Ngày 26 tháng 8 năm 1910, Agnes Gonxha Bojakhiu ra đời tại thành phố Skopje (Macedonia), cha mẹ là người Albania.
Sau này, người đã có lần tự mô tả: “Theo máu huyết, tôi là người Albania. Theo quốc tịch, tôi là người Ấn độ. Theo đức tin, tôi là một nữ tu Công giáo. Theo ơn gọi, tôi thuộc về trần gian này. Còn theo tâm hồn tôi, tôi hoàn toàn thuộc về Thánh Tâm Chúa Giêsu.”
Mẹ Têrêxa, cái tên đã được cả thế giới biết tới, đã được hàng triệu người tôn vinh hôm 26 tháng 8 vừa qua nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của người, và sẽ được tưởng niệm vào ngày 5 tháng 9 sắp tới là ngày người qua đời. Không chỉ có Giáo hội Công giáo đã công bố rằng người đang ở trên thiên đường khi tuyên phong người lên bậc “chân phước”, mà, để vinh danh Mẹ, Cây cầu Hòa bình nối liền Buffalo (New York, Hoa kỳ) với Fort Erie (Ontario, Canada) đã được thắp sáng hai mầu xanh và trắng, mầu của tu hội người đã sáng lập: Dòng Bác ái Truyền giáo. Khi Mẹ Têrêxa qua đời 13 năm trước đây, Dòng đã có tới hơn 4 ngàn nữ tu và đã trở thành nữ tu hội truyền giáo lớn nhất trong Giáo hội – giữa lúc các dòng tu trên khắp thế giới đang rơi vào cảnh sa sút.
Từ những đô thị lộng lẫy trên thế giới, thật khó mà tưởng tượng ra được một nơi chốn như những khu bùn lầy nước đọng ở Calcutta, nơi Mẹ Têrêxa khởi đầu việc chăm sóc cho những “kẻ nghèo nhất trong những người nghèo.” Giữa cảnh cùng khổ trên trái đất, Mẹ đã dạy cho các nữ tu thấy được “Đức Kitô ẩn mình trong người nghèo khốn khổ.”
Vào năm 1952, Mẹ Têrêxa thấy một phụ nữ đang hấp hối trên đường phố, cả người đã bị chuột và kiến gặm nhấm tơi tả, mà không được ai chăm sóc. Mẹ đưa bà vào bệnh viện, nhưng đã hết phương cứu chữa. Nhận thấy có nhiều người đang sắp chết trong cảnh cô độc trên hè phố, Mẹ Têrêxa đã mở ngay Nirmal Hriday (Tấm Lòng Thanh Khiết), một ngôi nhà dành cho người hấp hối. Chỉ nguyên trong 20 năm đầu đã có hơn 20 ngàn người được chuyển tới đây, và phân nửa số người này đã qua đời giữa tình yêu thương của Tu hội Bác ái Truyền giáo. Nirmal Hriday là nơi một con người đang hấp hối, nằm trong hai cánh tay Mẹ Têrêxa sau khi đã được lượm đưa về đây từ khu cống rãnh, được tắm rửa, mặc áo quần và cho ăn uống, đã nói với Mẹ: “Tôi đã sống như một con thú vật, nhưng nay tôi được chết chẳng khác một thiên thần.”
|
Mẹ Têrêxa Calcutta (26/8/1910 - 5/9/1997) |
Nirmal Hriday đã là trọng tâm của một phim tài liệu nhan đề
Something Beautiful for God (Điều Đẹp đẽ đối với Thiên Chúa) của đài truyền hình Anh quốc năm 1969, sản xuất do Malcolm Muggeridge, nay đã quá cố. Phim này đã làm Mẹ Têrêxa trở thành người nổi tiếng, tuy rằng trước đó người đã trải qua 23 năm trường phục vụ trong những khu nhà ổ chuột, tận tụy với công việc bác ái trong cảnh tối tăm không ai biết tới.
Thế rồi Mẹ đi đến cảnh được tiếp đón nơi các đô thị huy hoàng, nhận được hàng chục giải thưởng. Năm 1979, Mẹ được Giải Nobel Hòa bình, vào lúc đó vẫn còn là một giải thưởng có uy tín. Năm 1985, khi được tưởng thưởng Huân chương Tự do của Tổng thống (Presidential Medal of Freedom), Mẹ Têrêxa nhận một tấm plaque có ghi dòng chữ mô tả là “vị thánh chốn bùn lầy.” Đã có những con người xuất thân từ những vùng bùn lầy nước đọng và đã nhận được những giải thưởng như thế, nhưng chỉ duy nhất Mẹ là người đã trở lại vùng bùn lầy để sinh hoạt.
Mẹ Têrêxa đã biết rằng điều thiện hảo đích thực không thể tìm thấy được nơi các hệ thống, các kế hoạch, dù chúng tài tình hay hữu hiệu đến đâu, ngoài nơi con người. Mẹ không chống lại công trình của các cơ quan cung ứng phúc lợi, nhưng nhận xét rằng phúc lợi là nhằm cho một mục đích, dù là một mục đích cao cả, trong khi tình yêu thương mới là nhằm cho con người. Mẹ Têrêxa dâng hiến tình yêu thương. Khi bị chỉ trích bởi một số người kết án Mẹ đã không đi đến những nguyên nhân căn cội của những vấn đề khó khăn, Mẹ Têrêxa chỉ giản dị nhắc nhở cho họ nguyên nhân đích thực bởi đâu mà ra. Mẹ giải thích: “Bệnh tật lớn nhất ngày nay không phải là cùi hoặc lao, mà là cảm thấy bị dư thừa, không được chăm sóc và bị mọi người xa lánh. Điều xấu lớn lao nhất là thiếu tình thương yêu và bác ái, ơ hờ khủng khiếp với người bên cạnh.”
Mẹ Têrêxa không bao giờ hãnh diện, khoe khoang trước đám đông những người muốn làm lu mờ đi Tin Mừng và giảm thiểu Mẹ xuống hàng một người nổi tiếng có lòng nhân đạo. Mẹ phát biểu chống lại nạn phá thai, coi đó là “tác nhân lớn lao nhất phá hoại hoà bình” khi người ở Oslo (Na Uy) lúc nhận giải Nobel, và làm kinh ngạc các tham dự viên buổi Điểm tâm Cầu nguyện Toàn quốc tại Washington khi Mẹ nhắc nhở họ về truyền thống Kitô giáo coi việc ngừa thai là phi luân lý. Mẹ nhấn mạnh rằng mình phục vụ trong vùng cống rãnh chỉ vì một lý do duy nhất: đem tình yêu thuơng của Chúa Kitô đến cho mỗi linh hồn con người đã bị bỏ rơi ở đó.
Thế giới chỉ biết Mẹ với hình dạng nhỏ bé, da mặt nhăn nheo, lưng hơi gù và đôi tay xương xẩu. Thế nhưng mọi người gặp Mẹ Têrêxa đều thấy người đẹp đẽ, vì đôi mắt ngời sáng và nụ cười rạng rỡ niềm vui.
Hồng y Joseph Ratzinger đã có lần viết rằng chung cuộc Giáo hội chỉ có hai điều để hiến dâng cho thế giới để chứng tỏ tính khả tín của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô: đó là vẻ đẹp của nghệ thuật và cuộc sống của các vì thánh nhân. Mẹ Têrêxa đã chinh phục được lòng ngưỡng mộ của cả thế giới, trở thành vị thánh bổn mạng của một thế kỷ đầy khó khăn. Tương tự như một tuyệt tác phẩm lớn lao trong kho tàng nghệ thuật linh thánh, Mẹ quả thật là một công trình đẹp đẽ trước mặt Thiên Chúa.
Nguồn: Father Raymond J. de Souza, "Saint of the gutters."National Post
, (Canada) August 26, 2010.