Hãy
Khoan
Hoàng Thị Đáo Tiệp
Năm mới
Ta chưa đến nhưng năm mới Mỹ 2010 đang
đến.
Vì đang sinh sống tại
Mỹ nên tôi theo thông lệ cứ đầu
năm mới Mỹ là lo ... lên kế hoạch cho mình trong
suốt cả năm.
Thì đây, trước thềm
năm mới Mỹ 2010 nầy, tôi đặt cho mình một
quyết tâm tràn khí thế: Phải tiến nhanh tiến mạnh
và tiến không ngừng nghỉ trong suốt cả năm để
đạt cho bằng được mục tiêu là
...."HÃY KHOAN".
Có thể có bạn đọc
vừa đọc đến đây đã phải tức cười
rằng coi đó...! Đang năm mới năm me được
thấy có tràn khí thế mà "hãy
khoan" là không cầu an cũng nhát gan hoặc ba phải
... ... nên lừng khừng bỏ đời đi thôi, còn tiến
lẹ tiến nhanh thế nào được đây chứ?! Phải là "hãy nên", "hãy đừng" hay cùng lắm
"hãy chớ" để
cho thấy có cái lập trường tích cực và dứt
khoát. Không "yes" thì "no" mới
là được tràn khí thế: mà tiến nhanh tiến mạnh
rồi sau đấy có bị mỏi gối chồn chân "sìu" lại cũng vừa!
Đằng này chỉ mới có đứng trước thềm
năm mới thôi, thì đã "kết"
với “hãy khoan” là "sìu"
mất tiêu, còn "lết"
làm sao được trong suốt cả năm đây?!
...
Thì vâng, nếu
có bạn đọc nào cảm thấy tức cười
và phán bảo cho tôi thế, cũng là vui. Vì năm mới
năm me, không cứ năm mới Ta hay năm mới Mỹ,
hoặc năm mới của bất cứ nước nào:
miễn là có quí bạn đọc thân yêu của tôi thì tôi chỉ
muốn được làm vui lòng quí bạn đọc thôi,
dù chỉ vui trong thoáng chốc. ...
Bây giờ xin cho tôi đuợc
thưa thốt nhé! Thú thật đây là lần đầu
tiên trong năm mới (của
biết bao năm mới đã từng đi qua trong cuộc
đời tôi) mà tôi biết đặt cho mình cái quyết tâm
phải "kết" với
"hãy khoan". Chớ trước
đây cứ mổi độ năm mới đến, tôi
chỉ có thích ”kết" với "hãy nên", "hãy đừng",
"hãy chớ" thôi! Vì tôi muốn mình phải dứt
khoát mà lo sống tốt: tức phải làm điều tốt
tránh làm điều xấu. Do đó hễ thấy điều
tốt là tôi quyết phải "nên" làm, còn thấy điều xấu thì tôi khẳng
định mình "đừng"
hoặc "chớ" có
làm. Nhưng mỗi năm mỗi kiểm, tôi thấy mình nào
đã không làm được, nào bị vấp váp luôn, với
thêm vướng phải bao lỗi tội nữa! Bởi tôi
"kết" đấy
mà lại chẳng làm! Có làm thì tôi cứ hay bị làm sai làm
hỏng, thậm chí còn làm ngược lại với nhũng
gì mình "kêt"
!!! Vì như Thánh Phaolô đã
có dạy: "Thật vậy,
tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn
thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ
làm" (Rô-ma 7, 15) và Ngài lại còn dạy rõ thêm nữa:
"Muốn sự thiện thì
tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. sự
thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không
muốn, thì tôi lại cứ làm " (Rô-ma 7, 18-19)
Mà một khi tôi đã làm
sai, làm hỏng, làm ngược lại với điều tốt
mình muốn phải "nên"
làm hoặc điều xấu, điều sai mình thấy
phải "đừng"
phải "chớ" có làm
để rồi qua đó tôi còn làm nên dịp tội nữa:
vì đã gieo gương mù gương xấu ... thì sự
việc sẽ thế nào? Thì đây lời Đức Chúa
Giêsu phán bảo: "Ai làm cớ
cho một trong những kẻ bé mọn đang tin thầy đây
phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó, mà
xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn. Khốn cho thế
gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã.
Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã,
nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa
ngã" (Mt 18, 6-7)
Thế đó! Chúa phán bảo
tới hai lần
rằng "khốn" đấy,
trong chỉ một lời dạy thôi, nên mình mà làm sai là khốn
khổ cho mình lắm!
Tất nhiên
cũng phải có cái cớ để cho mình làm sai. Tôi nghĩ do tinh thần mình nhanh
nhẹn mà thể xác thì yếu đuối! Bởi vậy
nên tinh thần mình cứ dứt khoát mạnh mẽ là "hãy nên, hãy đừng, hãy chớ"
thì thân xác yếu đuối của mình sẽ không theo kịp hoặc sẽ nổi loạn mất
thôi: nó mới làm hỏng làm sai, làm cớ cho người sa
ngã để mình bị khốn! Chi bằng mình
cứ "hãy khoan" biết
đâu lại là hay. Vì với tôi, "hãy khoan" không hẳn là "lừng khừng" hoặc "sìu" mà có sự suy nghĩ , cân nhắc đâu đó
mới làm, nên dễ tránh được làm sai, làm hỏng,
làm nên dịp tội rước lấy khốn khổ cho
mình. Hơn nữa "hãy khoan"
còn có một ý nghĩa tuyệt lắm mà tôi đã khám phá được:
nên mới đặt quyết tâm phải "kết". Xin được
thỏ thẻ như sau ....
....Một buổi trưa
tôi đang ở trong tiệm và làm cho khách thì được
cú phôn của cô bạn. Cô hốt hoảng báo cho tôi một
hung tin cô bất ngờ hay được về cô bạn
nọ vốn từng có làm ở tiệm cô rồi tiệm
tôi; qua đời đã hơn một tuần nay! Cô chưa
biết lý do cô ấy qua đời, chỉ biết là xác còn
để ở nhà quàn cho mọi người đến viếng
lần chót, sáng mai thì chôn.
Cô hẹn giờ
rủ tôi cùng đi viếng xác và tôi đã sốt sắng đáp
lời.
Gác phôn với cô bạn, tôi
ngẩn ngơ! Thật không thể ngờ vì mới hôm tháng
trước tôi gặp cô ấy bên chợ Đại Hàn,
nom khỏe mạnh và vui, cho biết đã bán nhà cũ, dọn
về ngôi nhà lầu mới, do con trai lớn mua cho cô ở
nên thích lắm! Tôi dã mừng cho cô! Nào có ngờ đâu! Thôi thì tôi chỉ biết cầu nguyện cho cô, chớ
biết sao?!
Tôi lại lo
làm tiếp cho khách. Vừa làm tôi vừa nghĩ về
cô và nghĩ luôn đến bao người mình mới thấy
đó, gặp đó, mà đùng một cái nhận được
hung tin là vĩnh viễn ra đi!
Có ngưòi thì bị chết
vì tai nạn lưu thông bất chợt đến,
có người bị chết vì bạo bệnh đột
xuất, có người thì ngủ qua đêm không dậy. ...
Bởi thế hễ tôi hôm nào mà ngủ qua đêm được
dậy, thấy mình vẫn khoẻ mạnh và đi được
an toàn tới tiệm làm là mừng cho mình
hôm đó vẫn còn được sống. Còn
được sống
thì tôi muốn mình phải gắng sống cho tốt. Vì sống tốt chính là lời cám ơn ý nghiã nhất
cho việc mình được sống. Hơn
nữa có sống tốt thì tôi mới làm cho đời sống
của mình với luôn cả của người được
hạnh phúc, đồng thời tôi còn tạo luôn được
cái phúc cho mình ở đời sau. Để rồi đây
dẫu tôi có bị ngủ qua đêm không dậy, hay có bị
chết cách hốt nhiên, đột ngột..
... .... thì mọi thứ tôi có được ở đời
nầycũng hốt nhiên và dột ngột bỏ lại hết!
Nhưng, tôi vẫn có sẵn được cái phúc mà mình đã
tậu, đi theo với mình.
Do đã có hẹn
chiều đến sẽ cùng đi viếng xác nên tôi làm đến
xế trưa thì lo chạy về nhà. Tôi có mua mấy cây cải
để sẽ muối dưa, đang còn phơi ở ngoài
sân, muốn phải về lấy đem vô nhà cho an tâm kẻo
mình đi đến tối đêm mới về, hoặc kẻo
trời mưa ... Lấy cải vô nhà xong đâu đấy,
tôi đi vòng ra sân sau tưới cây vì cũng lo mình về
muộn không tưới được! Bất
ngờ tôi thấy có đàn kiền bò ngang qua trước lối
vào của cái nhà chứa đồ (Storage Shed) ở vườn
sau (chớ không có vào trong nhà ấy). Thế
là tôi lập tức đi lấy cái bình xịt kiến, xịt
từ đàn kiến đang bò đến cả cái ổ của
chúng cho tới lúc thấy chúng chết bằng hết mới
thôi. Rồi tôi quét dọn, hốt xác kiến
và rác rưởi quanh đấy, mới quay trở vô tiệm.
Gặp lúc vắng khách, tôi vô phòng nằm nghỉ.
Tôi muốn nghỉ một tí đẻ lấy sức nhưng
hình ảnh của cô bạn với bao kỷ niệm cứ
hiện rõ trước mắt tôi và xoáy vào lòng tôi bao thổn
thức! Đời cô cũng khổ vì chồng ăn ở hai lòng và bài bạc phá sạch tiền!
Chồng cô thế, mà có ông khách Mỹ thấy
săn đón cô lắm, nhưng cô chẳng thiết, chỉ
có muốn sống vì con. Cô hay cười luôn, ăn nói diụ dàng, mềm mỏng. Dù cô không làm lâu ở tiệm nào cả, nhưng tôi
chịu cô ở cái tánh không bao giờ nói xấu chủ, nói
xấu bạn làm. Tôi chỉ không chịu
cô ở cái tật cô làm nhanh, làm dối nên hay ý kiến với
cô là "hai cái bàn tay của em
lắm tội đấy nhé" (vì cô vừa làm cẩu
thả cho khách vừa thẳng thừng lấy đúng giá
chớ không bớt. Cô bảo cô đã quen như thế,
từ những năm cô mở tiệm, một mình tự
xoay sở lúc đông khách)
Nghĩ đến việc
cô bạn làm dối cho khách đến mình còn chịu không được
nên tiệm mình phải đành chia tay với
cô dù rằng mình vẫn quí cô (vì chúng tôi quen nhau từ lúc còn
đi học cái nghề "húi
tóc dũa móng tay". Ra trường thì mỗi người
mỗi ngả, cô đã bao lần mở tiệm, bán tiệm
và đi làm mãi ở các tiệm khác rồi mới đến
tiệm tôi) nên tôi cũng thấy lo cho cô lắm! Biết đâu
linh hồn cô sẽ phải trả lẽ chỉ vì đôi
bàn tay cô bị lỗi đức yêu thương
cũng không chừng?! Vì tôi vụt nhớ lời Chúa dạy:
“Nếu tay
phải con nên dịp tội cho con thì hãy chặt mà ném nó xa
con; vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn than bị
ném vào hỏa ngục” (Mt 5, 30)
Và nhớ lời Chúa dạy
để lo cho cô thì tôi cũng nhìn lại đôi bàn tay của mình để thấy đôi tay mình
bị lỗi đức yêu thương nhiều lắm chứ
chẳng sạch sẽ, tốt lành chi đó trong việc hành
nghề “húi tóc dũa móng tay”
nầy! Vì tôi ngày ngày tiếp xúc với đủ
loại khách hàng để phục vụ họ và
được họ “nuôi”
mình no cơm, ấm áo, nên cửa nên nhà… thì lẽ ra tôi phải
phục vụ họ vừa với tấm lòng biết ơn
lẫn với tinh thần công bình, bác ái mới phải.
Đằng nầy tôi thường hay có tùy theo
khách mà phục vụ! Nếu là người khách nhã nhặn,
lịch sự, dễ dãi không làm khó mình lại còn “chơi điệu”
nữa … thì tôi phục vụ hết lòng và còn tự nguyện
làm “free” thêm cho này nọ (như
cắt lông mày, cạo dùm họ lông ở tai và râu ở hai
bên mang tai …). Còn nếu gặp người khách khó ưa khó
chịu, kèn cựa và nói chung là “thấy
ghét”thì tôi hay phục vụ họ theo kiểu “nín thở qua sông” và chẳng có
chiều đãi, săn sóc, làm “free”
cho gì hết dù là họ yêu cầu bởi thấy tôi làm “free” cho người khách khác!!!
Bây giờ kiểm lại và nhớ lại những lời
Chúa dạy về sống yêu thương, công bằng, bác ái
trong phục vụ, trong đối xử với tha nhân mà
tôi đã từng thuộc nằm lòng thì giật mình thay! Vì
nào Chúa dạy: “Hãy yêu thương
kẻ khác như chính mình” (Mt
22, 39), nào: “Các con hãy yêu mến
nhau như Thầy
đã yêu mến các con” (Ga
15, 12), nào: “Ai xin thì con hãy cho. Ai muốn vay
mượn thì con đừng khước từ” (Mt
5, 42)… Bởi vậy tôi hiểu mình phải lo chấn chỉnh
lại chớ không thì “khốn”!
Mà “khốn” chỉ vì cái não
trạng thiên lệch của mình và nhất là do đôi bàn tay nầy từ chối sống yêu thương!
Vừa nghĩ vậy, tôi vừa xòe đôi bàn tay mình ra. Ôi! Tôi điếng hồn nhìn thấy
trong cái móng tay ngón cái của mình có cái xác
một con kiến đen đen bé xíu! Ôi! Hóa ra bàn tay tôi còn là bàn tay sát sanh dữ dằn nữa
kia!!! Phải rồi, tôi “sát
sanh dữ dằn” vì đàn kiến ấy vô can, chẳng
phá phách, chẳng làm hại gì tôi hết! Chỗ của nó là
ở xa ngoaì vườn, nếu nó ở trong gốc cỏ
thì có thể tôi không thấy và nó sẽ được yên thân!
Đằng nầy chỉ vì nó có vấn đề sao đấy
phải di chuyển mới bò ngang qua trước lối vào
của cái nhà chứa đồ tôi bỏ hoang ở ngoài
vườn thôi! Mà đàn kiến cũng không có vào trong cái
nhà đó nữa! Nhưng chỉ do tôi không thích lũ kiến và tôi lo nhỡ lúc nào đó nó sẽ
bò vô nhà, chui vô bếp, bám vào thức ăn… Nên thấy nó là
tôi diệt trước để trừ hậu hoạn! Ôi!
Bàn tay tôi giết nó, tàn sát cả nhà nó chỉ
với lý do thật quá ích kỷ của mình mà nó không thù hận
tôi, lại còn gởi xác nó trong cái móng tay tôi! Ôi! Thương
và tội cho nó lắm! Và ôi may mà tôi phóng xe đi được
an toàn về tiệm, chứ nếu tôi gặp nạn “chết tươi” thì tôi chắc
chắn là ra trình diện Chúa: Không chỉ với đôi bàn
tay bị lỗi đức yêu thương mà còn bị thêm
cái tội “sát sanh dữ dằn”
nữa! Thử hỏi linh hồn tôi sẽ “khốn” đến đâu?!
Cũng vì việc với
con kiến mà lúc này tôi được nhớ ra hai câu thơ
mình đã thuôc nằm lòng không biết từ lúc nào trong trí:
“Ngàn có tổ chim: cây chớ hạ,
Ruộng đùn ổ kiến: hãy khoan cày”
Vâng, đấy là truyền
thống nhân đạo thật đáng ngưỡng mộ
của ông bà xưa mình! Vì không chỉ “Thương người như thể thương
thân” mà thương lan man đến cả
loài chim loài kiến nên khuyên con cháu: thấy cây trên rừng có
tổ chim thì chớ đốn, thấy dưới ruộng
có ổ kiến đùn thì khoan cày xới vội cho vụ mùa
mà sẽ làm hại chúng! Bởi yêu thương
là yêu là thương chớ không có làm hại dù cho đó là
chim chóc, côn trùng.
Tôi cũng vụt nhớ
đến câu chuyện ngụ ngôn “Con kiến và con ve sầu” mình học lúc còn bé, nhớ
luôn cả câu thành ngữ “Kiến
tha lâu đầy tổ”của ông bà xưa dạy khuyên
con cháu siêng năng, cần cù, bền chí, nhẫn nại
để được thành công, thành nhân. Tôi nghĩ hẳn
đây cũng là một trong muôn vàn lý do yêu thương của
Thiên Chúa Tình Yêu khi tạo ra loài kiến được tồn
tại trên mặt đất để giao cho con người
cai quản chúng…
Tôi tâm đắc cái ý nhân đạo
của việc “Ruộng đùn
ổ kiến hãy khoan cày” ở điểm là nhà nông nên
việc cày đất vỡ ruộng đúng lúc đúng thời
vụ đúng mùa để trồng trọt thì mùa màng lúa má
mới được sai bông, triũ hạt, trúng mùa. Trúng
mùa thì sẽ sống sung túc. Mà khoan cày chỉ vì thương
đàn kiến mất ổ, mất chỗ ngụ an toàn và
có thể mất mạng nữa, mà phải nấn ná chờ
giải quyết cho yên chuyện chúng mới tính đến
chuyện mình là quá nhân đạo và quá đẹp! Với có
bao hàm luôn cả ý hy sinh nữa, vì có thể lúc cày đất
thì không kịp thời vụ nên sẽ bị thất thu. Nhà nông mà bị thất thu
thì đâu thể sống sung túc được…
Và vâng, tôi đặt mục
tiêu mình phải gắng đạt được trong năm
mới này khi tôi tiếp thu được
ý nghĩa của chữ “Hãy
Khoan” là vậy! Để một khi tôi muốn làm việc
gì đó (kể cả nói năng, viết văn) thấy là
nên, là hữu ích cho mình thì tôi cần đắn đo cân nhắc
xem nếu như mình không có để cho người khác bị
gặp phải hữu sự chẳng lành thì tôi mới sẽ
làm, bằng ngược lại thì tôi “hãy khoan” làm để kẻo mình sẽ hại
người (hại công ăn việc làm, danh dự, tiếng
tăm, gây sự bất hòa, hiểu lầm, ngờ vực...)
mà “khốn” cho mình lắm!! Đơn
giản chỉ có vậy thôi. Nhưng thực hành được
là tôi hiểu không dễ tí nào vì phải thắng với “cái tôi” của mình “Rằng quen mất nết đi
rồi”!
California 30-11-2009