VỊ QUAN CÔNG GIÁO THÁNH THIỆN THANH LIÊM
Carthage - thuộc địa xưa của đế quốc La Mã - nằm ở vùng Bắc Châu Phi. Vào thời gian đầu của kỷ nguyên Kitô giáo, Carthage ghi vào lịch sử Giáo Hội Hoàn Vũ tên của rất nhiều vị thánh tử vì đạo, trong đó có cả quan bảo-dân Công Giáo La Mã, ông Marcellinus.
Đầu thế kỷ thứ IV, Donat là Giám Mục của Casae Nigrae, thuộc nước Numidie (Bắc Phi) đề xướng giáo phái ”donatiste”, theo đó, chỉ những ai theo giáo phái này mới là kế vị chính tông của các thánh Tông Đồ. Donat qua đời năm 355 nhưng các đồ đệ của ông vẫn tiếp tục gieo rắc lầm lạc. Năm 411, một Hội Nghị được triệu tập tại Carthage, với sự tham dự của các Giám Mục Công Giáo và các giám mục theo giáo phái donatiste. Năm đó, ông Marcellinus là quan bảo-dân La Mã tại đây nên đương nhiên được mời chủ tọa hội nghị. Ngoài tư cách đại diện Hoàng Đế La Mã tại Carthage và là tiếng nói của người dân địa phương trước mặt Hoàng Đế, ông Marcellinus còn chủ tọa Hội Nghị trong tư cách là một tín hữu Công Giáo chân chính và nhiệt thành.
Hội Nghị diễn tiến tốt đẹp và đem lại kết quả khả quan về phía các Giám Mục Công Giáo. Cuộc thất bại dĩ nhiên nằm về phía các giám mục theo bè phái donatiste. Do đó họ giữ kín mối hận đặc biệt đối với quan bảo-dân Marcellinus, chờ dịp trả thù.
Cơ hội xảy đến 2 năm sau, vào mùa hè 413. Năm đó xảy ra cuộc phản loạn của Hilarianus nhằm lật đổ bá tước Marinus. Cuộc cách mạng không thành công. Dư luận dân chúng, đặc biệt bè phái donatiste, tung ra nguồn tin kết tội hai anh em quan bảo-dân Marcellinus có dính líu trong vụ lật đổ. Ông Marcellinus và bào huynh bị bắt giam. Ngày thứ bảy 13-9-413, bất ngờ bá tước Marinus truyền đem hai bị cáo ra xét xử và tuyên án tử hình. Bản án được thi hành ngay sau đó. Sau đây là chứng từ của thánh Augustino (354-430), người bạn sống đồng thời với quan Marcellinus, về đời sống thánh thiện của vị quan Công Giáo thanh liêm.
Marcellinus là tín hữu Công Giáo đạo đức gương mẫu. Nơi ông, người ta tìm thấy tình bạn chân thành, lòng ngay chính, tính ham học hỏi, đức trinh khiết và lòng trung thành trong cuộc sống hôn nhân. Sau cùng là sự thận trọng trong các vụ xét xử. Ông luôn tỏ ra nhẫn nhục với kẻ thù, khoan dung với bạn bè, khiêm tốn trước các vị thánh và tỏ tình bác ái với mọi người. Ông cũng luôn mau mắn trong việc giúp đỡ người khác, tỏ ra nhiệt thành trong điều thiện và lánh xa tội ác. Nơi ông chiếu sáng lòng ngay chính, rạng ngời tính ân cần và lan tỏa niềm yêu thương trìu mến. Ông nhân từ khi giúp đỡ, khoan hậu khi tha thứ và tin tưởng khi nguyện cầu cùng THIÊN CHÚA.
Khi có nhiệm vụ phải khuyên dạy và răn bảo kẻ khác, ông thường làm với tâm tình dè dặt khiêm tốn. Nếu có điều gì nghi ngờ hoặc không biết rõ, ông cẩn thận truy tầm và học hỏi. Ông không hề dính bén của cải đời này nhưng chỉ tìm kiếm và mong ước của cải đời sau. Lý do duy nhất ngăn cản ông quyết định từ bỏ mọi sự để trọn hiến cuộc đời cho THIÊN CHÚA là sợi dây ràng buộc hôn phối. Ông cảm thấy ước ao bước theo các lời khuyên tận hiến Phúc Âm, sau khi đã lập gia đình, nên đành gác bỏ ước nguyện cao cả sang một bên.
Một ngày trong già giam, người anh nói với ông Marcellinus: - Anh bị tù đày như thế này thật xứng đáng với tội lỗi anh đã phạm. Còn chú, theo như anh thấy, thì chú có một đời sống đạo đức gương mẫu. Vậy tại sao chú phải gánh chịu cảnh tù đày gian truân như thế này?
Ông Marcellinus khiêm tốn trả lời: - Anh thật có cái nhìn hạn hẹp về tầm cao cả rộng lớn của những ân huệ THIÊN CHÚA trao ban cho chúng ta, cho dù giả thiết rằng nhận xét tích cực của anh về cuộc đời em là đúng. Các đau khổ của em, ngay cả cái đau khổ tột cùng là phải đổ máu mình ra, tại sao chúng ta nghĩ đó là hình phạt cho các tội lỗi chúng ta đã phạm??? Tại sao lại không nghĩ rằng các đau khổ này cứu chúng ta thoát khỏi sự luận phạt đời sau???
Nghe câu trả lời, người ta có cảm tưởng ông Marcellinus đã lỗi phạm điều gì về điều răn thứ sáu chăng. Tôi cũng nghĩ thế, nên một ngày, khi đến nhà giam thăm ông, tôi bày tỏ nỗi ngạc nhiên và lo lắng của mình. Chính nhờ sự hiểu lầm mà tôi hân hạnh nghe từ môi miệng ông lời xác quyết về đức trong sạch và lòng trung tín của ông trong đời sống hôn nhân. Ông khiêm tốn nhận lời khuyên bảo của tôi, nhưng với khuôn mặt ửng hồng, biểu lộ sự liêm sỉ tột độ, hai bàn tay ông nắm chặt lấy bàn tay tôi, ông nghiêng đầu thổ lộ: - Con xin lấy các bí tích mà Cha ban cho chúng con qua bàn tay làm bằng chứng, để quả quyết với Cha rằng: ”Con không hề chung đụng với phụ nữ nào khác ngoài vợ con, trước khi thành hôn và sau khi thành hôn.
... ”Kẻ để hết tâm hồn suy gẫm luật Đấng Tối Cao thì truy tầm lẽ khôn ngoan nơi mọi bậc lão thành .. Từ sáng sớm, người ấy đã hăm hở đến cầu nguyện cùng THIÊN CHÚA, Đấng tạo dựng nên mình. Người ấy mở miệng nài van THIÊN CHÚA, cầu xin Ngài thứ tha tội lỗi. Nếu đẹp lòng THIÊN CHÚA cao cả, người ấy sẽ dư đầy trí thông minh, ban phát lời khôn ngoan như mưa móc tràn trề, dùng lời kinh mà chúc tụng THIÊN CHÚA. Người ấy sẽ sử dụng các nhận định và hiểu biết của mình sao cho đúng đắn, sẽ suy gẫm những điều huyền bí cao siêu. Người ấy sẽ làm sáng tỏ giáo huấn đã hấp thụ, sẽ tự hào về luật giao ước của THIÊN CHÚA. Nhiều người sẽ khen ngợi người ấy thông minh, trí thông minh đó sẽ không bao giờ bị quên lãng, hình ảnh người ấy sẽ không phai mờ và danh thơm sẽ trường tồn qua muôn thế hệ. Muôn dân sẽ truyền tụng đức khôn ngoan của người ấy, và cộng đoàn sẽ lớn tiếng ngợi khen. Nếu người ấy sống lâu, sẽ để lại danh thơm hơn cả ngàn người khác, và sẽ thỏa lòng khi an giấc ngàn thu” (Sách Huấn Ca 39,1-11).
(”SAINTS ANCIENS D'AFRIQUE DU NORD”, Monseigneur Victor Saxer, Tipografia Vaticana, 1979, trang 163-165)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
|