TRUYỀN GIÁO, CHUYỆN KHÔNG CỦA RIÊNG AI!
“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt.28, 18-20)
Lời Chúa trên Thánh sử Mattheu đã trình thuật lại lệnh truyền của Đức Kitô về sứ vụ truyền giáo cho các môn đệ sau khi Ngài bị đóng đinh, chịu chết, phục sinh và chuẩn bị về ngự bên hữu Chúa Cha, lệnh truyền này đã được các Thánh tông đồ thực hiện một cách triệt để và có hiệu quả, hiệu quả đến độ người thời nay mỗi khi nhắc lại, họ đã nói về các Ngài: “ Mười hai con người khuynh đảo thế giới qua đời sống tâm linh, luân lý, nhân bản”.
Là hậu duệ, tầng lớp kế thừa của các Ngài, ta Cảm tạ Đức Kitô đã mở lòng, mở trí để ta nhận biết Thiên Chúa, tin vào Thiên Chúa qua các Ngài, ta tri ân và hãnh diện về các Ngài, đồng thời ta cũng nên tìm hiểu một cách cụ thể, một cách sâu xa hơn và tự đặt câu hỏi: Tại sao vào thời các Ngài điều kiện và hoàn cảnh không mấy thuận lợi như cấm đoán, bắt bớ? Trình độ tri thức hạn chế? Phương tiện và vật chất không mấy dư giả? Ấy thế mà các Ngài thực hiện lệnh truyền của Đức Kitô một cách có hiệu quả và sinh nhiều hoa trái.
Có phải chăng các Thánh tông đồ đã được ở bên Chúa và với Chúa? Cùng ăn cùng uống với Chúa? Có phải chăng các Ngài đã tận mắt nhìn thấy và cảm nghiệm được qua đời sống của Đức Kitô khi Người ở giữa nhân loại và thuộc hết từng lời giảng dạy của Đức Kitô? Điều này đúng, nhưng chỉ phần nào.
Như ta đã biết sau khi Đức Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã hiện ra với các Ngài nhiều lần, nhiều nơi khác nhau, một trong những lần sau cùng nơi bờ biển hồ Ti-bê-ri-át Đức Kitô đã nướng bánh, cá cho các Ngài và dùng bữa với các Ngài sau khi kéo được mẻ cá tuyệt vời(x,Ga.21,1-9), lần hiện ra đó, một người trong các Ngài đã hỏi Đức Kitô: “ Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không? ” (Cv.1,6). Hóa ra! Các Ngài cũng như bao người yêu nước thời bấy giờ luôn mang trong mình ước mơ một ngày nào đó sẽ xuất hiện một vị lãnh tụ kiệt xuất để giải thoát đất nước thoát khỏi ách nô lệ của ngoại bang, đem lại cho dân tộc họ sự độc lập, tự do và hạnh phúc. Bản thân các Ngài cũng có một chân đứng, một vị trí nhất định trong thể chế mới như lời cầu xin với Đức Kitô của bà mẹ hai Thánh tông đồ Gioan và Giacôbê (x,Mt.20,20-23). Đây là mộng ước “ người ” và “ rất người ” nơi các Ngài sau bao năm đi theo tiếng gọi của Đức Kitô.
Điều gì đã biến đổi các Thánh tồng đồ từ suy nghĩ, ước mơ “ rất người ” đó trở thành suy nghĩ, ước mơ “ rất Chúa ”? Xin thưa:
1. Ơn Chúa.
Nguồn ơn Ba Ngôi Thiên Chúa qua sự đồng hành của Chúa Thánh Thần. “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật”(Ga.14,16)
Vâng! Chính nhờ nguồn ơn Chúa Thánh Thần đã giúp các Thánh tông đồ thực hiện suy nghĩ, ước mơ “ Rất Chúa ” đó theo đúng tâm ước của Đức Kitô, một tâm ước mà Người đã vâng lệnh Chúa Cha xuống trần mặc lấy thân phận loài người, qua đời sống, làm việc, cầu nguyện, song hành để giúp cho nhân loại tìm về “ Chân, Thiện, Mỹ ”, tìm về “Cội Nguồn ” tìm và sống đúng một từ duy nhất đó là “ Yêu ”. Yêu Thiên Chúa là cội nguồn, yêu anh em, những con người mang nơi thân phận yếu đuối hình ảnh của Thiên Chúa.
Nhưng, để nguồn ơn Chúa Thánh Thần hoạt động một cách hiệu quả nơi các Ngài. Chính là nhờ sự “ hiệp nhất ” trong đời sống chuyên tâm “ cầu nguyện ”, kế là đón nhận, lắng nghe Mẹ và cùng cầu nguyện với Mẹ Maria (x,Cv.1,12-14).
2. Tình Yêu.
Nhờ tình yêu của Thiên Chúa qua sự đồng hành,dẫn dắt của Chúa Thánh Thần nơi các Thánh tông đồ. Nhờ thế, mà các Ngài đã dần cảm nhận tình yêu của Thầy đã dành cho mình và cho mọi người, nhớ lại và ghi tâm lời Thầy đã dạy “ Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau…… Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau." (Ga.13,34-35). Từ đó các Ngài đã sống và thông trao tình yêu đó trên con đường thực hiện lệnh truyền, điều được chứng thực qua thư của Thánh tông đồ Gioan: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa....Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu ”(1Ga.4,7-8).
§ Tình yêu đã nối kết các Ngài luôn hiệp nhất trong sứ vụ.
§ Tình yêu giúp các Ngài sống khiêm nhường, khó nghèo.
§ Tình yêu đã giúp các Ngài cùng nhau học hỏi, cùng giúp nhau thăng tiến trong công việc.
§ Tình yêu đã phá tan hàng rào kỳ thị, ngăn cách của giai cấp, giàu nghèo.
§ Tình yêu không có loại trừ qua việc đón nhận Saulô là người đối nghịc trước đây và những đồ đệ của ông.
§ Tình yêu hun đúc lòng hăng say và nhiệt huyết, giúp cho các Ngài không sợ gian khó, hiểm nguy. Từ đó, các Ngài dám nói lên sự thật, sống sự thật, cho dù: Tù đầy và cái chết luôn đe dọa.
§ Tình yêu là tiếng gọi mời mọi người cộng tác thi hành lệnh truyền của Đức Kitô.
§ Nhờ sống, mời gọi mọi người sống, trao ban tình yêu một cách chân thành, không giả dối qua tấm gương của các Ngài mà hạt giống Tin Mừng đã lan tỏa khắp năm châu.
Đời sống, công việc của các Thánh tông đồ khi thực hiện lệnh truyền của Đức Kitô, tuy gặp không ít khó khăn từ chính những người đồng hương, các lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ, các thế lực chính trị ngoại bang cũng như người bản xứ, sự xua đuổi và không đón nhận của những người ngoại giáo. Với cái nhìn và suy nghĩ của thế gian,các Ngài đã bị thất bại hoàn toàn qua việc các Ngài bị giam cầm, bị kết án tử hình bằng nhiều hình thức khác nhau, cùng một tội danh “ Giới thiệu Tin Mừng của Đức Kitô ”. Nhưng, sự thành công của các Ngài lại là điều tuyệt vời trước mắt Thiên Chúa: Nhiều người, nhiều thế hệ đón nhận Thiên Chúa và đón nhận Tin Mừng. Giáo Hội Việt Nam nói chung và từng người Kitô hữu nói riêng, đang sống trong Năm Thánh 2010. Sống Năm Thánh Giáo Hội mời gọi mọi thành phần dân Chúa nhìn lại quá khứ và hướng tới tương lai.
§ Nhìn lại quá khứ để cùng nhau cảm tạ Thiên Chúa đã yêu thương đồng hành cùng Giáo Hội gần nửa thập kỷ qua, đã ban tặng cho Giáo Hội những tấm gương anh dũng trong việc gieo trồng hạt giống Tin Mừng, điển hình là 117 vị Thánh tử đạo đại diện cho nhiều chứng nhân thời bách hại.
§ Nhìn lại quá khứ để nhận ra những thiếu xót trong trách nhiệm và bổn phận sống chữ “ Yêu ” đối với Chúa và với nhau.
§ Nhìn lại quá khứ và tự đặt câu hỏi, tại sao và vì lý do nào gần nửa thập kỷ qua với con số trên dưới tám mươi triệu dân, nhưng người tin nhận Đức Kitô nơi Giáo Hội nhà mới xấp sỉ bảy đến tám triệu người? Tỷ lệ phần trăm quá bé nhỏ.
§ Nhìn lại sự thờ ơ, thiếu xót của, nhát đảm của bản thân trong việc thực hiện lệnh truyền của Đức Kitô “ Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo ” (Mc.16,15). § Hướng tới tương lai để cùng nhau xin ơn Chúa giúp ta nhận ra và sống hoàn hảo hơn trong việc sống tình yêu và trao tặng tình yêu dành cho Chúa và cho nhau, không chỉ những người đồng đạo mà cả những người không cùng niềm tin, thậm chí chống đối ta, kẻ thù của ta ( ngoại trừ sa tan ).
§ Hướng về tương lai trong việc nhận ra sứ vụ “ Loan Báo Tin Mừng ” là việc không của riêng ai. Dù ở bậc sống nào, trình độ cao thấp, hoàn cảnh sống ra sao, chức vụ lớn hay nhỏ, tuổi tác, giới tính, đều được thông phần vào chức vụ “ Ngôn Sứ ” của Đức Kitô sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội “ Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ ” (Cv.2,17) Thánh Phêrô đã mời gọi những tín hữu thời Giáo Hội sơ khai Ngài viết: “ Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người ” (1Pr.2,9).
Việc loan báo Tin Mừng giữa thời đại hôm nay, thời đại mà sự khôn ngoan thông thái do Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại qua những thành quả khoa học, y học, đời sống vật chất nâng cao, thời đại mà nhân loại dần khám phá ra những bí ẩn không chỉ ở mặt đất mà cả một vài nơi trên vũ trụ bao la. Tất cả những thành quả trên đáng lý ra nhân loại nhận ra được bàn tay quan phòng và tình yêu thương của Ngài, hầu đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhau. Nhưng không! Như ta đã biết nhân loại đang lạm dụng những hồng ân to lớn đó vào những việc trái với đạo lý, trái với lương tâm như: Việc chạy đua vũ trang, tranh dành quyền bá chủ, nạn phá thai lan tràn, hôn nhân đồng tính, nghiên cứu chương trình sinh sản vô tính vvv…Thời đại mà nhân loại dần coi như Thiên Chúa đã khuất bóng, khước từ Thiên Chúa, bổ báng Thiên Chúa sống đời sống ngạo mạn, mươn danh Thiên Chúa để mưu đồ trong lãnh vực chính trị, trả thù lẫn nhau qua việc khủng bố, ôm bom liều mình tự sát. Quả thật giữa một thời đại nhiễu nhương như hiện nay thì việc loan báo Tin Mừng quả là một thách đố lớn.
Nói như thế không có nghĩa là ta không làm và không thực hiện được lệnh truyền của Đức Kittô. Trong lịch sử Giáo hội, biết bao tấm gương để lại cho ta, ngoài các Thánh tông đồ, nhiều vị Thánh tử đạo đã được Giáo Hội mời gọi ta tôn kính, học hỏi trong của niên lịch phụng vụ, ngay tại quê hương Việt Nam ta, còn đó những chứng nhân anh dũng của các Bậc tiền nhân. Đại diện là 117 vị Thánh tử đạo, Đức cố Phao lô Nguyễn Văn Bình TGM tiên khởi, Đức Hồng Y Phanxicôsaviê Nguyễn Văn Thuận, Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền. Các Ngài luôn là những ngọn đuốc sáng dẫn đường.
Lời minh định của Đức Kitô là sức mạnh, là động lực giúp cho các bậc tiền nhân vững tiến trên con đường thi hành lệnh truyền của Đức Kitô và cũng là lời động viên cho ta ngày hôm nay: “ Anh em đừng sợ, can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga.16,33).
Ước chi trong Năm Thánh và qua Năm Thánh nhờ ơn Chúa giúp mỗi Kitô hữu sẽ trở thành những “ Ngôn Sứ ” luôn hăng say, can đảm, chịu thương chịu khó trong nhiệm vụ thực hiện lệnh truyền của Đức Kitô “ Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em " (Mt.28, 18-20), nhờ ơn Chúa giúp ta can đảm tiếp nối sứ vụ của các Bậc tiền nhân trong điều kiện, và hoàn cảnh đang sống giữa đạo và giữa đời. Dẫu biết rằng khó khăn, thách đố và gian khổ đó, những cản trở bắt đầu từ chính bản thân trong việc mưu kế sinh nhai trong bổn phận nơi gia đình, tác động từ nhiều phía. Nhưng, Đức Kitô Ngài là Thiên Chúa của tín trung Ngài sẽ giúp ta như lời Ngài đã hứa: “ Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế ” (Mt.28,20) Lời Chúa trong thư của Thánh Phaolô nhắn nhủ ông Timôthê, cũng là lời nhắn nhủ mỗi Kitô hữu hiện tại cũng như tương lai: “ Tôi tha thiết khuyên anh: hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện ”. Hãy dấn thân, hãy lên đường thực hiện lệnh truyền của Đức Kitô và chung tay góp sức với Giáo Hội ngay bây giờ và mãi về sau. Lời Chúa qua Thánh Phaolô vẫn luôn bên ta và gọi mời: “ Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? ”(Rm.10,14)
Những hình thức truyền giáo tương đối dễ dàng cho mọi người tham gia trong sự hiệp thông hiện nay:
1. Truyền giáo qua việc thường xuyên “ Học Hỏi ”, “ Suy Niệm ” Lời Chúa.
2. Truyền giáo qua mô hình “ Cầu Nguyện ” như: Siêng năng tham dự Thánh Lễ, chầu Thánh Thể; nguyện kinh Mân Côi, Thương Xót; đọc riêng, chung trong gia đình, cùng với mọi người trong những giờ tập trung.
3. Truyền giáo qua việc rộng tay “ Đóng Góp ” vào quỹ truyền giáo của Giáo Hội.
4. Truyền giáo bằng sự “ Hy Sinh ” thời gian, vật chất thăm viếng bệnh nhân, người quá cố, những người đang lâm vào cảnh khốn cùng, không phân biệt lương hay giáo.
5. Truyền giáo qua việc “ Đồng Hành ” bằng hành động, vật chất với các chương trình cứu trợ, bác ái.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn đồng hành cùng Giáo Hội, đăc biệt là Giáo Hội Việt Nam, đồng hành cùng với tất cả đàn chiên mà Đức Ki tô đã cứu chuộc và thánh hóa bằng giá máu của Người. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, qua lời chuyển cầu của Thánh Mẫu La Vang, Thánh cả Giuse và các Thánh tử đạo Việt Nam. Hầu giúp tất cả mọi Kitô hữu sẽ hăng say, nhiệt huyết trên mặt trận loan báo Tin Mừng và nhận ra trách nhiệm việc: “ TRUYỀN GIÁO CHUYỆN KHÔNG CỦA RIÊNG AI ”. Giữa thời đại hôm nay.
Lễ Suy Tôn Thánh Giá An-tôn Lương Văn Liêm
|