Tôi đến với Linh Thao trong một dịp tình cờ khi đọc thấy chương trình tĩnh tâm Linh Thao Cuối Tuần trên một tờ thông tin của nhà thờ Việt Nam. Mới trở về với Chúa qua một biến cố trong đời, tâm hồn tôi thao thức muốn tìm đến với Ngài trong tình thân mà không biết phải làm sao.
Tôi mò mẫm đi tìm Chúa qua mấy khoá tĩnh tâm. Khoá của Gia Đình Đồng Công thì già quá, tĩnh tâm với nhóm Đường Hy Vọng thì trẻ quá... Chúa lúc thì già lụ khụ, lúc thì trẻ măng non choèn choẹt… chưa Chúa nào hợp với tôi cả. Tôi không hy vọng gì ở khóa tĩnh tâm Linh Thao này, nhưng ít nhất cũng phải thử mới biết có hạp hay không, chứ đâu thể ngồi ở nhà mà đoán già đoán non.
Thế là tôi từ chối một party vào cuối tuần đó và rủ cô bạn thân cùng đi dự khoá với tôi. Lúc ấy, tôi không có khái niệm gì về hai chữ Linh Thao, cũng không biết ông I-nhã là ai, bày ra những trò gì, chỉ là muốn thử thời vận thêm một lần nữa thôi.
Bị bất ngờ và thất vọng tràn trề ngay từ buổi đầu tiên, có chui vô rọ mới biết kiểu tĩnh tâm Linh Thao là “thinh lặng”, và bản tình ca “KHÔNG” làm ngạc nhiên những tên lính mới như tôi. Không nói chuyện, không phone tay, không internet, không báo chí, không tivi, không radio… nói chung là không có gì và không còn gì để nói không nữa.
Những “linh hồn tượng đá” đi ra đi vô đụng mặt nhau ầm ầm, mà mặt lạnh như những tảng băng có thể đâm thủng mấy chiếc tàu Titanic. Bốn mắt có tình cờ giao nhau ở hành lang thì nhất định liếc lên trời hay ngó xuống đất chứ quyết không hề chào hỏi nhau, dù bằng ánh mắt hay nụ cười.
Trong giờ thong dong và cầu nguyện riêng, hai đứa chúng tôi cứ đi chung và nói chuyện rù rì với nhau suốt buổi. Một “linh hồn tượng đá” trong nhóm Bạn Đường Cầu Nguyện đến nhắc nhở chúng tôi không nên đi chung và nói chuyện với nhau nữa, nếu cha thấy sẽ la. Bực mình thiệt! Chúng tôi nói chuyện nho nhỏ chứ có nói ồn ào hay làm phiền tới ai đâu mà cấm như con nít vậy. Tôi đã hiểu sai nghĩa “thinh lặng” trong Linh Thao.
Tôi đi từ ngạc nhiên này qua ngạc nhiên khác khi chiêm ngắm những khuôn mặt lạnh lùng trong khóa. Có lần tôi đã suýt phá ra cười nhưng kịp giữ lại vì chẳng biết họ cấm nói chuyện nhưng có cho cười hay cho khóc không? Đến giờ ăn, hai anh chị ở trong nhóm Bạn Đường Cầu Nguyện ngồi ăn chung một bàn, anh muốn mời chị ăn chuối. Khuôn mặt băng giá với cặp mắt long lanh chỉ đăm đăm nhìn về trời nên chị không thấy người đối diện đang mời ăn chuối. Anh cầm trái chuối giơ lên cao trước mặt chị và đung đưa quả chuối qua lại để thu hút cái nhìn của chị. Chị vẫn làm ngơ và im lặng ăn! Nhìn họ giống như hai con khỉ trong sở thú đang mời nhau ăn chuối.
Không được đi chung, không cho nói chuyện công khai thì hai đứa con gái chui vô phòng đóng cửa lại nói chuyện. Lâu lắm mới có dịp được ở chung với nhau, tha hồ mà chít chát. Dù được nói thoả thuê trong phòng như thế, nhưng tôi vẫn cảm thấy chán ngắt. Cái miệng được hoạt động nhưng tay chân lại thấy buồn bã khó chịu. Lòng tôi vấn vương nhớ tới cuộc vui ở dưới núi mà tôi đã bỏ lỡ cơ hội.
“Tâm” tôi chưa “tĩnh” thì làm sao có thể tĩnh tâm được đây? Mới qua ngày hôm sau mà tôi có cảm tưởng như dài cả thế kỷ. Tôi ngán ngẩm chán chường, tay chân thừa thãi, mồm miệng xuống đường biểu tình đòi quyền nói. Tôi rủ cô bạn “chuồn” về sớm. Bạn tôi e dè, sợ mắc cở với những người chung quanh, họ sẽ nhìn mình như một tên lính đào ngũ vậy! Tôi thuyết phục cô bạn:
“Họ là ai mà mình phải sợ? Xuống núi chưa chắc mình sẽ gặp lại họ, mà nếu có gặp, họ cũng không biết mình là ai mà phải sợ.”
Bạn tôi đồng ý và chúng tôi lên phòng thu xếp hành lý. Khi có được đồng minh thì tôi lại chùn chân. Tiếc tiền chăng? Có lẽ, nhưng không phải là chính! Ngại người ta cười ư? Trời đất, ba gai như tôi thì sợ gì ai, tôi không cười người ta thì thôi chứ! Có lẽ tôi sợ Chúa buồn! Lòng tôi xao xuyến và bước chân ngập ngừng.
“Ở lại với những tâm tình nổi loạn như vậy thì chẳng có ích gì đâu!”
Tôi nghe itếng dụ dỗ trong đầu. Biết thế, nhưng có lẽ Chúa sẽ vui hơn là bỏ về nửa chừng. Nhìn lên tượng chịu nạn treo trên tường, tôi bối rối! Thế là tôi quyết định ở lại, thôi thì ráng lê lết cái xác không hồn thêm 12 tiếng nữa để chiêm ngắm những “linh hồn tượng đá” di động. Chỉ một lần nữa thôi, rồi dẹp tan giấc mơ “thà như mưa gió đến ôm tượng đá”.
Rồi cũng đến lúc kết thúc hai ngày lê thê trên núi, lòng tôi nhảy lên mừng vui reo hò. Đến giờ lượng giá khoá tĩnh tâm, Ban Tổ Chức phát tờ giấy để người tham dự đánh giá và cho ý kiến về khoá. À ha! Đây là một cơ hội bằng vàng để “trả thù”. Bao nhiêu nỗi bực dọc bị dồn nén trong hai ngày qua, nay có cơ hội tuôn xối xả lên trang giấy trắng vô tội, tôi viết đến nỗi không đủ giấy để viết. Về phần ưu điểm của khóa là cho ăn ngon, ngày ba bữa phục vụ tận tình… thì tôi ghi chữ… nho nhỏ thôi.
Tôi hả hê ra về vì đã trút được sự bực bội của mình, thề với lòng sẽ không có lần thứ hai. Vài tháng sau, lại thấy đăng trên tờ thông tin của nhà thờ có khoá tĩnh tâm Linh Thao Cuối Tuần với một ông cha khác. Tôi ngạc nhiên, Ban Tổ Chức Tĩnh Tĩnh Tâm vẫn còn sống sao? Bắt im như vậy mà cũng có người đi nữa ư? Làm gì mà có người dại dột lần thứ hai nhỉ?
Hình như Chúa Thánh Thần không buông tha cho tôi. Tôi cứ tò mò và thắc mắc về khóa kế tiếp, chẳng biết có gì hay ho hơn không? Ông cha khóa sau có “linh” hơn ông cha khóa trước không? Có cao tay ấn hơn không? Làm sao có câu trả lời nếu tôi không thử. Tôi cảm thấy ngứa ngáy muốn nạp mạng thêm một lần nữa. “Quá tam ba bận”, mình mới bị có một lần thôi mà! Có vô hang cọp mới bắt được cọp. Có lên núi mới bắt được Chúa của cọp chứ! Tôi ấm ức vì dò đài hoài mà vẫn chưa bắt trúng được tần số với Chúa Giêsu.
Thế là tôi “dại dột” nhắm mắt đưa chân thêm một lần nữa, cô bạn thân cùng đi khoá trước cũng bị tôi năn nỉ dụ đi theo cho có bạn, dù sao khi muốn đào ngũ trốn trại có hai người vẫn đỡ hơn.
Ra quân lần này chúng tôi đụng độ phải một ông cha dữ “thần sầu qủy khóc”. Trong một giờ huấn đức, tôi muốn đi vệ sinh nhưng chờ hoài chờ mãi mà cha vẫn say sưa mê mải nói. Ngồi kế bên tôi là một “linh hồn tượng đá” trong Ban Tổ Chức, tôi viết giấy nhờ anh nói với cha cho bà con nghỉ giải lao. Anh giơ tay đứng lên xin cha cho nghỉ giải lao năm phút vì có người muốn đi vệ sinh.
Vị cha già khả ái trợn mắt nạt luôn “linh hồn tượng đá” mà tôi cứ tưởng có quyền lắm chứ. Cha hất mặt hỏi cắc cớ: “Ở đây có ai bị câm không nói được không mà cậu phải nói thay?” Trời ơi, luật nhắc nhở những người đi Linh Thao là không được nói chuyện, mà nhờ người khác nói dùm thì lại hỏi “có ai bị câm không?” Đúng là “miệng ông cha có gang có thép” nói gì cũng được.
Cha giảng khá hay nhưng lại nói “tiếng lạ” vì cha người Huế, tôi nghe tiếng được tiếng mất, hiểu lơ mơ những gì cha nói. Trong một bài giảng, cha nói Thánh I-nhã khi có ý định thành lập Dòng Tên, ngài phải chờ có đủ ba “qủy” mới thực hiện ý định. Cái gì? Tôi chổm người kinh ngạc, “ba qủy”? Lập Dòng mà phải chờ có đủ “ba qủy”, vậy Dòng này lập ra để làm gì?
Ngạc nhiên quá mà sợ bị la nên không dám hỏi. Tôi nhíu mày thấp thỏm trên ghế, mắt trợn tròn nhìn cha mà miệng cứ lẩm bẩm “ba qủy”…, cần “ba qủy” để lập Dòng? Cha liếc nhìn tôi, có lẽ ngài cũng lấy làm lạ trước cái mặt ngơ ngác của tôi. Ngài lập lại, chậm rãi, nhấn mạnh từng chữ và giải nghĩa thêm: “Ba q…ũ…y, qũy an sinh, qũy cho các cha đi học, và qũy cho các cha về hưu…” Tôi thở hắt ra, thì ra là “qũy” chứ không phải “qủy”, vì cha người Huế nên tôi nghe chữ “qủy” thay vì là “qũy”. Đúng là chữ “qủy” và “qũy” tuy rằng khác nghĩa nhưng chung một vần, đã tạo nên sự hiểu lầm cho kẻ chưa có kinh nghiệm nghe “tiếng lạ” như tôi.
Lần này tôi cũng chẳng hiền lành gì mà tuân thủ luật “thinh lặng” của Linh Thao. Có điều vì ngăn sông cách trở, ở nhà tĩnh tâm mới, mỗi người “bị” ở riêng một phòng có sẵn tiện nghi bồn tắm, nên tôi không thể nói chuyện với cô bạn đi cùng được. Chẳng biết có phải là ý Chúa hay không mà phòng tôi lại được vinh dự ở sát phòng của một “linh hồn tượng đá” trong Ban Tổ Chức, nên tôi không dám nhúc nhích.
Tối về phòng ngủ, tôi bị rối tung lên vì mớ giáo lý vừa mới nghe giảng được. Cứ ngỡ rằng mình là đạo gốc, gốc “cổ thụ” cỡ bự, gia đình cũng có người làm cha như ai, hồi nhỏ tôi cũng được đi học giáo lý đàng hoàng, lớn lên cũng tập tành dạy giáo lý cho đám nít nhỏ, vậy mà…!? Trời ơi, làm sao đủ can đảm để nghĩ rằng những kiến thức giáo lý sơ đẳng mà tôi học được từ thưở xa xưa đó, và còn nhớ lõm bõm cho đến nay, hình như bị lệch lạc hết. Những câu trả lời trước những câu hỏi hóc búa của đám học trò đều là “lạc đạo”. Tôi sai, kéo theo cả một đám học trò lau nhau sai theo. Tội tày trời Chúa ơi! Tội này kéo theo tội kia. Tất cả đảo lộn trong đầu, những khái inệm mới như “tội nặng”, “tội nhẹ”, mục đích đời sống của con người, cách cầu nguyện, cách đọc Kinh Thánh…. đều quá mới mẻ và xa lạ với tôi. Tôi muốn nổi khùng lên với chính mình. Ôm đầu đi tới đi lui bực bội trong phòng, đá bàn đá ghế, giật chăn quăng gối, tôi không muốn đối diện với sự thật, không muốn nghe thêm điều gì nữa.
Lạ thật, ngay vào lúc không chờ đợi, không muốn nghe gì thêm, thì tôi lại nghe được tiếng nói quan trọng nhất. Trong thinh lặng, dù là một thinh lặng bị cưỡng bức, tiếng Chúa như ngọn gió êm êm, nhè nhẹ rót vào tai tôi! Như người mẹ hiền đang dịu dàng vuốt ve cơn giận của đứa con gái mới lớn cứ chực chờ nổi loạn, Ngài âu yếm ngồi xuống nhẹ nhàng gỡ rối từng mối tơ lòng cho tôi. Thiên Chúa đã quảng đại tỏ mình với tôi như với ba môn đệ khi xưa trên núi Tabo. Mũi tên của vị thần ái tình Cupid đã giương lên trong đám bùi nhùi hỗn loạn và đã bắn trúng tim tôi.
Tôi bắt trúng đài từ đó, và cũng từ đó tôi mới hiểu được giá trị của thinh lặng trong Linh Thao, một thứ thinh lặng thánh thiêng từ trong cõi tâm hồn để dọn lòng nghe tiếng Chúa. Cho dù tâm hồn tôi đang nổi loạn, cho dù tôi đang bất mãn, cho dù tôi bịt tai lại không muốn nghe, cho dù… và cho dù… có bao nhiêu cản trở…
Nhưng với những điều kiện thuận lợi của một người ở trên núi, đang cố sức “thao tập linh hồn” mình, Thiên Chúa đã có cơ hội ra tay hành động một cách dễ dàng hơn. Bản tình ca “KHÔNG” đáng ghét ngày xưa, không này không nọ không kia, đã trở nên thân thương và dễ hiểu. Đó là những đòi hỏi từ bỏ đầu tiên cho những người muốn lên núi đi tìm Ngài. Với những điều kiện sơ đẳng nhất mà không từ bỏ được, thì làm sao dám mơ từ bỏ những cái cao siêu mà Chúa đòi hỏi? Làm sao có thể nghe được tiếng Chúa, khi tâm hồn chất đầy những tiếng động ồn ào của cuộc sống? Làm sao có thể sống theo ý Chúa, nếu không nghe được tiếng Ngài? Và làm sao dám mơ về Nước Thiên Đàng, nếu không sống thánh ý Chúa?
Mười năm tình cũ đã qua kể từ ngày được nghe tiếng Chúa nói trong tâm hồn và nghe “tiếng lạ” của vị cha già khả ái mạng cọp. Cứ mỗi năm tôi lại khăn gói lên đường đi Linh Thao, không phân biệt cha dữ hay hiền, già hay trẻ, có được ơn nói “tiếng lạ” hay không. Tạ ơn Chúa đã không chịu đầu hàng với những phản ứng tiêu cực của đứa con ngỗ nghịch như con. Cám ơn Ban Tổ Chức Tĩnh Tâm chưa bị phá sản vì lời rủa thầm của con trước đây, để con có cơ hội đến với Chúa mỗi năm.
Lang Thang Chiều Tím
Viết theo lời kể của một người.
|