Tại sao cô đơn? LM Thomas Túy, OP Tôi khởi sự viết bài này bằng một khúc ca tiếng Anh: Remember, remember, that day we were together. You told me you love me, you said that you won’t leave me, won’t hurt me. ‘cause you do really love me and not make me cry, ‘Because your love will never die, ay, ay, ay, ay. But now, now you have gone, now I am forsaken, a lonely one, you have forgotten the waves of ocean, the grains of sand, ay, ay, ay, ay.
Xin tạm dịch là: xin nhớ, xin nhớ: Ngày hôm đó chúng ta ngồi bên nhau, anh nói với em, anh yêu em, anh nói rằng, anh không bỏ em, anh không làm em đau. Bởi vì anh thực sự yêu em và anh không làm em khóc, bởi vì tình yêu của anh sẽ không bao giờ chết, ay, ay, ay, ay. Nhưng bây giờ, bây giờ anh đi rồi, bây giờ em bị lãng quên, hoàn toàn cô đơn, anh đã quên những con sóng của biển khơi, những hạt cát trắng ay, ay, ay, ay.
Tôi nghe được bài hát này ở bãi biển gần Bacolod tỉnh Negros phía Tây, từ một đám trẻ em. Số là chúng tôi chơi chung với nhau suốt kỳ hè. Chơi đủ mọi thứ trò chơi, đến khi tôi phải rời các em để về lại Manila học tập tiếp, thì các em hát cho tôi nghe bài này. Về Manila tôi lại được nghe bài hát đó cùng với bài Blue, blue. Có lẽ đấy là một phong trào. Quý vị có thấy lý do tại sao tác giả thốt lên lời nói cô đơn (lonely) không?. Em không được yêu nữa: Bây giờ anh đã đi rồi (now you have gone). Như vậy em cảm thấy cô đơn khi bị anh bỏ rơi
Chúng ta có nhiều khát vọng, nhiều mục tiêu mà không đạt được chúng ta thấy buồn và cô đơn. Cứ như bài hát trên thì em không đạt được mục tiêu, là anh luôn luôn yêu em, cùng sống với anh mãi mãi. Bây giờ anh đi, em bị lãng quên, em hoàn toàn cô đơn. Nhưng những mục tiêu đó là gì?
1. Trước hết là được sống: Đây là ước vọng được đặt sẵn trong trái tim con người gọi là bẩm sinh. Theo Kinh Thánh thì con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời hằng hữu thì hình ảnh và họa ảnh của Ngài cũng hằng hữu. Do đó con người không bao giờ phải chết. Cái chết là tai họa, một hình phạt giáng xuống thân phận con người vì đã nổi loạn chống Thiên Chúa. Do đó cái chết không ai muốn, kể cả Thiên Chúa. Con người sống mãi cả vật chất lẫn tinh thần. Do đó ước vọng ngàn đời của chúng ta là được sống dù thân xác có phải chết. Chúa Giêsu nói: “Được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống mình thì được ích chi?” Thánh Ireneô viết:Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống.
Tuy bị kết án phải chết, nhưng con người vẫn cố gắng để lại dấu vết mình đã sống trên mặt đất này: lăng tẩm, bia đá, tác phẩm, chữ viết, vân vân. Súc vật không có những dấu vết đó, nhiều lắm thì chỉ để lại bộ xương và với thời gian thì cũng trở thành cát bụi. Dấu vết của con người tồn tại lâu hơn, thí dụ: kim tự tháp, các tác phẩm, văn chương. Tất cả điều đó nói lên rằng ước vọng của con người là được sống và sống mãi mãi.
2. Ước vọng thứ hai là được hạnh phúc: Chúng ta chỉ cần đặt câu hỏi đơn giản để thấy tính bẩm sinh của ước vọng này: Người ta sống để làm gì? Và câu trả lời là: Mưu cầu hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là mục tiêu cuộc sống của từng người nhắm tới. Ai ai cũng muốn mình được hạnh phúc và tránh mọi đau khổ, thể xác hay tinh thần. Ông Pascal nói: "Mọi người đều tìm kiếm hạnh phúc. Lòng muốn của họ chẳng bao giờ thỏa mãn với điều gì kém hơn. Đó là lý do các hoạt động của nhân loại, kể cả những người treo cổ tự tử". Nhưng hạnh phúc dưới đất là mau qua, không thỏa mãn người ta được. Cho nên Thánh Gioan Maria Vianey, cha sở họ Ars đã nói: "Bạn đi từ thế giới này đến thế giới khác, từ thỏa mãn này đến thỏa mãn khác, bạn không thấy hạnh phúc đâu, toàn thể trái đất không làm cho một linh hồn bất tử cảm thấy hài lòng. Một nhúm bột không làm thỏa mãn được một người đói". Kết quả như Thánh Augustinô nói: "Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, và trái tim con chẳng bao giờ được nghỉ ngơi , cho đến khi tìm thấy sự nghỉ an trong Ngài".
3. Ước vọng thứ ba là được tự do: Đây là điều kiện của hạnh phúc. Các cuộc chiến trên thế giới hiện nay đều là cuộc chiến tranh đòi tự do. Người ta cố gắng thoát khỏi sự kìm kẹp, áp bức, phe phái để được tự do: Tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do no ấm, vân vân. Rất nhiều hình thức, nhưng tựu trung vẫn là hai tiếng tự do. Vì tự do là ước vọng căn bản của con người, không chi dập tắt được. Các tác giả nổi tiếng cũng cổ võ cho tự do, như ông John Statuar Mill với cuốn Essay on Liberty hay ông Jean Jacques Rouseau với cuốn Esprit des lois và rất nhiều tác giả khác nữa. Tất cả đều nói về tự do và đòi hỏi tự do. Vậy thì tự do là ước nguyện căn bản và là nhân phẩm của con người. Không có tự do người ta không có nhân phẩm.
Kinh Thánh cũng nói đến tự do, nhưng là tự do tinh thần nhiều hơn. Thí dụ, Chúa Giêsu nói với người Do Thái: "Thật, tôi bảo thật các ông: Hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi. Người con mới được ở luôn mãi. Vậy nếu người con có giải phóng các ông thì các ông mới thực sự là những người tự do" (Ga 8,34). Là người Việt Nam ai trong chúng ta cũng thường được nghe câu của Bác Hồ: "Không có gì quí hơn độc lập tự do".
4. Cái khát vọng thứ tư là sự thật: Chúng ta muốn biết sự thật về tất cả mọi điều, nhất là những thứ ở quanh mình, vì thế câu hỏi tại sao luôn ở trên môi miệng các con trẻ, ngay cả người lớn. Tại sao có cái này, tại sao có cái kia, tại sao nó làm em đau?, vân vân. Câu hỏi này không bao giờ ngưng trong xã hội. Các nhà khoa học tìm hiểu về vũ trụ, các nhà triết học tìm hiểu lý do của muôn vật, các nhà thần học khảo sát về mạc khải. Tất cả những hạng người đó đều khát khao về sự thật. Chúng ta không thể nào dập tắt được ước muốn này. Nó là ước vọng ngàn đời của loài người. Mỗi khi biết được điều gì là mỗi khi chúng ta được giải phóng khỏi sự ngu tối về điều đó. Thí dụ: chúng ta là bác sĩ, chúng ta được giải phóng khỏi tối tăm về thuốc men và bệnh tật. Chúng ta là kỹ sư, chúng ta được giải phóng khỏi tối tăm về máy móc. Chúng ta đọc được chữ là chúng ta được thoát nạn mù chữ, vân vân. Chúa Giêsu trong Phúc âm Gioan nói: "Sự thật sẽ giải phóng chúng con"(Ga 17,17).
5. Khát vọng thứ năm là công bằng: Ngay từ thơ bé người ta đã đòi hỏi công bằng. Bố mẹ phải đánh đất vì mặt đất đã làm đau em. Lớn lên người ta lập tòa án để xét sử cho ra công lý. Vậy ước vọng công bằng là ước vọng bẩm sinh của loài người. Có nhiều lạm dụng về công bằng và công bằng tuyệt đối không có ở thế gian này. Chắc quí vị còn nhớ câu: "Cả vú lấp miệng em". Xưa nay có bao nhiêu vụ xử oan ức. Thí dụ vụ xử bà Thánh Jeanne d’Acs hay vụ xử linh mục John Huss. Cho nên cần một vụ xử chung thẩm gọi là ngày phán xét chung. Có biết bao nhiêu vụ oan ức mà không bị đưa ra ánh sáng. Có bao nhiêu hậu quả của người làm còn kéo dài rất lâu sau khi người đó đã qua đời. Thí dụ các thuyết sai lầm, các tác phẩm xấu. Trái tim con người đòi hỏi một nền công lý tuyệt đối và nền này chỉ có sau ngày tận thế.
6. Khát vọng thứ sáu là yêu và được yêu: vấn đề này xưa như trái đất. Khi có loài người là có tình yêu. Trên các phương tiện truyền thông người ta không mệt mỏi khi nói về tình yêu. Tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi, tình yêu con cái…. Những câu sau đây nói lên khát vọng muôn thủa của trái tim con người: Thiên Chúa là tình yêu hoặc tình yêu mạnh hơn sự chết, đem của cải mà đổi lấy tình yêu thì không hiểu tình yêu là gì?.... tận đáy con tim môi người đều khao khát tình yêu. Hạnh phúc người ta cũng hệ tại yêu và được yêu. Tình yêu có thể chịu đựng tất cả, gồm cả sự chết. Người ta chỉ đẹp khi được yêu và sẽ đánh mất tình yêu của người khác, ngay khi bắt đầu ích kỷ. Nhưng tiếng trái tim có hai ý nghĩa: một là cơ quan vật chất, điều khiển việc chuyển máu đi khắp cơ thể. Hai là lòng muốn, một khả năng tinh thần chứa đựng tình cảm, khả năng yêu mến. Câu nói Thiên Chúa là tình yêu. Không hiểu theo nghĩa vật chất được, vì Thiên Chúa là vô hình, là tinh thần. Nhiều người trong chúng ta lẫn lộn tình yêu với tình dục. Thực ra chúng khác nhau. Tình dục thuộc cơ quan thể xác, khi thỏa mãn chúng ta được hài lòng. Tình yêu thuộc tinh thần khi được đáp ứng chúng ta cảm nghiệm hạnh phúc. Chúng ta lẫn lộn bởi vì tình yêu bao trùm hơn tình dục. Nơi đôi vợ chồng tình dục dẫn tới tình yêu và đáng lý dẫn tới Thiên Chúa vì Ngài là tình yêu.
Tình yêu mang tính chất vĩnh hằng nhưng ở đời này tình yêu có thể thay đổi, vì vẻ đẹp, đối tượng của tình yêu có thể đổi thay và tạm bợ. Chúng ta yêu mến một vật này rồi cũng có thể thay đổi sang vật khác. Trông thấy vỏ sò trên bãi biển chúng ta yêu thích, nhặt bỏ túi mang về nhà. Khi móc túi ra xem lại thì không thích nữa. Chàng thanh niên trông thấy một cô gái đẹp giữa đám thiếu nữ, chàng ta yêu mến cô ấy. Nhưng khi cưới về làm vợ, lại thấy cô gái không đẹp như trước nữa. Chỉ khi nào ở trên trời chúng ta xem thấy cái đẹp tuyệt đối và vĩnh cửu, lòng yêu mến của chúng ta mới cố định và vĩnh hằng.
7. Ước vọng khác của trái tim là cái đẹp: Cái đẹp luôn thu hút lòng người vì thế người ta nói: vẻ đẹp, sự thật và cái tốt thay chỗ cho nhau (Bonum, Verum et pulchrum convertuntur). Khát vọng về cái đẹp phát triển rộng rãi trong nhân loại ngay từ buổi sơ khai của loài người. Chúng ta có thể tìm thấy các bức tranh, tượng đá trong các hang động, các báo tàng viện, những tác phẩm nghệ thuật, sách vở văn chương, tất cả những thứ đó nói lên lòng yêu vẻ đẹp của nhân loại. Chỉ con người mới có khả năng tác tạo và để lại những dấu vết này trong thiên nhiên. Súc vật không có, súc vật chỉ có vẻ đẹp tự nhiên như bông hoa, sông núi, vân vân. Hỏa ngục cũng phải dát vàng để lôi cuốn người ta. Có biết bao người chết vì vẻ đẹp. Nhưng chẳng có vẻ đẹp nào hoàn hảo bằng Đức Chúa Trời.
8. Khát vọng cuối cùng của con người là tôn giáo: Các nhà vô thần đều công nhận như vậy, cho nên trong hiến pháp của bất cứ nước cộng sản nào cũng có khoản tự do tôn giáo, có điều là thực hiện hay không? “Ông Karl Mars nói tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng" Nhưng ông cũng nói "Tôn giáo là trái tim của thế giới không trái tim”. Ông chủ trương vô thần của lòng muốn. Nghĩa là muốn vô thần chứ không phải vô thần của trí tuệ. Ông muốn bài trừ những lạm dụng của tôn giáo, chứ không phải chính tôn giáo. Xét cho cặn kẽ loài người sở hữu một linh hồn có nhu cầu về Thiên Chúa, một triết gia nói rằng cứ lấy Thiên Chúa ra khỏi trí khôn người ta, họ sẽ tìm thiết lập một Thiên Chúa khác, như bò vàng, lăng tẩm, địa danh, tiền bạc, tiếng tăm chẳng hạn. Giáo mục Bossuet nói: "Từ bản tính con người biết Thiên Chúa và nhờ nó mà các loài vật khác cũng nhận biết Ngài". Từ khởi thủy loài người đã có tôn giáo và nó lan rộng khắp địa cầu nơi đâu có con người sinh sống. Tôn giáo không thể nào bị xóa bỏ khỏi bản tính người ta. Ai làm như vậy là làm điều nghịch lý. Con người không những thờ phượng tạo hóa mà còn tìm cách tiếp xúc với Đấng Chí Tôn bằng những lễ nghi.
Ngăn chặn bất cứ khát vọng nào cũng làm cho người ta buồn và cảm thấy cô đơn. Thí du, ước vọng hạnh phúc. Những cuộc cách mạng trên thế giới đều hứa hẹn hạnh phúc. Nhưng có được hạnh phúc hay không là chuyện khác, cần thực tế chứng minh. Thực tế lại cần một cuộc cách mệnh khác, cứ vậy xã hội loài người luẩn quẩn mãi trong vòng tranh giành quyền lực với hứa hẹn.
Nhưng đối với người tín hữu, thì hạnh phúc của họ nằm ở nơi khác, ở tám mối phúc thật mà hiện thân là Đức Kitô. Vì mọi vật chất đều có giới hạn. Ngược lại khao khát của họ hay của mọi trái tim là vô hạn. Của cải vật chất không đáp ứng được khát vọng vô biên. Đàng khác, theo định nghĩa thì bất cứ hạnh phúc nào cũng phải thỏa mãn hai điều kiện: 1/ Chiếm hữu vĩnh viễn. 2/ Điều hoàn hảo nhất.
Vì thế các triết gia định nghĩa hạnh phúc là sự chiếm hữu vĩnh viễn điều hoàn hảo nhất. Xét trong vũ trụ thì chỉ có Đức Chúa Trời mới là hoàn hảo đời đời và tuyệt đối. Còn mọi thứ khác đều là tạm thời và tương đối. Bạn có cái nhà đẹp ư? Nhà người khác còn đẹp hơn, thế là bạn kém hạnh phúc. Vợ bạn đẹp ư? Vợ người khác duyên dáng hơn, thế là hạnh phúc của bạn giảm đi một chút. Một tác giả đã viết: "Biết mình là tình cờ, lại đi tìm căn bản. Cảm nghiệm đời là vô lý, nhưng lại mong mỏi một ý nghĩa. Biết mình có khả năng hạn hẹp, nhưng lại ước ao có thành tựu vô hạn. Sống trong một xã hội nhất định nhưng lại khao khát tự do không biên giới. Biết mình là con vật phải chết, nhưng lại ước mong sống mãi mãi, ước mong mình sông vĩnh hằng vậy mà tử thần vẫn ngang nhiên đột nhập"(Người Tình Thứ Nhất.tr. 97). Vậy đâu là hạnh phúc thật?.
Bài giảng trên núi cho ta câu trả lời: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành vì họ sẽ được thừa hưởng đất nước, phúc cho những kẻ than khóc, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai khao khát sự công chính vì họ sẽ được thỏa lòng. Phúc cho những ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho các con khi người ta sỉ vả, bắt bớ và vu khống cho các con mọi điều xấu xa, các con hãy vui mừng vì phần thưởng cho các con ở trên trời thật là lớn lao (Mt 5,1-12). Những lời hứa này do miệng Thiên Chúa phán ra là chân thật và vững bền, không ai cho là hứa hão như các chính trị gia xưa nay thường làm.
Nhưng có một vài điều chúng ta phải biết rõ, kẻo hiểu lầm. Thứ nhất là cụm từ "Phúc cho những ai" đây là cụm từ mang tính chất mô tả, nhưng trong nguyên văn là tán thán từ dùng để hô hoán: "Makerios" chúng ta nên dịch: ôi hạnh phúc thay, những ai có tinh thần nghèo khó. Tinh thần nghèo khó ở đây là một ơn. Không phải ai cũng được mà chỉ một số người được Thiên Chúa ban cho, không phải tự mình sống nghèo khó, mà được ơn trên thúc đẩy. Vì vậy nhiều người tuyên hứa những lời khuyên Phúc âm, nhưng lại không giữ được hoặc sống theo mức độ hoặc biện minh theo ý riêng. Nghèo khó trong nguyên bản dùng hai từ Ptochos và Penes. Ptochos là nghèo phải đi ăn xin để nuôi thân. Từ này mô tả ông Lazarô ngồi ở cổng nhà ông phú hộ. Còn trong tám mối phúc thật dùng từ Penes là tự ý trút bỏ mọi sự, như Chúa Giêsu và các Thánh. TiếngAnh dịch là Detachment, có lẽ hợp lý hơn.
Từ thứ hai mà chúng ta quan tâm làm rõ là từ hiền lành. Trong Thánh Kinh nó không phải là yếu đuối, sợ sệt hay nhát đảm. Ngược lại nó là sức mạnh được kiềm chế. Ông Môsê được kinh Thánh mô tả là người hiền lành nhất trong Tuyển dân. Thế mà có lúc ông nổi giận giết chết một người Ai-cập hoặc đập hòn bia vỡ tan tành dưới chân núi Sinai. Trường hợp khác, Chúa Giêsu, đấng dậy bảo dân chúng hãy học cùng Ta, vì Ngài hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Thế mà Ngài hùng hổ đánh đuổi những người buôn chiên bò ra khỏi đền thờ, lật đổ bàn đổi tiền của họ.
Như vậy hiền lành không có nghĩa là nhu nhược, nhát đảm hay nhút nhát sợ hãi. Mà là như Chúa Giêsu quyền phép vô biên, lại chịu để cho người ta bêu riếu, phỉ nhổ và đóng đinh. Nói cách khác sức mạnh được kiềm chế vì mục tiêu nào đó. Người ta hiền lành để giáo dục, để làm gương cho người khác. Người ta hiền lành để giữ lấy hòa khí. Người ta hiền lành để thu phục người khác, vân vân. Hiền lành như vậy là một nhân đức chứ không nguyên chỉ là bản tính tự nhiên. Nói chung ra các điều kiện để được chúc phúc trong tám mối phúc thật đều là các nhân đức siêu nhiên, cho nên như chúng tôi vừa nói ở trên phải có trợ lực từ ơn thánh. Sức tự nhiên chúng ta không thực hiện nổi, và nếu từ sức tự nhiên mà thôi chẳng được công phúc gì.
Nhà văn Nga nổi tiếng Tolstoi nói rằng ông cảm thấy rất cô đơn, cho đến khi tìm thấy Thiên Chúa, mặc dầu ông có đủ mọi điều kiện vật chất để được hạnh phúc. Vợ đẹp con khôn, giàu có tiếng tăm. Các đại thi hào khác cũng vậy như Leon Bloi. Dante, Cervantes... vậy thì cái hạnh phúc của người ta không hệ tại vật chất. Chuyện kể rằng. Một nhà vua kia bị bệnh nặng, thầy thuốc bảo rằng chỉ cần cho vua mặc áo của người hạnh phúc nhất nước, tự nhiên nhà vua khỏi bệnh. Vua sai bầy tôi đi khắp nước xem có ai hạnh phúc nhất thì xin áo đem về cho nhà vua. Bầy tôi tuân lệnh đi ra, tới một cánh đồng nghe thấy tiếng hát trong một cái lều tranh. Tiếng hát rằng ta hạnh phúc nhất trên đời. Bầy tôi vào lều tính xin áo cho nhà vua. Té ra trong lều có một ông lão, mình trần, đang nằm vỗ bụng hát. Bầy tôi hỏi xin áo thì ông cụ trả lời không có áo nào cả, mà chỉ có chiếc khố rách. Ýnghĩa của câu truyện là hạnh phúc không nằm nơi vật chất, nhưng ở nơi khác. Và khi không đạt tới thì người ta cảm thấy cô đơn và buồn. Vậy hạnh phúc cũng như các khát vọng khác nằm ở đâu?
Xin thưa nằm ở Đức Chúa Trời và đồng loại. Loài người là con vật ngẫu nhiên, có cũng được mà không có cũng được.Loài người cần một điểm tựa để cho đời mình có một ý nghĩa. Điểm tựa cần thiết đó là Tạo hóa. Như vậy Tạo hóa là nguồn gốc tồn tại của con người. Nhờ nguồn gốc đó mà tồn tại của con người có ý nghĩa. Khi con người cắt đứt với Tạo hóa. Thì liền cảm nghiệm cô đơn . Đó là nỗi cô đơn lớn nhất ngoài những cô đơn nho nhỏ khác.
Chúa Giêsu đã cảm nghiệm nỗi cô đơn này khi treo trên thánh giá vì tội nhân loại. Hiện nay các linh hồn trong hỏa ngục cũng chịu nỗi cô đơn đó vì đã xa lìa Thượng Đế nói chung tất cả những linh hồn đã phạm tội đều chịu nỗi cô đơn này. Vì thế chúng ta phải xa lánh tội lỗi. Và như một hệ luận tôi nghĩ sứ vụ chữa lành tội lỗi của giáo họ là rất quan trọng. Câu chúc bình an của linh mục trong thánh lễ mang ý nghĩa rất đẹp đẽ và hữu ích: "Chúa ở cùng anh chị em". Có Thiên Chúa ở với chúng ta, thì không còn cô đơn nữa. Chúng ta đã có hết mọi sự vì Thiên Chúa ở với chúng ta. Thiên Thần Gabriel hiện ra cùng đức Maria cũng dùng lời chào ấy: "Vui mừng lên, Thiên Chúa ở cùng bà". Linh mục không thể dùng lời nào tốt đẹp hơn. Mỗi khi nghe lời chào ấy, giáo dân vui mừng, phấn khởi và đầy lòng tạ ơn Thiên Chúa.
Nhưng để được Thiên Chúa ở cùng và được nhìn xem Thiên Chúa thì con người phải có lòng thanh sạch, đúng như phúc thật thứ 6 nói: “Phúc cho những người có lòng thanh sạch vì họ được nhìn xem Thiên Chúa”. Thế nào là lòng thanh sạch? Tiếng Anh dịch là the clean of heart (kẻ sạch sẽ trong tâm hồn). Tức là kẻ trút bỏ mọi tham vọng khác ngoài tham vọng xem thấy Đức Chúa Trời. Bởi vì các tham vọng khác che khuất, không cho người ta ngắm nhìn Đức Chúa Trời. Mặt trời luôn luôn chiếu sáng, nhưng người ta có thể lấy liếp che đi. Bảo kẻ ích kỷ vẻ đẹp của xả kỷ thì cũng tương tự như bảo kẻ điếc nghe bản giao hưởng của Beethoven. Bảo người xắc dục về trong sạch thì cũng tương tự như bảo kẻ mù xem các màu sắc. Những tâm hồn vẩn đục vì dục vọng không thể xem thấy Thiên Chúa. Trước mắt người nhơ bẩn, thì chẳng có chi là thanh sạch. Còn đối với linh hồn trong trắng thì xem thấy Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Họ nhìn thấy Ngài ở trong thiên nhiên, ở nghệ thuật, ở âm thanh, vân vân. Vậy muốn nhìn xem Thiên Chúa, chúng ta phải có tâm hồn thanh sạch. Lúc ấy không còn cảm nghiệm cô đơn nữa, vì có Chúa, vì có thiên nhiên, vì có bạn hữu ở cùng. Đức Thánh Cha Benedicto 16 trong cuốn tự thuật nói rằng Ngài chẳng bao giờ cảm thấy cô đơn.
Cách nay ít lâu tôi có đọc một bài báo, trong đó tác giả tuyên bố rằng con người về căn bản là một sinh vật cô đơn. Tôi ngạc nhiên hết sức vì từ xưa đến nay tôi vẫn được học trong triết thuyết Aristote, con người là loài vật hợp quần (Amimal Socialis). Suy nghĩ mãi tôi mới ngộ ra có lẽ ông linh mục tác giả này bị ảnh hưởng của Jean Paul Sartres. J.P Sartre viết L’enfer e’est les autres (người khác là hỏa ngục) và ông hoàn toàn mất tin tưởng vào xã hội (xin xem cuốn Nausea), hay Nietzsche nói: Thiên Chúa đã chết, con người lang thang trong cõi hư vô. Lý giải kiểu nào đi nữa thì tôi vẫn tin rằng người ta có tính hợp quần và hợp quần là bản chất căn bản của nhân loại vậy.
Các chứng minh cụ thể cho tin tưởng này thì vô số. Nào là truyền thông xã hội, tiếng nói để bày tỏ tư tưởng và liên lạc lẫn nhau, TV, Radio, truyền hình. Nếu con người là cô đơn thì tiếng nói để làm chi? Cơ quan phát âm là vô ích sao? Tất cả những thứ đó bảo rằng người từ căn bản mang tính hợp quần, sống thành xã hội, nếu không sống thành xã hội, con người chẳng thể cung cấp đủ nhu cầu cho mình, nhà ở, quần áo, nhu yếu phẩm.
Chúng ta nên lợi dụng tính chất cộng đồng của con người mà làm việc truyền giáo. Tôi biết một linh mục kia sống chan hòa với mọi người, ông rất ít kẻ thù, gần như mọi người đều là bạn của ông. Ông thu hút được nhiều linh hồn trở về với Chúa. Trong những hoàn cảnh khó khăn, ông dùng tính cộng đồng mà hoá giải mọi việc. Hội Thánh cũng đang cổ vũ hội nhập văn hóa, nhưng người ta hiểu chưa đúng. Người ta cố gắng sửa đổi các nghi lễ: đi thế này, bái thế kia, dùng vật dụng địa phương. Nhưng theo ý tôi thì hội nhập đời sống là quan trọng hơn cả, theo gương các nhà truyền giáo lớn như cha Richi ở Trung Quốc, Cha Cordiere ở Việt Nam vân vân. Chúa Giêsu là người Do Thái, Ngài sống như người Do Thái. Nhưng Ngài giữ vững lập trường của mình, chống đối những chi là giả hình gian dối, sai trái, bất chấp những đe dọa từ phía nhà cầm quyền đạo đời. Ngài đã phải chết vì lập trường đó.
Ngày nay chúng ta thường rơi vào một trong hai thái độ hoặc là nhu nhược chạy theo thị hiếu của thế gian mà chối bỏ sự thật, hoặc là giả hình gian dối, ý thức hay không ý thức, tưởng rằng các nghi lễ, các truyền thống, các thói quen có thể cứu mình khỏi tội lỗi. Sự thật sẽ giải phóng các con (Ga 17,17). Chúa Giêsu nói như thế, hoặc như các triết gia đông phương thường bảo: "Tiểu nhân đồng nhi bất hòa, quân tử hòa nhi bất đồng" nghĩa là "đồng ý mà không hòa là kẻ tiểu nhân. Hòa mà không đồng ý là kẻ quân tử".
Là thân phận tội lỗi, người ta ai cũng hơn một lần cảm nghiệm cô đơn, tách lìa khỏi đồng loại, tách lìa khỏi Thiên Chúa. Nhưng người tân thời cảm nghiệm cô đơn hơn người thời xưa. Bởi người thời nay cô đơn xâu xa hơn thời xưa. Người ta ích kỷ hơn, văn minh hơn và tội lỗi hơn. Đó là bất hạnh của thế kỷ này. Ta hãy nghe ông M.Jaures tuyên bố: "Nếu Thượng đế có xuất hiện thì bổn phận của loài người là khước từ ông ta, hoặc coi ông ta như ngang hàng. Chứ không phải kẻ trên hay chủ nhân để buộc phải vâng lời ông ta "(Người Tình Thứ Nhất Tr.115). An nói như vậy thì tránh sao khỏi cô đơn? Thanh niên cô đơn, người lớn cô đơn, già cả cô đơn, linh mục cô đơn, nữ tu cô đơn, vì người ta đã tách lìa khỏi cộng đồng nhân loại, tách rời khỏi Thượng đế. Bài thuốc duy nhất là trút bỏ ích kỷ, quay lại với nhau, quay lại với Thượng đế. Nhiệm vụ của Giáo Hội là chữa lành, như Chúa Giêsu đã chữa lành người Do Thái ngày xưa-Truyền giáo là như vậy. Dạy bảo người ta bỏ tính ích kỷ, bỏ tôn thờ cái "Tôi". Chịu khó hy sinh hãm mình, đền tội, bớt dong dưỡng xác thịt. Trong thượng trí Đức Chúa Trời chẳng lẽ Chúa Giêsu không biết tất cả khi truyền cho chúng ta: “Hãy vác Thập Giá mình mà theo Chúa”. Tôi tin là Ngài biết và biết nhiều hơn nữa, như trong Thánh Vịnh nói: “Chúa biết con khi con ngồi, lúc con đứng, con thức hay con ngủ, con ở xa hay ở gần” (Tv 139). Chẳng có chi tránh khỏi mắt Ngài. Ngài biết cái gì mang lại hạnh phúc thật cho ta, vậy chúng ta hãy đi theo con đường Ngài chỉ vẽ và khuyến khích mọi người cùng theo để được sống, được hạnh phúc và được tự do như lòng mong ước. Lúc ấy chúng ta hết cảm nghiệm hết cô đơn. Ước chi được như vậy. Amen.
LM Thomas Túy, OP
|