Mẹ
Mân Côi – Mẹ chiến thắng
(Trích trong ‘Với
Cả Tâm Tình’ - ĐGM.
Vũ duy Thống)
Lễ Đức Mẹ Mân Côi gợi
nhớ về một trận chiến. Năm 1571,
trước sức mạnh đe dọa của Hồi
Giáo trên phần đất nước Ý, Đức Giáo
Hoàng Piô V đã kêu gọi con cái mình chung sức bảo
vệ. Các vua chúa Công Giáo Châu Âu đáp lời.
Đạo binh Thánh Giá lên đường ra
tiền tuyến. Hậu phương
yểm trợ bằng Kinh Mân Côi. Ngày 7
tháng 10, kết thúc binh lửa ở vịnh Lépante, với
phần thắng nghiêng về phía Công Giáo. Người
ta mở lễ ăn mừng. Mẹ Mân Côi từ đó có thêm danh hiệu là
Mẹ Chiến Thắng.
Ngày nay, cuộc chiến mang màu tôn giáo
ấy đã lùi xa vào dĩ vãng. Đạo binh Thánh
Giá cũng chẳng còn. Nhưng vẫn còn đó danh
hiệu Mẹ Chiến Thắng. Vì thế, vấn
đề không phải là mặc cảm để mà
nhức nhối, hoặc háo thắng với nhiều
hời hợt, mà chính là bình tĩnh chiêm ngắm chân dung
Đức Maria Chiến Thắng đã được ghi
dấu hiền hòa qua Kinh Mân Côi.
1) Mẹ chiến
thắng trên chính phận mình.
“Kính mừng Maria đầy ơn
phúc”.
Lời thiên sứ truyền tin ngày nào được
đưa vào phần đầu của Kinh Kính Mừng
như muốn làm nổi bật lên sáng kiến của Thiên
Chúa đã thương chuẩn bị Mẹ từ thuở
ban sơ cho mầu nhiệm Con Chúa làm người. Điều này thật quan trọng và chính yếu.
Nhưng ở phần chìm của Kinh Kính Mừng, như bài
Phúc Âm ghi lại, là một thái độ đáp ứng không
kém quan trọng của Đức Maria đối với
thánh ý Chúa. Phần chìm ấy là tiếng “Xin
Vâng”.
“Xin Vâng” là tiếng nói của một
tâm hồn rộng mở vốn đã quen tìm trong suy
niệm tiếng nói muôn thuở của Thiên Chúa. “Xin
Vâng” là tiếng vắn gọn như phản ứng
xuất thần, mà thực ra là cả một tiến trình
đòi hỏi hy sinh chính bản thân mình để đánh
đổi. “Xin Vâng” là tiếng một lần dâng lên
sẽ không bao giờ rút lại, một lần đoan
hứa sẽ có giá trị suốt đời, một
lần cúi đầu đáp tiếng là sẽ cúi
đầu chấp nhận tất cả, cho dẫu đó
là bất trắc của dịp Giáng Sinh hay là lưỡi
gươm của ngày Dâng Con, hoặc là đắng cay
nghiệt ngã nhất của chiều Tử Nạn. “Xin
Vâng” là tiếng hiền hòa của người khiêm
nhường, chỉ dám nhận mình là tôi tớ, nhưng
lại là tiếng vinh quang đưa người khiêm
nhường ấy bước lên thiên chức làm Mẹ
Thiên Chúa.
Rõ ràng tiếng “Xin Vâng” đã thay đổi phận
đời Đức Maria. Và ở đây, xin
được gọi đó là một chiến thắng:
chiến thắng của thánh ý Chúa trên cuộc đời
Đức Maria đã trở nên chiến thắng của
Đức Maria trên chính số phận đời
thường của mình.
Vì thế, hôm nay, nếu đọc lên kinh “Kính
mừng Maria đầy ơn phúc”, thì hãy vui mừng thêm
nữa để nhận ra rằng ơn phúc của Thiên
Chúa dẫu đã tiềm ẩn nơi Đức Maria,
nhưng chỉ thực sự tỏ hiện qua tiếng
“Xin Vâng”, để nhớ mãi hình ảnh Đức Mẹ
chiến thắng trên chính phận mình.
2) Mẹ chiến
thắng trên mỗi phận người.
“Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho
chúng con là kẻ có tội”. Phần sau của
Kinh Kính Mừng là lời cầu nguyện xem ra độc
lập với phần trước, mà thực ra chỉ là
một tâm tình duy nhất. Nếu phần trước
là lời kính mừng Đức Mẹ Chiến Thắng
trên chính phận mình để trở nên “Đức Mẹ
Chúa Trời”, thì phần sau là lời kính mừng
Đức Mẹ Chiến Thắng trên mỗi phận
người tín hữu, qua mẫu gương trinh trong thánh
đức. Do đó, danh hiệu “Thánh Maria Đức
Mẹ Chúa Trời” chính là lời kính mừng trang trọng
và cao quý Giáo Hội dành cho Đức Maria. Đó cũng là
chiến thắng chung cuộc
Đức Maria đã đạt được trong
đời mình.
Nhưng chiến thắng vinh quang ấy chẳng
những không đẩy Đức Mẹ lên cao để
xa cách cuộc đời dương thế, mà
ngược lại, còn đem Mẹ đến gần gũi nhân loại hơn cả bao giờ. Vì
thế, không lạ gì khi kính mừng Đức Mẹ trong
vinh quang, tín hữu bỗng dưng nghĩ về
đời mình, không phải để xót xa phận mình
tội lỗi cho bằng cảm nhận mối
tương quan “Mẹ Thiên Chúa – Mẹ Giáo Hội” một
cách chân tình với lòng trông cậy.
Bên kia lời “cầu cho chúng con là
kẻ có tội” là cả một tình mẫu tử thiêng
liêng. Là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ có dư thánh đức
để mà chiến thắng tội lỗi, nhưng là
Mẹ Giáo Hội, Mẹ vẫn liên hệ với
đời tín hữu như là phần đời của
Mẹ. Nếu tín hữu nhận mình là kẻ có tội mà
vẫn dám cầu xin “Thánh Maria”, và nếu ngước trông
lên Mẹ thánh đức mà vẫn không ngại trình bày
cuộc đời tội lụy, thì đó là vì đã tín
nhiệm và cậy trông vào tấm lòng người mẹ.
Mẹ đã chiến thắng phận
mình, Mẹ cũng sẽ chiến thắng trên mỗi
phận người tín hữu bằng cách khơi lên
sự thánh thiện cho lui xa dần những phần
tội lụy.
3) Mẹ Chiến
Thắng – Mẹ Mân Côi
Phác vẽ chân dung Đức Mẹ Chiến Thắng
qua Kinh Mân Côi như trên, thiết tưởng cũng
một phần nào đó khơi lối đi vào ngày lễ
hôm nay, đồng thời muốn xác tín về vị trí
Đức Maria trong mầu nhiệm Hội Thánh, và nhắc
nhở gián tiếp về vai trò của Kinh Mân Côi trong
đời sống mọi kẻ tin.
Mừng lễ Mẹ Mân Côi không còn là mừng về
một chiến thắng quân sự nào, mà chính là mừng
về một chiến thắng còn lớn lao và cốt
thiết hơn ở trong tấm lòng của Đức
Maria và ở trong nỗi lòng của mỗi người con
của Mẹ. Đó là chiến thắng của ơn thánh
trên tội lỗi, để gợi mở những
chiến thắng khác của những điều thiện
hảo tốt lành trong đời sống mọi
người. Mừng lễ Mẹ Mân Côi cũng không
chỉ mừng cho Mẹ mà thực ra là mừng cho mọi
kẻ tin, bởi lẽ Đức Mẹ trong mầu
nhiệm Giáo Hội chính là kẻ đi trước
bước lên chiến thắng và vì thế, trong Chúa Kitô,
Mẹ trở thành Đấng che chở cầu bầu, phù
trợ cho mọi tín hữu biết cậy nhờ Mẹ
khi khao khát chiến thắng của ơn cứu độ
trên chính phận mình.
Và mừng lễ Mẹ Mân Côi hôm nay chính là khẳng
định mối liên hệ sâu bền giữa hai danh
hiệu “Mẹ Mân Côi – Mẹ Chiến Thắng”, để
thấy được rằng muốn có chiến
thắng không thể xao lãng lần hạt Mân Côi; và nếu
yêu mến lần hạt Mân Côi, sẽ có ngày bước vào
chiến thắng. Kinh Mân Côi là một vũ
khí, nhưng là vũ khí hòa bình luôn đem lại hiệu quả
tích cực. Ai yếu đuối, Kinh Mân Côi đem cho
sức mạnh; ai tội lỗi, Kinh Mân Côi dắt về
ơn thánh; ai bất hạnh, Kinh Mân Côi giúp bình tĩnh tìm ra
hướng lối vươn lên; ai khô khan, Kinh Mân Côi giúp
khám phá ra những ánh lửa vẫn còn ẩn giấu trong
những đám tro tưởng như nguội lạnh. Chỉ vì một lẽ, trong Kinh Mân Côi là hiện
diện của Đức Mẹ Chiến Thắng.
Có một truyện kể lâu lắm rồi: hai thôn
đạo tranh chấp nhau về một mảnh
đất giáp ranh mà thôn nào cũng nhận là của mình. Chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng nổ ra.
Khối kẻ u đầu sứt trán.
Cuối cùng cha xứ phải giải hòa và đem miếng
đất giáp ranh ấy vào làm của chung
gọi là “đất Đức Bà”, đồng thời cho
dựng một tượng đài Đức Mẹ ở
đấy. Hết tranh chấp, thôn trên thôn
dưới mỗi tối quây quần lần hạt vui
vẻ. Người ta gọi đó là đài
Đức Mẹ Hòa Bình, nhưng cha xứ lại rất
tâm đắc: đó là đài Đức Mẹ Chiến
Thắng: thắng chia rẽ, thắng hận thù, thắng
tội lỗi.
Lạy Đức Mẹ Chiến Thắng, xin cầu
cho chúng con. Amen.