HÔN
NHÂN KHỞI ĐẦU
VÀ
KẾT THÚC BẰNG TÌNH YÊU
của
tác giả:Trần Mỹ Duyệt
Vẻ đẹp của tình yêu là vẻ đẹp tuyệt vời, không thể
phân tích và hệ thống hóa được. Một vẻ đẹp cá biệt nhưng lại hết sức thu hút và
hấp dẫn. Bởi vì tình yêu là một tặng ân của Thiên Chúa, Ðấng chính là “tình
yêu” như Gioan đã định nghĩa.
Khi con người được tạo dựng trong vườn Diệu Quang,
Thiên Chúa đã xem như suy tính và đắn đo về việc làm của mình. Thánh Kinh ghi
nhận hành động suy tính và cân nhắc này bằng câu: “Chúng ta hãy tạo dựng con người giống hình
ảnh của chúng ta” (Sáng Thế 1:26). Một điều mà Ngài không hề làm khi
tạo dựng vũ trụ và muôn loài trong vũ trụ. Và cái mấu chốt của hành động suy
tính ấy chính là vì Ngài muốn tạo dựng nên con người “giống hình ảnh” của Ngài. Giống
hình ảnh Ngài tức là giống Ngài, mà giống Ngài là yêu như Ngài.
Ðiều làm cho con người phô diễn tình yêu của mình cũng
đã được tìm thấy qua hình ảnh sáng tạo. Lúc đó, Adong được Thiên Chúa cho phép
đặt tên mọi loài thụ tạo. Ðặt tên trong trường hợp của Ông cùng nghĩa với
“biết”. Nhưng qua các loài thụ tạo mà Thiên Chúa đã sáng tạo và Ông đã gọi tên,
không một loài nào khiến Ông rung động, và vì thế, đã khiến Ông buồn.
Câu chuyện tạo dựng được tiếp nối với đoạn kết đối với
Adong khi Thiên Chúa dựng nên cho Ông một Evà. Con người mang hình ảnh Thiên
Chúa, biết yêu và biết rung động của Adong đã tìm được đối tượng. Ông đã thốt
lên: “Ðây là
xương của xương tôi, thịt của thịt tôi” (Sáng Thế 2:23). Hay với tầm
nhìn của con tim, thì “đây là người tôi yêu và yêu tôi”. Tuyệt vời.
Nhưng sao Thiên Chúa lại giới thiệu Evà cho Adong sau
cùng như vậy? Có thể là để Ông hiểu rằng, tình yêu là một cái gì vô giá, vượt
trên tất cả. Và cũng để Ông hiểu rằng, Evà đây chính là kết tụ cả một công
trình sáng tạo có suy nghĩ của Thiên Chúa. Một tặng ân mà Thiên Chúa không thể
làm hơn khi trao cho người nam.
Nhận
định về tình yêu trong hôn nhân, mối tình mà đôi trai gái trao nhau trước sự
chứng kiến của đại diện Giáo Hội và cộng đoàn dân Chúa, nhà tâm lý tình yêu
Form cũng đã cho rằng tình yêu này giá trị và trường cửu chỉ sau tình yêu mà
Thượng Ðế dành cho con người. Vì khởi đi từ mối tình này mà nẩy sinh tình yêu
vợ chồng, cha mẹ, con cái, và anh chị em với nhau. Từ xã hội nhỏ bé này, xã hội
nhân loại đã được hình thành, rập khuôn tình yêu của gia đình.
Tình
yêu hôn nhân phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa
Hôn nhân được bắt đầu, xây dựng và triển nở trong tình
yêu. Tình yêu đem hai người hoàn toàn xa lạ với những khác biệt lại với nhau.
Nó làm phong phú bằng vẻ đẹp khác nhau, và bổ túc cho nhau để cuộc đời mang
nhiều ý nghĩa. Thiếu vắng tình yêu, người ta sẽ không thể nào vượt qua những
khác biệt này, và cũng không thể nào sống với nhau, và chấp nhận nhau.
Nhưng tình yêu hôn nhân, lại phản ảnh tình yêu Thiên
Chúa, một cộng đoàn tình yêu gồm Cha, Con, và Thánh Thần. Nơi Cộng Ðoàn duy
nhất này, tình yêu là động lực chính nối kết Ba Ngôi, và làm cho đời sống nội
tại của Thiên Chúa luôn bền vững, hạnh phúc, và tốt lành. Bức tranh tạo dựng đã
giúp chúng ta khám phá ra sự tốt lành vô biên của tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu
Thiên Chúa giữa Cha, Con và Thánh Thần không ngừng luôn chuyển và phát sinh
hạnh phúc viên mãn, và khiến Thiên Chúa không ngần ngại trao ban và trải dài
tình yêu ấy trên các loài thụ tạo, trong đó có con người. Chính tình yêu đã
khiến Thiên Chúa tạo dựng đất trời và tạo dựng con người.
Khi Thiên Chúa bàn tính với nhau: “Chúng ta hãy tạo dựng con người mang hình
ảnh chúng ta.” (Sáng Thế Ký 1:26), thì ngay từ lúc đó tình yêu Thiên
Chúa đã xuất hiện trong mỗi con người sẽ được tạo dựng sau này. Ngài ban cho
con người và mỗi người được thông chia tình yêu viên mãn và hạnh phúc đời đời
của mình. Như vậy, khi hai người yêu nhau, họ phô diễn tình yêu của Thiên Chúa.
Và tình yêu chân thành của họ chính là tình yêu phát xuất từ Ðấng mà Gioan đã
định nghĩa: “Thiên
Chúa là tình yêu” (1Gioan 4:8).
Nhìn vào một đôi hôn nhân hạnh phúc, một gia đình hạnh
phúc (hạnh phúc chân chính và bình an), thì câu trả lời duy nhất và rõ ràng
nhất đó là vì họ cũng trao ban tình yêu một cách chân thành cho nhau, như Thiên
Chúa đã trao ban tình Ngài cho mỗi người trong họ. Ðây là những mấu chốt nền
tảng của đời sống hôn nhân, một đời sống được xây dựng trên nền tảng của tình
yêu gồm Tha
Thứ, Trung Thành, Thánh Thiện. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy những ý
nghĩa này trong bản tính tình yêu mà Thiên Chúa đã trao ban cho con người.
Tình
yêu trong hôn nhân:
Như vậy, tình yêu hôn nhân là một tình yêu linh thánh.
Và Bí Tích hôn nhân là một bí tích của tình yêu. Khi tạo dựng con người, và
trước khi giới thiệu Evà với Adong, Thiên Chúa đã không làm gì hơn là muốn cho
tình Ngài được trao ban cho tạo vật mà Ngài yêu thương.
Trong vườn Diệu Quang, ngay lúc mở đầu lịch sử con
người, chính Thiên Chúa, vừa là Ðấng Tạo Hóa, vừa là người Cha đã mai mối, và
chứng hôn cho đôi hôn nhân đầu tiên, và cũng là những người con dễ thương của
Ngài.
Qua lời chúc phúc và lệnh truyền: “Hãy sinh sản cho nhiều mặt đất và hãy thống
trị trái đất.” (Sáng Thế Ký 1:28), Thiên Chúa đã nhìn vào thẳm sâu
và cốt lõi của tình yêu, đó là, cả hai sẽ trở nên một. Vì chỉ có sự hiệp nhất
sâu thẳm ấy, như chính sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa, con người mới có
thể trao ban cho nhau, và đón nhận từ nhau cái giá trị tốt đẹp của tình yêu.
Ðiều này có nghĩa là, khi hai người nam nữ kết hợp với nhau, trao cho nhau trọn
vẹn thân xác, trái tim, và linh hồn mình trong cử chỉ yêu thương của đời sống
hôn nhân, họ cũng làm điều mà chính Thiên Chúa đã làm cho nhau.
Tình yêu hôn nhân, do đó, là một tình yêu tuyệt vời.
Và hạnh phúc hôn nhân là một hạnh phúc có thật, thực tế, và ngay ở trong cuộc
đời. Một hạnh phúc mà Thiên Chúa nhận thấy dễ bị lợi dụng, dễ bị đánh cắp, nên
Ngài đã phải bao che cho nó bằng 2 giới luật: “Chớ làm sự dâm dục” (Xuất Hành 20:14), và “chớ
ham muốn vợ chồng người.” (Xuất Hành 20:17)
Nhìn vào tình yêu trong hôn nhân, và nhìn vào khía
cạnh tích cực mang chiều kích tâm linh ấy, chúng ta mới nhận ra tại sao Thiên
Chúa không muốn chúng ta đánh mất đi hạnh phúc mà Ngài đã trao ban. Chúa Giêsu,
khi phải trả lời một câu hỏi của những người Do Thái cùng thời liên quan đến
thói đời muốn “có mới, nới cũ”, Ngài đã nói thẳng với họ: “Ngay từ đầu Thiên Chúa đã tạo dựng một
người nam và người nữ” (Mác-cô 10:6). Và Ngài khẳng định: “Sự gì Thiên
Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly” (Mác-cô 10:9). Cái
mà Thiên Chúa đã liên kết đó chính là tình yêu chung thủy mà Ngài muốn hai
người tận hưởng, và cũng là động lực trói buộc họ lại với nhau. Ngài không muốn
cho họ phá bỏ giao ước ân tình ấy bằng những buông túng và đòi hỏi của dục vọng
do tính ích kỷ của con người. Và đó cũng là một lý do càng làm cho tình yêu và
sự chung thủy có một ý nghĩa liên kết chặt chẽ. Thống kê cũng biết, khi người
ta đã ly dị một lần, thì những lần kế tiếp sẽ gia tăng số lượng. Một hạnh phúc
thay đổi, có rồi buông, buông rồi lại tìm như vậy không phải là hạnh phúc mà
Thiên Chúa muốn trao ban qua tình yêu khi Ngài tạo dựng và mời gọi con người
bước vào đời sống hôn nhân.
Tình
yêu và lời thề hôn nhân:
Lời thề hôn nhân, do đó, phản ảnh giao ước mà Thiên
Chúa đã ký kết với dân Ngài. Trải qua dòng lịch sử, và trong lịch sử cứu độ,
Ngài đã thề hứa là sẽ yêu thương và nuôi nấng dân Ngài. Tình yêu trọn hảo mà
Ngài thực hiện là tình yêu hy hiến trên thập giá. Ðó là tình yêu đem con người
tội lỗi trở về với ơn gọi nguyên thủy là con Thiên Chúa, tức là được sống trong
ơn sủng và tình yêu của Ngài: “Không ai có tình yêu cao cả hơn người thí mạng sống mình
vì bạn hữu mình” (Gioan 15:13).
Lời thề hôn nhân, mô phỏng giao ước mà Thiên Chúa đã
ký kết với dân Ngài, đem hai người trở nên một trong tình yêu vĩnh cửu. Sự vĩnh
cửu mà dù “đại hồng thủy cũng không xóa nhòa nổi”, như lời cầu trong thánh lễ
hôn phối.
·
Flora Brooks và John lập gia đình lúc 20
tuổi vào tháng 11 năm 1969. Ba tuần sau, John nhập ngũ và được gửi qua chiến
trường Việt Nam
. Chín tháng sau, tháng 11 năm 1969, nàng ra phi trường đón người chồng thương
phế binh của mình, cụt 2 chân, 1 tay và không thể nói được. Từ đó, Flora trở
thành người y tá, người vợ, người tình vẫn săn sóc chồng mình và đến năm 2007,
là kỷ niệm đúng 38 năm nàng làm chuyện này. Nhiều người, kể cả mẹ chồng của
nàng cũng phải cảm phục sự hy sinh này. (The Rocky Mountain News, Monday Nov.
12, 2007)
·
Cũng theo nhật báo Rocky Mountain News,
nhờ đức tin, tình yêu và lòng hy vọng, bà vợ ông Janek đã nuôi nấng, săn sóc
cho chồng bà suốt 19 năm hôn mê trên giường bệnh. Và ông đã tỉnh dậy vào tháng
6 năm 2007. (The Rocky Mountain News, Denver
June 04, 2007)
Theo Bác sĩ tâm thần Lewis Barbato trong tác phẩm “Marriage,
How To Live Together and Like It”, xuất bản năm 2001, sau 45 năm hành nghề tâm
lý trị liệu và tâm thần trị liệu, đã cho hay rằng, phần lớn các cặp vợ chồng
sau ly dị cũng đều nói với ông là họ vẫn còn yêu chồng/vợ cũ của mình. Và họ tỏ
ra nuối tiếc cho rằng nếu hồi đó, họ biết có cơ hội giải quyết các khó khăn thì
hôn nhân của họ đã không đến chỗ tan vỡ.
Thay
lời kết
Tóm lại, tình yêu là mấu chốt và là động lực chính yếu
cho đời sống hôn nhân. Chính tình yêu đã đem hai người lại với nhau như Chúa
Giêsu đã nói: “Vì
lý do đó” (lý do hôn nhân: “người nam sẽ từ bỏ cha mẹ mình, và cả hai sẽ trở thành
một xương, một thịt” (Mác-cô 10:8).
Bởi vì Thiên Chúa đã chuẩn bị kỹ như vậy, nên tình yêu
mà hai người khi bước vào đời sống hôn nhân trao cho nhau, cũng phải là tình
yêu mà hai người sẽ cùng mang về vĩnh hằng. Ðó chính là điều mà Chúa Giêsu đã
nói đến khi dẫn chứng sự trường cửu của tình yêu trong hôn nhân.
Hôn nhân được khởi đầu và kết thúc bằng tình yêu.
Trần Mỹ Duyệt
|