Cha Xứ Của
Tôi
Hoàng Thị
Đáo Tiệp
Tôi đang
sống trong Hồng Ân của Năm Linh Mục. Là một
giáo dân, tôi hiểu mình diễm phúc lắm mới được
sống trong thời điểm của Hồng Ân này! Vì trước
đó tôi chưa từng nghe nói là có Năm Linh Mục và sau này
có thể Giáo Hội cũng sẽ không cử hành lại Năm
Linh Mục thêm lần nữa.
Năm
Linh Mục được Đức Giáo Hoàng Biển Đức
thứ XVI cho bắt đầu vào ngày 19 tháng 6 năm 2009 là
ngày mà hằng năm Giáo Hội biệt kính Thánh Tâm Chúa Giêsu
– Vị Linh Mục Thượng Phẩm – và sẽ kết
thúc ngày 19 tháng 6 năm 2010 cũng là ngày biệt kính Thánh Tâm
Chúa Giêsu. Trong Năm Linh Mục, Đức Giáo Hoàng Biển
Đức đặc biệt ban ơn toàn xá không chỉ
cho riêng quý Linh Mục, cả đến giáo dân cũng được
hưởng nhờ. Và điều kiện để mỗi
giáo dân được hưởng nhờ ơn toàn xá Năm
Linh Mục là phải thành tâm thống hối lỗi mình, phải
làm hoà với Chúa, phải sốt sắng tham dự Thánh Lễ,
phải dâng lời nguyện lên Chúa Giêsu là vị Linh Mục
tối cao đời đời để cầu cho quý
Linh Mục của Hội Thánh cũng như làm bất cứ
việc lành nào có thể: hầu xin Chúa thánh hoá và khuôn đúc
các ngài theo Thánh Tâm Người. Trong Năm Linh Mục, thánh
Gioan Maria Vianney được Đức Giáo Hoàng Biển Đức
chọn là vị Thánh mẫu mực và là đấng bảo
trợ cho tất cả quý Linh Mục, đặc biệt
những Linh Mục coi xứ.
Thú thật,
bình thường tôi vẫn luôn tạ ơn Chúa thương
ban cho đời tôi được theo đạo Chúa và đời
mình luôn có được những vị Linh Mục chăn
dắt. Như trong việc cộng tác với toà báo Trái Tim Đức
Mẹ, tôi được hết Linh Mục Chủ Nhiệm,
Chủ Bút này đến Linh Mục Chủ Nhiệm, Chủ
Bút khác dắt dìu. Trong cuộc sống ở cộng đoàn
xứ đạo, tôi luôn được hết Linh Mục
Chánh Xứ này đến Linh Mục Chánh Xứ khác ban các bí
tích, ban sự chỉ dạy, đỡ nâng... Nhờ thế
tôi luôn biết ơn quý Linh Mục và không quên cầu nguyện
cho các ngài trong kinh nguyện sáng, tối mỗi ngày của mình.
Cũng như tôi thấu hiểu thế nào là sự tối
cần thiết của quý Linh Mục trong cuộc sống
lữ hành "vượt biển
thế gian" của mình để đạt điểm
tới là Quê Trời. Cuộc sống mà "Người ta sống
không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng
Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,4) nên ai sẽ là người đem
lời Thiên Chúa đến cho mình nếu không có quý Linh Mục?!
Hay nói như Thánh Phêrô (là Đức
Giáo Hoàng tiên khởi) khi Ngài thưa với Chúa Giêsu (Linh Mục Thượng Phẩm)
thì Ngài thưa rằng: "Lạy Thầy, chúng con sẽ
đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống
đời đời" (Ga 6.69)...
Cho nên bình
thường tôi vốn đã yêu kính và biết ơn quý Linh
Mục lắm, thì nay Năm Linh Mục còn giúp tôi thêm biết
ơn và yêu kính các ngài hơn. Nhất là bằng vào các điều
kiện được gợi lại và nhắc bảo mình
"phải làm" để
được hưởng nhờ ơn toàn xás, tôi mới
thấm hiểu thêm rằng: Linh Mục quả là một Hồng
Ân mà Chúa ban tặng cho mỗi đời người Kitô hữu.
Là Hồng Ân vì chỉ duy có Linh Mục mới giúp được
cho mình thực hiện các điều kiện ấy thôi. Đặc
biệt như việc làm hoà với Chúa là phải có Linh Mục
ban bí tích giải tội, việc tham dự Thánh Lễ sốt
sắng thì phải có Linh Mục dâng Thánh Lễ để
cho mình tham dự, để mình được hưởng
nhờ ơn toàn xá. Là Hồng Ân nên bổn phận mình duy
nhất chỉ một lòng trân quý, giữ gìn, bảo vệ...
(do đó trong việc hàng đầu
phải làm là thành tâm thống hối lỗi mình: ắt phải
có thống hối lỗi mình với vị Linh Mục chăn
dắt mình nữa! Hay dù cho vị Linh Mục đó có như
thế nào thì mình vẫn chỉ là biết dâng lời nguyện
với làm việc lành để cầu xin cho ngài, chớ
tuyệt đối không có chê trách, phỉ báng, bài bác, từ
bỏ...). Là Hồng Ân nên Linh Mục đem đến
cho đời mình bao ơn phước Chúa thông ban, để
mình ngày một thêm sống tốt đời đẹp đạo...
nếu như mình biết mở lòng đón nhận và khiêm
cung vâng phục các ngài với trọn tâm tình yêu kính...
Tạ ơn
Chúa, tạ ơn Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI
và xin cám ơn Năm Linh Mục. Năm Linh Mục giúp tôi biết
nhìn lại và có quyết tâm mến yêu, trân quý hơn nữa
các Linh Mục vốn là Hồng Ân vô giá Chúa ban cách nhưng
không cho đời mình...
*****
Bây giờ
tôi xin được hân hạnh thỏ thẻ về cha xứ
của tôi.
Cũng
xin thưa: tôi không chỉ có một cha xứ mà nhiều cha
xứ. Vì do Đức Giám Mục thuyên chuyển cha xứ,
do cha xứ qua đời phải thay cha xứ mới, và còn
do hoàn cảnh ở đất Mỹ này nên tôi có tới hai
xứ đạo là xứ đạo Mỹ và xứ đạo
Việt Nam. Xứ đạo
Mỹ thì gần nhà nên Thánh Lễ các ngày thường và nhiều
khi luôn cả Thánh Lễ ngày Chúa Nhật tôi hay đi cho gần
để tiện sắp xếp công việc. Xứ đạo
Việt Nam ở xa hơn
và dù tôi ít thường xuyên tham dự Thánh Lễ nơi đây,
nhưng trái tim tôi thì lúc nào cũng hướng về, và luôn
nghĩ rằng: đấy là xứ đạo của mình
và cha xứ của mình...
Vì thế
tôi hân hạnh xin thưa: xứ tôi là Giáo Xứ CÁC THÁNH TỬ
ĐẠO VIỆT NAM ở thủ
phủ Sacramento, tiểu
bang California, Hoa Kỳ.
Cha xứ tôi là Linh Mục Jude Nguyễn Ngọc Ban thuộc
Dòng Đồng Công.
Thật
ra nếu ngài còn coi xứ, chắc chắn là tôi không dám thỏ
thẻ đâu! Nhưng vì xứ đạo tôi đã có vị
Linh Mục mới về thay, còn ngài thì vẫn đang bệnh
viện là nhà (ngài cao tuổi lại
bị tông xe thật trầm trọng sáng ngày 16-2-2009, lúc trên đường đi dâng Lễ)! Do vậy,
nên tôi mới thiết tha được thỏ thẻ về
ngài, vì với tôi: ngài quả là một Hồng Ân tuyệt vời
Chúa ban cho đời mình và cho xứ đạo của mình.
Hơn nữa đang trong Năm Linh Mục, năm mà Thánh
Gioan Maria Vianney cha sở họ Ars được chọn làm
vị Thánh mẫu mực và là bổn mạng của các
Linh Mục coi xứ... mà tôi thì thấy cha xứ của mình
có đức khiêm nhường, đức khó nghèo tằn
tiện chắt chiu lo cho đoàn chiên, đức nhẫn nại,
đức quên mình hy sinh tất cả vì đoàn chiên, đức
dấn thân dám nghĩ dám làm với quyết tâm mạnh mẽ
vượt qua các trở ngại trong ngoài (đã khó khăn trăm bề còn thêm bị thử
thách kể cả chống đối) để đạt
được thành quả... là giống cha sở họ
Ars lắm! Thêm vào đó vì Chúa đã dạy: "Điều Thầy
nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều
các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà" (Mt 10,27) nên
tôi thiết nghĩ: những gì hay đẹp mình học được
ở cha xứ mình, kể cả các ơn ngài làm cho mình, cho
bao người và cho giáo xứ mình... đã đến lúc mình
phải nói ra. Nói ra với trọn tâm tình biết ơn sâu
lắng xuất từ đáy tim mình vì sẵn đang là Năm
Linh Mục. Hơn nữa còn vì sự khắc dạ ghi tâm
về một truyền thống đạo lý tốt đẹp
nghìn đời của ông bà xưa truyền dạy cho đời
con cháu là lòng biết ơn:
Ăn trái
nhớ kẻ trồng cây.
Ăn gạo
nhớ kẻ đâm, xay, dần, sàng.
Và nhắc
bảo nhau cùng nhớ ơn:
Ai ơi bưng
bát cơm đầy,
Dẻo thơm
một hạt, đắng cay muôn phần!
Cũng
xin chân thành biết ơn quý thầy phó tế, quý vị
trong Hội Đồng Mục Vụ, các ban ngành, các khu, các
Hội Đoàn và quý anh chị em tín hữu đã từng "chia ngọt xẻ bùi" với
cha Ban trong công việc của giáo xứ... quảng đại
cho tôi được biết thêm bao điều thật cảm
động về ngài, vì "Mười
lăm năm ấy biết bao nhiêu tình". (Cha về coi xứ tháng 6-1995. Trước
ngài đã có 3 vị tiền nhiệm. Vị sáng lập là
cha cố Giacôbê Nguyễn Văn Vi, rồi cha Giuse Nguyễn
Văn Hoan, cha Charles Nguyễn còn gọi là cha Dũng).
Trước
hết tôi xin được thỏ thẻ về một điều
thật cảm động cha xứ đã làm cho tôi trong những
tháng năm đầu ngài về coi xứ. Vì bây giờ tôi
có được đức cậy vững vàng để
sống tín thác vào Chúa cho dù có những lúc lâm phải hoàn cảnh
nghiệt ngã; cũng như có được trình độ
"đạo" như
thế này để viết phục vụ báo Mẹ là nhờ
ơn lớn cha Ban thiết tha phải "bỏ" tôi vào các khoá tĩnh tâm! Từ tĩnh
tâm ba ngày tại giáo xứ, đến tĩnh tâm bốn ngày
ở San José của
phong trào Cursillo... Hồi tưởng lại quãng thời
gian của những năm 1991-1995 tôi là người mẹ
trẻ có ba cô con gái lớn – tuổi teen rồi tuổi đôi
mươi – đang bắt đầu hội nhập vào nền
văn hoá Mỹ mà tôi thì chưa thể và cũng chưa có
kinh nghiệm để hướng dẫn con, lại cứ
phải "đầu tắt
mặt tối" cùng chồng lo kiếm tiền nuôi
con! Do đó tôi luôn có những nỗi "lo trời đổ" về con nên cứ
khó khăn này nọ với con, làm khổ con, khổ cả
chính mình! Một hôm đi xưng tội với cha xứ, tôi
khóc về nỗi ân hận mình muốn làm mẹ hiền,
chị tốt, bạn thân với các con mà không được!
Bởi tôi cứ phải rầy la, o ép để muốn
con được nên hay nên tốt theo ý mình! Thành thử tôi
bị con xem như cản đường, làm phiền...
khiến con bất mãn mà tôi thì cô đơn, bất an... Hẳn
ngài phải thương cho nỗi khổ lòng của tôi, nên
ít lâu sau ngài tổ chức khoá tĩnh tâm trong giáo xứ và gọi
tôi, bảo vợ chồng tôi nên đi... Có thể nói đời
tôi từ lúc lập gia đình và được theo đạo,
nào có nghe biết chi đến tĩnh tâm, cũng đâu được
vị Linh Mục nào đích thân khuyên đi! Do đó tôi rất
muốn đi, nhưng chưa dám hứa chi với ngài vì còn
phải chờ ý ông xã. Và rồi ông xã chẳng đi cũng
chẳng thuận cho tôi đi, tôi không dám gọi lại ngài.
Nhưng, chỉ vài hôm sau ngài gọi, tôi thưa thốt với
ngài và ngài khuyên đi. Đi để có thời gian nghỉ
ngơi trong Chúa và sống với Chúa qua cầu nguyện, học
hỏi lời Chúa, hiểu Chúa quyền năng và Chúa yêu thương
mình, yêu thương chồng con mình mà thanh thản dâng chồng
con, dâng mọi sự cho Chúa, phó Chúa lo liệu cho... Phải
nói chỉ với cách cha hạ mình để săn sóc, quan
tâm "như thể cha cần
con chiên chớ không phải con chiên cần cha" khiến
tôi đã cảm phục mà còn thương ngài lắm! Thêm nữa,
cách của cha như thể người mẹ thương
lo cho con, bảo một lần con không nghe nhẫn nại bảo
nữa, mà tôi đang làm mẹ nên tôi hiểu vì tôi đã từng
như thế với con mình. Cho nên tôi dứt khoát thưa tiếng
"Xin vâng". Tôi cũng
xin cha gọi để rủ ông xã và ngài đã làm, mà anh thì
cứng lòng lắm!
Vào khoá tĩnh
tâm tôi mới hay hầu hết là được cha đích
thân mời gọi đi. Có người chồng đi bị
vợ buồn trách cha, có người vợ đi bị chồng
bực bội nghĩ đủ thứ oan cho cha! (Mãi sau này khi tôi hiểu đạo
được kha khá, tôi mới biết nhịn nhục trước
việc mình bị hiểu lầm, chê trách, nghi oan... để
cầu cho cha xứ mình và cho quý tu sĩ nói chung, vì tôi thấy
sao có quá nhiều người cứ hay bắt lỗi và buộc
cho các Linh Mục đủ thứ tội oan ức).
Đi được
một lần thì "mê", tôi
tiếp tục dự thêm khoá tĩnh tâm của phong trào
Cursillo ở San José. Có tới
vài ba chục người cùng đi nên cả đoàn được
đi xe buýt lớn. Cha xứ đích thân đưa đi và
cũng đích thân ngài đón về, lại còn đãi cho bữa
ăn tối đầy ắp yêu thương mới an lòng
"thả" ai về nhà
nấy.
Không chỉ
có tôi, quý cô bác cùng những anh chị em khác, kể cả giới
trẻ đều được cha quan tâm cho tham dự các
khoá tĩnh tâm, khoá huấn luyện huynh trưởng, khoá
tu nghiệp giảng dạy Giáo Lý, Việt ngữ... đều
cảm thấy đức tin lòng đạo, tinh thần phục
vụ tông đồ, sự an bình phó thác cậy trông của
mình vào Chúa, Mẹ được thăng tiến lên nhiều.
Một phần cũng còn vì cha là mẫu gương: cha hiền
hậu, thánh thiện, sùng kính Đức Mẹ, làm việc
gì cha đều phó thác cho Chúa, cho Mẹ, cho Thánh Cả. Kết
thúc bài giảng bao giờ cha cũng dạy hãy đoàn kết
yêu thương, kính mến Đức Mẹ. Có việc chi
lo lắng buồn phiền kêu đến cha thì ngài hay khuyên
"Thôi cứ hãy dâng hết
cho Chúa, Mẹ nhé! Chúa Mẹ sẽ lo liệu cho..." và
hay nhắc bảo: "Nghe được
thì cầu nguyện cho nhau và chôn đi..."
Đặc
biệt cha quan tâm hàng đầu đến giới trẻ,
đến sự phát triển của Giáo Hội Việt
Nam mình ở Mỹ. Cha đau lòng thấy một cộng đoàn
đông đảo trẻ Việt Nam tóc đen, mũi thấp,
da vàng thường chỉ có nói với nhau bằng tiếng
Mỹ! Cho nên với số tiền hiện có chỉ hai mươi
nghìn đô ngoài, cha dành tất cả cho việc mua 4 cái mobile home cũ, để nhanh
chóng thành lập "Trường Giáo Lý Việt
Ngữ Thánh Giuse" (tháng
6-1995 cha về nhận xứ thì tháng 12-1995 trường Giáo
Lý Việt Ngữ Thánh Giuse được bắt đầu
khai giảng).
Xin trích dẫn
lời cha: ở mục "Lá thư Cha Giám Đốc"
đăng trong cuốn "Kỹ yếu 10 năm thành lập
trường":
"Mỗi sáng Chúa Nhật, bình minh
lên, các em thiếu nhi cắp sách đến trường Thánh
Giuse, tung tăng trong khuôn viên Giáo Xứ. Hình ảnh ấy rộn
lên trong tôi một hy vọng.
Nhớ lại quá khứ tuy xa mà còn
hiện hình rõ nét. Năm 1994 cộng đoàn chỉ có hai lớp
học đàng sau nhà xứ dành cho hai lớp đặc biệt:
Xưng Tội và Thêm Sức. Do thiên ý soi dẫn, cộng đoàn
cần nhiều lớp hơn, nhưng tài chánh eo hẹp, vốn
liếng chỉ vỏn vẹn $50,000, bồn nước cứu
hỏa đã chiếm gần $30,000. Mua 4 mobile home cũ. Các
cụ, các ông bà và các bạn trẻ chung tay sửa chữa,
sáu ngày một tuần ròng rã suốt sáu tháng. Những tận
tâm thật đáng phục, thanh niên đã vậy, còn các cụ
sức yếu, mắt nhìn không rõ cũng đến góp sức
đều đặn mong rằng các cháu sẽ được
dạy bảo. Hiện nay có cụ đã yếu liệt.
Thấy cụ, lòng lại dâng lên nềm cảm phục và
biết ơn.
Ngày khai trường, học sinh từ
khắp miền tề tựu dưới mái trường đơn
sơ, nhỏ bé. Mọi người hân hoan. Sinh hoạt tại
trung tâm náo nhiệt hẳn lên. Các em vui học. Những tiếng
cười thơ ngây làm ấm lòng người.
Suốt mười năm dài, các giảng
viên và huynh trưởng đã dấn thân làm việc tông đồ
cho giới trẻ không biết mệt... Trong dấn thân có
nhiều niềm vui khích lệ nhưng cũng không thiếu
âm thầm chịu đựng. Con đường tương
lai gồ ghề sỏi đá nhưng sức phấn đấu
cao vời sẽ vượt qua...
Các em lên lãnh phần thưởng mỗi
lần đông hơn và phấn khởi hơn. Cộng đoàn
rất vui khi các em là những học sinh tốt và giỏi,
không quên cội nguồn Việt Nam và hãnh diện về ngôn ngữ của
tổ tiên.
Hàng trăm em đã xuất thân từ
trường Thánh Giuse. Các em vào đời với hành trang
kiến thức Giáo Lý và nền văn hoá dân tộc luôn liên
kết các em với Thiên Chúa và quê hương.
Thành quả của trường Thánh
Giuse là niềm vui lớn lao chung của cộng đoàn, vì
10 năm hay 20 năm nữa, những mầm non này sẽ là
những nhà lãnh đạo điều hành cộng đoàn...
Cũng
xin thưa, thành quả của trường tuy đạt được
kết quả đáng mừng vậy, nhưng đây là ngôi
trường mà không có trường nào đơn sơ hơn
nữa dù tận bên quê nghèo đất Mẹ Việt Nam, chớ
đừng nói chi ở Mỹ! Chỉ có một số lớp
được trang bị bàn học cũ, còn những lớp
khác các em cũng chỉ có những ghế sắt cá nhân vừa
làm ghế ngồi, vừa làm bàn học! Mùa lạnh lớp
không đủ ấm! Mùa hè nóng thật quá tội!
Cảnh các
em trong lớp học đã thế, bên hông và trước cửa
nhà cha là các gian hàng ẩm thực hoặc có mái che hoặc lộ
thiên do quý hội đoàn thay phiên nhau vừa bán phục vụ
các em vừa kiếm tiền lời gây quỹ xây dựng
nhà Chúa... cũng chịu lạnh, chịu nóng nực không kém!
Trong cảnh ấy, đức khó nghèo của cha: tôi nghĩ
khó có vị Linh Mục ở xứ thật nghèo nào bên quê hương
sánh kịp, nói chi ở Mỹ! Nhà cha có "heat" để sưởi, có máy lạnh để
dùng mà cha coi như quên đi, cứ chịu lạnh, chịu
nóng nực chớ chẳng mấy khi dùng! Lại là nhà sàn
quá cũ, thêm giữa đồng không mông quạnh nên con chuột,
con mèo thường rút vô ở dưới sàn, cha vẫn để
yên cho chúng tá túc và không một lời than phiền. Thức ăn
nếu được ai biếu, cha ăn còn thừa cứ
để dành đấy hâm đi hâm lại ăn chớ
chẳng đổ đi phí phạm bao giờ. Còn nếu tự
cha nấu ăn thì thường là nồi cháo trắng, nồi
khoai luộc cho qua bữa, không khác chi cha sở họ Ars!
Quần áo, giầy dép bà con giáo xứ cũng hay biếu cha
trong những dịp lễ tết nhưng không mấy khi
thấy cha mặc, ngài hay mặc đi mặc lại chiếc
áo, chiếc quần sờn cũ và mùa đông hay đi đôi
giày đen cũ mà rộng hơn bàn chân! Có những lúc ghé thăm
cha vào xế trưa ngày Chúa Nhật, thấy cha đang cặm
cụi nhặt từng vỏ lon nước ngọt học
sinh uống xong vứt quanh sân cỏ để
"save" gây quỹ xây dựng nhà Chúa. Có lần gọi
thăm cha được cha cho biết đang sắp đi
trả lại mấy chai nước mới vừa mua vì
thấy báo đăng ở tiệm khác bán hạ giá hơn.
Hỏi có đáng chi mà cha phải tốn thời giờ và
vất vả thế? Cha bảo cha bỏ chút công, chút thời
giờ đâu có chi, miễn sao "save" được
tiền cho giáo xứ phải chi ra. Giáo xứ mình nghèo nên
mình gắng "save" được mỗi thứ một
ít thì sẽ "góp gió thành bão"... Có thể nói tinh thần
sẵn sàng tốn công tốn sức mình để tiết
kiệm cho giáo xứ ở vị chủ chăn thánh thiện,
khó nghèo như cha, được đa số con chiên nức
lòng ủng hộ. Như chị Thanh Hương tổ chức
các buổi Hội Chợ gây quỹ, tiệc gây quỹ có mời
ca sĩ đến thì thay vì giao các ca sĩ cho
"hotel", chị "save" bằng cách tự mình và
huy động thêm người thân giúp việc đưa
đón và ăn ở của ca sĩ, nên vừa chu đáo
không thua ở "hotel" mà còn mật thiết tình người.
Quý bác, quý anh chị em phụ trách trong gian hàng ẩm thực
của giáo xứ đều không quản tốn thời giờ
đi lùng mua các thứ "on sale", và dù đã bỏ công
nấu nướng, đi mua, nhưng khi cần uống
chai nước, ăn cái bánh chưng, tô phở, đĩa
xôi, hay ly cà phê... đều tự bỏ tiền túi ra mua,
chứ tuyệt đối không lạm dụng, không phí phạm,
không lấy của giáo xứ làm của riêng... Một cú phôn
nào của con chiên gọi đến cha mà nhắn vào máy thì
sớm muộn cũng đều được cha gọi
lại. Ai phiền trách cha, cha lắng nghe. Biết ai buồn
giận mình, cha xin lỗi. Cần góp ý, cha gọi riêng ra. Ai
mua giúp gì cho Giáo Xứ, cha cám ơn nồng nhiệt và sốt
sắng thanh toán hoá đơn. Cha là vị mục tử quên
đi bản thân mình để chỉ có sống cho đoàn
chiên và Giáo Xứ.
Ngôi nhà Chúa
ngày một thêm đông, không đủ chỗ chứa và càng
thêm xuống cấp! Trường Giáo Lý Việt Ngữ Thánh
Giuse cũng thế! Số tiền chắt chiu trải bao năm
gây quỹ cũng đã dành được khả quan. Lại
được mách cho khu đất mới rộng rãi hơn
cũng gần đấy và là nơi có đông đảo cộng
đồng người Việt. Cha xứ quyết định
di dời ngôi Thánh đường và trường Thánh Giuse
về khu đất ấy và sẽ xây dựng thật
khang trang. Quyết định của ngài được trên
¾ số phiếu ủng hộ. Mà việc xây dựng thật
quá gian nan! Chỉ riêng việc được Toà Giám Mục
địa phận thông qua bản vẽ của đồ án
xây dựng cũng đã phải chờ đợi trong suốt
cả 2 năm! Thân cha thì phải tới lui chầu chực
đến đỗi có những lúc thấy như ngài là người
đi xin việc chớ chẳng phải Linh Mục coi xứ!
Và ròng rã trong suốt thời gian tổng cộng hơn 6 năm
kể từ lúc có quyết định di dời, trung tâm mới
đã được hình thành thật hoành tráng nức lòng!
Phòng ốc gồm Ngôi Thánh Đường khang trang có thể
chứa 1 ngàn người. Hội trường nối liền
theo có thể chứa trên 1 ngàn người. Trường Thánh
Giuse cũng nối liền theo có trên 10 phòng học.
Tân Thánh Đường
được Đức Giám Mục Jaime Soto thánh hiến hôm
28-6-2009 (tức 9 ngày sau hôm khai mạc Năm
Linh Mục). Từ đấy đến nay, Thánh Lễ
Chúa Nhật nào cũng tràn ngập người, nhất là
giới trẻ và dù parking mênh
mông nhưng hễ đi đúng giờ Lễ thì không còn chỗ
đậu xe, kể cả chỗ ngồi trong nhà thờ.
Và nếu như ở trung tâm cũ, cứ sau Thánh Lễ
cha xứ phải mời gọi xuống quán ăn phục
vụ gây quỹ mà chẳng được bao người
vào, thì ở trung tâm mới này, cha xứ mới chẳng tốn
công mời, hội trường vẫn kín chỗ, có người
còn ngại vào ăn vì sợ cảnh chờ đợi. Tôi
nghe mấy chị bạn tâm sự nức lòng lắm! Cứ
Thánh Lễ Chúa Nhật là đại gia đình gồm các
con các cháu tức cả ba thế hệ cùng rủ nhau đi
lễ. Các chị mừng thấy các con đang tính cho đàn
trẻ ghi danh học giáo lý để được học
luôn tiếng Việt.
Tôi đọc
trong hạnh tích của cha xứ họ Ars thấy Ngài phải
mất 8 năm mới đưa các giáo dân của Ars trở
lại việc tham dự Thánh Lễ của ngày Chúa Nhật.
Và để được vậy, ngoài việc làm gương
sáng thánh thiện cho giáo dân, ngoài việc ăn uống khắc
khổ, phần ăn chỉ đơn giản khoai tây và sữa,
với sống khó nghèo... thì ngài thường luôn quỳ
dang tay trước Thánh Thể cầu nguyện cho giáo dân.
Ngài thường cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa là tất cả của con. Chúa biết
rõ con yêu mến Chúa dường nào và con chưa yêu mến
Chúa cho đủ" và "Lạy
Chúa của con, đây là tất cả. Xin hãy lấy hết
nhưng hãy ban ơn hoán cải cho giáo xứ của
con".
Tôi nghĩ
đến cha xứ của mình và hiểu chắc ngài đã
phải cầu nguyện nhiều lắm cho sự di dời
thật sáng suốt của ngài về trung tâm mới, và cho
sự đoàn kết yêu thương hiệp nhất của
Giáo Xứ... Nên Chúa đã "lấy
hết" của ngài để chuyển ơn ban! Vì
khi trung tâm mới sắp xong và ngài bị tai nạn thì đến
những người vốn cận kề làm việc với
ngài mới vỡ lẽ ngài đã từng mang trong người
đủ thứ bệnh mà không hề rỉ răng cho ai
biết: Chúa đã lấy hầu cạn nguồn sức khoẻ
của ngài! Đến cả sự hiện diện của
ngài lẽ ra phải có trong ngày vui trọng đại là Thánh
hiến ngôi Thánh Đường thì Chúa cũng lấy luôn (thật ra hai hôm trước ngày
Thánh hiến, cha đã được bệnh viện cho về,
nên đoàn chiên nức lòng, đinh ninh đêm dạ tiệc
gây quỹ hôm tối thứ Bảy 27-6-2009 sẽ được
nhìn thấy ngài và sáng hôm sau Chúa Nhật 28-6-2009 Thánh Lễ
Cung Hiến Thánh Đường cũng sẽ được
thấy ngài trong đoàn Linh Mục. Nào ngờ ngài vụt trở
bệnh và phải nhập viện cấp cứu để
rồi từ đấy vẫn cứ bệnh viện là
nhà)! Cho đến hôm tôi viết bài này thì sức khoẻ
của ngài đã khá, thêm quãng đường từ bệnh
viện đến ngôi Thánh Đường mới chỉ
có khoảng mươi phút lái xe mà bệnh viện vẫn
chưa cho phép đón ngài về thăm, dù chỉ trong khoảnh
khắc để giáo dân được thấy ngài và ngài được
nhìn thấy ngôi Thánh Đường đang sinh hoạt!
Bởi thương
kính và biết ơn ngài, tôi muốn mình phải học ở
gương ngài là sống quảng đại cho đi với
những ai cần giúp, những việc cần làm vì chỉ
yêu Chúa, yêu người và lòng ham thích được phục
vụ. Chớ tuyệt đối chẳng tơ tưởng,
chẳng so đo chi đến những quyền lợi thế
gian mình được hưởng như thói thường.
Và đấy,
ngôi nhà Chúa "CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM".
"Cái nhà là nhà của ta
Công khó ông cha lập ra
Cháu con hãy gìn giữ lấy..."
Vâng, hy vọng đời đời các thế hệ cháu
con sẽ gìn giữ lấy để "cái nhà của
ta" mãi mãi đem "Lương Thực Thiên Đàng là Lời
Chúa" đến cho đời.
Xin quý bạn đọc cùng tiếp tay cầu nguyện
cho cha xứ tôi được sớm bình phục để
ngài sớm được tự mình làm lấy các việc
hằng ngày cho mình như ăn uống, tắm giặt... Vì
ngài luôn muốn được phục vụ người
mà ngại để người phục vụ mình.
California 10-8-2009
|