Tu Là Cội Phúc
Hoàng Thị Đáo Tiệp
-Chị ơi em muốn đi tu!
Đây là lời của một nam
bạn đọc sồn sồn cho tôi biết thế, sau
khi báo tôi hay rằng cậu xin được ở linh
mục Chủ Bút số điện thoại của tôi.
Ôi! Câu
nói sao mà tôi thèm được nghe vô cùng! Chả vì Năm
Linh Mục đang sắp kết thúc và tôi thấy mình trong
năm Linh Mục nầy cũng có thiết tha cầu
nguyện cho ơn gọi của cánh đồng truyền
giáo nữa! Bởi thế trước tin báo bất
ngờ thế của cậu bạn đọc lần
đầu tiên liên lạc: tôi cảm thấy như mình
được Chúa thưởng công…
Nhưng! Tôi cũng vụt
thắc mắc vì tin vui sao cậu lại báo với
giọng …yếu xìu chớ không có phấn khởi?! Và sao linh mục Chủ Bút lại đồng ý cho
cậu nói chuyện quan trọng nầy với tôi?! Ngài
thừa biết tôi “đời”
chớ đâu phải “tu”
nên nói năng bàn góp cho cái chuyện
của người muốn đi tu là có khả
năng tôi làm “hư bột
hư đường ” hết chứ?!
Dù thắc
mắc vậy, tôi vẫn cám ơn cậu báo tin vui, với
nồng nhiệt chúc mừng và giục cậu:
-Đã có ý muốn
tốt lành thế thì em cũng nên xúc tiến cho ngon lành “cái rụp” luôn những bước
tiếp theo đi! Tỷ như
lo sớm sủa lên đường để tìm hiểu
ơn gọi chẳng hạn.
-Em đang
ở tù mà chị!
Ơ hay ở
tù?! Không lẽ nào! Nhưng, giọng cậu đau khổ
bảo cho tôi biết thế! Tôi nói:
-Chị không
tin! Em mà ở tù thì làm gì có được tự do
thoải mái để nào gọi đến toà báo, với
nào gọi cho chị nữa?!
-Chị! Em
ở tù thật mà! Nhưng không phải em phạm pháp nên bị
tù hình sự hay gì gì đâu! Em ở tù là do em tự
nguyện! Chị thừa biết loại tù
đó rồi chớ? Loại tù mà người ta
thường nói ví von rằng: “Con
cá trong lờ đỏ lơ con mắt. Con cá ngoài lờ
lúc lắc muốn vô!”
Ra vậy! Cậu
đã có gia đình và đang bị mệt mỏi với
đời sống hôn nhân mới réo tôi, mà tôi thì lại bé
cái nhầm nên phải bị mừng hụt! Thảo nào lúc
vào câu chuyện, cậu ngỏ ý muốn đi tu nhưng nghe
…yếu xìu! Và chắc linh mục Chủ Bút cũng có cái ý
thế nào đấy nên thấy cậu muốn tìm liên
lạc với tôi, ngài mới chiều lòng…
Tôi hiểu câu
chuyện ắt sẽ hứa hẹn thú vị đấy,
mặc dù giọng cậu đang quá là buồn! Tôi muốn
được nghe giọng cậu vui vui lên cơ, cho nên
tôi hỏi:
-Thế
thì cái thuở “Con cá ngoài lờ
lúc lắc muốn vô” là đã có cân nhắc chọn
kỹ cái lờ theo đúng những tiêu chuẩn mong
muốn mới chui vô, hay là “ma
đưa lối quỷ đưa đường” nên “a thần phù” lao vô đại,
hoặc bị sóng xô nước cuốn “ép duyên” nên phải trôi phăng vào?
-Bà
chị à! Em ba mươi hai tuổi và có sự nghiệp
đâu đó mới lập gia đình! Vợ em là em tự
chọn và đương nhiên phải đúng với
những tiêu chuẩn em mong muốn chớ! Vì em lấy
vợ cho em mà!
Cậu
đáp với giọng cũng chưa có vui nên tôi nói thêm:
-Vậy
là tốt lắm! Nhưng! Giá như em cũng nên tranh
thủ thêm những kinh nghiệm của càc đấng mày
râu rỉ tai cho nhau về các tiêu
chuẩn cần phải tránh khi chọn vợ, thì có lẽ
được tốt hơn nữa đấy!
- Thế
hả chị? Em không biết! Chị nói em nghe xem họ
rỉ tai nhưng kinh nghiệm nào!
-Chị không nói mà đọc vì đây là bài thơ có
nhan đề “Lấy Vợ”. Chị không
rõ đấng râu mày nào là tác giả? Mà do nhóm bạn Chu Văn An của ông xã chị gửi cho nhau nên
chị được đọc ké.
Và tôi
đọc cậu nghe một số đoạn như:
. Lấy
vợ không nên lấy vợ non,
Ra đường ai biết cháu hay con?
Nhí nha nhí nhảnh đòi vàng
bạc,
Bán cả bàn thờ sắm phấn son.
Lấy
vợ không nên lấy vợ già,
Bố
ai biết được chị hay bà!
Sanh
vài ba lượt người teo nhách,
Má hóp xương lòi giống như ma.
Lấy vợ không nên lấy
vợ giàu,
Ra
đường thiên hạ bảo trèo cao!
Về
nhà bị vợ đì thảm thiết,
Mất
mặt trượng phu đấng anh hào!
Lấy
vợ nên kiêng lấy vợ nghèo,
Ông bà
cha mẹ khó ăn theo!
Cày
sáng cày khuya mà vẫn đói,
Nhà
trần chiếu đất với ao bèo!
Lấy
vợ không nên lấy vợ ghen,
Áo
quần lúc giận xé teng beng!
Rủi hôm cao hứng chồng về trễ,
Đập chén quăng ly, vỡ
cả đèn….
Ôi! Cậu nghe
mà cười vang, cho biết bà xã cậu không non, không già, không giàu, không nghèo và cũng không
có ghen tuông gì hết!
Cậu vui
được là tôi mừng và thấy cậu biết hãnh
diện như thế về vợ nên tôi tỏ sự
ngạc nhiên:
-Nhưng
sao em lại muốn đi tu?
-Bà chị
à! Em nói em muốn đi tu vì em hối tiếc phải chi
hồi đó em chịu nghe những người đã và đang lâm vào
cảnh: “con cá trong lờ
đỏ lơ con mắt” luôn khuyên em rằng “Tu là cội phúc, tình là dây oan”,
nên khôn hồn thì hãy đi tu chớ có đừng dại dột
mà đi lấy vợ! Và em muốn vấn ý chị vì em nhớ trong một bài viết
trước đây chị có kể chuyện lúc mới quen
với anh được anh đưa đến Dòng Kín,
thấy tượng Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu
tuyệt đẹp ,đầy hoa hồng nằm thanh
thản cách chi là chị khao khát muốn đi tu. Mà anh
bảo chị đi tu là phạm tội giết
người vì anh sẽ héo hon chết mất, nên sau đó
chị đã cùng anh nên duyên đôi lứa…. Thế
thì trong cuộc đời làm vợ, chị sẽ làm sao
khi ước muốn đi tu ngày nào đó nó vụt quay về
đánh thức chị, xin chị bày cách cho em với?
Tôi vỡ
lẽ thì ra chốt lại là tôi được cậu “lôi” vào chuyện “chị ơi em muốn đi tu”
chỉ với lý do có như thế mà thôi! Ôi là…buồn
năm phút …cho việc mình bé cái nhầm vì tôi tưởng
đâu mình cũng ...ngon lành ra trò… nên được Chúa thưởng!
Tôi nói:
-Em
hỏi cái câu chị khó trả lời nhen! Vì nhỡ
chị nói thật cái ý của chị mà không hợp với
ý của em thì mích lòng em! Hay là em nói cụ thể vấn
đề của em cho chị rõ đi, để biết
đâu chị cũng sẽ mách được cho em đôi
điều hữu ích!
-Em thật lòng hỏi chị và muốn
nghe mà! Xin chị nói cho em được biết với!
Tôi đành
phải chiều ý cậu:
-Đơn giản thôi em, bởi thật tình cái tánh
của chị: gì chớ trong việc hôn nhân hễ một
khi “ván đã đóng thuyền”
thì có thế nào cũng sẵn sàng đón nhận và tín thác
ở Chúa. Tuyệt đối không có vấn đề
đặt lại để phải hối tiếc
rồi ‘đứng núi nầy
trông núi nọ”, hoặc thối chí
nãn lòng mà phá ngang hay chia tay bỏ cuộc! Và vì chị an phận với cuộc đời làm
vợ, làm mẹ nên đâu có bao giờ cái ước
muốn đi tu đó đội mồ sống lại mà
quay về tấn công chị được! Hoặc cho dù
cái ước muốn đi tu đó có đội mồ
sống lại thì chị coi như mình đang tu tại gia
vì ông bà xưa có dạy: “Tu
đâu cho bằng tu nhà. Thờ cha kính mẹ
hơn là đi tu”. Cho nên
đã có gia đình, chị cứ sống hết mình với
chồng con và chăm lo cho hạnh phúc gia đình thì đó cũng
chính là chị đi tu vậy,
mà là tu tại gia. Hơn nữa Thánh Phao lô có dạy: “ vợ không đưọc bỏ chồng,
mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở
độc thân hoặc phải làm hoà với chồng”(1Cr 7,10-11) nên chị không ngu dại gì mà không giữ lấy ông chồng như
“của gia bảo”
để vừa thuận theo luật Chúa thì lúc chết sẽ
dễ được lên Thiên Đàng, còn lúc sống cũng
được hưởng cái phước của
người “có chồng hơn
ở giá!”.
- Cũng như em là phải: “Có vợ hơn nằm không”
chớ gì?! Bà chị ơi em biết vậy và em cũng muốn
như thế! Nhưng cảnh của em bây giờ đã khổ,
còn thêm vợ em….
Cậu
ngập ngừng không nói tiếp, tôi nói:
-Em
ngại gì nào? Em úp mở không chịu nói rõ ra cho chị
hiểu thì chị biết em “ngứa
ở đâu mà gải” để may ra còn an uỉ
được em chứ?! Trước giờ chỉ có em
là người bạn đọc duy nhất có lòng gọi
cho chị, mà như “sợ bóng
sợ vía” chi đó nên không
có dám để cho cái miệng được “tự
đo ngôn luận” nhen!
- Chị ơi chung
quy là do em không muốn trở thành người chồng
đi bêu xấu vợ mình! Cho nên dù em xin được
số điện thoại chị đã mấy tuần qua
mà vẫn chưa có gọi chị để tâm sự!
Nhưng vì suốt mấy hôm nay lúc nào em cũng thấy
buồn phiền và bất đắc chí lắm chị! Mà
nếu cứ tiếp tục tình trạng ngày qua ngày
gặm nhấm nỗi buồn thì chắc thế nào em
cũng sẽ đổ bệnh mất thôi! Nhất là cái
bệnh “Depression” tức bệnh “trầm cảm” đấy
chị, là bệnh bao người cũng chỉ do buồn
phiền không lối thoát mà vướng phải!
Cậu nói
thế rồi ngưng.Tôi muốn nói cho cậu biết là cậu không nên
vội lo mình bị bệnh đó.Vì những ai
vướng phải bệnh đó thì cứ người nào
họ thương yêu nhất và gần gũi nhất là nói
xấu không tiếc lời và còn chê trách đủ
điều nữa! Nhưng kìa cậu thao thao nói:
- Chị đã mở lời
thế, thôi thì em xin được tâm sự đầu
đuôi câu chuyện của em! Thật tình là em đã có ý
định đi tu từ nhỏ nhưng nấn ná
để phụng dưỡng cha mẹ vì thấy cha
mẹ già yếu, em là con út mà mấy ông anh, bà chị
thảy đều tất bật với chuyện gia
đình của họ! Rồi do cảm mến cô bạn
láng giềng nhỏ hơn em một tuổi, cũng vì
muốn sớm hôm được gần gủi phụng
dưỡng song thân nên cô chẳng nghĩ chi đến
chuyện chồng con …mà hai chúng em yêu nhau lúc nào không hay! Kết
quả là chúng em cùng nhau xây dựng gia đình đã mười
một năm hơn và sinh được ba cháu hai trai
một gái: cháu lớn nhất mười tuổi, nhỏ
nhất bảy tuổi. Cũng như có
tậu được ngôi nhà khá khang trang và đã trả
dứt nợ từ hai năm qua. Thì đùng một
cái: em bị thất nghiệp cũng đã ròng rã suốt
hai năm nay! Chị ơi thất nghiệp em đã
buồn, lại càng buồn hơn ở lối đối
xử trở mặt rẻ rúng em cách tàn nhẫn của
không những bên nhà vợ, mà luôn cả đến
người vợ đầu ấp tay
gối của mình nữa! Ai đời vợ chồng
nhưng lúc em thất nghiệp thì đồng lương
vợ em kiếm được lại không bỏ vào
trương mục chung của hai
vợ chồng, mà cô ấy mở riêng ra một
trương mục mới để cất giữ! Em vì
thất nghiệp nên việc chợ buá em đi, cơm
nước em nấu, đưa đón con đi học
đi bác sĩ, trả các hoá đơn tiền điện
nước, bảo hiểm các thứ… là em lo và em cứ cà
thẻ rồi cuối tháng họ kết toán bao nhiêu em
mới sẽ ký chi phiếu hoàn lại cho họ. Mà
trương mục chung thì chỉ có chi
ra chớ không có gửi vào nên tiêu mãi cũng cạn
kiệt! Xin vợ bỏ tiền vào cho mình ký trả,
vợ cứ tỉnh bơ! Còn năn nỉ vợ ký trả cho mình vợ
cũng lờ luôn! Hậu quả là bao nhiêu cái “credit card” em đã “build up” suốt bấy nhiêu
năm để luôn được “good credit” mà nay thành “bad
credit” hết, nên em khổ tâm lắm chị! Cái lúc em ăn nên làm ra thì cứ xài xả láng cho
vợ và nhà vợ như thể một thằng khờ! Em
bây giờ bị “bad credit” trong khi tiền họ
đốt em cháy ra tro còn được nữa là!
Cậu
ngưng một thoáng để hỏi tôi:
-Chị có
đang nghe em nói đấy không?
-Có, chị
đang lắng nghe không chỉ với đôi tai
mà cả trái tim và khối óc của chị nữa!
Vậy là cậu nói tiếp:
-Đấy! Em bây giờ
chỉ vì thương ba đứa con mà phải sống
với vợ em! Chớ đầu óc em lúc nào cũng thấy ngao ngán chán chường
cho đời sống lứa đôi hiện đã bị
vợ em đặt ưu tiên không là tình yêu, tình
người nữa, mà là “money
talk” nên em cứ hay hoài vọng về giấc mơ ngày
nào! Tâm sự với vài ba người bạn thật thân thì
chúng bảo em đã không thực tế còn thêm dở hơi!
Chuyện đi tới không tính lại tính chuyện
thối lui của cái thời độc thân mơ
ước! Phải “có ở
trong chăn mới biết chăn có rận” nên chắc
gì đi tu đã sướng mà hoài vọng hảo?! Đang
thất nghiệp cần tiền thì nếu không làm
được việc nhiều tiền, hãy làm cái việc
ít tiền có sao đâu! Nhất là bây giờ nhà cửa, xe
cộ đã lo xong nên tháng tháng chỉ cần làm vớ
vẩn chi đó cũng dư sức kiếm
được mấy trăm bạc để trả cho
mình đừng bị “bad credit”,
chớ trông chờ ở vợ làm chi để phải
buồn phải trách vợ mình ?! Phụ nữ nào
lại chẳng ham tiền và người vợ nào lại
không muốn được chồng phụ giúp với mình
từ việc lao ra xã hội
kiếm đồng tiền với luôn cả biết
bao là việc không tên trong đời sống gia đình
nữa! Em thì nhân thất nghiệp ở nhà lo cho con mới
hiểu thế nào về nhu cầu hàng đầu của con
cái là cần tình thương yêu và sự hiện diện
của mình luôn bên chúng! Mà nhà đâu có phải thiếu
tiền hoặc cần tiền đến đỗi
để em phải lo lao ra đi làm kiếm tiền, bỏ
bê con cái! Em mong vợ em cũng nên hiểu cho điều
ấy mà tháng tháng bỏ ra cho em mấy trăm đô,
bất quá thì coi như là tiền mướn nguời coi
trẻ vậy! Vì thật ra lúc em đi làm thì tiền
mướn coi ba cháu tốn nhiều hơn. Để vợ
em hoặc tự ký chi phiếu trả giùm em hoặc
đưa tiền cho em ký, em mới không phải bị ‘‘bad credit’’ mà đằng
nầy…! Em hoàn toàn ngao ngán, thật sự mệt mỏi và
quá vỡ mộng về cái đời sống hôn nhân
hiện không còn thấy đâu là tình yêu thương
chồng vợ cảm thông, chia sẻ, ủi an, tôn
trọng nhau mà chỉ có “money
talk” nầy! Tất nhiên em cũng biết em có cái tánh mà
vợ em không thích mới “xiết
hầu bao” em về tiền bạc! Vì hễ em có
tiền là hay cho hay giúp các việc phúc thiện quý cha quý
sơ kêu gọi, cho dù ngay cả lúc em mất việc làm
nhưng thấy trong trương mục vẫn còn tiền.
Cậu nói đến đây thì
ngưng một thoáng rồi thốt với giọng như
sắp khóc:
-Thôi đủ rồi nhen
chị! Xin chị đừng bắt tội em nói nữa!
Em chỉ muốn được nghe chị nói bảo gì
cho em mà em thấy em chấp nhận được:
để cho em tâm ổn lòng vui mà sống qua cái giai
đoạn nầy!!!
-Là giai đoạn mà em
mới đang lần đầu tiên trong đời bị
“bad credit” chớ gì?! Và
chỉ mới có xảy ra trong vòng mấy tuần nay thôi?
-Vâng! Vì vợ em đã đối
với em quá tàn nhẫn như vậy trong khi tiền cô
ấy đốt cháy em còn được! Thì tình nghĩa
gì nữa mà tiếp tục ăn ở với nhau nên em
mới thấm thía thế nào “Tu
là cội phúc”!
Thật là thương cho suy
nghĩ của cậu, tôi nói:
-Em à với cái nhìn
của em như vậy, chị nghi nếu em có đi tu và
được làm linh mục thì trước sự
việc những người giáo dân trong xứ em giàu
sụ, đồng tiền của họ đốt
trọn cả giáo xứ cũng chết nữa là; nhưng
nhà xứ cần tiền xây sửa và bao việc mục
vụ trong giáo xứ cần họ đóng góp bạc tiền,
công sức mà họ vẫn gác ngoài tai …chị e em cũng
sẽ bị khủng hoảng thôi! Và chị lo em cũng
sẽ thấy không thể tiếp tục sống chung
với họ trong cùng một giáo xứ nữa đấy!
Vậy thì sự việc em sẽ giải quyết thế
nào?! Xin chuyển đi xứ khác lại cũng gặp những
người như thế...chẳng lẽ em cứ xin
chuyển xứ khác rồi xứ khác nữa mãi hay sao?! Hay
là em đành phải xin cởi áo nhà tu để hoàn tục
vì những người nghèo chia sẻ nầy sao ?! Trong
khi những người nghèo mới là đối
tượng của tin mừng, mà bổn phận vị
linh mục là phải bằng mọi cách đưa họ
về với lòng thương xót Chúa. Vì họ tuy giàu
tiền của nhưng lại nghèo chia sẻ nên cái nghèo
đó tự họ làm cho họ bị mất đi
phẩm cách dù họ có được ngồi trên
đống bạc đi nữa! Đấy là chưa
kể đến phần thưởng đời
đời là nước trời cũng có khả năng
vuột khỏi tầm tay của họ luôn! Bởi
vậy đây là cái nghèo thật đáng tội nghiệp vì
họ là hiện thân của những con chiên lạc đang
bị sống trong bể mê đường tối! ….Còn bà
xã em, tại em chủ quan không nhìn thấy, với thêm em
trót đã lý tưởng hoá vợ mình nên em mới vỡ
mộng thua đau! Chớ chị tuy mới có
được nghe em kể thoáng thoáng thôi là cũng
đủ thấy vợ em hội đủ cả bốn
yếu tố mà vị tác giả ẩn danh kia đã khuyên:
hễ lấy vợ hãy nên tránh! Bởi em lấy
vợ “non”
nên việc như vậy mà không hiểu biết để
thông cảm với chồng! Em lấy vợ “già” nên đây là lối xử
sự của người trên kẻ trước em: mới
ý họ họ làm chớ không màng đếm xỉa chi
tới ý của em hết! Em lấy vợ “giàu” thành thử mới bị vợ hống hách “đì” cho biết thân và làm cho
em mất mặt mất sĩ diện luôn cho biết tay bà!
Em còn đặc biệt lấy vợ “nghèo” nhất là nghèo về sự
cảm thông, chia sẻ, trao ban, quảng đại cho đi.
Em còn lấy vợ “ghen” nên
không ưa không thích các việc phúc thiện em làm mới
sẵn sàng xiết hầu khi gặp dịp….Và nói chung những cái điều nên tránh đó,
nhưng đã có ở vợ em là cũng có luôn không
nhiều thì ít ở những người vợ khác kể
cả chị! Nó cũng có luôn ở những ông chồng
nữa, kể cả em! Nào! Đâu em hãy nghĩ xem em có “ghen” không khi chỉ trong một
thoáng của câu chuyện mà em lập đi lập lại
đến hai lần về việc “đồng tiền của vợ em đốt em cháy
ra tro còn được”
trong khi cô ấy để cho em bị “bad credit”! Em có “nghèo” không khi trong đời sống lứa đôi:
vợ em cho em cả cuộc đời và chồng thất
nghiệp thì mình vẫn cặm cụi lo làm… mà em đã không
thương không quý xem như bị ở tù, lại còn
hối tiếc phải chi đừng có lấy….
Tôi ngưng nói,
chờ nghe ý cậu nhưng cậu vẫn im lặng nên tôi
nói tiếp:
-Bây giờ
phải làm sao để cho em được tâm ổn lòng
vui mà sống cho qua cái giai đoạn nầy? Thì em đã
thấy ra được việc: “Tu là cội phúc” rồi đấy! Nên cứ
thế mà theo là không những em vui
sống được trong giai đoạn nầy thôi,
cả luôn đến các giai đoạn gian nan cùng cực
tiếp theo nữa của đời người. Vì rồi
đây khi con cái tới tuổi vị thành niên, nhiều khi
chỉ vì muốn con ban đêm hãy lo ngủ để
giữ sức khoẻ mà học, nên rầy la con khi
thấy tối khuya con vẫn còn nói chuyện điện
thoại, nhưng con lại dại dột đi uống
thuốc tự tử …để lại cho cha mẹ không
chỉ đau thương còn thêm đủ thứ
phiền muộn với luật pháp xứ nầy!... Hay khi
con cái trưởng thành thì phá gia chi tử, bất hiếu
khôn lường!... Hoặc khi vợ chồng cao tuổi, ốm
đau bệnh tật, khó tánh khó nết khó ai chịu
nỗi….Nhưng chữ “Tu” theo
chị, tốt nhất là nên hiểu với cái ý phải “sửa mình và sửa mình liên lỉ” để mình luôn
được thích ứng với hoàn cảnh,dù cho hoàn
cảnh đó có bi thảm đến đâu! Sửa
mình là hãy tự chấn chỉnh lại và kiên quyết
từ bỏ cái tôi sai trái của mình đi. Sai trái từ
trong cảm xúc, trong ý nghĩ, trong lời nói chứ không
chỉ trong hành động thôi.Vì nhiều khi chỉ
cần một chút cảm xúc lệch lạc, một ti ti ý
nghĩ sai trái thôi: nó cũng đủ điều khiển
được cả con người mình đang vui vẻ
năng động thành ủ dột ù lì, đang mẫu
mực tốt lành thành tồi tệ xấu xa khi mình
biểu hiện ra hành động quá ư là xấu! Và mình hãy tự lo sửa đổi lấy mình
để mình sống cho những người có liên quan
thấy mà sửa đổi, chớ không là đòi hỏi
họ phải sửa đổi. Tỷ như em
đang chán vợ muốn đi tu thì nên năng động
đi làm vì vợ muốn thế; em muốn dành thời
giờ cho con mà vợ thì xiết hầu bao muốn em
phải tự kiếm tiền lấy mà tiêu là em hãy đáp
ứng yêu cầu nầy của vợ cho vợ
được vừa lòng…. Em sớm lo đi làm đi!
Không kiếm được việc làm ở đấy thì
đi đến thành phố khác, tiểu bang khác và lúc
đó vợ ở nhà ôm con là “biết
đá biết vàng” thôi! Không chừng sẽ kíp năn nỉ em về và còn thay đổi
lại cách đối xử. Em có cảm xúc buồn khi
thấy tiền vợ làm vợ để băng riêng thì
đừng buồn nữa mà nên vui vì vợ mình may mắn
còn được có việc làm, lại biết lo liệu
phòng thân…
Tôi lại
ngừng nói để xem ý cậu thế nào thì
được nghe giọng reo vui của cậu bên
đầu điện thoại:
-Cám ơn
chị! Em chịu cái ý chị bày cho em rồi đó!
Để em sẽ áp dụng xem nhé! Nhưng, nhờ
chị phân tích nên bây giờ em thấy thương lại
bà xã lay láng như xưa chớ không còn buồn còn hận
nàng nữa, thành thử em lo nhỡ em đi làm xa mà cô
ấy không thèm năn nỉ em về thì
sao?!
-Em lo cái
chuyện bò trắng răng không! Em làm có tiền thì cứ
coi như tiền đó là tiền của vợ con nên
cứ thanh thản trao về cho vợ giữ bao nhiêu
vợ muốn, sau khi thảo luận với vợ là em
cần phải trừ đi chi phí tối thiểu cho em tiêu dùng, thì ổn
cả thôi mà!
- Vâng, em cám
ơn chị! Hy vọng em sẽ không gọi để
quấy rầy chị quanh việc nầy nữa!
Tôi đáp
lời cậu trong tiếng cười vui:
-Em gọi
là chị sẵn sàng thôi! Nhưng, chị ao ước
được em gọi để báo những tin vui
cơ! Tin của vợ chồng ấm êm hạnh phúc,
của con cái học hành thành đạt hoặc
được ơn gọi đi tu thì chị mừng
lắm! Chớ em mà báo tin em muốn đi tu lần nữa
là chắc chị phải xỉu lăn
quay ra!
-Vậy
thì chị có cái bửu bối nào để giúp cho em
trừ được tuyệt căn cái bệnh em
muốn đi tu, chị bày nốt cho em luôn nữa đi?
Tôi suy nghĩ và cuối cùng đi lấy cuốn
sách “Giờ Bên Chúa” được chị
bạn vốn là bạn đọc đã tặng cho. Tôi chọn
đọc một bài kinh trong đó để tặng cho
cậu. Đó là bài kinh:
Xin Học Biết
Chúa KiTô
“Lạy Chúa, xin dạy con biết
dịu ngọt trước mọi biến cố của
cuộc đời: trước những nỗi thất
vọng, trước sự vô tâm của người khác,
trước sự dối trá của những người
con tín nhiệm, trước sự phản bội của
con người.
Xin cho con biết quên mình
để nghĩ đến hạnh phúc của tha nhân.
Biết che dấu những nỗi khổ và niềm đau
nhỏ bé của mình, để chỉ mình con phải
chịu đựng chúng mà thôi. Xin dạy con biết
lợi dụng những đau khổ gặp phải trên
đường đời, để nó làm con nên mềm
ngọt chứ không thành chai đá hay cay đắng;
để nó làm con nên nhẫn nại chứ không thành
tức tối; để nó làm con nên rộng lượng
thứ tha chứ không thành hẹp hòi, kiêu hãnh hay ngã lòng.
Từ sự chia trí nọ
đến nỗi bận tâm kia trong
cuộc sống hằng ngày, xin cho con biết thầm nói
với Chúa một lời yêu thương. Xin giúp con
biết sống siêu nhiên, đầy dũng lực
để hành thiện và mạnh mẽ ý chí nên thánh. Amen”.
California 3/5/2010