MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tiểu mục :: gương chứng nhân
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Con Đường Trưởng Thành Thiêng Liêng Của Thánh Têrêsa Hài Ðồng
Thứ Sáu, Ngày 1 tháng 10-2010

Con đường trưởng thành thiêng liêng của Thánh Têrêsa Hài Ðồng

I. Cầu Nguyện với Têrêsa. Tin và Tín Thác vào Tình Yêu Chúa

Ngày mùng 9 tháng 11 năm 1996, các giám mục Pháp đã gởi đến các tín hữu một bức thơ mục vụ trong đó có đoạn viết như sau:

"Trong năm 1996 nầy, năm chúng ta mừng lễ một trăm năm qua đời của thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, chúng ta nhìn nhận trong đời sống và cái chết của vị nữ tu dòng kín Carmel tại Lisieux mối tương quan được thiết lập giữa đức tin sâu xa được sống thật cho đến tận cùng và sự tham dự vào sứ mạng Kitô trong thế giới.

Thánh nữ Têrêsa đã trờ thành vị tông đồ của những tông đồ và là sự nâng đở của các nhà truyền giáo, vì đã hiến dâng chính mình cho tình yêu nhân từ của Thiên Chúa Cha trên trời."Và không phải chỉ có tiếng nói của các Giám Mục Pháp mà thôi. Trong thời gian một trăm năm qua, đã có nhiều tiếng nói khen ngợi và giải thích thêm con đường tu đức của thánh nữ Têrêsa Giêsu Hài Ðồng, mà chúng ta không thể nào lặp lại tất cả nơi đây.

Năm 1970, khi viết tập sách nói về kinh nghiệm làm việc tông đồ giữa những anh chị em thợ thuyền tại thủ đô Paris, có tựa đề là Thành Phố Paris Marxit và Xứ Truyền Giáo, Bà Madeleine Delbrêl đã có nhận xét như sau về thánh nữ Têrêsa, bổn mạng của những nhà truyền giáo:

Thánh nữ Têrêsa, bổn mạng của những xứ truyền giáo, đã được an bài để sống vào cuối thế kỷ 19, trong một khoảng thời gian thật ngắn (24 năm tuổi đời và 9 năm tu dòng), với những công việc kể như là thật nhỏ (như suy niệm, làm việc thông thường phục vụ cộng đoàn, sống trong nhà dưỡng bệnh), nhưng với sự anh hùng mà đôi mắt thường không thể nhận ra được (vì lúc đó không chị em nào đã lưu ý đến sự thánh thiện của Têrêsa); thánh nữ đã sống truyền giáo trong giới hạn của vài thước vuông của tu viện kín, để dạy cho chúng ta biết rằng có những hình thức hiệu nghiệm tông đồ vượt ra khỏi mức độ đo lường của sự kiêu ngạo, rằng những gì nhìn thấy được nơi nhửng hành động không luôn luôn tương xứng với giá trị thật của hành động đó, rằng những hoạt dộng truyền giáo theo chiều rộng cần phải được đi đôi với hoạt động truyền giáo theo chiều sâu, cho đến tận cùng, nơi mà tinh thần con người đặt vấn đề chất vấn thế giới và phân vân giữa một bên là mầu nhiệm của một vì Thiên Chúa muốn làm cho tinh thần con người trở nên bé nhỏ trần trụi, và bên kia là mầu nhiệm của thế giới muốn cho tinh thần con người được cao cả uy quyền.

Như bao người khác, chúng ta muốn khám phá và đi sâu vào Mầu Nhiệm hiện diện nơi thánh nữ Têrêsa và đã làm cho thánh nữ trở thành nhà truyền giáo theo chiều sâu. Tuy bị đóng khung trong vài thước vuông của tu viện kín, thánh nữ đã cảm nghiệm và rao giảng tình thương nhân từ của Thiên Chúa và sự tín thác vô bờ vào ân sũng của Ngài, một sự tín thác không lay chuyển và luôn luôn nhiều hơn mãi. Lòng tín thác nầy đã không rời bỏ thánh nữ, cả khi thánh nữ, vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 1896, bị rơi vào trong đám mây đen dày đặc; và đám mây đen dày đặc nầy không bao giờ rời thánh nữ cả cho đến giờ chết, và làm cho tư tưởng của thành nữ hướng về trời � một tư tưởng hết sức thân yêu của thánh nữ � trở thành nổi khổ tâm và làm phát sinh cuộc chiến dày vò nội tâm.

Chúng ta muốn đi lại con đường thiêng liêng của thánh Têrêsa, con đường của đức tin luôn trung thành, đi qua đau khổ và bóng tối đức tin, cho đến sự trưởng thành trong tình liên đới với những kẻ tội lỗi không tin, cho đến việc đến ngồi cùng bàn với họ mà không tham dự vào tội lỗi của họ.

Kinh nghiệm thiêng liêng của thánh nữ cũng là kinh nghiệm thiêng liêng của mọi người Kitô, của mỗi người chúng ta, những kẻ đang phải đối diện với sự không tin thực hành và nhữngï suy tư lộn xộn của thế giới ngày nay. Chúng ta đến với thánh nữ Têrêsa, để xin thánh nữ giúp chúng ta thanh luyện và cũng cố Ðức Tin. Xin Thánh Nữ giúp chúng ta được ơn can đảm của đức tin và sẳn sàng phục vụ cho Ðức Tin. Tin là hồng ân của Thiên Chúa. Tin Chúa mà không cần những sự an ủi, không đi tìm sự nâng đở của con người. Tin và phó thác cho tình yêu của Chúa mà thôi.

Lạy thánh nữ Têrêsa, xin thương cầu cùng Chúa cho chúng con được ơn Chúa Thánh Thần. Xin cầu cùng Chúa cho chúng con được ơn Ðức Tin tinh tuyền, vững mạnh, có đủ sức vượt qua đêm tối thử thách, đang phủ lên môi trường chúng con sinh sống. Xin cho chúng con được một lòng tín thác vào tình yêu Chúa như thánh nữ. Amen.

II. Những thử Thách trên con đường trưởng thành thiêng liêng của Thánh Têrêsa Giêsu Hài Ðồng.

"Ơn gọi của tôi là Tình Yêu". Và Thánh Nữ Têrêsa đã đi qua trên "Con Ðường Nhỏ" để thực hiện ơn gọi sống tình yêu đó. Con đường thiêng liêng nhỏ nầy được xem như là con đường đơn sơ, nghĩa là mở rộng cho tất cả mọi người, nhưng không phải vì thế mà không có tính cách đòi hỏi. Nói ngoài miệng thì xem ra dễ, nhưng nếu phải, và phải là như vậy, nếu phải "Yêu mến Chúa và yêu thương anh chị em" thật sự trong và bằng việc làm, dù là những việc làm đơn sơ, tầm thường, thì đây thật không phải là một điều tự động, dễ dàng đối với bản tính con người. Ði trên con đường nhỏ của tình yêu và sự phó thác cho Thiên Chúa Tình Yêu, thánh Têrêsa Giêsu Hài Ðồng thường đã trải qua những thử thách.

Ðọc qua những lời tâm sự của thánh nữ trong Chuyện Một Tâm Hồn, chúng ta có thể lưu ý rằng Thánh Têrêsa Giêsu Hài Ðồng đã trải qua những tháng cuối cùng trước khi qua đời, trong thử thách Ðức Tin. Thánh nữ đã trải qua điều mà các nhà tu đức gọi là "đêm tối", những giây phút khó khăn, đời sống cầu nguyện trở nên khô khan. Cơn thử thách lớn đến với thánh nữ, bắt đầu từ Phục Sinh năm 1896, cho đến lúc qua đời, tức tháng 9 năm 1897. Thánh nữ tâm sự rằng: Tôi nghĩ tôi đã thực hiện những hành động tuyên xưng đức tin nhiều lần trong thời gian nầy, hơn là trong suốt đời tôi, từ trước cho đến lúc nầy (CMTH, trg 281).

Thánh Têrêsa đã không nói rõ ra bản chất của cuộc thử thách lớn về Ðức Tin mà thánh nữ trải qua, là như thế nào. Tuy nhiên chúng ta có thể hiểu được phần nào thử thách đó, một cách gián tiếp, bằng cách đặt nó trong toàn thể cuộc đời của thánh nữ, trong chuổi những thử thách nhỏ, thường ngày, mà thánh Têrêsa đã trải qua, ngay từ đầu.

Có thể nói rằng thánh Têrêsa đã tiến rất nhanh trên "Con Ðường Nhỏ", trong đời sống thiêng liêng. Thánh nữ vào dòng kín Carmelo ở Lisieux lúc mới 15 tuổi và 3 tháng, với tâm hồn có thể nói, là thật hăng say, và với ý chí mạnh mẽ muốn trở thành vị thánh lớn. Trong cuộc sống đan viện, Têrêsa đã trải qua nhiều đau khổ đủ loại. Và đau khổ lớn là căn bệnh của người Cha mà Têrêsa yêu mến nhất, và sự cô đơn mà Têrêsa cảm thấy trong đời sống tu trì: Têrêsa cảm thấy như không có ai quan tâm giúp đỡ mình cả.

Bầu khí thiêng liêng của tu viện còn đượm ảnh hưởng của tinh thần khắc khổ Jansenisme. Têrêsa không bao giờ được rước lễ hằng ngày. Chị Paoline của Têrêsa, làm bề trên tu viện lúc đó, với tên dòng là Mẹ Maria Gonzague, cũng không cho phép Têrêsa được rước lễ hằng ngày. Ðiều nầy làm cho Têrêsa thêm đau khổ. Vì thế không lâu trước khi qua đời Têrêsa đã viết cho Mẹ Maria Gonzague như sau:

Thưa Mẹ, trên thiên đàng, con sẽ làm cho Mẹ đổi ý. Và thật sự, tám ngày sau khi thánh nử Têrêsa qua đời, vị tuyên úy mới của tu viện đã khuyên Mẹ Bề Trên Maria Gonzague hãy áp dụng sắc lệnh liên quan đến việc rước lễ hằng ngày.

Cuối năm 1894, Têrêsa khám phá ra "con đường nhỏ". Và năm 1895 cho đến Mùa Phục sinh năm 1896, Têrêsa sống trong niềm vui khám phá và tiến mạnh trên đường thiêng liêng. Ngày 9 tháng 6, Têrêsa dâng hiến chính mình cho tình yêu thương nhân từ của Chúa. Và hành động dâng hiến cho tình yêu nhân từ của Chúa là quả thật một cuộc cách mạng tu đức, bởi vì vào thời đó nguời ta "hiến dâng chính mình làm hy lễ cho

sự công bằng của Thiên Chúa", hơn là cho tình thương nhân từ của Ngài. Têrêsa ghi lại trong nhật ký như sau:

Từ ngày hồng phúc đó, dường như là Tình Yêu Chúa xăm chiếm trọn vẹn con người tôi và bao phủ lấy tôi; trong mọi lúc tình yêu nầy xem ra như canh tân tôi, thanh luyện linh hồn tôi." (trg 241).

Nhưng vào Mùa Phục Sinh năm 1896, Têrêsa bắt đầu đi vào đêm tối của một thử thách lớn. Thử thách gì đây? Têrêsa chỉ bộc lộ phần nào cho những vị có trách nhiệm trên Têrêsa mà thôi. Với cha giải tội, với Mẹ Bề Trên Marie Gonzague. Chúng ta có thể đoán phần nào về thử thách lớn đó, trong vài hàng tự thuật như sau:

Trong những ngày vui mừng của Mùa Phục Sinh, Chúa Giêsu cho tôi cảm nghiệm rằng thật sự có những linh hồn không có đức tin. Chúa cho phép linh hồn tôi bị bao phủ bởi những bóng tối dày đặc, và rằng tư tưởng về Trời Cao, tư tưởng hết sức thân yêu đối với tôi trước đây, nay trở thành lý do chiến đấu và dày vò. Thử thách nầy không phải chỉ kéo dài rong vòng vài ngày hay vài tuần rồi thôi, nhưng được an bài kéo dài cho đến lúc Thiên Chúa muốn và lúc Thiên Chúa muốn kết thúc thử thách nầy thì nay vẩn chưa đến" (Chuyện một tâm hồn).

Trong một đoạn khác nữa, thánh Têrêsa đã viết về thử thách lớn đó như sau:

Khi tôi muốn cho tâm hồn tôi an nghỉ, một tâm hồn đã mệt mỏi vì những bóng tối từng bao vây lấy nó, thì nổi khổ tâm dày vò của tôi trở thành lớn hơn, vì nhớ đến vùng đất huy hoàng ánh sáng mà tôi đang hướng tới; tôi có cảm tưởng rằng, những bóng tối, khi làm tiếng nói của những kẻ tội lỗi, đùa giởn với tôi vừa nói với tôi rằng: Mi mơ ước ánh sáng, mơ ước một quê hương được bao bọc trong những hương vị dịu dàng nhất; mi mơ ước được chiếm hữu mãi mãi Ðấng Tạo Dựng tất cả mọi điều kỳ diệu nầy; mi mơ ước một ngày kia mi được giải thoát khỏi những đám mây mù đang vây quanh mi. Hãy tiến tới đi, hãy tiến tới đi, hãy vui mừng lên vì cái chết, sẽ mang đến cho ngươi không phải điều ngươi hy vọng, nhưng mang đến cho ngươi một đêm tối sâu đậm hơn nữa: đêm tối của hư vô" (Chuyện một tâm hồn, trg 281).

Qua những dòng tâm sự trên, chúng ta có thể học được bài học nầy cho chính đời sống thiêng liêng của chúng ta. Ðó là không thể và cũng đừng chạy trốn, tránh né, những thử thách Chúa cho phép xảy ra để tinh luyện đức tin, đức cậy và đức mến nơi chúng ta. Trước những thử thách, lớn nhỏ, chúng ta hãy noi gương của thánh nữ Têrêsa mà kiên trì tuyên xưng Ðức Tin của mình, kiên trì tín thác và nói lên tình yêu của ta đối với Chúa. "Trong giai đoạn thử thách cuối đời nầy, tôi đã tuyên xưng đức tin thật nhiều lần, nhiều hơn tất cả những lần tuyên xưng đức tin trong đời, từ trước đến nay". Chúng ta hãy noi gương thánh Têrêsa mà làm như vậy.

Lạy Chúa, con tin Chúa, con yêu mến Chúa. Xin thương gìn giữ con trong tình yêu Chúa mãi mãi. Amen.

III. Cầu Nguyện cho những kẻ tội lỗi.

Khi hay tin một tử tội là anh Enrico Pranzini sắp bị hành quyết vì đã cố sát ba người phụ nử, Têrêsa lúc đó chưa đi tu và được 14 tuổi, đã dâng lời cầu nguyện cho anh Pranzini được ơn ăn năn trở lại. Và lời cầu nguyện của Têrêsa đã được Chúa chấp nhận. Trước khi bước lên dàn máy chém, anh Pranzini đã hôn kính ảnh Thánh Giá Chúa. Sau nầy, sau khi đã đi tu dòng kín, Têrêsa kể lại phản ứng của mình trong tập nhật ký tự thuật như sau: "Cần phải cứu rỗi linh hồn anh Pranzini. Tôi đã cầu nguyện, và đã dâng những hy sinh cho anh. Cần xin Chúa Giêsu cứu rỗi anh Pranzini". Têrêsa không ngần ngại tuyên bố: "Anh Pranzini là người con đầu tiên của tôi."

Cầu nguyện cho người tội lỗi được ơn cứu rỗi, đó là một trong những lý do chính thôi thúc Têrêsa vào tu dòng kín (Chuyện Một Tâm Hồn, trg 549-553).

Rồi lúc đã vào dòng kín Lisieux, khi cầu nguyện có lúc Têrêsa như cảm thấy mình vượt ra khỏi những bức tường của tu viện, để ngồi vào bàn với những kẻ tội lỗi, như Chúa Giêsu được kể trong phúc âm, là đấng đến ngồi đồng bàn ăn uống với những kẻ tội lỗi, những người thu thuế. Têrêsa có thể nói như là "sống kinh nghiệm đêm tối của những kẻ tội lỗi và cầu nguyện cho họ." Têrêsa ghi lại trong tập Tự Thuật của mình như sau (trg 2280):

Lạy Chúa, người con của Chúa đây đã hiểu được ánh sáng của Chúa, và xin Chúa tha thứ cho những anh chị em của mình. Nguời con của Chúa đây chấp nhận, trong suốt thời gian mà Chúa muốn, chấp nhận ăn bánh của đau khổ và không muốn đứng dậy rời khỏi bàn ăn đầy những sự phiền muộn nầy, nơi những kẻ tội lỗi đáng thương ngồi ăn, cho đến ngày nào Chúa định cách khác. Như thế, thử hỏi nguời con của Chúa không nói lên được như thế nầy hay sao: "Lạy Chúa, xin thương xót chúng con, bởi vì chúng con là những kẻ tội lỗi đáng thương" (Luca 18,13). Lạy Chúa, xin ban cho chúng con được ra về với một con người đã được công chính hóa. Ước chi tất cả những ai không được ngọn lửa Ðức Tin soi sáng, thì có thể được nhìn thấy Ðức Tin họ chiếu sáng lên.

Lạy Chúa Giêsu, nếu bàn ăn mà những người tội lỗi đã làm dơ bẩn đi, cần được tẩy sạch bởi một linh hồn yêu mến Chúa, thì con đây xin chấp nhận ngồi tại đó để ăn bánh thử thách cho đến khi Chúa muốn đưa con vào nơi đầy ánh áng của Chúa. Ân sủng duy nhất con cầu xin Chúa ban cho con là đừng để con xúc phạm đến Chúa bao giờ! (trg 280).

Những dòng tâm sự trên mở ra cho chúng ta nhìn thấy một đặc điểm của tinh thần Têrêsa: trước những điều tiêu cực, những tội lỗi của con người thời đại sống xung quanh mình, Têrêsa không bao giờ lên tiếng chỉ trích hay chống đối. Ngược lại, Têrêsa noi theo gương Chúa, đến ngồi vào bàn với những kẻ tội lỗi, chấp nhận lãnh lấy những đêm tối, những thử thách, những đau khổ, để cầu nguyện cho họ được ăn năn hối cải, được ơn cứu rỗi. Têrêsa gọi những kẻ "không tin, chống đạo" của thời mình là những "anh chị em" của mình, và chấp nhận đến ngồi vào bàn của họ, ngỏ hầu họ"được ánh sáng Chúa soi chiếu". Têrêsa chiến đấu chống lại những thử thách đức tin, những tội lỗi của anh chị em, bằng chính những đau khổ hy sinh của mình, bằng việc dâng những hy sinh, đau khổ và thử thách cho Chúa để cầu nguyện cho kẻ tội lỗi. Têrêsa đã tâm sự thêm về bí quyết sống nầy như sau:

"Tôi chạy đến Chúa Giêsu của tôi và nói với Chúa rằng tôi sẳn sàng đổ ra cho đến giọt máu cuối cùng, để làm chứng rằng có Thiên Ðàng. Tôi nói với Chúa là tôi lấy làm sung sướng hy sinh không nếm hưởng cảnh Thiên Ðàng nầy trên mặt đất, để xin Chúa mở cửa cỏi đời đời cho những kẻ không tin đáng thương" (trg 282).

Những kẻ tội lỗi, những kẻ không tin, những kẻ chống đối Chúa, là những con người được Têrêsa yêu mến trước tiên và dâng những hy sinh để cầu nguyện cho những anh chị em ấy. Chúng ta hãy noi theo mẩu gương nầy của thánh nữ Têrêsa Giêsu Hài Ðồng.

Lạy Chúa, xin thay đổi tâm hồn chúng con, cho con biết sống yêu thương và cầu nguyện trước hết cho những kẻ làm phiền lòng con, làm phiền lòng Chúa, xúc phạm đến con, xúc phạm đến Chúa. Xin thương tha thứ cho chúng con, và chấp nhận những hy sinh đền bù của chúng con. Amen.

IV. Bí Quyết Thánh Têrêsa đương đầu với những thử thách.

Trên bình diện tự nhiên, đối với một người trẻ 24 tuổi biết mình mắc bệnh nan y sắp chết, thì điều nầy là một thử thách khủng khiếp biết là chừng nào? Thánh nữ Têrêsa Giêsu Hài Ðồng đã phản ứng đối với thử thách nầy ra sao? Thưa, bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần Lời Tuyên Xưng Ðức Tin. Têrêsa nói lên thái độ sẳn sàng của mình như sau: "Lạy Chúa, con sẵn sàng đổ hết máu mình ra để xác nhận Lời Kinh "Tôi TIN"."

Với chứng bệnh lao nan y vào thời đó mà mình đang phải chịu, và với cái chết gần bên, Têrêsa thấy mình bị thử thách thật nặng nề. Nhưng trong chính lúc thử thách đó, Têrêsa không ngừng tuyên xưng đức tin và thốt lên với Chúa lời quả quyết đầy xác tín: Con Yêu mến Chúa. Nếu có dịp đến thăm căn phòng của Têrêsa tại tu viện kín ở Lisieux, khách hành huơng có thể nhìn thấy khắc trên cửa phòng lời tuyên xưng như sau: "Chúa Giêsu là tình yêu duy nhất của tôi".

Sau khi Têrêsa qua đời, và trong dịp làm án phong thánh cho Têrêsa, một số các nữ tu Carmelô đã tỏ ra hơi bực mình với Têrêsa, chỉ vì họ nghĩ là một vị thánh không nên viết chữ vào tường như vậy. Theo họ, làm như thế là lỗi nhân đức khó nghèo! Thế nhưng tại sao Têrêsa đã phải khắc những dòng chữ "Chúa Giêsu là tình yêu duy nhất của tôi" vào cửa phòng mình như vậy?

Các nhà nghiên cứu con đường tu đức của thánh Têrêsa cho rằng, sở dĩ thánh Têrêsa phải khắc lời tuyên xưng đó trên cửa gỗ, là để tuyên xưng lòng tin mạnh mẽ của mình. Thử thách lo lớn có thể thắng thế. Những dòng chữ khắp trên gỗ nằm sờ trước mắt luôn luôn, là một trợ giúp cho Têrêsa đừng bỏ cuộc chịu thua. Và không phải chỉ tuyên xưng đức tin, tuyên xưng tình yêu mà thôi, thánh Têrêsa còn tuyên xưng niềm vui nữa. Thánh Têrêsa tâm sự:

Mặc cho thử thách cất mất đi mọi niềm vui khỏi tôi, tôi vẫn còn có thể tuyên xung: "Lạy Chúa, Chúa đổ tràn niềm vui xuống trên con, trong tất cả mọi việc Chúa làm cho con."

Câu "Lạy Chúa, Chúa đổ tràn niềm vui xuống trên con trong tất cả mọi việc Chúa làm cho con", là câu Têrêsa trích ra từ thánh vịnh 91. Và Têrêsa viết lại câu nầy trên sách Phúc âm của mình. Trong nét viết, Têrêsa ghi đậm hai chữ NIỀM VUI và TẤT CẢ. Trong tập nhật ký, Têrêsa giải thích thêm như sau:

Thử hỏi có niềm vui nào to lớn hơn niềm vui được chịu đau khổ vì yêu mến Chúa hay không? Lạy Chúa, sự đau khổ càng sâu xa trong tâm hồn, và càng ẩn dấu, không xuất hiện trước mắt các tạo vật, thì nó càng làm cho Chúa vui lòng. Và giả như, và điều nầy không bao giờ xảy ra được, giả như Chúa không biết gì về sự đau khổ của con, thì con cũng sung sướng chịu đau khổ, nếu như nhờ đau khổ đó, mà con có thể ngăn cản được hay đền bù cho một tội lỗi chống lại Ðức Tin" (trg 282).

Têrêsa cũng đã sáng tác một số bài thơ. Ðược dịp thưởng thức những bài thơ đó, các nữ tu trong đan viện nhận xét rằng: Têrêsa không gặp vấn đề khó khăn nào cả. Têrêsa luôn luôn sống an vui hạnh phúc. Mọi sự đều tốt đẹp". Nhưng đó là những nhận xét từ bên ngoài. Têrêsa biết rõ mình hơn ai hết, và đã ghi lại những dòng tâm sự sau đây:

Trong thực tế, nếu xét theo những tâm tình mà tôi diển tả trong các bài thơ được sáng tác trong năm nay, tôi xem ra như có một tâm hồn tràn đầy những niềm an ủi và tấm màn Ðức Tin xem ra như đã bị xé tan; nhưng, đới với tôi, không phải là màn che nữa, mà là bức tường cao lên đến tận trời và ngăn cản không cho tôi nhìn thấy vòm trời đầy sao. Khi tôi hát lên niềm hạnh phúc của Trời Cao, hát lên việc đời đời có được Thiên Chúa, thì tôi không cảm nếm niềm vui nào cả, bởi vì tôi chỉ hát lên một cách đơn sơ những gì tôi quyết định TIN. Thật ra, đôi khi một tia sáng nhỏ của Mặt trời soi chiếu vào trong những bóng tối che phủ lấy tôi; lúc đó thử thách ngưng lại đôi chút, nhưng sau đó, việc nhớ lại tia sáng đó, thay vì tạo ra trong tôi niềm vui, thì nó lại làm cho những bóng tối đang bao phủ lấy tôi trở nên dày đặc hơn nữa. (22, chuyện một tâm hồn).

Như thế, chúng ta có thể rút ra kết luận cụ thể nầy là Ðức Tin và việc tuyên xưng đức tin là phương thế được Têrêsa dùng để chịu đựng những thử thách, để giữ được Niềm Vui trong tâm hồn giữa những thử thách. "Sự đau khổ càng ẩn khuất khỏi mắt người đời, thì càng vui lòng Chúa". Không những cần phải âm thầm làm việc tốt phục vụ anh chị em và không nên khoe khoảng hay ỉ lại, mà còn phải biết âm thầm chịu đau khổ vì tình yêu Chúa. Chính Chúa, đấng nhìn thấy rõ mọi sự, sẽ thưởng công cho chúng ta, cho chúng ta nếm hưởng niềm Vui nội tâm, giữa những đau khổ thử thách. Têrêsa đã lưu ý điểm nầy, trong một đoạn thơ gởi cho Mẹ Bề Trên Marie Gonzague như sau:

Thưa Mẹ của con, không bao giờ như trong lúc nầy, con đã cảm nghiệm được Chúa thật dịu dàng và nhân từ đối với con biết là chừng nào: Ngài đã gởi đến con thử thách nầy, vào lúc mà con còn có sức mạnh để chịu đựng. Nếu xảy ra lúc trước, thì con nghĩ là con có lẽ đã bị chím sâu vào trong thất vọng ngả lòng rồi. Giờ đây, thử thách đã cất đi tất cả những gì có thể được coi như là sự thỏa mãn tự nhiên trong ước muốn của con về Trời. Thưa Mẹ rất yêu dấu, bây giờ xem ra như không còn có gì có thể ngăn cản con ra đi, vì con không còn những ao ước to lớn nào khác, ngoại trừ ao ước sống yêu thương cho đến mức độ được chết vì tình thương (9 tháng 6) (trg 282-283).

Têrêsa đã viết những dòng trên vào ngày 9 tháng 6, ngày kỷ niệm việc Têrêsa dâng hiến chính mình cho tình yêu thương nhân từ của Thiên Chúa. Têrêsa đã không có thái độ nổi loạn, trách móc Thiên Chúa, vì thử thách phải chịu. Lúc nào Têrêsa cũng nhớ rõ sứ mạng duy nhất của đời mình: sứ mạng rao giảng Tình Thương của Thiên Chúa, sứ mạng hy sinh cầu nguyện cho những kẻ tội lỗi. Và lúc nào Têrêsa cũng nghỉ đến một người mà thôi, là Chúa Giêsu Kitô: Chúa là tình yêu duy nhất của Têrêsa.

Lạy Chúa, đấng đã an ủi thánh tông đồ Phaolô trong lúc gặp gian nan thử thách: Ơn Ta đủ cho con. Với các thánh, cũng như với mỗi người chúng con, Chúa cũng luôn bảo đảm như vậy: Ơn Ta đủ cho con. Xin cho con biết noi gương sống của Thánh Nữ Têrêsa Giêsu Hài Ðồng, luôn tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh. Amen.

V. Thử Thách cuối cùng của Têrêsa là được Kết Hiệp với Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chết trên thập giá.

Thánh Nữ Têrêsa thường nhắc đến "thử thách" phải trải qua vì tình yêu Chúa, nhưng rất kín đáo tế nhị, không bộc lộ nhiều về bản chất của thử thách đó. Chính vì thế mà các nhà tu đức học, khi đọc những dòng tự thuật của thánh nữ, đã có những giải thích khác nhau về "bản chất" của thử thách đó. Có người đã giải thích một cách cực đoan là thánh nữ Têrêsa đã bị thử thách về Ðức Tin và đã gần như mất Ðức Tin.

Có những tác giả khác thì giải thích "thử thách của Têrêsa" trong viễn tượng "đêm tối tinh thần" mà Thiên Chúa dùng để thanh luyện linh hồn, theo quan niệm và kinh nghiệm thần bí của thánh Gioan Thánh Giá. Quả quyết cực đoan về thánh Têrêsa bị thử thách gần như mất đức tin thì quả thật là đi xa với những gì thánh Têrêsa tâm sự trong tập Tự Thuật. Mỗi lần bị thử thách, là mỗi lần Têrêsa lặp lại lời Tuyên Xưng Ðức Tin, như chúng tôi đã có dịp nhắc ở các bài suy niệm trước.Giải thích kinh nghiệm bị thử thách trong viển tượng "đêm tối tinh thần" nầy xem ra gần gủi với tư tưởng của Têrêsa hơn, vì thánh nữ có nhắc đến "sự thanh luyện đức tin và tình yêu" mà thánh nữ đã trải qua như sau:

"Giờ đây thử thách đó cất đi tất cả những gì có thể được coi như là thuộc về sự thỏa mãn tự nhiên trong ước muốn của Tôi hướng về Trời Cao."

Tuy nhiên, Ðức Cha GUY Gaucher, giám mục phụ tá của giáo phận Bayeux và Lisieux, tác giả của nhiều tập sách về Con Ðường Thiêng Liêng của Thánh Terêsa vừa đồng thời là một thành viên của nhóm xuất bản Tất Cả Những tác Phẩm của Thánh Têrêsa, đã muốn đi sâu hơn, và giải thích bản chất của thử thách mà Têrêsa phải chịu, là thử thách kết hiệp với Chúa Giêsu chịu khổ nạn và chết trên thập giá. Thánh Têrêsa được mời gọi tham dự vào cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, để cứu rỗi các linh hồn, để cầu nguyện cho những kẻ không tin. Chi tiết củng cố cho giải thích nầy là trong suốt thời gian Têrêsa bị bệnh, trước khi qua đời, Thánh Têrêsa không bao giờ rời xa thánh giá Chúa Giêsu. Một trong những ảnh giấy về thánh nữ được nhiều người biết đến, là ảnh cho thấy Thánh Nữ Têrêsa ôm bó hoa hồng và cầm thánh giá Chúa trong tay. Thánh Nữ cũng đã thường nói như sau:

"Cái chết đẹp nhất cho và vì tình yêu đã xảy ra trên trần gian nầy, là cái chết của Chúa Giêsu, bởi vì không ai đã thấy cái chết của Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria; và cái chết của Chúa Giêsu là cái chết trên thập giá, trong sự khủng khiếp, và tôi nghĩ đây là điều mà tôi đang trải qua hiện nay".

Têrêsa nhìn nhận là thử thách nầy đã được Chúa gởi đến cho mình, trong khi mình còn đủ sức để chịu đựng. Chúa mời gọi thánh nữ thông phần vào cuộc Thương Khó của Chúa. Thật ra, tất cả mọi người Kitô, đồ đệ của Chúa, đều được mời gọi thông phần vào cuộc Thương Khó và Cái Chết của Chúa. Ðây là điều mà Chúa Giêsu gọi là "uống chén Chúa uống", "chịu phép Rửa Chúa chịu", khi trả lời cho hai môn đệ Giacôbê và Gioan xin được ngồi hai bên tả hữu của Chúa. Con Ðường Thiêng Liêng đơn sơ của Thánh Têrêsa thật không dễ dàng, không phải là một lối đi tắt về Trời mà không qua Mầu Nhiệm Thập Giá. Cần phải lớn lên trong đời sống thiêng liêng, qua Mầu Nhiệm Thập Giá Chúa.

Thánh Nữ Têrêsa gặp thử thách, nhìn vào Thập Giá Chúa, nhưng không dừng lại ở Thập Giá. Thánh nữ nhìn Thập Giá, nhưng lại thấy Tình Yêu. ÐHY Carlo Maria Martini trong bài giảng cho phái đoàn hành hương tại bàn thờ tôn kính Thánh Têrêsa trong Vương Cung Thánh Ðường ở Lisieux, ngày 5 tháng 2 năm 1997, đã gọi kinh nghiệm thiêng liêng nầy của thánh Têrêsa là "kinh nghiệm sống những thử thách, những nghịch cảnh, những điều trái ý, theo ánh sáng của Tình yêu Nhân Từ của Chúa". ÐHY đã nói như sau:

Chúng ta xác tín rằng điểm trung tâm của đời sống và giáo lý của Thánh Têrêsa Giêsu Hài Ðồng là Tình Yêu. Như thế, không phải đêm tối, không phải thử thách đức tin, không phải những hy sinh, nhưng chính Tình Yêu nhân từ của Thiên Chúa là trung tâm, là điểm chính. Sống nhỏ bé, vả cả sống với những bất toàn của mình trước nhan Thiên Chúa Tình Yêu, là điều tốt đẹp biết là chừng nào, bởi vì như thế chúng ta làm sáng tỏ rõ ràng hơn nữa tình thương nhân từ của Thiên Chúa Cha. Lúc đó, trước Tình Yêu vô cùng của Thiên Chúa Cha, thì mọi dịp, mọi hoàn cảnh, dù là tiêu cực, đều là điều tốt để giúp ta lớn lên; mọi thử thách, mọi điều nghịch ý, sẽ trở thành tích cực và hữu ích để giúp ta LỚN LÊN TRONG TÌNH YÊU.

Lạy Chúa, Chúa đã đi qua con đường thập giá để cứu rỗi chúng con. Theo gương và nhờ lời cầu khẩn của thánh nữ Têrêsa, xin Chúa ban ơn giúp con biết sống mọi giây phút như hạt giống phải chết đi để trổ sinh hoa trái. Xin cho con được trưởng thành trong Tình Yêu, nhờ qua Thập Giá Chúa. Amen.

Msgr. Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Thứ Năm 7-10, Lễ Ðức Mẹ Mai Khôi (*) (10/7/2010)
Đạt Được Tình Bạn Với Chúa Giêsu Là Sống Hạnh Phúc (10/7/2010)
Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae (10/5/2010)
Thứ Ba 5-10, Thánh Mary Faustina, (1905-1938) (10/5/2010)
Thứ Hai 4-10, Thánh Phanxicô Assisi (1182-1226) (10/4/2010)
Tin/Bài cùng ngày
Thứ Sáu 1-10, Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, (1873-1897) (10/1/2010)
Thánh Teresa: Ơn Gọi Của Con Chính Là Tình Yêu (10/1/2010)
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (10/1/2010)
Tin/Bài khác
Mạnh Mẽ Củng Cố Tình Bạn Với Chúa (9/30/2010)
Thứ Năm 30-9, Thánh Giêrôme, (345 - 420) (9/30/2010)
Thứ Tư 29-9, Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Gabrien Và Raphaen (9/29/2010)
Thánh Nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu (1873 – 1897) (9/29/2010)
Thứ Ba 28-9, Thánh Wenceslaus, (907? - 929) (9/28/2010)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768