa và nhóm Cựu chủng sinh Naza. Anh Gioan Khổng Nhuận và Chị Maria Cao Mỹ Dung cùng nhau chia sẻ 3 điểm chính yếu: Nhận ra Thiên Chúa là Cha – Đón nhận Cha vào lòng mình– Sống tương quan mật thiết với Cha cùng với mọi người là anh chị em.
Nhận ra Thiên Chúa là Cha:
Ta dựa vào kinh thánh làm nền tảng để nhận ra Chúa là Cha, một người Cha thật sự gần gũi: “Họ được sinh ra không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi chính Thiên Chúa.” (Ga 1: 13)
Tôi xuất hiện trên đời là do bố mẹ sinh ra, cũng nhờ ơn Chúa đã dọn sẵn cho tôi, có hạt giống của người cha cộng với hạt giống của người mẹ, hợp tử ấy chính là tôi, cái tôi đó là cái “tôi thân xác”. Thực ra chính Thiên Chúa mới là người sinh ra tôi, Cái tôi đích thực là cái “tôi tâm linh” chứ không phải cái tôi thân xác, người Cha đích thực của tôi chính là Thiên Chúa. Đây là nền tảng của mọi vấn đề. Sau khi đã xác nhận tôi được sinh ra bởi chính Thiên Chúa. Ngoài ra, còn câu kinh thánh khác nói lên đặc điểm tuyệt vời của tôi. Nhờ đó tôi có thể vươn lên được: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên thánh thiện và tinh tuyền nhờ tình thương của Người.” (Ep 1, 4).
Tôi sung sướng nhận ra Thiên Chúa là Cha, từ đó tôi mới có thể đón nhận chính Cha vào lòng mình. Tôi không thể sống bình an và hạnh phúc thật nếu tôi không nhận ra Thiên Chúa là Cha. Nhận ra Thiên Chúa là Cha của lòng mình là yếu tố chủ chốt và cần thiết nhất. Vì vậy, đặc điểm của tôi không phải là tội lỗi yếu đuối mà là thánh thiện và tinh tuyền. Để xác định tính thánh thiện và tinh tuyền này đoạn Gr 1, 5 cho biết: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi, trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”.
Thiên Chúa biết tôi một cách sâu thẳm, tôi được thánh hóa bằng Thần Khí của Người, để tôi được thánh thiện và cho tôi một niềm vui tràn đầy trong lòng, để tôi làm Ngôn sứ cho chư dân.
Theo ngôn ngữ của thời đại này, làm Ngôn sứ là Loan báo Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng có phải là tôi đọc kinh, xem lễ không? Đọc lời Chúa rồi chia sẻ cho nhau không? Đây cũng là một cách loan báo Tin Mừng.
Nhưng Chúa Giêsu đã nói: “Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?" (Mt 7, 22)
Như vậy, tuyên bố Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa cho người khác mà chính mình không giữ, chính mình không cảm thấy niềm vui. Dù đọc kinh thánh hằng ngày mà không giữ thì cũng phải là Ngôn sứ. Vì chúng ta không có niềm vui đích thực trong lòng mình.
Như vậy, tôi loan báo Tin Mừng, tôi làm Ngôn sứ tức là tôi cảm nhận được rằng tôi là con của Cha đây, tôi được thánh thiện, tôi tinh tuyền, tôi mạnh mẽ bởi có Thần Khí của Cha ở trong tôi đây. Vì vậy, tôi chia sẻ niềm vui của tôi đang sống cho anh chị em của tôi. Đó chính là niềm vui Tin Mừng đích thực, niềm vui sống động, niềm vui đã làm cho cả đời sống của tôi trở nên dồi dào thánh thiện và phong nhiêu.
Đón nhận Cha vào lòng mình.
Những lời Kinh Thánh trên có thể ví như nên nhà bẳng đá, đón nhận Chúa vào lòng cũng giống như xây dựng bộ khung bằng bê tông cốt thép loại tốt nhất nhế giới. để chuẩn bị cho giai đoạn cuối cùng sống kết hiệp nên một với Chúa.
• Tôi không thể sống với Chúa nếu tôi cứ tiếp tục mang tâm tình của một kẻ ngoại đạo “nhưng tin có Chúa ở trên cao”. • Tôi không thể sống với Chúa nếu tôi vừa mới rước Chúa xong, tôi đã vội vã quỳ xuống thờ lạy Chúa uy nghi ngự trên bàn thờ giữa hương trầm nghi ngút bay, bên những ánh nến lung linh và bình hoa tươi thắm. • Tệ hơn nữa, tôi không thể sống với Chúa nếu tôi lạnh lùng nhốt Chúa trong nhà tạm ngay khi ra khỏi nhà thờ, hẹn với Chúa tuần sau nhé. Và tôi tung tăng bơi lội giữa giòng đời như kẻ chẳng hế biết Chúa là ai. • Nói gì xa xôi, tôi vừa nghe chia sẻ lời Chúa xong, chưa lọt vào tai này đã ra tai kia, Lời Chúa như những hạt giống rơi trên vệ đường chim trời bay xuống ăn hết sạch!!!
Thực vậy, sau khi nhận ra Cha qua những câu Kinh Thánh nền tảng, chúng ta mở lòng thật rộng để đón nhận Cha vào trong cuộc đời của mình, để Cha trở thành niềm vui, sức mạnh, bình an giúp ta sống kết hiệp nên một với Chúa mỗi ngày một tăng thêm, tình thân với Chúa và ta mỗi ngày một sâu thêm.
Đó là thái độ của người nhận ra Thiên Chúa là Cha và hoàn toàn tín thác cuộc đời mình trong tay Người, giống như thái độ của Ðức Mẹ và Thánh Giuse, luôn luôn lắng nghe Lời Chúa, sẵn sàng từ bỏ “cái tôi” của mình, hoàn toàn tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa trong một cuộc phiêu lưu không biết sẽ đưa mình đi về đâu.
Đọc hiểu Lời Chúa và áp dụng trong đời sống mới là quan trọng. Theo gương Mẹ Maria hằng ngày ta suy niệm, suy đi nghĩ lại trong lòng một câu kinh thánh duy nhất nào đó, có thể kéo dài hàng tuần, hàng mấy tháng để Lời Chúa thấm nhuần trong ta.
Vậy hôm nay, tôi đã nhận ra Thiên Chúa là Cha của tôi rồi, tôi cố gắng mở lòng đón nhận Cha vào lòng cũng có nghĩa là đón nhận sự hiện diện sống động của Cha trong lòng mình. Có thể nói đây là những giây phút ngọc ngà để hình ảnh Chúa ngày càng đậm nét hơn giúp ta sống với Chúa thự sự dễ dàng hơn.
Sống tương quan mật thiết với Cha và với mọi người là anh chị em.
Muốn có sức khỏe tốt, cần siêng năng luyện tập thể dục hằng ngày và bền bỉ, tâm linh cũng cần phải luyện tập hằng ngày và bền bỉ, cần có những buổi tĩnh tâm, linh thao để cảm nhận Lời Chúa nhận ra ý Chúa muốn nơi mình. Trước hết ta phải có lòng khao khát, tìm kiếm, như Lời Chúa đã nói: “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thi sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.”(Mt 7, 8)
Vậy, có phải để duy trì đời sống đức tin, đời sống đạo bằng cách tôi đọc kinh, dự lễ rất đầy đủ và chuyên cần, tham gia vào các hội đoàn, làm vài công tác bác ái là tôi đã giữ mối tương quan mật thiết với Cha và anh chị em của mình không? Còn những người bệnh tật không đến nhà thờ được, hoặc ở nơi không có nhà thờ, họ không dự lễ nhiều, họ không tham gia hội đoàn, không làm những việc bác ái cụ thể, họ có mất đi mối tương quan với Cha và anh chị em của mình không?
Duy trì mối tương quan với Cha và với anh chị em trước hết là tôi không được vô cảm trước tiếng gọi của bổn phận yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình.
Chúa Giêsu lên án những kẻ thích vẻ đạo đức bề ngoài. Họ giữ luật nghiêm ngặt, không làm việc trong ngày Sabat, chê bai, kết án và không chung bàn với những người thu thế, người tội lỗi, tỉ mỉ rửa tay trước mỗi bữa ăn. Họ hăng say, thích thú với những hình thức đạo đức. Nhằm mục đích chính là để mọi người chú ý khen tặng và gây uy tín. Họ tôn thờ Thiên Chúa bằng môi miệng còn lòng trí họ thì xa Chúa. Họ đã nhân danh Thiên Chúa mà làm những việc này, việc nọ để tìm tư lợi riêng, chứ không thực sự để làm sáng danh Chúa, hay làm vì lòng yêu mến. Nếu tôi cũng vô cảm như vậy thì tương quan của tôi với Cha vẫn nghìn trùng xa cách vì tôi đã che giấu lỗi lầm của mình bằng lối sống đạo đức giả. Qua dụ ngôn “Ông phú hộ và người ăn mày Ladarô” (Lc 16, 19-31). Chúa Giêsu cũng lên án hành động vô cảm của nhưng kẻ giàu có trước nỗi đau khổ của người khác.
Có lẽ tôi không tệ như thế đâu. Nhưng tôi đã nhiều lần vô cảm trước Lòng Thương Xót bao dung của Cha. Qua dụ ngôn “Người con hoang đàng” (Lc 15, 11-32), người con út trong tình huống bi đát của đời mình đã nhận ra tình thương của Cha, anh đã mạnh dạn quay về, xưng thú tội lỗi của mình: “Con đã lỗi phạm đến trời và đến Cha”, anh thấy mình không xứng đáng gọi là con, chỉ xin được như kẻ làm công của Cha. Nhưng Cha đã sai gia nhân lấy nhẫn xỏ vào tay anh để trả lại cho anh quyền làm con, và còn giết bê béo để ăn mừng nữa. Kinh thánh không cho chúng ta biết sau khi được nhận lại quyền làm con, thái độ sống của anh ra sao, hay chỉ giả vờ ngoan ngoãn một thời gian rồi lại thu vén, gom góp của cải, làm cho Cha một vố nữa, rồi lại tiếp tục đi hoang?
Còn tôi, đã bao năm sống đạo theo mùa, giữ đúng luật mà Giáo Hội đòi buộc, xưng tội rước lễ một năm ít là một lần trong Mùa Phục Sinh, sau Mùa Phục Sinh thì:
Chúa đường Chúa, tôi đường tôi, Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi.
Rồi lại tiếp tục đi hoang, để cho Cha lại tiếp tục đợi chờ. Hẹn gặp lại Cha vào Mùa Chay năm tới, tôi lại nhập vào dòng người đứng xếp hàng xưng tội. Tôi đã vô cảm trước Lòng Thương Xót của Cha.
Hoặc không đi hoang như người anh cả, tôi vẫn ở trong nhà Cha, tôi chấp hành nghiêm chỉnh và làm tốt những công việc Cha giao phó, nhưng tôi không giống Cha, không hiểu ý Cha. Tôi vô cảm khi nhìn thấy người em ruột của tôi trở về, tôi ghen tỵ với nó, tôi nổi sùng lên với Cha, dù Cha đã hạ mình năn nỉ tôi vào dự tiệc mừng người em đã chết mà nay đã sống lại, tôi cũng không vào. Vì lòng ích kỷ hẹp hòi, tôi đã vô cảm với anh em của tôi.
Sự vô cảm trước những đau khổ của tha nhân, cũng làm cho mối tương quan của tôi với anh chị em vẫn xa cách nghìn trùng.
Như hình ảnh của những người Biệt phái trong bài Tin Mừng Chúa nhật thứ tư mùa chay hôm nay, vì tâm địa ích kỷ, ghen tương như tấm màn đen che khuất mà các ông không nhận ra Đấng Thiên Sai, không nhận ra những kỳ công của Thiên Chúa đã cứu chữa cho người anh em của mình được sáng mắt, vì muốn bảo vệ uy tín, địa vị của mình trước mắt người đời mà các ông đã vặn vẹo, chất vấn anh mù được sáng mắt, khi anh mù thẳng thắn trình bày sự thật, các ông vẫn không tin, còn mắng nhiếc và trục xuất anh ra khỏi cộng đoàn. Vì ích kỷ, vì ghen tương, vì ham mê danh vọng, chức quyền mà mối tương quan của các ông với Thiên Chúa và với anh em vẫn còn nghìn trùng xa cách. Trước sự cứng lòng, ngoan cố của những người Biệt phái, Đức Giêsu nói với họ rằng: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. nhưng giờ đây các ông nói rằng: Chúng tôi thấy, nên tội các ông vẫn còn.” (Mt 9, 41).
Như lời cha Hilariô Hoàng Đình Thiều chia sẻ trong thánh lễ: “Tất cả mọi sự cũng từ “cái tâm” mà ra. Vì mang một cái tâm thiếu trong sáng, không ngay thẳng, cái tâm ích kỷ mà những người Biệt phái đã bóp méo sự thật đã không nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện giữa trần gian, đã gieo nỗi oan ức, sầu khổ cho anh em mình. Hình ảnh của những người Biệt phái ngày xưa vẫn tồn tại đầy dẫy đến ngày hôm nay, khi mà trong cuộc sống chúng ta không biết tôn trọng sự thật, không biết yêu thương, mà chỉ tìm cách triệt hạ lẫn nhau.”
Mùa Chay về, Thiên Chúa lại mời gọi bạn và tôi chiêm ngắm tình yêu bao la của Người, chiêm ngắm hình ảnh Con Thiên Chúa chết treo trên thánh giá để bạn và tôi nhận ra chúng ta có một người Cha đích thực rất mực yêu thương, người Cha ấy chính là Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người xuống trần gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).
Muốn chiêm ngắm và nhận ra được tình yêu của Cha, cái tâm của bạn và tôi cần phải loại bỏ những rác rưởi còn tồn đọng như: ích kỷ, ghen tương, thù hằn, giận dữ …v..v…, cần phải ân năn sám hối để đổi mới cái tâm, và khiêm tốn nguyện cầu như Thánh vương Đavít "Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một quả tim trong trắng" (Tv 51,12).
Nhờ quả tim trong trắng được thánh hóa nhờ ân sủng của Đức Giêsu Kitô mà bạn và tôi mới nhận ra sự hiện diện và tình yêu của Cha nơi vạn vật của vũ trụ này, nơi muôn tiếng chim hót, nơi ngàn hoa khoe sắc thắm và nơi muôn vàn hồng ân vĩ đại mà Cha vẫn ban tặng hằng ngày cho nhân loại chúng ta Nơi quả tim trong trắng ấy Cha đến thăm bạn và tôi để bạn và tôi gặp gỡ Cha. Chính nơi quả tim trong trắng này Thánh Thần Cha ban cho bạn và tôi ngọn lửa tình yêu và ánh sáng chân lý. Từ đó, bạn và tôi sẽ có những lựa chọn, những hướng đi, những quyết định đúng đắn, nhờ Lời Chúa hướng dẫn đường chúng ta đi. “Anh em hãy xem, Chúa Cha yêu chúng ta dường nào. Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.” (1Ga 3, 1) Nhờ ân sủng của Cha, bạn và tôi mạnh mẽ thi hành lệnh truyền của Đức Giêsu Kitô là: "Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương các con" (Ga 15,12). Và hưởng niềm hạnh phúc được gọi là con cái Thiên Chúa.
AP. Mặc Trầm Cung tường trình
|