VietCatholic News (09 Sep 2010 09:50)
Hội thảo Cadière Đề tài “Huế: dưới con mắt L.Cadière – L.Cadière: dưới con mắt một người Huế” (Nhà Nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan) Thứ năm, 09 Tháng 9 2010
L. Cadière đến Huế ngày 23-12-1892, vừa tròn 23 tuổi.
Ba tháng trước đó, tại Chủng viện Hội Truyền giáo Nước Ngoài Paris, Cadière được thụ phong linh mục ngày 4-9-1892. Hơn một tháng rưỡi sau, được chỉ định phục vụ giáo khu Bắc Nam Kỳ, tên gọi bấy giờ của địa phận Huế và Cadière lên đường rời Pháp ngày 26-10-1892.
Năm mươi năm sau, khi đó, Cadière đã 73 tuổi và người đã tâm tình như sau:
“Tôi hiểu người Việt bởi lẽ tôi đã nghiên cứu những gì liên quan đến họ. Tôi học tiếng họ từ ngày tôi mới đến, tôi vẫn còn tiếp tục học và nhận thấy rằng tiếng Việt rất tinh tế về mặt cấu trúc, và cũng không nên xem nhẹ sự phong phú về từ ngữ như có người suy nghĩ.
Tôi đã nghiên cứu tín ngưỡng, các thực hành lễ nghi tôn giáo, phong tục tập quán của họ và phải thừa nhận rằng người Việt rất sâu sắc về tôn giáo, tín ngưỡng của họ trong sáng và khi họ cầu cứu đến Trời, tế tự Trời thì cũng có thể họ cũng đến với cùng một Đấng toàn năng mà chính tôi đang thờ kính và gọi bằng Chúa, và tự đáy lòng họ đang lưu giữ một tia sáng tôn giáo tự nhiên mà tạo hóa vốn ấn dấu vào tâm khảm của nhân sinh.
Tôi đã nghiên cứu lịch sử của họ, xuyên qua các thế kỷ, đặc biệt là từ triều Nguyễn, và nhận thấy rằng đất nước Việt Nam, từ nguyên thủy, đã không ngừng nung nấu một ý hướng cao về phát triển và tiến bộ, đã miệt mài theo đuổi thực hiện ý hướng ấy với hào hùng can đảm và linh hoạt thích ứng vào từng hoàn cảnh trên con đường tiến bước của mình.
Vì đã nghiên cứu và hiểu người Việt nên thật tình tôi yêu mến họ.
Tôi yêu mến họ vì trí thông minh, nhạy bén trong suy nghĩ. Tôi đã làm thầy giáo, đã từng giám khảo thi cử, nên về vấn đề này, tôi có thể đưa ra những phán đoán có nền tảng.
Tôi yêu mến họ vì những đức hạnh tinh thần. Thuộc tầng lớp nông dân, rồi sống ở Việt Nam giữa nông dân, tôi đã có thể thấy rằng nông dân Pháp và nông dân Việt giống nhau lạ lùng: Bên này cũng như bên kia, từng ý tưởng vụn vặn của cuộc sống hằng ngày, của đồng áng, chợ đò, của những bữa cơm thường nhật, của làng mạc... Mặt nữa, bên này cũng như bên kia, những tình cảm cao cả, tình yêu thương sâu đậm của gia đình, giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau, chuyên cần trong công việc, nhẫn nhục trong cuộc sống nghèo hèn và khổ cực mỗi ngày.
Tôi yêu mến họ vì tính tình của họ.
Trước đây, khi tôi có dịp đi lại bằng võng hay bằng thuyền, tôi đã thấy được và cảm phục niềm vui sống, sự vui vẻ, tâm trí hồn nhiên của bác gánh võng hay người chèo thuyền, mặc dầu họ thật vất vả, nhọc nhằn suốt hàng giờ và hàng ngày tròn.
Sau cùng, tôi yêu mến họ vì họ khổ.
Biết bao khổ ải, biết bao nặng nhọc lầm than; những khốn cùng đôi khi phải cam chịu đã đành nhưng thường là do định mệnh khắt khe vô tình [1].
Giáo sư Georges Cœdes có nhận xét: “Những lời thân thương ấy của Cadière thấm tỏa trong toàn bộ công trình khoa học của ông, rất nhân bản, rất sâu đậm nồng ấm, đối với dân tộc mà ông trọn đời cống hiến trong công tác mục vụ và nghiên cứu của mình”.
Từ 1913-1914, Cadière được cử làm Tuyên úy trường Pellerin ở Huế. Chính trong thời gian này, cùng với một số trí thức Pháp và Việt ở Huế, người đã lập Assiociation des Amis du Vieux Huế (Hội Đô Thành Hiếu Cổ) vào ngày 16-11-1913. Ngày đó, 17 nhân vật Việt và Pháp cùng đông đảo quan khách đã dự buổi ra mắt của Hội tại Tân Thư viện và bản điều lệ của Hội do P. Albrech, Bienvenue, Cadière, Dumoutier, H. Le Bris và Sallet soạn thảo, được Quyền Khâm sứ Trung kỳ J. E. Charles duyệt ký trước đó 2 ngày, trong đó có điều khoản 2 của Hội có mục đích: “Sưu tầm bảo tồn và truyền đạt những dấu tích xưa về chính trị, tôn giáo, nghệ thuật và văn hóa châu Âu cũng như bản xứ, liên quan đến Huế và phụ cận”.
Không lâu sau, một tập san có tên Bulletin des Amis du Vieux Huế (Tập san Đô Thành Hiếu Cổ, thường được gọi Tập san của những Người Bạn Cố đô Huế) xuất hiện, số 1, năm thứ nhất, tháng 1-3 năm 1914, mà chính Cadière là chủ bút.
Trong bài mở đầu “Plan de recherches pour ‘Les Amis du Vieux Huế’”, Cadière khiêm tốn nói: “Thiết nghĩ không phải là không có ích nếu đưa ra từ đầu trong các phiên họp thường kỳ hàng tháng, tôi không nói là một đề cương nghiên cứu, cái từ ấy có vẻ quá kiêu kỳ tự cao tự đại và khiến cho người ta phải phần nào e ngại vì cho rằng công việc của chúng ta làm xem ra ghê gớm, mà chỉ đưa ra một chương trình tìm kiếm, bởi vì chúng ta là những kẻ tìm kiếm, với mong ước tìm ra với ham muốn thâm cứu sưu tầm”[2].
Từ đó Cadière đã tổng hợp những điều nằm trong “Huế cổ” mà thời gian có thể phân chia làm bốn thời kỳ: “Huế tiền sử”, “Huế Chăm”, “Huế An Nam”, “Huế Âu” - và Cadière trình bày:
Dù thời kỳ Huế Âu rất cần thiết đối với chúng ta, nhưng Huế An Nam sẽ giúp cho chúng ta nhiều nghiên cứu rộng hơn vì Huế, đúng ra, là công trình của người An Nam đã đem hết công sức sáng tạo ra và chính ở đây người ta khắc lại một cách sâu sắc hơn nơi nào hết, trong thời gian này, về cái dấu ấn quốc gia của họ.
Chúng ta cần chăm lo đến các địa điểm lịch sử. Một địa điểm lịch sử là một nơi đã xảy ra không phải là một cái gì đó - như thế hóa ra nơi nào cũng có thể là lịch sử cả - mà phải xảy ra biến cố quan trọng hoặc là tự nó quan trọng, hoặc do nhiều sự kiện gộp lại. Cũng như một bãi cát thì chẳng có gì đáng lưu ý đối với một người du lịch, nhưng nếu nơi đó đã xảy ra một trận chiến quyết định thì bãi cát ấy sẽ rất có ý nghĩa đối với chúng ta. Một gò đất, một đám bụi rậm chẳng có gì khác hơn các đồi đất xung quanh, nhưng nếu nơi đó là nơi đóng đô các chúa Nguyễn. Một vuông đất không trồng trọt giữa đám ruộng nơi trước đây là kho lương thực của vua, nhiều khi, trên đó chẳng còn dấu vết gì của quá khứ nữa, không còn một tảng đá, một mảnh gạch vỡ, chỉ là mảnh đất không, nhưng ở đó vẫn có giá trị lịch sử: Chúng ta cần thông báo lại và đánh dấu trên bản đồ một cách chính xác, chúng ta ghi lại lịch sử của những nơi này, chúng ta phải trân trọng thăm viếng và từ đó chúng ta mới truyền lại cho đời sau các lưu niệm của nơi đó.
Chúng ta có thể lần theo các dấu vết ấy bằng cách xem các tài liệu viết, các quốc sử của vương quốc, hoặc do một cách dễ dàng hơn và lại chính xác hơn, là do dân chúng đặt ra tên. Tôi thấy ở Quảng Bình có nhiều thửa ruộng trồng nưa và khoai lang mà địa danh trên bản ghi đó là các trại lính của một trung đoàn xưa, cả một doanh trại. Tôi đã lập lại được một bộ phận, hiện nay ở Quảng Trị và ở Thừa Thiên, vị trí các dinh thự của các chúa Nguyễn đầu tiên trước khi vào đóng đô tại Phú Xuân. Chúng ta tìm kỹ lưỡng tên cũ của các nơi ấy, mà dân chúng đã quên ý nghĩa chính xác, và chúng ta phải cố gắng giải thích và nhập vào lịch sử chung của đất nước.
Các công trình kiến trúc lại gây chú ý hơn, rất nhiều ở Huế và vùng lân cận. Chúng ta có cung điện và thành quách bao quanh; chúng ta có các dinh thự các ông hoàng của Hoàng gia, các lăng tẩm, điện đền, bia đá.
Trước hết, phải ghi lại đầy đủ chính xác các công trình lớn đó. Ai cũng biết các lăng tẩm lớn của các vua từ Gia Long. Đấy là một mục đích du ngoạn bắt buộc đối với du khách đến Huế. Nhưng trong cùng một thung lũng đẹp đẽ được vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức xây cất nơi an nghỉ cuối cùng, đa số các tiền nhân của Đức Gia Long cũng chôn cất tại đấy. Các lăng tẩm của các tiền nhân không có gì đặc sắc lắm về mặt kiến trúc và nghệ thuật nhưng vẫn cần được các nhà viết sử quan tâm. Các hoàng hậu và hoàng tử đều có lăng tẩm rải rác trong vùng lận cận Huế. Chúng ta cũng còn tìm thấy ở các nơi ấy lăng của các quan đại thần, hoặc tháp của các vị sư. Cần phải có một bản đồ nơi chôn cất mồ mả cùng lân cận Huế bởi nó sẽ có giá trị về lịch sử.
Trên một bản đồ khác, ghi lại các đền chùa và nơi cúng tế: đó là bản đồ tôn giáo của Huế. Ở đó sẽ chỉ vị trí của các, chùa Phật giáo và đền miếu thờ có dấu ấn lịch sử. Các chùa quán Lão giáo và các nơi cúng tế, ít nhất là những nơi chính thức do nhà nước đài thọ.
Và sau cùng, là một bản đồ nữa, hay trên bản trước, ghi lại các bia đá có ghi thiết yếu về lịch sử.
Trong những bia ấy, có cái thì gắn liền với một đền đài để ghi ngày thành lập. Có cái khác lại chỉ ghi một sự kiện lịch sử, nêu lên kỷ niệm về sau, ngày đào một con kênh, hoặc ngợi ca công lao của một vị đại thần. Những cái khác hoàn toàn vì mục đích thi họa, ghi chú cái đẹp của một thắng cảnh, một hòn núi, một con sông mà Thiệu Trị và Tự Đức đặt bia trên đường cái quan khi các ngài tiến ra Bắc. Một số bia khác chỉ ghi một địa danh. Tất cả đều phải ghi lại. Các vị cũng thấy người ta chăm chút sưu tầm những đường nét nhỏ nhất do người Chàm để lại. Chúng ta phải ghi lại những tấm bia An Nam trước khi các bia ấy chịu số phận như bia Chàm. Cũng có nhiều lăng trong vùng phụ cận Huế, chữ lại viết hay khắc trên vôi và nay đã bị xóa sạch không còn đọc được nữa.
Như vậy, cần phải ghi địa điểm các bia cẩn thận chính xác và theo các điều kiện cần thiết tuyệt đối: như ghi chính xác tên của đền, đài hoặc là tên thường tên bằng Hán Việt với đầy đủ các chữ và điền vào làng nào, xóm nào, khu vực nào để dễ tìm kiếm.
Tất cả là công tác ban đầu. Sau khi đã định vị và ghi tên, phải cần miêu tả. Một vài du khách, có thể là người sành điệu miêu tả các lăng tẩm, các phòng ốc cung điện Hoàng gia. Nhưng theo tôi đó chỉ là những đoạn văn mô tả có tính cách văn học dành cho đại chúng. Còn Hội của chúng ta, mục đích đề ra không được thỏa mãn với mức độ đó. Yêu cầu đối với chúng ta là phải chỉ định các kỷ ức lịch sử, với một cách miêu tả chính xác, mẫu mực, chi tiết, tỉ mỉ, nói tóm lại phải khoa học. Chúng ta không thể bỏ qua giá trị văn học nhưng nó chỉ là phụ. Về Kinh thành Huế chẳng hạn, phải ghi tên kỹ thuật tất cả các bộ phận, ghi cả tên thường gọi lẫn tên Hán Nôm tất cả các cửa, các cầu, các công trình bao gồm các đền và nơi thờ cúng rải rác trong các khung thành. Có thể sau khi đã làm việc trên, so sánh thành trì hiện nay và thành trì trước khi Pháp chiếm đóng, một số lớn công trình đã bị xóa đi, có thứ khác thay thế. Tất cả đều phải giữ gìn, kỷ ức loại này cũng như loại khác không phải chỉ là ghi các công trình hiện còn lại, mà phải cả những di tích nhỏ nhặt của các công trình đó còn trên mặt đất.
Một việc làm tương tự đã thực hiện ở cung điện, tôi không biết đã hoàn chỉnh chưa. Tôi có đọc lại cảnh mô tả của cha Koffler để lại về cung điện hoàng gia của Võ Vương vào giữa thế kỷ XVIII: cách miêu tả rõ ràng của vị thừa sai này, là người được phép đi lại tự do ở các nơi kín đáo và đã biết tất cả các đền đài, và tôi xin thú thật rằng đối với một độc giả của thế kỷ XX có thể nghĩ một cách chính xác cách sắp xếp của các nơi này, cho dù lối miêu tả của cha Koffler, dù là đặc sắc nhưng không được khoa học cho lắm, và còn thiếu chính xác nữa. Ông chỉ chú trọng nhiều chi tiết để gây thích thú cho người đọc, nhưng không ích lợi bao nhiêu, và lại lơ là các chỉ dẫn cần thiết để giới thiệu tổng thể cung điện.
Có nhiều công trình phải được nghiên cứu về mặt kiến trúc như: các điện hoàng cung, các cửa thành, các lăng tẩm và vài đền đài. Như vậy là cần một nghiên cứu sơ bộ về chi tiết để tách các đường nét chính của nền kiến trúc An Nam và để biết các phần cơ bản của một ngôi chùa Phật, của một lăng tẩm nhà vua.
Mỗi một công trình đều có lịch sử của nó. Đa số các công trình An Nam đều chỉ quan trọng về mặt lịch sử của nó. Một ngôi mộ nào cũng chẳng có gì khác các ngôi mô trong miền lăng tẩm; nhưng kẻ nằm dưới đó lại có chức vụ quan trọng trong triều. Có nhiều miếu thờ chỉ là một ngôi chùa nhỏ nhưng lại thờ bài vị của một tướng lãnh, bạn chiến đấu của vua Gia Long, một anh hùng giải phóng Đàng Trong trong thời kháng chiến chống Đàng Ngoài. Có nhiều điều để gợi nhớ kỷ niệm một sự kiện lịch sử với sự hỗ trợ của một vị thần linh. Như vậy là chúng ta ghi lịch sử cho các công trình mà chúng ta đã ghi nhận và chúng ta sẽ dựa theo sử của các triều đại, theo các bia đá gắn với các công trình ấy, hay trong các văn khố của các Bộ, hoặc lời truyền khẩu.
Tính chất tôn giáo của một số công trình sẽ mở ra cho chúng ta một con đường mới để nghiên cứu. Đời sống của người An Nam đều bị khống chế bởi tôn giáo trong đời sống xã hội cũng như trong gia đình, tôn giáo được cụ thể hóa bằng các công trình thờ cúng.
Các vị tham quan một số miếu thờ quanh Huế, các vị mục kích một số tượng có mặt lạnh như tiền, nghiêm nghị hoặc nhăn nhó, dữ tợn và trong miếu thờ khác lại có các bài vị sơn son chữ thếp vàng, phủ kín bằng một tấm vải. Các vị yêu cầu giải thích, người gác sẽ trả lời bằng vài từ Hán Việt mà chính họ cũng không hiểu rõ; hoặc người giúp việc giải thích cho các vị: Thưa ông, đây là Phật, đó là ma quỷ. Như thế thì chẳng vừa lòng quý vị đâu.
Mấy bài vị ấy là thờ ai? Những vị linh thiêng nào mà người An Nam tín ngưỡng, đã thờ cúng và cầu khi gặp những trường hợp cấp bách? Những vị thần linh bảo hộ đất nước, làng mạc, làng xóm, gia đình? Các vị thần linh thiêng nào đang ngự tại núi rừng, chủ trì việc trồng lúa hoặc giúp cho ngư nghiệp hay thương nghiệp dồi dào hưng thịnh? Tảng đá ấy vì sao lại đem thờ? Vì sao kết hoa trên cây đa ấy? Người An Nam quan niệm về thần thánh như thế nào? Thiên nhiên đối với người An Nam như thế nào và các biểu hiện tôn giáo như thế nào? Những vấn đề trầm trọng, tế nhị và huyền bí.
Chúng ta phải đóng góp vào, thưa quý vị, để làm sáng tỏ các câu hỏi trên và cung cấp tư liệu cho các sử gia tôn giáo, không phải là xây dựng thêm lý thuyết như vậy sẽ mò mẫm trong lối chung chung mà phải miêu tả một cách trung thành các sự kiện trước mắt chúng ta, bằng cách nên thận trọng các tượng thờ trong mỗi miếu thờ nào đó hay thuật lại một cách thành thật chừng nào tốt chừng ấy một lễ cúng mà chúng ta mục kích - vừa ghi đầy đủ các chữ trên các câu đối; vừa tả lại các vật thờ cúng, bàn thờ, bài vị, các ngai thờ, tượng hình của cúng tế, vừa nêu cách góp thờ cúng, ghi lại các ngày cúng của các vị thần, các lễ vật, và kể lại những việc kỳ lạ về một miếu thờ nào đó, một cây nào đó hay một tảng đá hiển linh.
Đạo Phật An Nam có nguồn gốc từ Ấn Độ, đạo Khổng và đạo Lão cũng từ Trung Hoa đến. Tất cả các đạo giáo ấy xâm nhập vào An Nam từ nhiều thế kỷ. Và các đạo ấy phát triển theo hướng này hoặc hướng khác. Khi các đạo giáo ấy vào An Nam đã gặp các tín ngưỡng trước, điền khuyết, bám vào và chuyển biến đi. Sự hỗn hợp ấy xảy ra như thế nào ? Đó là những vấn đề lý thú. Chúng ta giải quyết được bằng cách tập hợp một cách kiên trì các tư liệu và gom góp các thông tin về chùa chiền, về nơi cúng tế ở Huế và vùng phụ cận.
Cũng có người trong chúng ta bị lôi cuốn vào khía cạnh nghiên cứu nghệ thuật. Than ôi, chúng ta sẽ không bắt gặp nghệ thuật lớn. Trong các đền đài chẳng có gì nhắc nhở mảy may những gì như ở giáo đường Cologne, nhà thờ Đức Bà ở Paris, Versaille hay Louvre. Chúng ta không bắt gặp một bức tượng nào, một bức tranh nào như đầy rẫy ở các bảo tàng châu Âu. Nghệ thuật An Nam còn kém xa, rất xa, cái duyên dáng dị thường và quý giá riêng biệt của các tác phẩm nghệ thuật Trung Hoa hay Nhật Bản. Chúng ta chỉ cần ghi lấy cái gì đến dưới mắt chúng ta. Năng nhặt sẽ chặt bị và sự nghiên cứu của chúng ra sẽ mỹ mãn.
Cũng có thể, cái Hội trẻ của chúng ta từ trước đến nay đã gặp nhiều sự chiếu cố, nên nhờ đó mà có thể xem xét và mô tả các đồ mỹ nghệ cất ở trong hoàng cung, các đỉnh lớn bằng đồng, các vạc đồng, các đồ sành sứ, các tủ, các đồ đạc trang trí cho các phòng cho quần chúng và các thứ quý giá trưng bày trong các miếu thờ.
Tôi có thể nói tại hoàng cung vì nơi đây đầy đủ như một bảo tàng các thứ đẹp nhất về mỹ nghệ mà người ta thấy ở An Nam. Chúng ta cũng có thể tìm được trong các làng xóm An Nam, các gia đình quan lại, các đòn tay chạm và cẩn xà cừ, sơn hoặc thếp vàng nhưng không đâu bằng được về mặt duyên dáng hoặc khả năng lớn về thực hiện bằng các vườn nhà ở các điện của Đại Nội. Và ở đấy lại còn cả một loạt mẫu của các đồ bày biện. Phải chăng sự nghiên cứu đồ gỗ An Nam, của tủ có pa-nô phức tạp, của bàn, bàn thờ, bàn bình thường, trường kỷ bất tiện và to lớn, tấm phản, lại không làm cho một ai đó trong chúng ta ưa thích ?
Tôi thích nói đến đồ sành sứ. Biết bao nhiêu ý kiến không chính xác, những điều mơ hồ giữa các vị nghiên cứu sưu tầm của “men lam Huế” và cho đến nay, trong những người sưu tầm hiện tại. Chúng ta phải khẩn trương lên, không phải vì chúng ta là người sưu tầm mặc dầu không đến nỗi tệ, đúng lúc, để sưu tầm đồ mỹ nghệ. Nhưng chúng ta phải miêu tả kịp thời và chụp ảnh lại các mẫu quý hiếm còn tồn tại để giữ lại ký ức. Nhưng khổ thay muốn tìm được loại “men lam Huế” đẹp nhất lại phải qua Pháp và ở đây lại trong tay các tư nhân ! Một sưu tập các đồ sành sứ Trung Hoa mà ngày xưa các vua chúa và quan lại triều đình Huế dùng chắc cũng không bị chuyền đi nơi khác, và tôi nghĩ còn ở Huế. Và sau này các loại đĩa có chữ thọ, mà cách đây mấy năm, có thể kiếm dễ dàng, thì nay đã trở thành hiếm hoi và nay lại phải tranh nhau mua giá như vàng.
Về khoản này, không nên coi thường cái gì cả. Ngay một mẫu đồ vật không mang tính nghệ thuật nào cũng có thể dấy lên một vấn đề đáng quan tâm. Một cái đĩa lót cũng khiến ta tự hỏi ở Huế có chăng một xưởng trang trí đồ sành sứ hay không, kỹ thuật như thế nào, thao tác ra sao, làm trong bao lâu. Vấn đề sành sứ Huế gắn liền với câu hỏi này.
Trong khi đi tìm những biểu hiện khác nhau của nghệ thuật An Nam về chạm trổ hay họa, chúng ta có thể bắt gặp nghệ thuật Trung Hoa. Và hai loại phù hợp chặt chẽ vào nhau, chắc chắn rồi. Nhưng lại lệ thuộc quá đáng ? Người An Nam có còn giữ lâu dài các đường nét của một rường nhà, một đồ đạc hay là họ sửa đổi cho phù hợp với ý thức của họ hoặc các thứ cần thiết trong đời sống ? Các mẫu trang trí phải đúng như của Trung Hoa trong từng chi tiết hay không ? Các hồi văn, các tua, các hoa quả, tứ linh tượng trưng cho sức mạnh huyền bí, tứ bình, bát trận, các mẫu ấy có thay đổi theo ý của nghệ sĩ An Nam hoặc theo thiên tài của dân tộc hay không? Phải có một nghiên cứu tỉ mỉ về chi tiết trên đồ gỗ, trên các pa-nô chạm trổ ở các cửa, trên các đố bản của ngôi nhà An Nam, trên các sườn chạm trổ hay cách tô màu của thợ An Nam, các viền mái, bình phong các chùa hay nhà tư nhân mà chúng ta mới thấy có thật sự một nền nghệ thuật An Nam và có tính chất khác biệt gì, và vì sao phát triển như thế và đến mức độ nào đó khác với nghệ thuật Trung Hoa.
Khi đã làm tất cả các loại nghiên cứu như trên mà tôi đề cập nhanh gọn như vậy, là chúng ta đã phớt qua lịch sử: chúng ta viết lịch sử của một đền đài, chúng ta kể lại cuộc đời của một người nằm trong lăng, được thờ trọng vọng trong một ngôi đền. Đó là chúng ta viết sử một bộ phận. Nhưng còn bao nhiêu nhân vật đã có công với Huế mà chúng ta không thấy lăng mộ ghi lại: các ông hoàng, các vị đại thần, kể cả các vị thầy tu. Và còn chính sử của Huế mà cần phải viết, nghĩa là sự nối tiếp tuần tự các sự kiện liên quan đã xảy ra trên đất Huế. Còn lại các ngành khoa học phụ thuộc lịch sử địa lý của đất nước qua các thế kỷ, cổ tiền học.
Tất cả các thứ ấy, chúng ta có những thông tin trong các phẩm hoặc các sưu tập mà chúng ta dùng trong cách nghiên cứu của chúng ta về chi tiết: biên niên sử các vua Nguyễn, vị các vị danh nhân đất nước, các văn khố Ân châu và An Nam.
Các vị thấy đấy, chất liệu dùng để nghiên cứu rất phong phú. Đáp ứng với tư tưởng thầm kín của các vị, tôi còn có thể nói rằng chất liệu ấy kết thành một tổng thể choáng ngợp. Nhưng dù sao cũng không nên nản lòng. Nó tạo cho chúng ta cơ hội để thực hiện là làm việc theo sở thích và để tỏ thiện chí của mình.
Các tổ chức mà chúng ta dựng lên sau này không xây bằng tảng đá lớn mà bằng mảnh đá nhỏ, dễ thao tác và đẽo mài dễ dàng, hơn tùy sức của chúng ta. Khoa học không phải những điều vĩ đại rộng thênh thang và cao xa của những trí óc kỳ diệu. Nó chỉ dựa trên sự kiện rất nhỏ của những chi tiết chính xác. Mỗi một người trong chúng ta biết được vài mẩu của sự kiện ấy và nếu tập hợp các sự kiện ấy lại, chính chúng ta không phải khó khăn lắm, chỉ yêu cầu nhìn xung quanh ta, hoặc hỏi, hoặc nghe, chúng ta đã góp phần vào một công trình có tính khoa học cao[3].
Và chỉ hai năm sau, trong Hội Đô Thành Hiếu Cổ số 2, năm thứ 3, tháng 4 tháng 6 năm 1916, có nhan đề chung “Hué Pittoresque” (Huế mỹ lệ) trong bài nhan đề “La merveilleuse Capitale” (thần Kinh), Cadière đã cho Huế là một linh địa, và đã cho rằng cái tạo nên vẻ đẹp và dáng hùng vĩ của Huế không chỉ là cảnh sắc của nơi mà Huế được tạo dựng nên, cũng như không chỉ là phong cảnh vùng phụ cận, mà theo Cadière, theo nhãn quan người Việt, đó là do các đảm bảo kỳ bí của các thế lực siêu nhiên trong sự sắp xếp theo phong thủy, thế đất địa lý của núi sông, của đảo, của cảnh trí thiên nhiên hay cái phương tiện dự phòng do con người tạo dựng: ngọn đồi nơi dựng chùa Thiên Mụ, núi Ngự Bình, cầu Bạch Hổ ở phía Tây, cống Thanh Long ở phía đông, trục của kinh đô được đặt theo hướng thuận lợi, ngày dựng cung điện được chọn đúng ngày lành; đó cũng là do sự bảo trợ của các đấng thần linh coi sóc kinh đô, chăm lo nơi chân thành, hốc hố, nơi cửa thành, nơi các bến sông ở Ngự Hà, nơi các khẩu thần công đang bảo trợ kinh thành, và nơi các khẩu trọng pháo bắn lên vào những giờ đã định; nơi các công sở quốc gia, từ những điểm cao nhất cho đến những việc tầm thường nhất; đó là những vị thần vô danh cư ngụ nơi các đường lớn, các ngã tư, hạn định ở một cây, trên một phiến đá, hoặc nơi các pho tượng cũ đã được vứt bỏ.
Cadière đã diễn tả tuyệt vời như sau:
Thần Kinh là tên Thiệu Trị đặt cho Huế khi nhà vua vịnh 20 thắng cảnh của nơi này. Qua đó nhà vua không chỉ nghĩ đến khung cảnh diễm kiều nơi xây dựng Kinh thành đế đô: Sông Hương với đôi bờ ngọc biếc, những ngọn đồi nhuộm đồng sạm đỏ điểm mấy gốc thông sẫm màu, những cánh đồng phì nhiêu, nhưng lâu đài dinh thự sặc sỡ đã rêu phong, những thành quách sẫm màu nắng cháy, những vọng lâu uy nghi, những chiếc cầu nặng nề, những ngôi làng ẩn giấu sau những bờ tre, bầu trời quang, dãy núi xa hai lần bọc quanh toàn tổng thể, nơi đây thì bằng một màu đỏ chói vờn xanh, đằng kia thì với một màu thiên thanh mờ đục trắng sữa điểm chút ráng vàng hay nhuộm màu tím sẫm.
Vị vua trẻ đã ca ngợi phong cảnh ấy trong những bài thơ của mình. Nhưng cái chính yếu rõ nhất, đó là đặc điểm thần thiêng, đã tạo nên cái hoành tráng cho đế đô nhà Nguyễn. Chính cái sức mạnh siêu nhiên đã giúp tìm được một nơi định vị thâu hút được cái năng lực thiên nhiên và các siêu lực của thế giới vô hình. Chính cái quyền lực tài tình đó, những phòng thủ ma lực, hoặc do thiên nhiên, hoặc do tay người dựng nên, đã bao phủ che chở tứ phía, gạt xa đi những hiểm họa hung dữ. Chính cái hùng mạnh không nơi nào có, cái an toàn quang tĩnh, cái vĩnh hằng muôn thuở đã ban cho chốn này cũng như triều đại chọn nơi đây làm cơ nghiệp, những ảnh hưởng vô hình, dưới đất cũng như trên trời, đang hội tụ đổ về trên nó.
Những đặc ân siêu nhiên của khung cảnh Huế đã không ngừng đánh động các đế vương Việt Nam. Biết nói sao đây? Rất lâu trước khi gia đình nhà Nguyễn xuất hiện trên diễn đàn lịch sử, thì những vùng quanh đế đô này cũng đã được chú ý bởi lẽ nó ở vào một vị thế rất tốt đứng về phương diện phong thủy.
Chúng ta cũng không biết do đâu mà các nguyên soái tướng lĩnh Trung Hoa thời Hán đã đến xây dựng thủ phủ Nhựt Nam ở Tây Quyển vào năm 111 trước công nguyên. Nơi đây, sau này, dưới thời Chàm trấn lĩnh, vào khoảng thế kỷ thứ III, thứ IV sau công nguyên, mang tên là Khu Túc. Theo một giả thuyết, có người cho rằng dấu vết còn đâu đó ở vòng thành Chàm bao quanh Hổ Quyền.
Nhưng theo lưu truyền được các nhà biên niên sử thời Nguyễn kính cẩn ghi nhận thì vào khoảng thế kỷ thứ IX, tướng lĩnh Trung Hoa, thái thú Cao Biền, vừa nổi tiếng vì những chiến công vang dội và còn vì những hiểu biết về thuật phong thủy, ông này đã tiên đoán được tầm mức quan trọng sau này của vị trí quang cảnh Huế và lấy làm lo ngại. Đường đất nứt người ta thấy sau ngọn đồi xây chùa Thiên Mụ có giả thuyết cho là do vị danh tướng này đào bới để vô hiệu hóa quyền lực siêu nhiên mà ông ta đã thấy ở mô đất.
Quả là hoài công lo lắng ! Vị sáng lập triều Nguyễn cũng đã để ý đến ngọn đồi, “có hình dáng một con rồng ngẩng đầu để nhìn lại đằng sau”, và rồi thì xuất hiện “một Bà Nhà Trời” Thiên Mụ, - Chùa đã mang tên ấy - “mày tóc trắng bạc, nhưng dáng dấp vẫn còn linh hoạt trẻ trung, mặc áo dài đỏ quần xanh lục”, bà tiên báo có vị nguyên chúa sẽ đến lấp lại long mạch đã bị đứt đoạn từ mấy thế kỷ nay. Để hội tụ lại những ảnh hưởng siêu nhiên ở nơi tiền định này, vào tháng 6 âm lịch năm 1601, Nguyễn Hoàng đã xây cất ở đó một ngôi chùa Phật - dấu tích chiếm lĩnh đầu tiên của nhà Nguyễn ở chốn này, nơi về sau sẽ trở thành đế đô thủ phủ. Sự chiếm lĩnh này mang một tính chất tôn giáo y hệt cái nguyên cơ thu hút sự chú ý của Nguyễn Hoàng, một nguyên cơ mang tính ma thuật huyền bí.
Nếu ta đi dọc giữa hai bờ sông Hương về đền Khổng Tử, ta sẽ thấy phía dưới đường chân trời gồm những ngọn đồi và những đỉnh núi cao, tầng tầng lớp lớp rất ngoạn mục với những màu sắc tương phản, con sông trải ra giữa hai ngọn đồi, một bên là ngọn đồi Thiên Mụ với tháp Phước Duyên, bảy tầng ngất ngưởng như chọc thủng trời xanh để đưa xuống những nguồn phúc lộc, và bên kia hữu ngạn là mô đất Long Thọ, trường sinh bất tử. Mô đất này cũng có những đặc tính nhiệm kỳ mà sau này các thầy địa lý của Triều đình Việt Nam cũng tìm thấy, công nhận. Nó hãn ngữ dòng chảy của sông Hương, tưởng như gối đầu lên nước, và nghiêng nghiêng đối diện qua đồi Thiên Mụ, tạo thành một thế phong thủy gọi là “cánh cửa thông thiên và trục xe địa phủ”. Từ ngữ diễn tả cũng gợi ra cho ai dù khó tin nhất vào những chuyện vô hình cũng hình dung được cái tầm quan trọng của cảnh quan.
Năm 1824, Minh Mạng cho xây trên ngọn đồi này một vọng lâu nhỏ. Có lẽ nhà vua là người ham chuộng thơ văn và cảnh đẹp nên đã từng đến đó để chiêm niệm và ngắm cảnh hoàng hôn dưới những bóng thông màu xám sẫm.
Cảnh chiều... quả là tuyệt diệu ! Mặt trời tiến dần về “Mõm Lúi”, nơi thần thánh cư ngụ, phía tây Kinh thành Huế, mõm này chế ngự cả dãy núi chất chồng với hai lần chóp đỉnh, ánh sáng không trung nhạt dần như để làm nổi bật màu sắc lóng lánh sáng tỏa những đám mây bay lướt trên sườn núi ở chân trời. Màu sắc mờ nhạt hoặc trở nên dịu hơn khiến cho dòng sông kém biếc, đồng ruộng kém xanh, những cụm tre làng sẫm lại. Cùng lúc mặt trời lặn xuống, mặt sông trở thành một tấm gương soi khổng lồ bằng kim loại, khi thì bằng bạc ròng, khi thì bằng đồng sáng hoặc bằng vàng. Những con thuyền bé tý như những vạch đen nổi bật trên mặt nước óng ánh, thêm vào cái sắc màu hoạt động của con người trên những con nước hình như cũng đang vui hưởng một cuộc sống đậm đà và sâu kín qua những linh động của màu sắc phản chiếu, qua những vân sóng lướt nhẹ từ bờ này sang bờ kia, qua những đốm sáng chợt xuất hiện ngời lên dưới đáy sâu hoặc tung lên trên mặt nước, qua những sắc thái lần lượt xuất hiện, biến đổi rồi mất hút đi.
Rồi đỉnh núi bỗng điểm hình rõ nét trong chốc lát trên nền trời đỏ ối. Mặt trời biến mất. Con nước dòng sông bỗng mất ngay vẻ ngời sáng. Nó chuyển dần qua màu úa nhạt rồi tắt đi trong bóng tối sẫm.
Một khúc hò, nhịp cùng mái đẩy vang lên trong màn đêm yên lặng, khi thì cất cao ngân tiếng, lúc thì hạ dịu rồi bỗng ngắt quãng với tiếng vỗ mạnh của mái chèo vào con nước. Đó là một chuyến đò đưa, về muộn, chở mấy cô gái trở về sau buổi chợ xa.
Ta hãy dừng lại khoảng giữa cột cờ Thành Nội và đền Khổng Tử. Một ngôi chợ lớn có con đường vắt qua, nơi đây Công Thượng Vương, vị thứ ba trong các chúa Nguyễn, đã lập thủ phủ vào năm 1636. Thân phụ ông, tức Tế Vương đã rời vùng Quảng Trị, và định cư ở Phước Yên, cách Huế khoảng 10 cây số về phía Bắc. Đại Nam thực lục đã cho ta biết lý do Công Thượng Vương đã rời bỏ nơi này.
“Vị thế nơi đây (Phước Yên) quá hẹp. Địa hình non nước Kim Long lại đặc sắc nên Vương đã ra lệnh xây cất dinh thự, nhà ở và thiết lập chiến lũy cùng các công trình phủ thủ ở đây”.
Toàn bộ câu trên đã hàm chứa nhiều ý nghĩa phong thuật. Khi bàn về huyệt mộ, một mảnh đất mà người chết được thoải mái sẽ đem lại kết quả là con cháu người quá cố sẽ được hạnh phúc bền lâu. Ngược lại, một khoảng đất hẹp thì người chết như bị vây hãm áp bức bởi những ảnh hưởng tai họa của vùng đất, sẽ mang lại tai ương cho gia đình người quá cố. Bởi thế, khi chọn vùng đất cư ngụ cũng không được chọn vùng đất hẹp vì gia đình sẽ không triển nở dài lâu. Tế Vương đã không xem kỹ khi lập nghiệp ở Phước Yên. Quả thật, đồng bằng nơi ông thiết lập dinh thự không có được những vẻ kiều diễm của vùng quanh Huế: chẳng có độ cao nào quanh vùng trực thuộc, nơi nơi chỉ là đồng ruộng, sông ngòi cùng những con lạch. Tuy vậy, trước đây cũng đủ rộng đối với triều đình Nguyễn ở phương Nam, thuở còn tầm mức chưa được lớn, ngần ấy đủ để có thể lập nghiệp một cách thoải mái. Người ta không thể đặt ở đó nền móng của một Kinh thành có tầm mức như Kinh thành Huế. Nhưng liệu Công Thượng Vương, vào nửa đầu thế kỷ XVII, đã thấy trước được rằng, sau hai thế kỷ, kinh đô mình sẽ mở rộng như thế chăng? Chắc hẳn rằng, khúc quanh sông không mấy rộng, về mặt địa hình, như thắt Phước Yên lại là một trong những nguyên nhân quyết định việc dời đô; đối với những ai hiểu tâm trạng người Việt, thì lý do chính yếu ở đây không chối cãi gì, là sự chật hẹp về phương diện phong thủy. Cái chật hẹp này đối ngược với sự phát triển tương lai, với sự phát triển của triều đại, hay đúng hơn, cả hai lý do ấy chỉ là một, vì rằng trong tâm trí người Việt, những điều kiện vật lý của một nơi nào đó, với các đặc điểm siêu nhiên, ảnh hưởng của nó trên hạnh phúc và bất hạnh của con người, tất cả đều liên đới chặt chẽ với nhau, mật thiết ràng buộc bất khả ly. Nói đúng hơn, chỉ là hai khía cạnh của một vấn đề duy nhất.
Ngược lại, ở Kim Long, địa hình núi non sông nước chẳng có nơi nào sánh kịp. Quả thật, từ bờ sông Kim Long toàn cảnh chiêm ngắm vượt xa nhiều khung cảnh ta thấy được đứng từ trên những đồi núi Phước Yên. Nhưng ở đây chính xác cũng chẳng phải là cái ngoạn mục. Sông núi ở vị thế hài hòa, với đường hướng thuận hợp, hoặc ít nhất thì cũng phù hợp với mệnh đạo mỗi người. Đối với người Việt thì đó là những nhân tố tối quan trọng cho vận mạng hung cát của mỗi cá nhân hay mỗi gia đình. Chính điều ấy quả thật quyết định việc chọn thủ phủ mới của Công Thượng Vương. Vào lúc mà người phương Bắc đang cố gắng để bóp trên cái vương quốc non trẻ ở Đàng Trong; vào lúc mà các chúa Nguyễn ở Huế cũng đang chống chọi với những phần tử trong dòng họ đang theo cách với kẻ thù, Công Thượng Vương muốn gởi gắm sự an toàn cá nhân và tương lai triều đại dưới ảnh hưởng của một nơi thuận hợp.
Khoảng năm mươi năm sau, vào 1687, Ngãi Vương, vị chúa thứ năm của Huế lại dời đô nhà Nguyễn xuống khoảng một hai cây số, nằm trên linh địa Phú Xuân. Từ đó chỉ thay đổi vài trăm mét là cùng.
Ta hãy xét xem những ưu điểm kỳ bí nơi Ngãi Vương đã chọn và hậu duệ của ông đã giữ cho tới ngày nay.
Mỗi kinh đô, theo một truyền thống lâu đời, mặt chính đều quay về hướng nam. Vào năm 1833, khi Minh Mạng cho thực hiện một số trùng tu quan trọng ở trong Nội thành cũng được góp ý trả lời như thế. Ông đã cho dịch điện Thái Hòa, xây Đại Cung Môn và dựng cửa Ngọ Môn. Trục cư ngụ của Hoàng đế phải được định vị theo hướng từ “tí” đến “ngọ” hoặc là từ “quí” đến “đinh” hay là từ “nhâm” đến “bính”, hoặc cuối cùng là từ “càn” đến “tốn”. Mọi đường ấy theo la bàn phong thủy phù hợp với các hướng gồm giữa tây bắc - đông nam và đông bắc - bắc và tây nam - nam. Thỉnh thoảng có hơi lệch nhẹ về hướng tây hoặc hướng đông.
Hướng truyền thống ấy, có lẽ thậm chí còn là hướng qui thức, đảm bảo cho sự trù phú và quyền lực cho chế độ, cho triều đại lập cơ nghiệp ở đó, cho toàn thể vương quốc mà nó là trung tâm điểm. Những địa hình thiên nhiên của mảnh đất, núi non, sông nước, còn làm tăng trưởng thêm cái hỗ trợ đầu tiên những ảnh hưởng tốt lành, và chính đó là một trong những đặc điểm của Kinh thành, vừa được định hướng theo như truyền thống, vừa đảm bảo có được thời cơ thuận tiện của địa hình như là những dấu chỉ về hoạt động thần bí của những yếu tố tiềm ẩn, những sức mạnh vô hình, Bạch Hổ, Thanh Long.
Ba cây số về phía trước cột cờ, nghĩa là về phương nam, nổi lên một ngọn đồi, Ngự Bình, “Écran du Roi”. Cái tên người Âu dùng để chỉ ngọn đồi không phải là sự bịa đạt vô cớ.
Chẳng qua đó là dịch chính xác tên gọi Hán Việt diễn tả rõ vai trò của ngọn đồi. Trước chùa, và cũng thường thấy trước mộ hoặc trước nhà, người Việt thường dựng một bình phong, nơi thì bằng vôi gạch, hoặc trang trí công phu, hoặc không vẽ vời, đơn giản, nơi thì bằng đất hoặc tạo hình bằng cây nhỏ để “chống gió”. Đừng nghĩ rằng đó là gió hoặc lam chướng độc hại, bởi lẽ dịch khí giết người do thiên nhiên thì có lẽ đến từ tứ phía. Nhưng người Việt muốn tránh ở đây những độc hại ở bình diện siêu nhiên. Chúng đến qua khung trung và ít nhiều được nhân cách hóa. Để vào nhà, chúng cũng dùng những con đường người thường đi, con đường vào nhà, cửa ngõ. Để buộc chúng phải đổi hướng và nhờ đó xa lánh chúng được, người ta đã dùng bình phong che chở. Đó chính là vai trò của Ngự Bình đối với vương phủ và toàn bộ Kinh thành. Nó bảo vệ nhà Nguyễn và người dân Huế khỏi những ảnh hưởng xấu từ phương nam. Đại Nam thực lục rành rành kể điều ấy như sau: khi Ngãi Vương dời đô về Phú Xuân vào năm 1687, “đã dùng ngọn núi phía trước, ngày nay là Ngự Bình, để làm bình phong che chở”. Quả thật hình dáng ngọn núi, đứng từ phía Bắc nhìn xuống, hai bên thì đều đặn, chỏm núi phẳng, gợi ra đúng hình ảnh của một cái bình phong. Tôi nghĩ chúng ta hẳn không đi quá xa khi nói rằng chính vì muốn lợi dụng được ảnh hưởng của cái bình phong thiên nhiên này mà Ngãi Vương đã cho dời thủ phủ xuống Phú Xuân.
Có phải chỉ để trụ cờ và để ngọn cờ nhà Nguyễn được phấp phới cao hơn mà người ta đã cho xây cất chính giữa mặt nam của Kinh thành, đúng vào trục những cung điện chính, ba tầng lớn ở kỳ đài ? Và phải chăng là để hỗ trợ thêm sự phòng thủ linh thiêng cho Kinh thành, tăng cường thêm ảnh hưởng bảo trợ của Ngự Bình ?
Và những mô đắp cao nổi bật trên những tường thành thứ hai, tức là Hoàng thành, phía bắc, phía tây, phía đông, là chỉ để làm nơi hóng mát, hoặc những đài quan sát chống những kẻ thù bằng xương bằng thịt; hay đúng hơn, phải chăng là để chống lại những địch thủ vô hình có thể làm hại dân thành ?
Và cái mô cao phía nam, dựng lên như một khối thép, mặt thành nhẵn lì, ở góc tây nam Kinh thành, không có một công dụng kỳ bí sao ?
Có thể giả thiết rằng vua Gia Long khi bắt đầu xây dựng Hoàng thành và Tử Cấm thành ngày 9 tháng 5 năm 1804, ngày “Kỷ Vị” thì vào ngày 1-5-1803, ngày “Ất Vị”, ông ta đã phân định La thành, ngày “Quí Vị” 28-5-1805, nhà vua cho dựng lên thành lũy, ban đầu bằng đất, rồi dần dần bằng gạch. Bằng những việc làm trên, có lẽ Gia Long đã hết sức củng cố thêm những phòng thủ ma thuật thiên nhiên mà tiên chúa Ngãi Vương đã dùng tới.
Nếu Ngãi Vương khi dời đô về Phú Xuân để được Ngự Bình che chở, thì ông ta lại đã đặt Kinh thành vào một nguy cơ khác, vừa thiên nhiên vừa siêu hình: con nước của dòng sông đe dọa sự an toàn.
Vào thời ấy, bản đồ hệ thống sông lạch vùng quanh Huế không phải như bây giờ. Việc xây dựng Kinh thành, việc đào bới kênh lạch bên ngoài và hệ thống thủy lợi, việc lập bớt một số dòng nước đã biến đổi nó rất nhiều. Dòng sông chảy qua Huế, ngang chợ Kim Long bây giờ, có một nhánh chảy xéo qua Kinh thành hiện tại, từ tây sang đông. Ta còn thấy dấu tích của nó ở phía trên và dưới các thành lũy. Con nước của con lạch này, lũ vào mùa thu, đánh vỗ dữ dội vào sườn tây của thủ phủ mới. Thế là lệnh truyền ban bố phải xây dựng một công trình bằng đất để chống đỡ sự hủy hoại do dòng sông.
Không biết các bạn có để ý là khi một dòng sông hay một con nước nào đó có phần chảy đâm thẳng vào một ngôi làng hay một thôn xóm hoặc đơn giản là một ngôi nhà, một ngôi chùa nào đó, người Việt liền dựng lên giữa họ một dòng nước chảy đầy đe dọa, một đập nhỏ bằng đất, rồi đặt lên đó một viên đá chắn. Sự phòng thủ ma thuật này sẽ che chở cho họ khỏi những ảnh hưởng tai họa của dòng nước. Nếu giải thích ở đây lý thuyết của tập tục này thì dài dòng lắm. Cứ đi vào các vùng trực thuộc Huế, các bạn sẽ thấy các chứng tích dọc theo các kênh lạch, bên lề bờ của mọi con đường.
Có người có thể cho rằng bờ đất của Ngãi Vương dựng lên bên phải thủ phủ mình là một bờ đập dài, chắc chắn nhằm hãn ngử sức mạnh của dòng nước vào mùa lũ. Đối với tôi thì chắc chắn đó là một công trình tương tự như các đê đập tôi vừa nói tới, nghĩa là quả thật đó là hệ thống phòng thủ ma thuật thần bí để bảo vệ kinh thành.
Con người sinh ra, vẫy vùng chốc lát, đong đưa giữa hai bờ sướng khổ, bị thu hút toàn lực để được sướng vui. Nhưng định mệnh đối nghịch, cứ không ngừng kéo về cái khổ, rồi biến mất đi. Sự xuất hiện của con người ở trần thế, cuộc sống, hành vi, cái chết quyện lẫn vĩnh viễn vào cái tổng thể những quyền lực nhiệm kỳ trấn áp trên họ, liên kết với tinh tú thinh không, hoặc âm ỉ dưới chân họ, ấn dấu trong lòng đất. Những sức mạnh bên trên, bên dưới không tạo thành hai cõi tách biệt mà chúng mật thiết kết hợp với nhau, tạo thành một tổng thể hài hòa, mặc dầu vô cùng phức tạp.
Con người để đạt hạnh phúc, tránh được phiền khổ, phải biết phù hợp tiến trình cuộc sống mình, trong từng chi tiết một, với những mệnh đạo do những tổng thể sức mạnh siêu nhiên đang chế ngự nó; bởi vì định mệnh con người một phần an vị bất biến theo tiên chỉ, nhưng nó cũng tùy thuộc một phần vào cách xử thế. Đời sống của một đế đô, việc xây dựng dinh thự, thành lũy, việc định trục tìm hướng, không thoát ra ngoài những luật chung đó.
Để được thuận với những ảnh hưởng thiên giới, có được sự giao hội của các hành tinh, của việc chuyển dịch các tinh tú, việc xoay vần đều đặn của mặt trời mặt trăng, sức thu hút của bốn hướng, người ta phải nhờ đến các quan “thiên văn” qua những tính toán phức tạp, mới chọn được ngày giờ để thượng lương từng dinh thự một, từng cung điện một, hoặc xây cất các nơi ở Nội thành hoặc Tử Cấm thành; và để công khai hóa, các ngày tháng này được ghi lại trong văn khố hoặc được nêu ra trong biên niên sử chính thức.
Các ảnh hưởng của đất thì song hành như vừa là nguyên lý tác tạo, vừa là nguyên lý làm sống động toàn vũ trụ. Thanh Long và Bạch Hổ, chúng là những nhân tố hiện thân hóa các ảnh hưởng trên, có khi thì kết hợp có khi lại giao tranh. Chúng được thể hiện ra bên ngoài, khi thì dưới dạng đồi núi, có khi chỉ bằng một mô đất đơn giản và bằng con sông lạch hay một mảng nước. Núi Ngự Bình, ngọn đồi đền Khổng Tử, đồi Long Thọ, đó là bằng chứng thể hiện sức mạnh ẩn chìm dưới đất. Các công trình quanh Hoàng thành mà tôi đã nhắc tới, cũng là các chứng tích do bàn tay con người để điều chỉnh hoặc bổ sung cho thiên nhiên.
Thử nhìn trên bản đồ thành phố ngày nay, các bạn sẽ thấy đối diện với cung điện, ở phía nam là Ngự Bình, bình phong thiên nhiên. Ở hạ nguồn và thượng nguồn của Kinh thành là hai hòn đảo lớn nổi giữa dòng sông, đầu như hướng về phía Kinh thành. Hòn đảo phía hạ nguồn, nằm bên tả Hoàng đế khi ngồi trên ngai hướng về phía nam, biểu hiện cho Thanh Long. Còn hòn đảo phía thượng nguồn, bên hữu hướng trục của cung điện là Bạch Hổ. Vì theo các qui luật phong thủy, để cho một nơi nào đó được thuận hợp thì phải là tả Long hữu Hổ. Hai nguồn ảnh hưởng ấy hội tụ về cung điện Hoàng đế rồi tập trung tại đó. Để định cái địa thế tốt đẹp này bằng danh xưng, chiếc cầu ở mút phía đông đầu kênh bắc qua Kinh thành do Minh Mạng cho xây dựng năm 1830 mang tên là cầu Thanh Long; và chiếc cầu bắc qua kênh phía tây Kinh thành, trên con đường Khổng Tử, gọi là Bạch Hổ. Các danh xưng ấy thừa nhận một sự kiện: sự biểu hiện thực thể ảnh hưởng của Thanh Long và Bạch Hổ ở phía đông và phía tây của Kinh thành, phía được dâng hiến cho các động vật siêu nhiên này. Mà cho dù thực thể ấy không hiện hữu đi nữa thì việc đặt tên Rồng và Hổ cho các bên tả hữu của Kinh thành cũng đủ để thu hút và yên định ảnh hưởng nơi đây để triều đại và vương quốc được phong nhiêu thịnh vượng [4].
Song song việc xuất bản Tập san Đô Thành Hiếu Cổ, hai công tác khác của Hội Đô Thành Hiếu Cổ được quan tâm là việc thiết lập một thư viện và một bảo tàng viện.
Với tôn chỉ và mục đích của Hội, chắc chắn phải nảy sinh nhu cầu tham khảo, thâm cứu và từ đấy việc thành lập một thư viện của hội được đặt lên hàng đầu. Chúng ta còn nhớ tháng 6-1908 vua Duy Tân cho dời Quốc Tử Giám từ làng An Ninh về xây dựng trong kinh thành. Triều đình đã cho tháo gỡ Di Luân Đường 5 gian 2 chái ở địa điểm cũ vào địa điểm mới, tháo gỡ Minh Trưng Các và điện Long An ở bờ bắc Ngự Hà vào khuôn viên Quốc Tử Giám mới. Minh Trưng Các được cải chế thành cái gát ở bên trên Di Luân Đường thành nơi thờ vọng Đức Khổng Tử và các môn đệ kiệt xuất nhất của Ngài. Còn điện Long An dời đến vị trí phía sau Di Luân Đường, làm thư viện cho Quốc Tử Giám, gọi là Tân Thư Viện, mà sau này là nơi hội họp ra mắt Hội Đô Thành Hiếu Cổ.
Linh mục Cadière đã đưa ra điều kiện nội cung cần có và chương trình tuần tự để thiết lập thư viện. Một hội viên, ông Henri Cosserat hiến tặng trọn vẹn tủ sách gia đình cho thư viện. Từ 1917 Cadière đặt mua từ Thượng Hải một số sách tham khảo quan trọng về lịch sử, ngôn ngữ học, dân tộc học để làm nòng cốt cho thư viện. Nhiều hội viên đóng góp nhiều tư liệu và sách giá trị, kể cả sưu tập ảnh và tranh in cổ và mới, làm phong phú thêm thư viện. Không lâu sau, ngày 13-1-1920, thư viện chính thức khai trương. Năm 1922, toàn quyền Pasquier tặng thư viện nhiều phó bảng sách có trong thư viện tòa khâm sứ Trung Kỳ. Một hội viên khác, ông H. Peyssonaux lục lại các hiệu có bán sách cổ ở Paris, mua được nhiều tác phẩm quý, mang về phục vụ Hội, và ông được đề cử phụ trách thư viện. Với hoạt động thư viện này, Hội Đô Thành Hiếu Cổ đã phục vụ tốt cho giới nghiên cứu trong ngoài Hội và đưa lại nhiều kết quả tốt cho việc phát huy hoạt động tìm hiểu văn hóa lịch sử... của Huế.
Bên cạnh hoạt động thư viện, hoạt động bảo tàng cũng là mục tiêu của Hội Đô Thành Hiếu Cổ.
Bấy giờ, nhiều tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam bao gồm đồ gỗ, tượng điêu khắc, đồ đồng, đồ sứ, ngọc ngà đã bị săn đuổi, chiếm hữu, hoặc bị đưa ra nước ngoài bày bán trong các gian hàng bán đồ cổ và trong các cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật, làm giàu cho các bộ sưu tập tư nhân và các bảo tàng ở châu Âu. Trước tình trạng đó, xuất phát từ lòng trân trọng quá khứ và yêu thích nghệ thuật, Hội Đô Thành Hiếu Cổ đã cố gắng bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật vô giá bằng cách tập hợp ở Tân Thư Viện tất cả những gì gợi nhớ đến quá khứ huy hoàng đã qua, những lễ nghi và phong tục của người Việt và đời sống cung đình của vương triều Nguyễn ở Huế.
Trong phiên họp ngày 30-4-1914 của Hội Đô Thành Hiếu Cổ, ông Richard Orband đã công bố một bài nghiên cứu về những đồ đồng đúc dưới triều Minh Mạng (1820-1841) do triều đình Nguyễn trao tặng và quyết định đưa những hiện vật này ra trưng bày. Đây có thể xem là những khởi động cho việc ra đời một bảo tàng tại Huế.
Từ 1915, số cổ vật do Hội viên Hội Đô Thành Hiếu Cổ sưu tập và đưa về lưu trữ tại Tân Thư Viện ngày mỗi nhiều. Dưới sự hướng dẫn của Edmond Gras, các hội viên tiến hành du khảo ở Nham Biều (nay thuộc Hương Hồ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế), đã tìm thấy được tượng Dvãrapãla đứng, không còn đầu cùng một phần bệ Yoni có bố cục hình tròn chạm trổ hai lớp cánh sen, cũng được đưa về Tân Thơ Viện. Năm 1917, Cadière thu thập từ Xuân Hòa (nay có lẽ là Dương Xuân Hòa, Thủy Xuân, thành phố Huế) một số tác phẩm điêu khắc Champa gồm một đỉnh tháp có trang trí, tượng Gajashimha, hai đầu thủy quái Makara và một Linga làm giàu thêm cho sưu tập tại đây. Năm 1917, Hội Đô Thành Hiếu Cổ tiếp tục nhận thêm nhiều hiện vật gỗ quý hiếm do những người thừa kế của ông L. Dumoutier trao tặng và bốn bộ trang phục do vua Khải Định ban.
Trước tình hình cổ vật thu thập ngày một nhiều, Khâm sứ Trung Kỳ bấy giờ là P. Pasquier, người đánh giá cao những nỗ lực của Hội Đô Thành Hiếu Cổ, đã quyết định cho phép mở rộng hoạt động của Hội bằng việc đề xuất thành lập một bảo tàng tại đây, hoạt động dưới sự bảo trợ của Hội Đô Thành Hiếu Cổ. Để khởi động cho việc thành lập bảo tàng, tháng 10-1922, Khâm sứ Pasquier đã ban hành một quyết định cấp cho Hội Đô Thành Hiếu Cổ một khoản tiền là 3000 đồng bạc Đông Dương từ ngân sách địa phương để mua những cổ vật đang trôi nổi trong dân chúng nhằm giảm bớt tình trạng những cổ vật này sẽ bị chiếm đoạt bất hợp pháp và mang ra bán đấu giá ở Paris. Cũng cần phải nói thêm rằng, những nỗ lực thu thập những cổ vật của nền mỹ thuật An Nam do Pasquier khởi xướng bấy giờ còn có một mục đích thứ hai là nhằm sưu tập những cổ vật có giá trị của nền nghệ thuật An Nam, từ đó vận động “thành lập một trường nghệ thuật An Nam, nếu có thể, sẽ làm sống lại những thế hệ nghệ nhân đã làm nên những nét huy hoàng của triều đình Huế”.
Những người Pháp hoạt động trong Hội Đô Thành Hiếu Cổ đã xúc tiến cho việc thành lập một bảo tàng tương lai bằng việc cho ra đời một Ủy ban bảo tàng bao gồm các ủy viên: Bardon, Edmond Gras, Thân Trọng Huề, Lavadoux, Henry Payssonnaux, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khâm sứ Pasquier. Ủy ban bảo tàng là bộ phận phụ trách việc sưu tầm, mua và trưng bày cổ vật trong khuôn viên Tân Thơ Viện, đã họp phiên đầu tiên vào ngày 25-4-1923 với sự hiện diện của nhiều học giả Việt-Pháp. Ông Thân Trọng Huề và ông Edmond Gras được bầu làm đồng chủ tịch, ông Henry Payssonnaux làm thư ký.
Với những nỗ lực của Ủy ban bảo tàng và sự tác động từ phía Khâm sứ Trung Kỳ Pasquier đối với triều đình nhà Nguyễn, ngày 24-8-1923, vua Khải Định ký dụ cho phép chính thức thành lập tại Kinh đô Huế một bảo tàng “có nhiệm vụ sưu tập và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu phản ánh đầy đủ đời sống chính trị, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ của nước Đại Nam”. Nhà vua cho phép sử dụng Tân Thư Viện làm nơi trưng bày chính thức những sưu tập hiện vật của bảo tàng và đổi tên nơi này thành Bảo Tàng Khải Định, đặt dưới sự quản lý của Hội Đô Thành Hiếu Cổ. Sách vở, tài liệu lưu trữ trong Tân Thư Viện được chuyển sang tòa nhà phía tả Di Luân Đường trong khuôn viên trường Quốc Tử Giám, mà sau này gọi là Bảo Đại thư viện.
Sau sự kiện này, Hội Đô Thành Hiếu Cổ có đến hai ủy ban đảm trách hai nhiệm vụ khác nhau. Ủy ban thứ nhất đã có từ trước, do linh mục Léopold Cadière đứng đầu, chuyên trách việc biên soạn và xuất bản tập san Bulletin des Amis du Vieux Hué. Ủy ban thứ hai trực tiếp điều hành hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng, đã chọn ông Henry Payssonnaux là quản thủ. Bên cạnh Ủy ban điều hành này, Khâm sứ Trung Kỳ còn đặt một Ủy ban tuyên truyền do ông Thân Trọng Huề làm chủ tịch, với các thành viên người Việt Nam là các ông Nguyễn Đình Hòe, Lê Văn Miến, Lê Văn Kỳ và Tôn Thất Sa. Tuy nhiên ủy ban này chưa hề họp một phiên nào và nhanh chóng tan biến vào trong các hoạt động chung của bảo tàng. Vì thế, trên thực tế, mọi hoạt động của Bảo Tàng Khải Định chỉ do Ủy ban điều hành, đứng đầu là quản thủ Henry Payssonnaux, điều khiển [5].
Từ đấy, Cadière cung cấp cho chúng ta nhiều tác phẩm giá trị trong nhiều lãnh vực khác nhau như sử học, ngôn ngữ học, dân tộc học.
Cadière nghiên cứu kỹ càng những gì mà người Âu Châu xưa đã nhìn thấy Huế. Ông đề cập đến A. De Rhodes, người đến Đàng Trong cuối năm 1624 mà các tác phẩm của De Rhodes cung cấp một số lớn nhiều chi tiết về những lợi ích lớn lao qua các biến cố chính trị, cũng như mô tả nơi này nơi khác, ngay cả Huế, đường phố, bến cảng, nhà cửa và cung điện vua chúa của nó.
Cadière đề cập đến tác phẩm của Đức Chaigneaux, người được sinh ra ở Huế, và năm 1825, rời Huế khi tròn hai mươi hai tuổi mà tác phẩm của ông, tác phẩm Souvenir de Hué, đúng là một bách khoa thư về Huế vào đầu thế kỷ 19. Đức Chaigneaux mô tả khá cẵn kẽ mà rất mới lạ về nhà quan, thuyền quan, thuyền rồng, một cuộc tập trận nhỏ, cuộc đấu giữa voi và hổ, đội quân voi với tám trăm con, trường học và các ông đồ, các kỳ thi, các vị lương y, rạp hát của nhà vua, một buổi cơm chiều, một cuộc du ngoạn ở Phường Đức, mô tả những hào lũy còn sót lại của thời Tây Sơn, lễ tế Nam Giao, lễ tế Xã Tắc, lễ tế Tịch Điền, lễ tết Nguyên Đán, những phong tục, tập quán người Việt, tang lễ cùng lễ cúng tế người đã mất... Ông còn đề cập đến những nghi thức hôn lễ, thực đơn của một tiệc cưới. Ông viết kinh thành và hoàng thành Huế, có cả ông “thợ váy tai”, cũng như lăng tẩm bà mẹ vua Gia Long. Ông mô tả ngoại ô Huế với chợ Dinh, chợ Được nổi tiếng... với những mẩu chuyện vô cùng hấp dẫn.
Cadière có đề cập đến Brossard De Corbigny, người được Thống đốc Nam Kỳ giao sứ mạng vào năm 1875 đem đến vua Tự Đức bản hòa ước vừa ký năm trước giữa Việt Nam và Pháp và người có để lại một bản tường trình, nhan đề “Huits jours d’ambassade à Hué” đăng trong tạp chí Le Tour du Monde, theo đó, trên đường từ Thuận An đến kinh đô Huế, họ thấy đồn và những cây dừa ở đó, các đồn nhỏ ở hai bên bờ sông, cùng với các vọng gác, cũng như chuyện kể về lối vào hoàng cung, về cuộc tiếp kiến của vua Tự Đức và các cuộc du lãm trong các vùng phụ cận Huế, gồm rất nhiều chi tiết lý thú.
Cadière còn dẫn chú một bài báo về một chuyến đi Huế năm 1880 của Vuillez; tác phẩm Au Tonkin et dans les mers de Chine, souvenirs et croquis (1883-1885) của Rollet de L’Isle, đầy sức sống, gồm nhiều tranh và phát thảo, trong đó có vài bức minh họa đời sống ở Huế bấy giờ. Rollet de L’Isle nói về Thuận An, về con sông, các đồn lũy ven bờ, về tòa Khâm sứ, về Hoàng Thành, về đền đài, dân cư ở Huế...
Cadière còn giới thiệu chúng ta Thomas Bowyear, Đan viện trưởng Choisy, Gemelli Careri, Cristoforo Borri và về Gaspar Louis...
Trong vấn đề nghiên cứu về kinh thành Huế và phụ cận, có thể xem đây là những tư liệu hàng đầu của Tạp chí Hội Đô Thành Hiếu Cổ mà Cadière muốn giới thiệu cho chúng ta trong lãnh vực nghiên cứu lịch sử. Cadière giữ quan hệ chặt chẽ với các nhà nghiên cứu lừng danh như Pelliot, Aurousseau, Maspéro và góp phần vào việc xây dựng cơ sở cho việc nghiên cứu biên soạn lịch sử Việt Nam của các tác giả Pháp. Tuy vậy trong khi các nhà bác học của Viện Viễn Đông Bác Cổ chú trọng đến nguồn gốc dân tộc Việt và cổ sử Việt Nam thì Cadière đặc biệt quan tâm thời cận đại, chú trọng sâu sắc đến Huế, Đàng Trong. Những miền ông đã đi qua hay thường xuyên sinh sống, ông để lại những tác phẩm quan trọng như bài “Les résidences des rois de Cochinchine (An Nam) avant Gialong” (Dinh Trấn của chúa Nguyễn trước Gia Long), “Le Quartier des Arènes” (Khu vực hổ quyền). Hoặc tác phẩm “La Citadelle de Hué: Onomastique” (Kinh thành Huế: địa danh học) mà ngay trong mở đầu ông đã viết: “Có những công việc cần phải làm ngay mới kịp thời gian. Vấn đề mà tôi trình bày với các hội viên trong Hội Đô Thành Hiếu Cổ hôm nay, vấn đề Địa danh học của Kinh thành Huế, đáng lẽ phải được khai tác từ ba mươi năm nay rồi. Thế nhưng từ đó đến nay, biết bao nhiêu kiến thức, lớn và nhỏ đã bị giảm dần hoặc đã thay đổi tên gọi, rất nhiều công trình kiến trúc đã bị tiêu hủy hoàn toàn, những điều đáng nhớ về chúng cũng phải mờ dần, hoặc lẫn lộn, hoặc bị rơi vào cõi tiêu tan; chính những tên gọi các công trình kiến thiết ấy cũng bị lãng quên và những chứng nhân của thời quá khứ thì đã mất đi dần; những người còn sống sót, rất hiếm, đôi khi lại không đồng ý về những dấu tích hoặc công trình đó”. Thế nhưng, mặc dầu những khó khăn đó, Cadière đã đưa ra được 307 địa danh và ông đã nhấn mạnh “đầy đủ, chứ không nói là chính xác”[6].
Cadière đã viết rất nhiều, rất rất nhiều, tác phẩm, nhỏ hoặc lớn, liên quan đến Huế: “Les Tombeaux royaux de Hué” (Lăng tẩm vua chúa ở Huế), “Notes sur quelques monuments elevés par les Seigneurs de Cochinchine” (Ghi chú về một số công trình được các chúa Đàng Trong dựng lên), “Documents historiques sur le Nam Giao” (Những tài liệu lịch sử về Nam Giao), “Les pins du Nam Giao: notes historiques” (Thông ở Nam Giao: ghi chú lịch sử), “La pagode Quốc Ân: le fondateur” (Chùa Quốc Ân: vị sáng lập), “La Porte dorée du Palais de Hué et les palais adjacents: notice historique” (Đại Cung Môn và các cung điện phụ cận: ghi chú lịch sử), “Encore le Qui Nam” (Lại bàn đến Qui Nam), “Les Statues boudhique de Hà Trung” (Tượng Phật ở Hà Trung), “Les Urnes dynastiques du Palais de Hué: notice historique” (Cửu đỉnh ở Thế Miếu Huế: ghi chú lịch sử), “Le Canal Impérial” (Ngự hà), “Les Sacrifice du Nam Giao: Préface” (Lễ tế Nam Giao: Lời nói đầu), “La pagode Quốc Ân: Les divers supérieurs” (Chùa Quốc Ân: các vị trụ trì), “Le Changement de costume sous Võ Vương, ou une crise religieuse à Hué au XVIII siècle” (Việc thay đổi y phục dưới thời Võ Vương, hay một cuộc khủng hoảng tôn giáo ở Huế vào thế kỷ XVIII) “La statue et les autres sculptures chames de Giam Biều” (Tượng và các điêu khắc Chàm khác ở Giam Biều), “Sculptures Chames de Thành Trung” (Các điêu khắc Chàm ở Thành Chung), “Le Funérailles de Thiệu Trị, d’après Mgr. Pellerin” (Đám tang Thiệu Trị, theo Đức cha Pellerin)
Nhiều nhà nghiên cứu đã tổng kê có đến 250 tác phẩm của Cadière, mà trong đó một phần khá lớn, ông dành cho Huế.
Chính những cống hiến quan trọng của Cadière qua các tác phẩm viết về Huế, chúng ta thấy được nhiều điều khác biệt, rất sâu sắc, với nhiều nhà nghiên cứu trước đây. Về nghệ thuật ông nhận thấy dường như người Việt Nam không bao giờ có những dự kiến quan trọng. Những cung điện nguy nga, những đền thờ đồ sộ vẫn thường nằm ngoài ý niệm của họ và dường như cũng nằm ngoài tầm các phương tiện mà người Việt Nam có. Thế nhưng những ngôi ngôi chùa nhỏ, các ngôi nhà thấp tối của người Việt lại được trang trí công phu. Những đường nóc khuyết, trụ cột, lối ra vào bình phong dày đặc mẫu thức trang trí với màu sắc rực rỡ đôi khi lòe loẹt nhưng vẫn hài hòa với màu sắc phong cảnh, với sức chói chang của ánh sáng. Trong những ngôi nhà người Việt những cột gỗ trau chuốt kiên trì, bóng lẫy rợn chiếu màu sắc tự nhiên của gỗ hoặc lấp lánh màu sơn son thếp vàng, đố bản, cửa, đòn tay, đồ gỗ dày đặc đường chặm khắc tinh tế, hoa lá nhẹ nhàng hoặc chạm lộng công phu; những đồ vật quý, nhỏ bé, tinh sảo quý báu trang hoàng trên bàn hay cất giữ một cách cẩn trọng tại rương tủ gia đình...
Cadière lại thấy nhiều điều mới lạ khi nghiên cứu đến dân tộc học Việt Nam, đặc biệt về Huế. Ngoài những tín ngưỡng của người Việt như Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, việc thờ cúng tổ tiên mà nhiều sách vở ghi chép, Cadière nhận xét, sau khi tiếp xúc với dân trong các xứ đạo, ông nhận thấy có một thực tế khác hẳn. Người nông dân gần như có những tín ngưỡng riêng mà sử sách thường không ghi chép đến hoặc không lưu ý đến. Đó là tín ngưỡng thờ gốc cây, ngọn cỏ, gò đất, hòn đá... và đâu đâu cũng có hồn có ma. Ông viết như sau: “Người Việt thờ cúng thần thánh quỷ ma, qua đó cũng phải hiểu là các vong linh tổ tiên, ông bà được thờ kính trong các gia đình: có thể là các linh hồn của các nhân vật xa xưa, ít nhiều có thật, nổi danh dưới nhiều tước vị, mà các bậc vương quyền hay bình dân lê thứ đã tôn thờ, hoặc riêng tư, hoặc công khai chính thức, họ còn là những vong linh nhân thế đó những hoàn cảnh khốn khổ khi thoát xác lìa đời đã biến họ thành độc ác, rồi thành “quỷ” thành yêu mà nay ta phải xoa dịu họ hầu mong kẻ sống khỏi bị ám hại sau này; cuối cùng là các thần linh được nhân hóa, tàng ẩn trong các mãnh lực thiên nhiên. Loại tôn giáo này ta thấy biểu hiện nơi nơi, mọi lúc, ngày cũng như đêm, qua miếu đài, dấu tích, hoặc trong nhà, hoặc bên vệ đường, nơi non cao núi thẳm rừng sâu”[7].
Nhưng trên hết, Cadière nhận thấy bên trong những con người Việt nhỏ bé đó, bên trong các ngôi nhà khiêm tốn đó, bên trong những dấu tích đền đài xưa, cũng có bề mặt “khiêm tốn” đó, ngoài ra, ông nhận thấy một sức sống mãnh liệt, khác hẳn một số nhà nghiên cứu ngoại quốc trước đây từng ngộ nhận rằng dân Việt đã hoàn toàn Hán hóa, không có cá tính. Đúng như nhận xét của giáo sư G. Condominas là “một dân tộc đã biết tiếp nhận vô vàn yếu tố Trung Hoa, bị áp đặt hay thu nạp một cách tự nguyện, để dựng lên một thế giới của riêng mình và giữ gìn bản sắc độc đáo của mình”.
Nhà nghiên cứu Đào Hùng, khi nhắc lời G. Condominas nói trên, đã tổng kết: “Có thể nói tư tưởng của linh mục Cadière đã mở đường cho những người nghiên cứu Việt Nam đầu thế kỷ [hai mươi]. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đáng cho tất cả những ai quan tâm đến môn Việt Nam học, dù là người Việt hay người nước ngoài, phải kính cẩn suy ngẫm”[8].
Tôi được biết cha Cadière khá chậm. Vào đầu năm 1960, tôi được linh mục Nguyễn Phương giao cho đề tài “Lịch sử và chính sách cai trị Pháp tại Việt Nam” để làm khảo luận tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Huế khóa 1958-1961. Cái khó khăn bật nhất của tôi trong tập khảo luận này là tư liệu đầu tay để có thể sử dụng tốt trong việc sưu tầm nghiên cứu và Cha Phương đã nói với tôi như thế này: “Con cố gắng tìm cách sử dụng các tài liệu ở thư viện nhà L’Acceuil và thư viện Thiên An mà linh mục Cadière đã hiến tặng”.
Thư viện L’Acceuil của dòng Chúa Cứu Thế bấy giờ có thể xem là một thư viện công khai, ai cũng có thể sử dụng được, nhưng thư viện Thiên An có nhiều tư liệu sách báo do cha Cadière sưu tầm thì quả tình tôi mới nghe lần đầu tiên. Nhưng sau nhờ ông thân sinh tôi, cố kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, vốn quen biết Dòng Chúa Cứu Thế và Dòng Thiên An, qua trung gian các thầy, các Cha của hai Dòng này nên giữa năm 1960, tôi tiếp cận được thư viện Thiên An (do Cadière hiến tặng) mà người ta thường gọi nôm na là thư viện Cadière.
Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, tôi bất ngờ biết được tủ sách cá nhân của Cadière và gần như choán ngợp trước những tư liệu đầu tay mà vị linh mục này có được. Sau này tôi được biết Cha Cadière viết giấy để lại cho dòng Thiên An Huế toàn bộ sách vở của cha ở Di Loan (Quảng Trị) và khi Dòng Thiên An đưa ghe ra chở, giáo dân phải dùng xe bò chở sách từ nhà xứ xuống ghe đậu ở Cửa Tùng phải mất đến ba ngày !
Rồi chứng kiến tận mắt 121 số Bulletin des Amis du Vieux Huế, mà chủ bút từ đầu đến cuối là linh mục Cadière, được xuất bản trong thời gian 1/3 thế kỷ, đúng 31 năm từ 1914 đến 1944, khi thì ra mỗi năm 4 tập, khi thì ra mỗi năm hai tập (nhưng vẫn đủ bốn số) và cũng có lúc ra một tập (nhưng vẫn ghi đủ bốn số) và hầu như tập nào cũng đầy ắp những tác phẩm viết về Huế, hay phụ cận Huế với chất lượng cao mà đến ngày nay phần lớn vẫn giữ nguyên được giá trị, trong đó có rất nhiều tác phẩm được đánh giá chưa tác giả nào viết sau này vượt qua được, như tập “L’Art à Hué” (Bulletin des Amis du Vieux Hué số 1 Cadière năm thứ VI, Janvier - Mars 1919) với 222 phụ bản, trong đó có 25 phụ bản màu cực đẹp. Cũng nhắc lại một chút ở đây, là trong 31 năm tồn tại Tập san Hội Đô Thành Hiếu Cổ, Cadière cũng đã đóng góp cho tập san này trên dưới 160 tác phẩm được đánh giá có chất lượng cao. Có nhiều nhà nghiên cứu nhận định từ khi Tập san Đô Thành Hiếu Cổ ra đời cho đến nay, không có một công trình nghiên cứu nghiêm túc nào về Huế mà không tham khảo đến Tập san này.
Và tôi cũng được biết, như trên đây chúng tôi có đề cập đến, thư viện nổi tiếng ở Huế trước đây là Thư viện Bảo Đại hoặc Viện bảo tàng đầu tiên ở Huế dưới thời Pháp thuộc, Bảo Tàng Khải Định, mà ngày nay là Bảo Tàng Mỹ Thuật Cung Đình Huế cũng được Cadière khởi xướng và góp phần xây dựng ban đầu rất tích cực và hiệu quả. Đó rõ ràng là những đóng góp cực kỳ quan trong và xứng đáng cho nền văn hóa Huế.
Rồi tôi thấy các đề nghị của Cadière, dầu khiêm tốn, dầu to lớn, có tính cách cập nhật hóa, mà đến ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị.
Từ năm 1916, Cadière đã thống thiết kêu lên “Sauvons nos pins” (Hãy cứu lấy những cây thông của chúng ta) và cha đã viết như sau: “Đấy là tiếng kêu thất vọng mà tôi gởi đến các bạn của Huế xưa. Những cây thông bao quanh những vùng gò đồi của chúng ta; những cây thông cao lớn vênh vẹo, xoắn vặn, vẽ ra những hình bóng màu đen lên trên những mảng trời màu vàng ở phía tây, hay tạo thành những màu sắc vô vị trên dải mây màu hồng, dấu vết sau cùng của mặt trời vừa lặn; những cây thông non trẻ, có tán lá mượt mà mà leo lên sườn dốc của núi Ngự Bình; những cây thông có bóng râm phơn phớt xanh lam làm cho êm dịu phần nào những cạnh khía kỷ hà sắc nhọn, làm cho nhẹ nhàng phần nào những khối nên xây đắp nặng nề, làm cho mát mẻ phần nào những sắc màu trộn hòa lòe loẹt của đàn tế Nam Giao; những cây thông riêng lẻ dường như than vãn cái cảnh ngộ cô đơn trên cánh đồng mồ mả; những cây thông đan lẫn xúm xít với nhau quanh ngôi mộ của một ông hoàng; những cây thông đang trộn hòa thành một thể khối âm u, ở nơi xa đang phủ che những nơi chôn vua chúa; tất cả những cây thông của chúng ta, từ những cây nhỏ nhất mới trồi lên như một hình chóp cạnh đều, cho đến một cây thông tuổi cao chỉ còn một túp lá gầy gò trên đầu của thân cây trần trụi; tất cả những cây thông điểm trang cho ngoại ô thành phố và làm cho Huế đẹp càng thêm vẻ thanh tạo. Nếu phá hoại các cây thông đó, thì những ngọn đồi màu đỏ gạch bao quanh kinh thành chỉ còn là những mô đất chuột đùn thô kệch, bị tước lột hết những cái gì đã làm nên vẻ đẹp của nó.
“Nhưng đã ba năm gần đây những bàn tay vô loại đã không ngừng làm cái việc phá hoại ấy.
“Vậy thì các bạn của Huế xưa có bổn phận làm những gì có thể được để ngăn chặn sự phá hoại này. Và phải gấp rút hành động, chứ nguy cơ đã lớn rồi. Phải hành động thế nào để những cố gắng của chúng ta đạt kết quả. Chúng ta có nghĩa vụ giữ gìn cho Huế cái đồ trang điểm và cái vẻ đẹp của nó.
“... Tôi xin lập lại một lần nữa tiếng gọi lo lắng của tôi:
“Hãy cứu nguy những cây thông của chúng ta”[9].
Cadière còn quan tâm đến việc đào tạo trí thức Việt Nam. Ông nhận thấy chương trình Pháp Việt bấy giờ không hề quan tâm đến việc học chữ Hán, vốn là chữ đã được dùng để biên soạn hầu hết tác phẩm lớn và nhỏ xưa nay của người Việt và như vậy chương trình giáo dục này đã cắt đứt tuổi trẻ Việt Nam với truyền thống văn hóa của mình. Do đó, Cadière nhận xét “Dù thế nào đi nữa, sự thật vẫn là các thế hệ mới trong các đô thị không bằng các thế hệ cũ về phương diện đạo đức”.
Cadière cũng ghi nhận:
“Ở cấp cao hơn, người ta cũng quan tâm đến việc giảm sút luân lý cổ truyền này và cho rằng là do việc bãi bỏ học chữ Hán. Các thế hệ mới, do khao khát khoa học Tây phương, không còn tiếp xúc với các hiền triết cổ nhân từng nắn đúc tâm hồn Đông phương. Do đó cần tái lập việc học chữ Hán trong chương trình học; vì một điều lạ là các nguyên tắc luân lý Trung Hoa cổ chỉ có sức thuyết phục và hiệu lực khi được diễn giải trong ngôn ngữ Trung Hoa và qua bộ áo phức tạp của Hán tự. Được dịch ra tiếng Việt hay tiếng Pháp, chúng chẳng còn sức mạnh nào. Đấy là những ý kiến được cổ vũ một cách nghiêm túc” và “Các học trò hiện đại của chúng ta, với những chương trình chồng chất áp đặt, sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu biết các nhà đạo đức xưa của Trung Hoa bằng các nhà nho thời trước. Thành thử không phải cứ học ‘luân lý cổ truyền’, cứ học các Kinh Thư hoặc châm ngôn chứa đựng luân lý, học các chữ Hán phức tạp gói ghém nội dung ở bên trong, là nhân tố chấn hưng được đạo đức luân lý”[10]. Ông đã đề nghị cải cách chương trình trung học, đưa chữ Hán vào môn học bắt buộc. Nhưng kiến nghị rất khoa học hợp tình hợp lý của ông đã bị những người quản lý giáo dục bấy giờ (chủ yếu là người Pháp) đánh giá là lạc hậu lỗi thời, nên không được chấp nhận.
Nhưng quan trọng hơn hết, theo tôi nghĩ, là ý đồ truyền đạt và truyền đạt cho ai, những tư tưởng và việc làm của Cadière.
Tôi được biết Cha Cadière rất thông thuộc tiếng Việt vì như Cha đã nói “Tôi học tiếng họ từ ngày tôi mới đến, tôi vẫn còn tiếp tục học và nhận thấy rằng tiếng Việt rất tinh tế về mặt cấu trúc và cũng không nên xem nhẹ sự phong phú về từ ngữ như có người suy diễn”.
Thế nhưng tôi chưa hề thấy một tác phẩm nào của Cadière dù lớn dù nhỏ viết bằng Việt ngữ, trên bất cứ cơ quan truyền thông nào, dù trong nước hay ngoài nước. Chính từ điểm này đã làm tôi suy nghĩ từ lâu. Vậy Cadière viết những tác phẩm này cho những đối tượng nào ? Và vì sao như vậy ? Ở trên, tôi đã đưa ra câu tâm tình của Cha Cadière: “Vì đã nghiên cứu và hiểu người Việt nên thiệt tình tôi yêu mến họ”. Từ tình yêu mến đó, Cadière đã đánh giá lại những giá trị truyền thống của Việt Nam, nói chung, và Huế nói riêng. Đó cũng là nội dung hầu hết tác phẩm mà Cadière dày công xây dựng. Và Cadière muốn cho các đồng nghiệp của Cha, những người cùng quê hương xứ sở của Cha, suy ngẫm lại những nhận xét của chính họ mà cha có thể có những suy nghĩ khác biệt, đề cao một nền văn minh với những bản sắc độc đáo, tuyệt vời và riêng biệt của Việt Nam, của Huế.
Và tôi nghĩ Cadière đã thành công. Linh mục Dòng tên Bernard Maitre đã nói về Cadière: “Rất kín đáo đối với các chính quyền được thiết lập, ngài [Cadière] đã tự nêu gương chứng minh rằng một vị linh mục truyền giáo có thể bảo toàn phẩm cách dưới bất cứ chế độ nào, đôi khi lại biết giúp chế độ đó nhận thức một vài thực tại mà linh mục có thể cảm nhận sâu sắc nhờ có dịp gần gũi người đời. Như ta đã thấy điều đó cũng không hề ngăn trở linh mục [Cadière] cương quyết đứng trong cương vị bênh vực hơn nữa phục hồi mọi giá trị thực sự của các nền văn hóa cổ truyền, trong công việc này, đứng trong cương vị thừa kế của Giáo Hội”[8].
Nhân dịp tưởng niệm 55 ngày từ trần của linh mục Léopold Cadière (1955 - 2010) tôi xin đôi điều góp nhặt đề cập đến “Huế dưới con mặt của Léopold Cadière và L. Cadière dưới con mắt một người Huế” và chỉ biết nói rằng L. Cadière đã đến Huế, đã ở với Huế, đã nghiên cứu về Huế, đã hiểu biết sâu sắc về Huế, đã yêu mến Huế, đã bảo vệ Huế, đã giới thiệu Huế ra thế giới và cũng đã mong muốn được ở Huế cho đến ngày cuối cùng và được chết trên đất Huế.
Còn Huế thì sao? Những người đất Huế, những người yêu Huế sẽ làm gì cho L. Cadière?
Tôi đang trông chờ những lời phản biện, những đóng góp ý kiến của quý vị, mặc dầu trong túi tôi đã có sẵn những lời đề nghị mong mỏi dành cho L. Cadière. Xin nhắc lại lời của một nhà nghiên cứu: “Đã đến lúc Huế phải tôn vinh Cadière”.
Nguyễn Hữu Châu Phan
|