ÐỨC MARIA VÔ NHIỄM
NGUYÊN TỘI
Lễ kính ngày 8
tháng 12
Trần Mỹ Duyệt
Ngày 8 tháng 12
năm 1854, Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã tuyên bố tín điều
Ðức Maria Ðầu Thai Vô Nhiễm Tội. Qua định
nghĩa về ơn vô nhiễm nguyên tội, Ðức Thánh
Cha đã nhấn mạnh rằng ngay từ giây phút đầu
tiên hoài thai trong lòng thân mẫu, Ðức Maria đã được
Thiên Chúa gìn giữ cho khỏi vương nhiễm tội
truyền. Và vì thế, không một giây phút nào
trong cuộc đời Mẹ từ tư tưởng, lời
nói đến hành động bị khống chế, hoặc
ảnh hưởng do bóng dáng của tội lỗi. Mẹ
được hưởng hoa quả này nhờ vào công nghiệp
cứu chuộc mà Chúa Giêsu con Mẹ sẽ thực hiện
cho nhân loại. Giáo Hội Ðông Phương và
Tây Phương đã cử hành lễ này để tôn vinh
Mẹ ngay từ thế kỷ thứ tám. Sự thánh thiện của Mẹ chính là
gương mẫu cho mọi Kitô hữu. Và chúng ta cầu xin Mẹ giúp chúng ta tránh xa tội
lỗi và sống đạo tốt lành.
Có thể nói, ngày
nay nhiều Kitô hữu vẫn còn lẫn lộn giữa hai
đặc ân Ðầu Thai Vô Nhiễm Tội và Sinh Con mà vẫn
còn đồng trinh, một đặc ân trực tiếp
liên quan đến việc Mẹ sinh hạ Chúa Cứu Thế.
Giáo huấn của Giáo Hội trình bày về đặc ân
này như sau:
“Rất thánh Ðồng
Trinh Maria, ngay từ giây phút đầu thai, bởi một
ân huệ đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng,
cùng với công nghiệp của Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Chuộc
nhân loại, đã được miễn nhiễm khỏi
mọi tỳ vết tội nguyên tổ.”
Nhiều anh chị
em Tin Lành đã không công nhận đặc ân
này của Ðức Maria. Nhưng trong thực tế, nền
tảng của Giáo Huấn này đã được tìm thấy
ngay trong Tin Mừng của Luca khi Thánh Sử ghi lại lời
chào mừng của Tổng Thần Gabriel trong ngày Truyền
Tin cho Ðức Maria: “Kaire, Kecharitomene!” (Kính chào, Ðấng đầy
ân phúc). Và đây cũng là lời
chào mà trải qua muôn thế hệ, con cái Giáo Hội vẫn
hằng lập lại mỗi khi kêu cầu đến Mẹ.
Một
Maria không vương mắc tội?
Ðây có thể là một
trong những điều khiến ta phải suy nghĩ,
đặc biệt khi đề cập đến tội
nguyên tổ, và lời mà Thánh Phaolô đã viết: “tất cả
đều đã phạm tội và bị tước mất
vinh quang Thiên Chúa” (Rom 3:23). Ðiều
này nói lên sự sa ngã của con người
đã trực tiếp ảnh hưởng bởi nguyên tội.
Như vậy thì làm sao nói được rằng
Ðức Maria không có tội? Hoặc giả,
Mẹ không cần đến Ơn Cứu Chuộc của
Chúa Giêsu? Hay Mẹ không hoàn toàn là một con người
thật sự như chúng ta? Những câu hỏi
tương tự như trên không phải chỉ được
nêu lên do các anh chị em Tin Lành, mà còn được thắc
mắc bởi nhiều Kitô hữu chúng ta nữa. Tuy nhiên, truyền thống của Giáo Hội vẫn
có những giáo huấn xem như phản lại với suy
tư con người qua các thời đại. Thí du,
Thiên Chúa Ba Ngôi, Thần Tính và Nhân Tính trong Chúa Giêsu Kitô đều
được coi là những nghịch lý đối với
suy nghĩ của con người.
Ðiều mà Giáo Hội
trải qua 14 thế kỷ mới đi tới tuyên tín, bởi
vì Giáo Hội hiểu rằng Chúa Giêsu đã cứu ta khỏi
tội bằng hai cách cũng giống như người
thầy thuốc chữa bệnh bằng cách trị bệnh
hay bằng cách phòng ngừa bệnh. Ðối với
Việt Nam thì, “phòng bệnh hơn chữa
bệnh”.
Ðức Maria
được đề phòng, ngăn ngừa khỏi
Nguyên Tội ngay từ giây phút đầu tiên hoài thai trong
lòng thân mẫu Anna, bằng một ơn sủng đặc
biệt xuyên qua công nghiệp Cứu Chuộc của Ðấng
Cứu Thế. Trong Mẹ, không những không giây phút nào vắng
bóng ơn cứu chuộc của Chúa Cứu Thế, mà còn
tràn đầy nữa. Vì thế mà Mẹ
đã trở thành người “đầy ơn phúc” và ca
lên rằng “Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi” (Luca 1:47).
Mọi người
đều phạm tội, dưới cái nhìn của thần
học được hiểu rằng điều này xảy
ra cho tất cả mọi con cháu Adong và Evà do ảnh hưởng
của tội Nguyên Tổ. Nhưng việc Giáo Hội tuyên
tín Ðức Maria không hề vương mắc tội truyền,
chính là dựa vào quyền năng cứu độ của
Chúa Cứu Thế, và qua đó cũng hé mở cho chúng ta biết
về nguồn gốc cao cả của con người tự
nhiên trong Chúa Kitô. Vậy nếu căn cứ trên tư
tưởng cho rằng tội là một tình trạng nguyên
thủy của con người, và tội là vấn đề
tự nhiên hoặc tội làm nên con người là một
sai lầm nghiêm trọng. Nó làm nhục cho quyền năng
sáng tạo của Thiên Chúa, vì Ngài là tác giả của muôn
loài, và Ngài không hề tạo nên hay làm ra tội lỗi (xem
Jas 1:13-14). Vì thế tội Nguyên Tổ không thuộc về
bản tính con người, nhưng ngược lại phá
hủy nó.
Chương trình
cứu độ của Chúa Kitô là sửa sang và phục hồi
vinh quang cho bản tính nhân loại vốn đã được
kết hợp đời đời với Thiên Chúa và với
nhau trong tình yêu qua Chúa Kitô, nhưng nó đã bị làm cho hoen ố
bởi tội Nguyên Tổ.
Tội là trạng
thái tự nhiên
Vậy phải
quan niệm thế nào về lời Thánh Phaolô như đã
được trích dẫn ở trên: “Thật vậy, mọi
người đã phạm tội vì bị tước mất
vinh quang Thiên Chúa” (Rom 3:23). Và phải áp dụng câu nói ấy vào trường
hợp của Ðức Maria như thế nào? Theo những
gì mà Phaolô vừa viết thì: một là Ðức Maria là tội
nhân. Hoặc nếu không thì không phải là một con người.
Và đây là những gì mà anh em Tin Lành đang cố
tình chất vấn chúng ta. Họ đã căn cứ
vào Thánh Kinh để phủ nhận ơn đầu thai vô nhiễm và ơn đồng trinh
trước, đang, và sau khi sinh Chúa Cứu Thế của
Ðức Maria.
Vì cố gắng
giải quyết vấn đề bằng sự kiện,
bằng đầu óc tự nhiên nên những tư tưởng
gia, đặc biệt ở vào thế kỷ thứ 18 hay
19 như Schopenhauer, Feuerbach, Comte, Darwin, Marx, Nietzche, Spencer,
Galton, và Freud và những người theo những tư
tưởng triết học của họ, đều cho rằng
không có Thượng Ðế, rằng con người
được cấu tạo do vật chất, và rằng
chúng ta sống trong oán thù, và phẩm giá của chúng ta bị
quên lãng. Một cách đơn giản là họ không nhận
thức được Thiên Chúa là Cha, là Ðấng tạo
thành trời đất muôn loài trong đó có con người,
mà chỉ coi Ngài như một cái gì vật chất của
vật chất.
Duy trì sự thật
Nhưng chờ
cho đến khi mà những nhà thông thái của thế giới
ra sức tấn công bản tính nguyên thủy của con
người, lúc ấy Chúa Thánh Thần mới tác động
Giáo Hội tuyên tín về điều mà vẫn tiềm ẩn
trong hơn 4 thế kỷ trước khi lễ Mẹ Ðầu
Thai Vô Nhiễm Tội được thiết lập
năm 1476. Qua đó, Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng
công bố tín điều Mẹ Marua Ðầu Thai Vô Nhiễm
Tội vào năm 1854.
Qua
tín điều này, một lần nữa chúng ta nhận ra rằng
Ðức Maria được che chở bởi Chúa Giêsu, và một
cách tương tự là tất cả chúng ta nữa. Những gì mà tín điều tuyên bố
đã phản lại với những triết lý vừa nêu
trên, vì nó cho biết rằng con người được
tạo dựng bởi Thiên Chúa, và chúng ta được
nuôi dưỡng bằng tình yêu.
Gìn giữ Ðức
Maria khỏi tội - tội Tổ Tông và tội riêng, Thiên
Chúa cũng đã ban cho chúng ta phần nào cảm nhận thế
nào là con người hoàn toàn khi được cứu độ,
và bản tính con người như các thánh trên Thiên Ðàng là những
con người được giải thoát khỏi mọi
tội.
Ðiều
tuyệt vời là vào thế kỷ thứ 19 này, chúng ta lại
hiểu thêm về mầu nhiệm Ðức Maria Ðầu Thai
Vô Nhiễm Tội qua Tín Ðiều Ðức Maria Về Trời
Cả Hồn Lẫn Xác.
Các Giáo Phụ
nói về Ðức Maria Vô Nhiệm Nguyên Tội
Thánh Ambrosiô nói Ðức
Maria không bị nhiễm lây, sự trinh khôi của ân sủng chặn đứng mọi tỳ
vết của tội nơi Mẹ.
Thánh Maximus thành Tustin gọi Mẹ là nơi cư ngụ thích hợp
của Chúa Kitô không phải chỉ do thân xác của Mẹ,
nhưng còn do ân sủng nguyên thủy.
Thánh Theodotus thành
Ancyra gọi Mẹ là trinh nguyên vô tội, mà không
vương tỳ vết, thoát khỏi tội lỗi, thánh
thiện nơi thân xác và linh hồn, bông huệ giữa bụi
gai, không một yếu đuối của Evà cũng như
sự hiệp thông nào giữa ánh sáng của người với
bóng tối, và ngay từ khi chưa chào đời, Mẹ
đã được Thiên Chúa thánh hóa.
Thánh Theorus thành
Giêrusalem: Mẹ được tạo dựng trong một
điều kiện tuyệt vời và rạng rỡ
hơn bất cứ một tạo vật nào.
Thánh Gioan Damascene:
Khi Mẹ Thiên Chúa chào đời do Anna, bản tính không chỉ
hưởng dùng trước căn nguyên ân
phúc, nhưng còn tiềm tàng hoa trái của nó nữa.
Thánh Ephraem thành Syria viết:
“Rất thánh Maria,
Mẹ Thiên Chúa, một mình trinh nguyên tuyệt vời trong
tâm hồn và thân xác, một mình vượt xa hơn mọi
sự tuyệt vời của trinh trong... một mình trở
thành ngôi nhà của muôn ơn phúc do Chúa Thánh Thần, và từ
đó vượt xa mọi sự so sánh dẫu đem so
sánh với vẻ trinh trong và thánh thiện của thân xác và
linh hồn... Mẹ tôi thánh thiện tuyệt vời, tất
cả sự trinh trong, tất cả những gì là vô nhiễm,
tất cả những gì là không vương tỳ vết,
tất cả những gì là trong sạch, tất cả những
gì là không sa ngã. Thiên Chúa đã mặc cho Mẹ chiếc áo bằng
ánh sáng... hoa không tàn, len màu tím bởi Thiên Chúa, một mình rất
đỗi vô nhiễm.”
Trong phần phản
bác với Pelagius, Thánh Augustine tuyên bố rằng tất cả
đều được biết là có tội “ngoại trừ
Thánh Nữ Ðồng Trinh Maria, nơi người để
tôn vinh Thiên Chúa, tôi sẽ không có bất cứ câu hỏi nào
liên quan đến tội lỗi.”