MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Tự Do Tôn Giáo Và Sứ Vụ Người Công Giáo
Thứ Năm, Ngày 9 tháng 9-2010

SỐNG TRONG CHÂN LÝ: TỰ DO TÔN GIÁO và SỨ VỤ NGƯỜI CÔNG GIÁO trong TRẬT TỰ MỚI của THẾ GIỚI
 
Charles Chaput, Đức Tổng Giám Mục Công Giáo của Denver Colorado, nói chuyện trong khoá họp đầu tiên của hội nghị chuyên đề lần thứ 15 của tổ chức Giáo Luật ở Slovakia vào hôm thứ Ba. Người kêu gọi giới Công Giáo ở Hoa Kỳ và ở Âu Châu, hãy chống lại sự thiếu khoan dung của thế giới đối với Kitô Giáo.

Tertullian đã lừng danh khi nói rằng máu các vị tử đạo là hạt giống của Giáo Hội. Lịch sử đã chứng minh điều đó là sự thật. Và Slovakia là nơi tuyệt hảo để chúng ta đọc lại những lời đó hôm nay. Ở đây, và trên toàn trung và đông Âu Châu, người Công Giáo đã chịu đau khổ trong suốt 50 năm dưới các chế độ tàn sát của Đức Quốc Xã và Xô Viết. Như vậy, từ kinh nghiệm cay đắng này, họ biết được cái giá thực sự của chứng nhân Kitô Giáo—và không may, kể cả cái giá của sự hèn nhát, sự cộng tác và tự dối mình khi đối diện với sự dữ.
 
Tôi muốn bắt đầu bằng cách giả sử rằng nhiều người Công Giáo ở Hoa Kỳ và Tây Phương ngày nay không hiểu được các giá phải trả đó. Dường như họ cũng không quan tâm. Và kết quả là nhiều người thờ ơ với tiến trình trong các quốc gia mà các khoa học gia xã hội gọi là “tục hoá” – nhưng trên thực tế nó bao gồm việc bác bỏ các nguồn gốc Kitô Giáo và linh hồn của nền văn minh chúng ta.
 
Người Công Giáo Hoa Kỳ không có kinh nghiệm về hệ thống đàn áp mà chúng thật quen thuộc với các Giáo Hội của quý vị. Rất đúng là thành kiến bài-Công Giáo luôn luôn có một vai trò trong đời sống của người Hoa Kỳ. Sự cố chấp này đầu tiên phát xuất từ nền văn hoá ảnh hưởng Tin Lành của quê hương tôi, và giờ đây từ các giới lãnh đạo “hậu-Kitô Giáo”. Nhưng điều này thật khác với sự bách hại có tính toán. Nói chung, người Công Giáo phát triển ở Hoa Kỳ. Lý do thật đơn giản. Hoa Kỳ luôn luôn có một nền tảng luân lý Kitô Giáo rộng rãi và thân thiện-tôn giáo, và các tổ chức công cộng của chúng tôi được thiết lập là không tôn giáo, chứ không bài trừ-tôn giáo.
 
Tại trung tâm cảm nghiệm của người Hoa Kỳ là một bản năng “kinh thánh hiện thực chủ nghĩa.” Từ di sản Tin Lành—tối thiểu cho đến bây giờ--chúng tôi luôn luôn hiểu rằng tội lỗi thì có thực, và người ta có thể đồi bại bởi quyền lực và giầu sang. Người Hoa Kỳ thường muốn thấy rằng quốc gia của chúng tôi được tiền định một cách độc đáo, hoặc được chọn đặc biệt bởi Thiên Chúa. Nhưng trong thói quen đời sống hàng ngày, chúng tôi luôn luôn biết rằng “thành phố của Thiên Chúa” thì rất khác biệt với “thành phố của con người.” Và chúng tôi cảnh giác về sự mập mờ giữa hai điều này.
 
Alexis de Tocqueville, trong cuốn Democracy in America (Nền Dân Chủ ở Hoa Kỳ), đã viết: “Chế độ chuyên quyền có thể thi hành mà không có đức tin, nhưng sự tự do thì không thể…” Do đó, “Điều gì phải thi hành với một dân tộc đó là người chỉ huy dân tộc ấy, nếu nó không tuân phục Thiên Chúa?” 1
 
Các người tìm thấy Mỹ Châu là một nhóm đa dạng người Kitô Hữu và người Khai Sáng hữu thần (Enlightenment deists). Nhưng hầu hết đều thân thiện với đức tin tôn giáo. Họ tin rằng một người tự do thì không thể giữ sự tự do mà không có đức tin tôn giáo và các đức tính mà tôn giáo ấy cổ vũ. Họ tìm cách giữ cho Giáo Hội và quốc gia được tách biệt và tự trị. Nhưng động lực của họ thì rất khác với chương trình cách mạng ở Âu Châu. Các vị thành lập Hoa Kỳ đã không lẫn lộn quốc gia với xã hội dân sự. Họ không có ý muốn tục hoá đời sống công cộng một cách triệt để. Họ không có ý định đưa tôn giáo ra khỏi sự việc chung. Ngược lại, họ muốn bảo đảm người dân được tự do sống đức tin của mình một cách công khai và mạnh mẽ, và đưa niềm tin tôn giáo vào sự xây dựng một xã hội công bằng.
 
Hiển nhiên, chúng ta cần nhớ rằng có những khác biệt lớn lao khác giữa các kinh nghiệm của người Hoa Kỳ và Âu Châu. Âu Châu chịu đau khổ vì một số cuộc chiến tệ hại nhất và các chế độ bạo lực trong lịch sử nhân loại. Hoa Kỳ không nhìn thấy chiến tranh trên phần đất của mình trong 150 năm. Người Hoa Kỳ không có cảm nghiệm của các thành phố bị dội bom hay xã hội suy sụp, và ít kinh nghiệm về sự nghèo nàn, chính kiến về ý thức hệ hay sự đói khát. Một hậu quả của quá khứ đã để lại nơi nhiều người Âu Châu là sự trần tục và bi quan mà dường như nó rất khác biệt với sự lạc quan là đặc trưng của xã hội Hoa Kỳ. Nhưng những điều này và các điều khác không làm thay đổi một sự kiện là con đường tiến đến tương lai của chúng ta giờ đây đang nhập thành một. Ngày nay, trong một thời đại liên kết toàn cầu, các thử thách đang đối diện với người Công Giáo ở Hoa Kỳ cũng rất giống như ở Âu Châu: Chúng ta đối diện với một quan điểm chính trị trần tục hung hăng và một mô hình kinh tế tiêu thụ mà đưa đến kết quả--trên thực tế, nếu không phải trong ý định hiển nhiên—là một loại chủ nghĩa vô thần mới do nhà nước khích lệ.
 
Nói cách khác: Quan điểm về thế giới phát sinh từ chủ nghĩa Khai Sáng đưa đến sự gia tăng các ý thức hệ tàn sát lớn lao của thế kỷ vừa qua vẫn còn rất sống động. Ngôn từ của nó dịu dàng hơn, ý định của nó dường như tử tế hơn, và diện mạo của nó thì thân thiện hơn. Nhưng động lực tiềm tàng thì không thay đổi – tỉ như, ước mong xây dựng một xã hội tách biệt với Thiên Chúa; một thế giới mà người ta có thể tự mình sống sung mãn đầy đủ, thoả mãn các nhu cầu và khát vọng qua tài khéo léo của chính mình.
 
Quan điểm này tự phụ rằng có một thế giới “hậu-Kitô Giáo” được điều khiển bởi sự hợp lý, kỹ thuật và mánh lới xã hội giỏi. Tôn giáo có một chỗ đứng trong quan điểm này, nhưng chỉ như một sự thêm nếm cho lối sống cá nhân. Người ta được tự do thờ phượng và tin vào bất cứ điều gì họ muốn, một khi họ giữ đức tin cho riêng mình và đừng đưa các đặc tính tôn giáo của mình vào công việc của chính phủ, kinh tế, hay văn hoá.
 
Khi mới thoạt nghe, điều này có vẻ như một phương cách hợp lý để tổ chức một xã hội tân thời mà nó bao gồm nhiều loại sắc dân, tôn giáo và truyền thống văn hoá, các triết lý đời sống khác biệt và cái nhìn về sự sống.
 
Nhưng ngay lập tức chúng ta phải chú ý đến hai chi tiết thật khó chịu.
Trước hết, “tự do thờ phượng” thì hoàn toàn không giống với “tự do tôn giáo.” Tự do tôn giáo bao gồm quyền được giảng dậy, tụ họp, tổ chức, và tham dự vào xã hội cũng như công khai hoá các vấn đề, vừa cương vị cá nhân và vừa cùng nhau hợp thành các cộng đồng đức tin. Đây là sự hiểu biết kinh điển của một quyền công dân để “tự do thi hành” tôn giáo của mình theo Tu Chính Án Thứ Nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Nó cũng hiển nhiên được bao hàm trong Điều 18 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Ngược lại, tự do thờ phượng là một quan niệm nhỏ hơn và hạn hẹp hơn.
 
Thứ hai, sự khoan dung mà thế giới trần tục, được khai sáng, thường khoe khoang thì phù hợp thế nào với kinh nghiệm thực sự của tín hữu Công Giáo ở Âu Châu và Bắc Mỹ Châu trong những năm gần đây?
 
Ở Hoa Kỳ, một quốc gia mà vẫn còn 80 phần trăm Kitô Hữu với sự thực hành tôn giáo cao độ, các cơ quan chính phủ giờ đây ngày càng tìm cách ra lệnh cho Giáo Hội phải hoạt động như thế nào, và ép buộc họ vào những thực hành mà chúng sẽ tiêu diệt căn tính Công Giáo. Các nỗ lực đã được thi hành để làm chán nản hay buộc tội sự biểu lộ đức tin Công Giáo nào đó tỉ như “lời căm thù.” Các toà án và nhà lập pháp của chúng tôi giờ đây thay phiên hành động để làm suy yếu hôn nhân và đời sống gia đình, và tìm cách xoá bỏ các dấu hiệu công khai của Kitô Giáo và
các dấu hiệu của sự ảnh hưởng.
 
Ở Âu Châu, chúng tôi thấy những khuynh hướng tương tự, tuy được ghi dấu bởi sự khinh miệt Kitô Giáo công khai hơn. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội từng bị chửi rủa trong truyền thông và ngay cả trong các toà án chỉ vì nói lên giáo huấn Công Giáo. Một vài năm trước đây, nhiều người trong quý vị còn nhớ, một trong những chính trị gia Công Giáo hàng đầu của thế hệ chúng ta, ông Rocco Buttiglione, bị từ chối chức vụ lãnh đạo trong Liên Hiệp Âu Châu chỉ vì đức tin Công Giáo của ông ta.
 
Vào đầu mùa hè năm nay chúng ta chứng kiến một loại côn đồ đầy hận thù chưa từng thấy trên lục địa này kể từ khi có Đức Quốc Xã và các phương pháp của cảnh sát Xô Viết: dinh Tổng Giám Mục ở Bỉ bị nhân viên công lực bố ráp; đức giám mục bị giam và phỏng vấn trong chín giờ đồng hồ mà không theo thủ tục chính đáng; máy điện toán, điện thoại di động, và hồ sơ tư nhân bị tịch thu. Ngay cả mộ người chết của Giáo Hội cũng bị vi phạm trong cuộc bố ráp này. Đối với hầu hết người Hoa Kỳ, loại sỉ nhục công khai, có tính toán này đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo sẽ là một sự vi phạm trắng trợn và sự lạm dụng quyền hành nhà nước. Và điều này không vì các đặc tính hay tội lỗi của bất cứ nhà lãnh đạo tôn giáo nào có dính dáng, vì tất cả chúng ta có nhiệm vụ tuân giữ luật pháp. Đúng ra, nó là một sự vi phạm trắng trợn bởi vì nhà cầm quyền, qua tính cách thô lỗ của nó, cho thấy sự khinh miệt các tín điều và các tín hữu mà đại diện là các nhà lãnh đạo tôn giáo.
 
Điều tôi muốn nói là: Đây không phải là hành động của các chính phủ mà họ coi Giáo Hội Công Giáo như một phần tử đáng quý trong các hoạch định của thế kỷ 21. Trái lại là đằng khác. Các biến cố này ám chỉ một sự kỳ thị rõ rệt, có hệ thống chống lại Giáo Hội mà giờ đây dường như không thể tránh khỏi.
 
Những người theo chủ nghĩa thế tục ngày nay đã học được từ quá khứ. Họ khéo léo hơn trong sự cố chấp của họ; lịch thiệp hơn trong giao tế công cộng; thông minh hơn trong công việc để loại trừ Giáo Hội và tín hữu để khỏi ảnh hưởng đến đời sống luân lý của xã hôi. Trong một vài thập niên tới, Kitô Giáo sẽ trở nên một tôn giáo mà ngày càng ít tự do để lên tiếng nơi công cộng. Một xã hội mà đức tin bị cản trở không được biểu lộ nơi công cộng là một xã hội đang biến nhà nước thành thần tượng. Và khi nhà nước trở thành một thần tượng, con người trở nên vật tế thần.
 
Đức Hồng Y Henri de Lubac đã viết rằng “Điều không đúng… rằng người ta không thể tổ chức một thế giới mà không có Thiên Chúa. Điều đúng là, không có Thiên Chúa, [con người] chỉ có thể tổ chức một thế giới chống lại con người. Chủ nghĩa nhân văn độc nhất là chủ nghĩa nhân văn vô nhân đạo.” 2
 
Tây Phương giờ đây đang đều đều tiến về hướng “chủ nghĩa nhân văn vô nhân đạo” mới. Và nếu Giáo Hội không trung thành phản ứng, chúng ta cần nhớ lại các bài học mà các Giáo Hội của quý vị đã học được dưới chế độ chuyên chế.
 
Một sự đề kháng Công Giáo tính phải được dựa trên sự tin tưởng vào những lời của Chúa Kitô: “Sự thật sẽ giải thoát các con.”3 Sự tin tưởng này giúp quý vị có sự sáng suốt nhìn vào bản chất của các chế độ chuyên chế. Nó giúp quý vị phát biểu rõ ràng các phương cách mới của tinh thần môn đệ. Khi đọc lại những lời của nhà lãnh đạo Tiệp Khắc Václav Havel để chuẩn bị cho bài nói chuyện này, tôi bị bàng hoàng bởi chủ nghĩa nhân văn uyên thâm Kitô Giáo của tư tưởng ông về việc “sống trong chân lý” 4 Người Công Giáo ngày nay cần thấy tinh thần môn đệ và sứ vụ của mình đúng như vậy: “sống trong chân lý.”
 
Sống trong chân lý có nghĩa sống theo Chúa Giêsu Kitô và Lời Chúa trong Kinh Thánh. Nó có nghĩa loan truyền chân lý của Phúc Âm Kitô Giáo, không chỉ bằng lời nói nhưng bằng gương mẫu đời sống của chúng ta. Nó có nghĩa sống hàng ngày và từng giây phút với sự tin tưởng vững vàng rằng Thiên Chúa đang sống, và tình yêu của Người là động lực thúc đẩy lịch sử nhân loại và là guồng máy của mọi đời sống nhân bản đích thực. Nó có nghĩa tin tưởng rằng các chân lý của Kinh Tin Kính thì xứng đáng để chịu đau khổ và chịu chết.

Sống trong chân lý còn có nghĩa nói lên sự thật và gọi đúng tên của mọi sự việc. Và điều đó có nghĩa phô bầy sự giả dối mà một số người tìm cách ép buộc những người khác phải sống.
Hai điều giả dối lớn nhất trong thế giới ngày nay: thứ nhất, Kitô Giáo tương đối không quan trọng trong sự phát triển của Tây Phương; và thứ hai, các giá trị và tổ chức Tây Phương có thể được duy trì mà không cần dựa trên nền tảng luân lý Kitô Giáo.
 
Trước khi tôi nói về hai sự giả dối này, chúng ta phải ngừng đôi phút để nghĩ về ý nghĩa của lịch sử.
 
Lịch sử không chỉ là tìm hiểu các dữ kiện. Lịch sử là một hình thức ghi nhớ, và ghi nhớ là một đá tảng của căn tính. Các dữ kiện thì vô ích nếu không có khung cảnh ý nghĩa. Đặc tính độc đáo và ý nghĩa của văn minh Tây Phương không thể hiểu được nếu không có 20 thế kỷ khung cảnh Kitô Giáo mà trong đó chúng phát triển. Một dân tộc không biết lịch sử của mình thì không thể biết chính mình. Họ là một dân tộc bất hạnh khi lập lại những sai lầm của quá khứ bởi vì họ không thể thấy những gì hiện tại – thường là hoa trái của quá khứ – đòi hỏi nơi họ.
 
Dân tộc nào quên mình là ai thì dễ bị thao túng. Điều này được bi thảm hoá một cách nổi tiếng trong hình ảnh “lỗ trí nhớ” của Orwell trong cuốn tiểu thuyết 1984 của ông. Ngày nay, lịch sử Giáo Hội và di sản Kitô Giáo Tây Phương đang bị đẩy xuống lỗ trí nhớ. Đây là sự giả dối đầu tiên mà chúng ta cần đối diện.
 
Sự coi thường quá khứ Kitô Giáo của Tây Phương thì đôi khi được thi hành với ý định tốt, từ ao ước đề cao sống chung hoà bình trong một xã hội đa nguyên. Nhưng thường xuyên hơn nó được thi hành để loại trừ người tín hữu Kitô và để vô hiệu hoá đời sống chứng nhân của Giáo Hội nơi công cộng.
 
Giáo Hội cần phải gọi đích danh và chống với sự giả dối này. Là một người Âu Châu hay một người Mỹ Châu là trở nên thừa kế một tổng hợp Kitô Giáo uyên thâm về triết lý và nghệ thuật của Hy Lạp, luật La Mã, và chân lý Kinh Thánh. Sự tổng hợp này đưa đến sự nổi bật của chủ nghĩa nhân văn Kitô Giáo làm nền tảng cho mọi nền văn minh Tây Phương.
 
Về điểm này, chúng ta có thể nhớ đến Dietrich Bonhoeffer, học giả Luther người Đức và là cha sở. Ông viết những lời này trong những tháng sắp sửa bị mật vụ Gestapo bắt vào năm 1943: “Sự hợp nhất của Tây Phương thì không phải là một ý tưởng nhưng là một thực tại lịch sử, mà nền tảng duy nhất là Chúa Kitô.”5
 
Các xã hội chúng ta ở Tây Phương là Kitô Giáo bẩm sinh, và sự sống còn của nó tuỳ thuộc vào sự bền bỉ của các giá trị Kitô Giáo. Các nguyên tắc cốt yếu và tổ chức chính trị của chúng ta được dựa trên, phần lớn, ở tính cách luân lý của Phúc Âm và quan điểm Kitô Giáo về con người và chính phủ. Ở đây, chúng ta không nói về thần học hay tư tưởng tôn giáo của Kitô Giáo. Chúng ta nói về mỏ neo của xã hội – chính phủ đại diện và sự tách biệt của quyền lực; sự tự do tôn giáo và lương tâm; và quan trọng hơn hết, phẩm giá của con người.
 
Chân lý nền tảng của sự hiệp nhất Tây Phương có quan hệ tất yếu, như Bonhoeffer cũng nhận xét: Lấy Đức Kitô đi là lấy đi nền tảng vững vàng duy nhất cho các giá trị, thể chế và lối sống của chúng ta.
 
Điều đó có nghĩa chúng ta không thể bỏ qua lịch sử vì một vài lo lắng thiển cận, sợ rằng điều đó chống báng các hàng xóm ngoài-Kitô Giáo của chúng ta. Bất kể sự huyên thuyên của những “người vô thần mới,” không có điều nguy hiểm là Kitô Giáo sẽ được áp đặt trên dân chúng ở bất cứ đâu trong Tây Phương. Chỉ có các “quốc gia thú tội” trong thế giới ngày nay là những quốc gia được cai trị bởi Hồi Giáo hoặc bởi các nhà độc tài vô thần—các chế độ này đã chối bỏ đức tin Kitô Giáo Tây Phương trong các quyền cá nhân và sự quân bình các quyền lực.
 
Tôi sẽ lý luận rằng sự bảo vệ các lý tưởng Tây Phương là sự bảo vệ duy nhất mà chúng ta và hàng xóm chúng ta có để đề phòng sự thoái hoá thành các hình thức đàn áp mới – dù nó có thể trong tay của những người Hồi Giáo cực đoan hay các nhà kỹ trị (technocrat) trần tục.
 
Nhưng khi chúng ta thờ ơ với quá khứ Kitô Giáo, điều đó góp phần cho sự thờ ơ khi bảo vệ các giá trị và thể chế của chúng ta trong hiện tại. Và điều này đưa đến sự giả dối lớn lao thứ hai mà qua đó chúng ta đang sống ngày nay – sự giả dối rằng không có chân lý bất biến.
 
Giờ đây thuyết tương đối trở thành tôn giáo dân sự và triết lý công cộng của Tây Phương. Một lần nữa, các lý luận bào chữa cho quan điểm này dường như có sức thuyết phục. Trong một thế giới tân tiến đa nguyên, dường như có lý khi xã hội phải đòi hỏi rằng không cá nhân nào hay nhóm nào có độc quyền về chân lý; rằng điều mà một người coi là tốt và ước ao thì người khác có thể không coi như vậy; và rằng mọi văn hoá và tôn giáo phải được tôn trọng là có giá trị ngang nhau.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta thấy rằng nếu không có một sự tin tưởng vào các quy tắc luân lý cố định và chân lý siêu việt, các thể chế và ngôn ngữ chính trị sẽ trở nên dụng cụ phục vụ cho thuyết man rợ mới. Nhân danh sự khoan dung chúng ta tha thứ cho sự thiếu khoan dung tàn bạo nhất; tôn trọng các nền văn hoá khác dẫn đến mệnh lệnh khinh miệt chính mình; sự dậy bảo “sống và hãy sống” biện hộ cho kẻ mạnh sống trên mồ hôi nước mắt của kẻ yếu.
Sự phân tích này giúp chúng ta hiểu một trong những bất công nền tảng của Tây Phương ngày nay – tội phá thai.
 
Tôi nhận ra rằng giấy phép phá thai là một vấn đề luật hiện hành trong hầu hết mọi quốc gia ở Tây Phương. Trong một số trường hợp, giấy phép này phản ảnh ý muốn của đa số và có sức ép buộc qua các phương tiện luật pháp và dân chủ. Và tôi nhận thấy nhiều người, ngay cả trong Giáo Hội, lấy làm lạ khi chúng ta, người Công Giáo Hoa Kỳ, coi tính cách bất khả xâm phạm của sự sống thai nhi là trọng tâm của đời sống chứng nhân công khai của chúng ta.
Để tôi nói với quý vị tại sao tôi tin rằng phá thai là vấn đề cốt yếu của thời đại chúng ta.
Trước hết, bởi vì sự phá thai cũng là vấn đề sống trong chân lý. Quyền sống là nền tảng của mọi nhân quyền khác. Nếu quyền đó bị vi phạm thì không còn quyền gì được bảo đảm.
Hoặc nói thẳng thừng hơn: giết người là giết người, bất kể nạn nhân nhỏ bé như thế nào.

Đây là một chân lý khác mà nhiều người trong Giáo Hội chưa thực sự coi trọng: Sự bảo vệ trẻ sơ sinh và thai nhi là yếu tố cốt lõi của căn tính Công Giáo kể từ thời Tông Đồ.
 
Tôi lập lại lần nữa: ngay từ những ngày đầu tiên của Giáo Hội, trở nên người Công Giáo có nghĩa từ chối tham dự việc phá thai bằng bất cứ cách nào – hoặc tìm cách phá thai, thi hành phá thai, hoặc giúp cho tội này qua các hành động hoặc không hành động trong phạm vi chính trị hay luật pháp. Hơn thế nữa, là người Công Giáo có nghĩa lớn tiếng chống đối mọi vi phạm đến sự thánh thiêng và phẩm giá của sự sống như được Đức Giêsu Kitô tiết lộ.
 
Có thể tìm thấy bằng chứng này trong các văn kiện xưa nhất của lịch sử Giáo Hội. Trong thời chúng ta – khi tính cách thiêng liêng của sự sống bị đe doạ không chỉ bởi sự phá thai, giết trẻ sơ sinh và an tử (euthanasia), nhưng còn bởi sự nghiên cứu phôi thai và những toan tính ưu sinh (eugenic) để loại trừ người yếu đuối, người phế tật và người già – khía cạnh này của căn tính Công Giáo ngày càng trở nên quan trọng cho tinh thần môn đệ của chúng ta.
Điểm tôi muốn nói khi nhấn mạnh đến phá thai là: Việc Tây Phương chấp nhận rộng rãi sự phá
thai cho chúng ta thấy rằng nếu không có một nền tảng nơi Thiên Chúa hay một chân lý cao hơn, các thể chế dân chủ của chúng ta có thể dễ trở nên các vũ khí chống lại chính phẩm giá con người.
 
Các giá trị trân quý nhất của chúng ta không thể được bảo vệ chỉ bởi lý lẽ, hoặc bởi chính nó. Các giá trị này không có sức tự duy trì hoặc bào chữa “nội tại”.
 
Không có lý do thực tế hoặc sự hợp lý cố hữu tại sao xã hội phải tôn trọng quyền của con người. Lại càng không có lý do để nhận biết quyền lợi của những người mà sự sống của họ là gánh nặng trên người khác, như trường hợp một thai nhi trong bụng mẹ, người bệnh gần chết, hoặc bị phế tật về thể xác hay tinh thần.
 
Nếu nhân quyền không xuất phát từ Thiên Chúa thì chúng rơi vào tình trạng các quy ước tuỳ tiện của con người. Nhà nước hiện diện để bảo vệ quyền lợi của con người và đề cao sự thịnh vượng của con người. Nhà nước không bao giờ là nguồn gốc của các quyền lợi đó. Khi nhà nước tự nhận cho mình có quyền đó, ngay cả một nền dân chủ cũng có thể trở nên chế độ chuyên chế.
 
Sự hợp pháp hoá phá thai là gì nếu không phải là một hình thức thực sự hung bạo mà nó đội lốt dân chủ? Ý muốn nắm quyền của người mạnh được luật lệ ban cho sức mạnh để giết kẻ yếu.
Đó là hướng tiến của Tây Phương ngày nay. Và chúng ta đã có mặt ở đó từ trước. Người Slovak và nhiều người khác ở trung và đông Âu Châu đã nếm qua điều đó.
 
Lúc đầu tôi giả sử rằng sự tự do tôn giáo của Giáo Hội thì đang bị tấn công ngày nay theo những phương cách chưa từng thấy kể từ thời Đức Quốc Xã và Cộng Sản. Tôi tin rằng, giờ đây chúng ta ở vào vị thế để dễ hiểu hơn lý do.
 
Trong thập niên 1960, Richard Weaver, một học giả và triết gia xã hội Hoa Kỳ, nói: “Tôi tuyệt đối tin tưởng rằng thuyết tương đối sẽ dần dà dẫn đến một chế độ quyền lực.”
Ông nói đúng. Có một loại “hợp lý bên trong” mà nó đưa thuyết tương đối đến sự đàn áp.
Điều này giải thích cho sự mẫu thuẫn về việc làm thế nào các xã hội Tây Phương có thể đề cao sự khoan dung và đa dạng tính trong khi hung hăng làm suy yếu và trừng trị đời sống Công Giáo. Giáo điều về sự khoan dung lại không thể tha thứ cho sự tin tưởng của Giáo Hội rằng một số lý tưởng và lối sống không thể được dung thứ bởi vì chúng làm mất đi nhân tính con người. Giáo điều nói rằng mọi chân lý thì tương đối nhưng lại không cho phép được suy nghĩ rằng một số chân lý thì không như vậy.
 
Các điều tin tưởng của Công Giáo mà chúng làm các người Tây Phương chính truyền vô cùng khó chịu là những điều về phá thai, tình dục và hôn nhân giữa người nam và người nữ. Đây không phải tình cờ. Những điều tin tưởng này của Kitô Giáo nói lên chân lý về sự thụ thai, ý nghĩa và định mệnh của con người.
 
Các chân lý này là yếu tố đổ vỡ trong một thế giới mà nó muốn chúng ta tin rằng Thiên Chúa thì không cần thiết và đời sống con người thì không có bản chất cố hữu hay mục đích. Vì vậy Giáo Hội phải bị trừng trị bởi vì, bất kể các tội lỗi và sự yếu đuối của dân Chúa, Giáo Hội vẫn là nàng dâu của Chúa Giêsu Kitô; vẫn là một nguồn xinh đẹp, có ý nghĩa và hy vọng nên không thể chết được – và vẫn là dị giáo hấp hẫn nhất và nguy hiểm nhất cho trật tự mới của thế giới.
Để tôi tóm lược những gì vừa nói.
 
Điểm đầu tiên của tôi là: Các quan niệm dẫn đến hậu quả. Và quan niệm xấu dẫn đến hậu quả xấu. Ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới mà nó đang lắc lư dưới một số quan niệm rất tiêu cực, tệ hại nhất là người ta có thể sống như thể Thiên Chúa không quan trọng và như thể Con Thiên Chúa chưa từng sống ở thế gian này. Một hậu quả của các quan niệm xấu xa này là sự tự do hoạt động của Giáo Hội đang bị tấn công. Chúng ta cần hiểu tại sao lại như vậy, và chúng ta cần thi hành một vài điều gì đó.
 
Điểm thứ hai của tôi đơn giản là: Chúng ta không nên coi sự tranh luận về vấn đề tục hoá – nó thực sự có nghĩa đẩy Kitô Giáo ra khỏi ký ức văn hoá của chúng ta – như một vấn đề của giới chuyên gia Giáo Hội. Sự xuất hiện của một “Âu Châu mới” và một “Hoa Kỳ tương lai” được ăn sâu trong điều gì đó khác hơn là các dữ kiện có thật về lịch sử được Kitô Giáo hình thành, nó sẽ gây hậu quả thiệt hại cho bất cứ tín hữu nào đầy lòng tin.
 
Chúng ta không cần và không nên bác bỏ công trình khó nhọc của sự đối thoại thành thật. Trái lại là đằng khác. Giáo Hội luôn luôn cần tìm kiếm tình bằng hữu, các lãnh vực thoả thuận, và các phương cách để đưa các lý lẽ tốt đẹp vào sinh hoạt chung. Nhưng thật điên dại khi mong đợi sự biết ơn hoặc ngay cả sự tôn trọng từ chính phủ và giới lãnh đạo văn hoá ngày nay. Sự khinh suất ngây thơ không phải là một đặc tính truyền giáo.
 
Sự cám dỗ trong mọi thời đại của Giáo Hội là cố gắng để sống hài hoà với Xêda. Và điều đó rất đúng: Kinh Thánh dậy chúng ta phải tôn trọng và cầu nguyện cho các người lãnh đạo. Chúng ta cần có một tình yêu lành mạnh đối với quê hương mà chúng ta gọi là mái nhà. Nhưng không thể nào chúng ta trả lại Xêda những gì thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta cần phải vâng lời Thiên Chúa trước hết; các bó buộc của thẩm quyền chính trị luôn luôn đến sau. Chúng ta không thể hợp tác với sự dữ mà không dần dà chính chúng ta trở nên xấu xa. Đây là một trong những bài học khắc nghiệt nhất của thế kỷ 20. Và đó là một bài học mà tôi hy vọng là chúng ta đã học được.
 
Điều đó đưa tôi đến điểm thứ ba và sau cùng hôm nay: Chúng ta sống trong một thời đại mà Giáo Hội được mời gọi để trở nên một cộng đồng tín hữu đề kháng. Chúng ta cần gọi đúng tên các sự việc. Chúng ta cần phải chiến đấu với sự dữ mà chúng ta thấy. Và quan trọng nhất, chúng ta không được tự lừa dối mình để nghĩ rằng khi hài hoà với các tiếng nói của chủ nghĩa thế tục và cô lập Kitô Giáo, bằng cách nào đó chúng ta có thể thay đổi hoặc làm dịu nhẹ sự việc. Chỉ có Sự Thật mới giải thoát con người. Chúng ta cần trở nên tông đồ của Đức Giêsu Kitô và Sự Thật Người nhập thể.
 
Như vậy điều đó có nghĩa gì cho cá nhân chúng ta là các môn đệ? Để tôi đưa ra một vài để nghị như một sự kết thúc.
 
Đề nghị của tôi cũng xuất phát từ nhân chứng vĩ đại chống với Đệ Tam Quốc Xã là Dietrich Bonhoeffer: “Sự canh tân thế giới Tây Phương chỉ hệ tại sự canh tân đối với Thiên Chúa của Giáo Hội, mà nó dẫn Giáo Hội đến sự thông hiệp với Đức Giêsu Kitô phục sinh và hằng sống.”7
 
Thế giới rất cần một sự tái-tỉnh thức của Giáo Hội trong hành động của chúng ta và trong đời sống chứng nhân của chúng ta nơi công cộng cũng như riêng tư. Thế giới cần mỗi người chúng ta, cùng với các tín hữu khác, có được sự cảm nghiệm sâu xa với Chúa Phục Sinh. Sự canh tân của Tây Phương tuỳ thuộc phần lớn vào sự trung thành của chúng ta đối với Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội của Người.
 
Chúng ta cần thực sự tin tưởng vào những gì chúng ta tuyên xưng. Sau đó chúng ta cần minh chứng điều đó bằng đời sống của chúng ta. Chúng ta cần thực sự tin tưởng vào các chân lý của kinh Tin Kính đến độ bừng cháy muốn sống các chân lý này, muốn yêu với các chân lý này, và muốn bảo vệ các chân lý này, dù có phải bất tiện và đau khổ.
 
Chúng ta là các đại sứ của Thiên Chúa hằng sống cho thế giới mà nó sắp sửa quên Người. Công việc của chúng ta là làm cho Thiên Chúa trở nên hiện thực; là diện mạo tình yêu của Người; để một lần nữa đề nghị đối thoại về sự cứu độ với con người ngày nay.
 
Bài học của thế kỷ 20 là không có ơn sủng nào rẻ mạt. Thiên Chúa mà chúng ta tin tưởng, Thiên Chúa mà vì quá yêu thế gian đến độ sai Con duy nhất của Người xuống để chịu đau khổ và chịu chết cho thế gian, đòi hỏi chúng ta cũng sống theo khuôn khổ can đảm, hy sinh đã được Đức Giêsu Kitô chỉ bảo cho chúng ta.
 
Hình thức của Giáo Hội, và hình thức của mỗi một cuộc đời tín hữu Kitô, là hình thức thập giá. Đời sống chúng ta phải trở nên một nghi lễ phụng vụ, một sự tự hiến mà đó là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa và sự canh tân thế giới.
 
Các vị tử đạo người Slovak trong quá khứ biết rõ điều này. Và họ sống chân lý này khi sự cay đắng nặng nề của thù hận và chế độc cực quyền đè nặng trên dân tộc của quý vị. Tôi đặc biệt nghĩ ngay đến các giám mục anh hùng của quý vị, Chân Phước Vasil Hopko và Pavel Gojdic, và nữ tu anh thư, Chân Phước Zdenka Schelingová.
 
Chúng ta cần luôn nhớ đến và trân quý lời uỷ thác của Chị Zdenka:
“Sự hy sinh của tôi, Thánh Lễ của tôi, bắt đầu trong đời sống hàng ngày. Từ bàn thờ của Chúa tôi đi đến bàn thờ công việc của tôi. Tôi phải có thể tiếp tục hy lễ bàn thờ trong mọi hoàn cảnh… Chính Đức Kitô là người mà chúng ta phải tuyên xưng qua đời sống chúng ta, chúng ta dâng lên Người sự hy sinh ý riêng của chính chúng ta.” 8
 
Chúng ta hãy rao giảng về Đức Giêsu Kitô với tất cả sức lực của đời sống chúng ta. Và chúng ta hãy hỗ trợ lẫn nhau – với bất cứ giá nào – để khi trình diện với Chúa, chúng ta sẽ được kể vào hàng ngũ trung kiên và can đảm, và không phải là hạng hèn nhát hoặc lẩn tránh, hoặc những người tương nhượng cho đến khi không còn gì để tin tưởng nơi họ; hoặc những người chỉ im lặng khi phải lên tiếng nói vào đúng lúc. Cảm ơn quý vị. Và xin Chúa chúc lành cho tất cả quý vị.
Đức TGM Charles Chaput
(trích trong trang web của TGP Denver, http://www.archden.org/index.cfm/ID/4396. Pt Giuse Trần Văn Nhật lược dịch)

--------------------------------------------------------------------------------

Các chú giải:
1. Alexis de Tocqueville, Democracy in America, vol. 1, pt. 2, chap. 9 (New York: Library of America, 2004), 340.
2. Henri de Lubac, The Drama of Atheist Humanism (San Francisco: Ignatius, 1998), 14.
3. John 8:32.
4. See Václav Havel, “The Power of the Powerless” (1978), in Open Letters: Selected Writings 1965–1990 (New York: Knopf, 1991), 125–214.
5. Dietrich Bonhoeffer, Ethics (London: SCM, 1983), 72–73.
6. Richard Weaver, “Relativism and the Crisis of our Times” (1961), in In Defense of Tradition: Collected Shorter Writings of Richard M. Weaver, 1929–1963 (Indianapolis: Liberty Fund, 2001), 104.
7. Bonhoeffer, Ethics, 95.
8. See “Novena to the Blessed Zdenka Schelingová,” at www.holycrosssisters.org/s_zdenka.html.

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Lẽ Sống, 11 Tháng Chín, Thuốc Dã Rượu (9/11/2010)
Đức Bà Cồn Trên: Ít Phút Suy Tư Iii, “con Phải Ðóng Cho Cha Cái Ghế Ở Tòa Giải Tội” (9/10/2010)
Huế: Dưới Con Mắt L.cadière – L.cadière: Dưới Con Mắt Một Người Huế (9/10/2010)
Soi Mình Trước Khi Soi Người (9/10/2010)
10 Tháng Chín, Quà Tặng Quý Giá Nhất (9/10/2010)
Tin/Bài cùng ngày
Con Đang Nghe Chúa Dạy (9/9/2010)
Lẽ Sống, 09 Tháng Chín, Các Thánh Xuống Hỏa Ngục (9/9/2010)
Tin/Bài khác
08 Tháng Chín, Cuốn Sách Một Chữ (9/8/2010)
Cầu Nguyện Luôn Luôn, 07/09/10 (9/7/2010)
Không Có Gì Là Không Thể, 06/09/10 (9/7/2010)
Lẽ Sống: 07 Tháng Chín, Ðâu Là Hạnh Phúc Ðích Thực (9/7/2010)
Lẽ Sống, 06 Tháng Chín, Không Mong Ðền Ðáp (9/7/2010)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768