LÀM THEO Ý CHÚA
Sắp đến lễ Truyền Tin. Khi cử hành lễ trọng này, các chủ
tế thường giảng về lời Đức Mẹ
"xin vâng", cộng đoàn cũng hay đồng ca lời
"xin vâng" của Đức Mẹ.
Đến nay, lời "xin vâng" của Đức
Mẹ trong biến cố truyền tin đã trở thành một
gương mẫu "Sống Lời Chúa" cho nhiều
tín hữu tại Việt Nam ta.
Nhận xét này báo cho chúng ta một tin vui. Để góp phần nhỏ vào tin vui này, tôi xin
phép được chia sẻ kinh nghiệm về cách sống
"xin vâng". Tất nhiên chia sẻ
này sẽ rất giới hạn. Nó
được diễn tả như một hành trình.
Hành trình này có những chặng như sau:
1/ Nhận thức về bổn phận
"phải làm theo ý Chúa"
"Xin vâng" không phải là nói theo
công thức đạo đức, mà là một lời hứa
sẽ làm theo ý Chúa.
Chúa Giêsu phán: "Không phải bất cứ ai thưa
với Thầy: 'Lạy Chúa, lạy Chúa' là được
vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi
hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời,
mới được vào mà thôi" (Mt 7,21).
"Vậy ai nghe những lời Thầy
nói đây mà đem ra thực hành, thì ví như người
khôn xây nhà trên đá. Dù
mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập
vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên
nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây,
mà chẳng đem ra thực hành, thì ví như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa,
nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp
đổ, sụp đổ tan tành" (Mt 7,24-27).
Lời Chúa trên đây dạy ta phải
chú trọng đến thực hành. Đừng xin vâng như
một lễ nghi. Nghe rồi, nói rồi,
hứa rồi, là kể như xong. Xin
vâng kiểu đó chỉ là một cách giữ đạo
hình thức. Kết quả sẽ rất tai hại. Phải đặt trong lời xin
vâng một quyết tâm làm theo ý Chúa. Làm thực sự, làm đến nơi đến
chốn.
2/ Nhận thức mình yếu đuối,
tội lỗi, tối tăm
Quyết tâm làm theo ý Chúa là điều
khởi đầu không được thiếu. Nhưng liền sau quyết tâm đó sẽ không phải
là động lực tự phụ, tự đắc.
Nhưng là một nhận thức khiêm nhường
về bản thân mình.
Nhận thức khiêm nhường đó có thể diễn
tả như lời tự thú của thánh Phaolô xưa:
"Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều
tôi ghét thì tôi lại làm... Bởi đó, tôi khám phá ra luật
này: Khi tôi muốn làm sự thiện, thì lại thấy sự
ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui
thích vì luật của Chúa. Nhưng trong các chi thể của
tôi, tôi lại thấy một luật khác: Luật này chiến
đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm
tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn
trong các chi thể của tôi. Tôi thực là
người khốn nạn. Ai sẽ giải
thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ
ơn Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Rm 7,15-26).
Lời tự thú trên đây của thánh
Phaolô là một sự thực sống động. Mỗi người trong
chúng ta đều đã và đang cảm nghiệm sự thực
đó nơi bản thân mình.
Cảm nghiệm này cần được
ta nói lên với Chúa một cách khiêm nhường. Riêng tôi, hằng giờ và từng phút,
tôi vẫn nhìn lên Chúa, với tấm lòng của trẻ
thơ yếu đuối, rất xác tín lời Chúa phán
xưa: "Không có Cha, chúng con không thể làm gì được"
(Ga 15,5). Tôi không thể làm
được điều gì tốt, nhưng lại rất
có thể làm được nhiều điều không tốt
trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những
điều thiếu sót. Nhất là những
thiếu sót thì vô số kể.
Nhận thức mình yếu đuối,
hèn hạ, tối tăm sẽ không là một cái nhìn bi quan bệnh
hoạn, nhưng sẽ là một cái nhìn đúng sự thực,
lành mạnh, đưa tới một nhìn nhận mang tính
cách cứu độ.
3/ Nhìn nhận mình cần đón nhận
Chúa và ở trong Chúa cứu độ
Chúa Giêsu phán: "Thầy là ánh sáng đến thế
gian, để bất cứ ai tin vào Thầy, thì không ở
lại trong bóng tối" (Ga 12,48).
Tôi tin lời Chúa trên đây. Từ niềm tin ấy,
tôi khao khát cầu xin Chúa đến với tôi. Đời tôi trở thành một thao thức đợi
chờ. Đợi chờ một Thiên
Chúa đang đến.
Khi Người đến, gặp thấy
lòng con người thao thức về sự cứu độ,
Người sẽ thương đốt lên trong lòng họ
lửa tin mến nồng nàn. Họ sẽ được Người chia sẻ
cho dần dần kế hoạch làm theo
ý Chúa.
Họ sẽ làm. Chúa cũng sẽ làm với
họ. Họ cảm nghiệm được một
sự an ổn thiêng liêng. Cho
dù nhiều lúc, họ không tránh được đau khổ.
Nhất là khi họ thấy một lời Chúa phán xưa sẽ
phải được thực hiện nơi họ:
"Thật, Thầy bảo thật các con, nếu hạt
lúa gieo vào lòng đất mà không thối đi, thì nó vẫn
trơ trơ một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới
sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12,24).
Cùng đi sâu vào con đường cứu độ,
mà Chúa Giêsu đã đi, kẻ muốn làm theo
ý Chúa càng cảm thấy cần phải gắn bó với
Người. Gắn bó chặt chẽ và sống
động như cành cây với thân cây. Như Chúa
Giêsu đã quả quyết: "Thầy là cây nho, các con là
cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở trong
người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa
trái" (Ga 15,5).
Từ kinh nghiệm ấy, sự luôn ở
lại trong tình thương của Chúa trở thành một
vấn đề bức xúc. Nó sẽ có liên hệ mật thiết với sự
bình an, mà Chúa hứa ban riêng cho những ai làm theo
ý Chúa. Như Chúa Giêsu đã hứa: "Thầy để lại
bình an cho các con. Thầy ban cho các con sự
bình an của Thầy. Thầy ban cho các
con không như thế gian ban tặng" (Ga 14,27).
Ai đã được nếm sự bình an này, sẽ
rất chân thành nhìn nhận: Khi mình làm theo ý Chúa, thì có sự
bình an. Sự bình an mà mình được, hoàn toàn không do công
phúc của mình, nhưng do Chúa ban cho mà thôi.
Chia sẻ trên đây chẳng có gì lạ. Tuy nhiên, hy vọng nó
cũng được coi là một nhắn gởi của
một người lớn tuổi, đã trải qua nhiều
chặng đường lịch sử rất phức tạp.
Nhìn lại đời mình, tôi thấy: Chỉ có sự thao
thức làm theo ý Chúa mới đáp lại
được ơn gọi Chúa đã dành cho mình. Tôi nhìn lại
với tâm tình cảm tạ và vô vàn thống hối ăn năn.
Hiện nay, chủ nghĩa cá nhân và thực
dụng đang rất mạnh. Nó dụ dỗ những người tin Chúa hãy sống
theo ý riêng mình, hãy đua đòi làm theo ý thế
gian. Tình hình này rất nguy hiểm cho
tương lai đạo đức Phúc Âm.
Vì thế, lời "xin vâng" của
Đức Mẹ nên được coi là một nhắn gởi
tha thiết. Rất mong
các môn đệ Chúa hãy đón nhận, để suốt
đời mình sẽ là một dòng thiện chí tuyệt
đối phó thác làm theo ý Chúa, mặc dù
ý Chúa thường rất khác ý thế gian và ý riêng ta.
+ GM
GB Bùi Tuần