Vì yêu mến Giáo Hội, cũng như
tha thiết với sứ mệnh của Giáo Hội trong trần gian nên tôi muốn
suy tư thêm một lần nữa về vấn đề này và muốn chia sẻ với những
ai có chung một ưu tư và đồng cảm.
Những ai không đồng ý thì chắc
chắn sẽ lên án tôi là ‘đạo đực giả, không thực tế, không biết
thông cảm v.v.v. nhưng tôi không quan tâm gì về điều này. Tôi
cần nói lên những suy tư của riêng tôi vì mục đích góp phần xây
dựng cho Giáo Hội được ngày một trở nên nhân chứng đích thực của
Chúa Kitô, “ Người vốn giàu sang , phú quý, nhưng đã trở nên
nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm
cho anh em trở nên giàu có.” (2Cor 8:9)
Chúa Kitô có thực sự sống khó
nghèo để nêu gương nghèo khó cho chúng ta không?
Chỉ cần đọc lại sơ qua Tin Mừng,
người ta , dù với nhãn quan nào, cũng tìm ngay được giải đáp
đích đáng cho câu hỏi trên.
Thật vậy, khi sinh ra làm người
trên trần thế này, Chúa Giêsu đã không chọn sinh ra trong nơi
quyền quí, cao sang, mà lại chọn sinh ra nơi hang bò lừa trong
thân hình “một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ” (Lc
2:13) giữa mùa đông giá rét. Có lẽ trong lịch sử loài người,
không một ai đã sinh ra trong cảnh khó nghèo hơn Chúa Cứu Thế
Giêsu,và chắc chắn cũng không có ai đã chết cách nhục nhã và khó
nghèo hơn Chúa, khi Người bị treo trần trụi trên cây thập giá.
Vì nghèo nên Chúa đã không có chỗ để an táng khiến môn đệ phải
mượn ngôi mội trống của ông Giuse cho Chúa nằm tạm trong 3 ngày,
chờ phục sinh. (Ga 19:41)
Như thế , còn ai nghèo khó hơn
Chúa, cũng như ai dám hoài nghi gương khó nghèo của Người?
Trong khi còn đi rao giảng Tin
Mừng Cứu Độ, Chúa Giêsu đã căn dặn các môn đệ như sau: “Đừng
mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép.” (Lc 10:4)
Nói thế không phải vì Chúa không
thực tế, không nhìn thấy sự cần thiết của nhu cầu vật chất: như
cơm ăn , áo mặc, nhà cửa, phương tiện di chuyển. Thực ra Chúa
chỉ muốn các môn đệ trước đây, và mọi tông đồ ngày nay phải sống
tình thần nghèo khó mà chính Người đã làm gương cho họ mà thôi:
“Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người
không có chỗ tựa đầu. (Mt 8:20).
Tinh thần này Chúa đã nói rõ
trong Bài Giảng Trên Núi hay còn gọi là Tám Mối Phúc Thật sau
đây:
“Phúc thay ai có tâm hồn
nghèo khó,
Vì Nước Trời là của họ.”
(Mt 5:3, Lc 6:20)
Có tinh thần nghèo khó thì chỉ
dùng tiền của, xe cộ nhà ở, như phương tiện cần thiết để sống và
làm mục vụ cần di chuyển, chứ không vì mục đích phải kiếm tìm.
Mục đích phải kiếm tìm chính là Thiên Chúa và Vương Quốc của
Người như Chúa đã nói rõ với các môn đệ xưa kia: “Trước hết
hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn
tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Mt 6:33)
Như vậy, có tinh thần nghèo khó
của Phúc Âm, thì không được chạy theo tiền của và xa hoa vật
chất; khiến coi thường người nghèo để chỉ quí trọng hay làm thân
với những người giầu có và quyền thế. Cụ thể, đối với người
nghèo và không quen biết thì áp dụng luật cứng nhắc như không
cho đem xác người chết vào nhà thờ, không cho thân nhân người
quá cố là linh mục được đồng tế trong lễ an táng (chuyện có thật
xẩy ra ở bên nhà do một nhân chứng kể lại) hay lễ cưới của gia
đình nghèo. Ngược lại, với gia đình giàu có và thân quen thì
lại cho hàng mấy chục linh mục khác đồng tế trong tang lễ cũng
như cho đem xác người chết vào trong nhà thờ !!!, Như thế thì
làm sao có thể là nhân chứng đích thực cho Chúa Kitô khó nghèo,
thương yêu và công bằng với hết mọi người, không phân biệt giàu
nghèo, sang hèn, da đen, da trắng, hay da vàng ?
Lại nữa, có và sống tinh thần
nghèo khó của Phúc Âm thì không thể coi việc dâng lễ theo ý chỉ
của người xin như việc buôn bán, để ai đưa tiền nhiều thì ưu
tiên làm lễ trước cũng như cho rao tên trong nhà thờ, trong khi
người có ít tiền thì bị từ chối hoặc lấy lý do là đã có đủ lễ
rồi, không nhận thêm nữa!... Tệ hại hơn nữa, có những cặp hôn
phối chưa được phép chuẩn (annulment) của tòa hôn phối hoặc
không được chuẩn nhưng cha vẫn bất chấp giáo luật cứ âm thầm
chứng hôn cho họ lấy nhau vì họ đã biếu cha một số tiền lớn để
hậu tạ! Cha còn dặn thêm là đừng nói cho ai biết. Nhưng người ta
vẫn nói nhỏ cho người thân biết, để hợp thức hóa việc họ sống
chung trong gia đình thân tộc!
Chưa hết, là linh mục, hình ảnh
của Chúa Kitô khó nghèo mà vênh vang đi những xe hơi đắt tiền
nhu BMW, Lexus, Mercedes v.v đeo đồng hồ Rolex, Omega... thì làm
sao giảng sự khó nghèo của Phúc Âm cho người khác và thuyết phục
được ai sống tinh thần khó nghèo này? Một tệ nạn ở các Giáo Xứ
hay Công Đoàn Việt Nam ở Mỹ là tình trạng có nhiều linh mục (có
khi trên 20 vị) đồng tế trong các lễ tang, lễ cưới. Đáng lẽ
chỉ nên đi đồng tế cho những gia đình thực sự thân quen hay có
liên hệ gia đình mà thôi. Nhưng thực tế có nhiều linh mục đi
đồng tế vì được mời cho đông, cho thêm phần long trọng của gia
chủ, chứ không vì thân quen hay có liên hệ gia đình. Điều này sẽ
gây buồn tủi cho những gia đình không quen biết nhiều cha để
mời.
Về vấn đề này, tôi đã có đôi lần
nói rõ là: ơn thánh Chúa ban cho người quá cố hay cho các đôi
tân hôn không hề lệ thuộc vào con số linh mục đồng tế, nhất là
vì số tiền to nhỏ mà gia chủ đã chi ra trong những dịp này.
Nói khác đi, nếu một người khi
còn sống không “lo thu tích vào kho tàng chẳng thể hao mòn ở
trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng
không đục phá” (Lc 12:33) mà chỉ lo tìm kiếm tiền của, lợi
lãi và vui thú trần thế, đến nỗi quên mất Chúa, không dành cho
Người một chỗ nào trong tâm hồn mình, thì khi chết dẫu có Đức
Thánh Cha chủ lễ với hàng trăm Hồng Y Giám mục, và linh mục
đồng tế thì cũng vô ích mà thôi. Ngược lại, một người đã thực
tâm yêu mến Chúa và cố gắng sống theo đường lối của Chúa suốt cả
đời mình thì khi chết dẫu không được linh mục nào đến đồng tế
cầu nguyện cho, hoặc tệ hại hơn nữa là xác không được cho đem
vào nhà thờ, vì không “thân quen” với cha xứ, nên bị đối xử tàn
tệ, thì cũng không hề thiệt thòi chút nào khi ra trước mặt Chúa
để được đón nhận vào chốn vinh phúc đời đời, nơi tiền của, thân
quen và vinh quang trần thế không thể mua hay đổi chác được!
Chắc chắn như vậy.
Do đó, linh mục phải làm gương
trước tiên và có bổn phận và trách nhiệm giảng dạy cho giáo dân
hiểu rõ chân lý trên đây, thay vì chiều theo thị hiếu của một số
người ưa thích khoa trương bề ngoài, thích mời nhiều cha đến
đồng tế trong mọi dịp vui buồn khiến nẩy sinh tệ trạng linh mục
“chạy sô” (show) cuối tuần giống như ca sĩ đi show trình diễn
văn nghệ ở nhiều nơi hàng tuần! Có điều khó coi, theo thiển ý,
là các gia chủ thường tặng “phong bì” ngay sau lễ ở cuối nhà thờ
trước mắt nhiều giáo dân ra về sau lễ. Linh mục đến đâng lễ để
cầu nguyện cho người quá cố hay cho đôi tân hôn chứ không phải
đến để nhận “phong bì”. Xin mọi người hiểu rõ như vậy để giúp
các linh mục sống tinh thần khó nghèo của Phúc Âm, nghĩa là đừng
“làm hư” các ngài vì tiền bạc.
Cũng trong tinh thần sống khó
nghèo của Phúc Âm, người tông đồ lớn nhỏ của Chúa Kitô ngày nay
cũng nên chấm dứt thi nhau ra nước ngoài để xin tiền, gây nhiều
phiền phức cho giáo dân hàng tuần đi lễ cứ phải gặp các vị
khách lớn nhỏ từ xa “đến thăm” giáo xứ mình. Tuy các vị không
công khai xin tiền như trước, nhưng sự có mặt của các vị khách
này cũng cho giáo dân hiểu là họ muốn được giúp đỡ cho nhu cầu “vô
tận” của họ!
Nhưng thử hỏi: giáo hội địa
phương có nhiều nhu cầu đến thế hay không mà quá nhiều vị đã bỏ
bê đoàn chiên, giáo xứ ở nhà để đi qua đi lại không biết bao
nhiêu lần để làm gì ???
Nếu để xin tiền xây cất cơ sở
cho thêm đồ sộ để khoa trương với du khách thì đây không phải là
nhu cầu chính đáng để phải vất vả đi lại nhiều lần như thế.
Nhu cầu chính đáng, quan trọng
và cần thiết nhất là phải xây cơ sở thiêng liêng, nơi tâm hồn
mọi tín hữu mà mình có sứ mạng coi sóc, và làm gương sáng cho
đoàn chiên được giao phó cho mình chăn dắt. Đây mới thực sự là
nhu cầu phải thỏa mãn, cần thiết phải đầu tư tâm trí và thì giờ
để tìm kiếm cho bằng được.
Sống trong một xã hội thụt hậu
thê thảm về đạo đức, luân lý, trong khi nhiều giáo dân nói riêng
và người dân nói chung còn thiếu thốn mọi mặt, thì những ngôi
thánh đường lộng lẫy, những nhà xứ sang trọng đã trở thành
dấu phản chứng rõ nét nhất cho tinh thần khó nghèo mà Chúa Kitô
đã sống và rao giảng. Chắc chấn Chúa không hài lòng được ngự
trong những nơi trang hoàng lộng lẫy giữa đám dân nghèo như vậy.
Linh mục, Đức Kitô thứ hai
(Alter Christus), có sứ mạng rất cao cả là mang Chúa Kitô đầy
yêu thương, tha thứ, đến với mọi người không phân biệt giầu
nghèo, sang hèn! Nghĩa là, qua sứ vụ được lãnh nhận từ bí Tích
Truyền Chức Thánh (không phải là trao tác vụ linh mục như có
người vẫn nói sai) linh mục không những phải rao giảng
điều mình tin và nhất là phải sống điều mình giảng dạy,
để làm chứng cho Chúa Kitô, “Người đến không phải để
được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng
sống mình làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20: 28).
Chính hàng giáo sĩ, tức các vị
lãnh đạo tinh thần, những người “cha thiêng liêng” của dân Chúa
đã, đang và sẽ đẩy giáo dân ra khỏi Giáo Hội, và làm mất đức tin
của họ; khi họ nhìn thấy đời sống của các ngài không phản ảnh
trung thực những gì các ngài rao giảng. Chúa Kitô xưa kia đã
nhiều lần nặng lời lên án nhóm Luật Sĩ và Biệt phái vì họ nói mà
không làm, giảng luật cho người khác tuân giữ nhưng chính họ lại
không sống những gì họ dạy người khác phải sống và thi hành.
Tóm lại muốn tránh bị Chúa quở
trách, than phiền như Người đã chỉ trích nhóm Biệt Phái và Luật
sĩ xưa kia, người tông đồ ngày nay đã học kỹ bài học “giả hình”
của bọn người này chưa, để sống trung thực với lời mình rao
giảng về tình thương, về đức bác ái, công bằng và nhất là về
tinh thần nghèo khó của Chúa Kitô, hầu thuyết phục giáo dân thêm
tin yêu Chúa qua đời sống chứng nhân của chính mình ở giữa họ.
Việc rao giảng Tin Mừng sẽ vô
hiệu quả khi lời nói không đi đôi với việc làm, nghĩa là không
sống và làm chứng cho điều mình giảng dạy cho người khác.
LM Phanxicô
Xaviê Ngô Tôn Huấn.
|