Hiện tình Irak 20 năm sau chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư lần thứ nhất
Một số nhận định của Đức Cha Louis Sako, Tổng Giám Mục Kirkuk về hiện tình Irak 20 năm sau chiến tranh với Kuweit
Trong các ngày qua, hơn một tuần sau khi quân đội Mỹ bắt đầu được lệnh triệt thoái khỏi Irak, làn sóng khủng bố phá hoại lại gia tăng khiến cho hơn 90 người chết và hơn 300 người bị thương vì bom nổ. Trước việc quân đội Hoa Kỳ rút lui khỏi Irak chỉ để lại 50.000 quân để huấn luyện cho quân đội Irak và trong thời gian chuyển tiếp, tình hình Irak xem ra ngày càng bất ổn hơn.
Hai mươi năm đã trôi qua kể từ khi khi chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư lần thứ nhất bùng nổ ngày mùng 2 tháng 8 năm 1990 giữa Irak và Kuweit. Nhiều tháng trước đó chính quyền Baghdad đã đưa ra các lời tố cáo Kuweit và đòi lại các phần đất mà Irak coi là của mình, nhưng đã không có ai thấy trước rằng lúc 2 giờ sáng ngày mùng 2 tháng 8 năm 1990 tổng thống Saddam Hussein ra lệnh cho quân đội Irak tiến chiếm Kuweit và lúc 7 giờ sáng xe tăng của Irak đã tràn vào thủ đô Kuweit, khiến cho giới lãnh đạo Kuweit phải chạy trốn. Ai Cập, Siria và A Rập Sauđi đã mạnh mẽ lên án Irak và yêu cầu Liên Hiệp Quốc can thiệp.
Theo lời yêu cầu của vua Fahd của A Rập Saudi, ngày mùng 8 tháng 8 năm 1990 chính quyền Hoa Kỳ gửi quân đội sang vùng Vịnh Ba Tư. Chỉ trong vòng vài tháng Hoa Kỳ đã thực hiện công cuộc thiết lập một căn cứ quân sự rộng lớn và quy mô nhất kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Thật thế, chiến dịch ”Thuẫn sa mạc” đã điều động 650.000 quân thuộc 34 nước tham gia chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư dưới quyền điểu khiển của một bộ chỉ huy quân sự hỗn hợp.
Trong hai tháng 8 và tháng 9 năm 1990 tổng thống Saddam Hussein ra lệnh bắt giam tất cả các kiều dân tây phương sống tại Kuweit và Irak, và dùng họ như là thuẫn bảo vệ các cứ điểm quân sự quan trọng nhất của Irak. Sau đó Saddam Hussein cho phép một số nhân vật quan trọng như ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kurt Waldheim, Thủ tướng Đức Willy Brandt, chính trị gia Jesse Jackson và nhiều nhân vật khác, đưa một vài người đồng hương của họ về nước.
Ngày mùng 7 tháng Giêng năm 1991 các lực lượng liên minh bắt đầu các cuộc đội bom, và chính quyền Italia gửi các máy bay chiến đấu Tornado sang vùng Vịnh Ba Tư. Hôm sau đó máy bay của đại Tá Gianmarco Bellini và đại úy Maurizio Cocciolone bị súng phòng không Irak bắn hạ. Hai người bị bắt làm tù binh và được đưa lên truyền hình Irak, nhưng được trả tự do ngày mùng 3 tháng 3. Liên Hiệp Quốc ra tối hậu thư cho chính quyền Irak phải rút quân khỏi Kuweit, nếu không quân đội đồng minh sẽ tấn công, nhưng ông Saddam Hussein đã không nhượng bộ.
Đêm 16 tháng giêng năm 1991 Hoa Kỳ và quân đội đồng minh ra lệnh tấn công. Chiến dịch ”Bão trong sa mạc” khởi đầu khiến cho 75.000 binh sĩ Irak, 478 binh sĩ Hoa Kỳ và đồng minh tử trận. Cũng đã có 4.000 thường dân bị thiệt mạng. Cuộc tấn công trên bộ đã chấm dứt ngày 28 tháng hai năm 1991 và Kuweit được giải phóng. Nhưng cũng kể từ đó Irak trở thành điểm nóng của vùng Trung Đông.
Năm 1992 chính quyền Baghdad khước từ không cho phép các ủy viên thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc vào Irak. Liên Hiệp Quốc ra lệnh cấm vận kinh tế Irak nghiêm ngặt khiến cho nền kinh tế nước này suy sụp và người dân Irak gặp cảnh đói kém khó khăn. Trước cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng gia tăng, năm 1995 Liên Hiệp Quốc đã giảm bớt các biện pháp trừng phạt Irak và đưa ra quyết nghị 986 với chương trình ”Đổi dầu hỏa lấy thực phẩm”, cho phép Irak xuất cảng 2 tỷ mỹ kim dầu thô mỗi 6 tháng để có tiền mua thực phẩm và thuốc men cho dân chúng.
Tương quan giữa Irak Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh ngày càng căng thẳng. Ngày mùng 7 tháng giêng năm 2001 quân đội đồng minh tiến chiếm Irak, và cuộc chiếm đóng chấm dứt ngày 28 tháng hai cùng năm. Ngày mùng 3 tháng 4 hai bên ngừng chiến theo nghị quyết số 687 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Sau đó Irak hoàn toàn bị cô lập khỏi cộng đồng quốc tế và chịu nhiều hạn chế cho tới năm 2003. Sau vụ hai tháp song sinh tại New York bị quân khủng bố dùng máy bay đâm vào, bị cháy và sập ngày 11 tháng 9 năm 2001, Hoa Kỳ tố cáo Irak sản xuất các vũ khí giết người hàng loạt và cộng tác với tổ chức khủng bố Al Qaeda, cũng như vi phạm nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Ngày mùng 9 tháng 3 năm 2003 mặc dù Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chống đối, Hoa Kỳ ra lệnh tấn công Irak. Tuy các chuyên viên thanh tra đã cho biết là Irak không có các khí giới giết người hàng loạt đó, chính quyền Hoa Kỳ vẫn nhất quyết tấn công Irak. Trước đó nhiều lần và đặc biệt trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 16 tháng 3 năm 2003, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi hòa bình cho Irak. Nhưng lời kêu gọi của người đã không được chính quyền Hoa Kỳ lắng nghe.
Chiến dịch ”Đánh và gây kinh hoàng” đã mở màn với các cuộc dội bom thủ đô Baghdad. Một tháng sau, ngày mùng 9 tháng 4 binh sĩ Mỹ chiếm đóng thủ đô Baghdad, tổng thống Saddam Hussein chạy trốn và chiến tranh kết thúc ngày mùng 1 tháng 5 sau đó. Tháng 3 năm 2004 Hội đồng lãnh đạo lâm thời Irak đạt sự đồng thuận liên quan tới ”luật chuyển tiếp” nhằm dẫn đưa Irak tới tình trạng ổn định và tái thiết.
Nhưng xung khắc bùng nổ trong lòng lực lượng Shiit, có cánh tả muốn hiệp nhất với lực lượng Sunnít nổi loạn tại Falluja. Ngày mùng 8 tháng 6 năm 2004 với nghị quyết 1546, Liên Hiệp Quốc bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp để thành lập chính quyền mới. Ông Iyad Allawi được chỉ định lãnh đạo chính quyền này. Từ đó đến nay, các vụ khủng bố bằng xe bom liên tục xảy ra ngày càng nhiều khiến cho hàng ngàn người chết và hằng trăm ngàn người phải bỏ Irak ra nước ngoài lánh nạn.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Louis Sako, Tổng Giám Mục Kirkuk về hiện tình đất nước Irak 20 năm sau chiến tranh với Kuweit.
Hỏi: Thưa Đức Cha, 20 năm đã trôi qua với biết bao biến cố: Irak xâm lăng Kuweit, hai cuộc chiến tại vùng Vịnh, chế độ Saddam Hussein sụp đổ, Hoa Kỳ xâm lăng Irak và việc chuyển tiếp chậm chạp khó khăn hầu như không dứt hiện nay. Đức Cha có cảm tưởng gì?
Đáp: 20 năm đã trôi qua nhưng vẫn chưa đủ để giúp Tây Phương hiểu biết Irak là một nước tục hóa; và điều đầu tiên mà người dân Irak mong muốn: đó là được sống như là các công dân tự do. Họ không có các mầm giống của khuynh hướng qúa khích và chia rẽ giáo phái trong yếu tố di truyền. Ông Saddam Hussein đã trực giác được điều này và thành lập một chính quyền đời, nhưng rất tiếc là chính quyền ấy đã bị cụ thể hóa thành một chế độ độc tài tàn bạo, mà chúng tôi đã phải gánh chịu.
Hỏi: Chính sự không hiểu biết này đã là nguyên nhân của biết bao nhiêu sai lầm trong nỗ lực bình thường hóa Irak, có phải thế không thưa Đức Cha?
Đáp: Vâng, đúng thế. Đã hoàn toàn thiếu chiều kích văn hóa tôn trọng sự đa diện và hiểu biết đất nước này là đất nước của một trong các dân tộc giỏi giang nhất trong vùng. Trong các năm qua Irak đã bị thương tích bởi một chế độ độc tài đã cướp mất đi của nhân dân mọi sự, kể cả không khí để thở. Và Irak đã bị đối xử như là một lò sản xuất ra khuynh hướng qúa kích, nhưng thực tại của chúng tôi rất khác. Đã xảy ra một tiến trình tồi tệ chậm và lâu dài dẫn đưa tới tình trạng ngày nay, trong đó vì lý do mâu thuẫn Irak lại đã thực sự trở thành một vùng đất xung đột giữa các nhóm qúa khích, thường là phát xuất từ nước ngoài.
Hỏi: Thưa Đức Cha. tiến trình tồi tệ này đã bắt đầu khi nào?
Đáp: Hồi năm 1990 tôi là cha xứ tại Mosul, khi xảy ra các cuộc đội bom. Cuộc dội bom đã kéo dài một tháng trời. Sau đó, mọi sự đã thay đổi. Chính quyền Irak trở thành hung hãn hơn đối với nhân dân. Và cuộc cấm vận cũng bắt đầu khiến cho người dân phải sống trong cảnh thiếu thốn trong suốt 13 năm trời. Nền kinh tế suy sụp: không có điện, không có nước. Chúng tôi có thói quen ăn bánh trắng, nhưng trong suốt thời gian này phải ăn bánh đen, mà không biết nó chứa những gì trong ấy. Thế rồi phong trào di cư cũng bắt đầu. Trước hết là giới trí thức, tiếp đến là thường dân. Ai di cư được là ra đi. Và thế là tất cả đều sụp đổ. Irak đã biến thành một nhà tù khổng lồ.
Hỏi: Riêng Đức Cha, thì Đức Cha đã có kinh nghiệm nào trong hoàn cảnh tang thương này của đất nước Irak?
Đáp: Tôi đã có một trường học tại Mosul và suốt ngày chúng tôi bị bắt buộc phải nghe các khẩu hiệu tuyên truyền ca tụng chế độ và tổng thống. Đối với Kitô hữu chúng tôi, ít nhất ở bên trong nhà thờ, chúng tôi còn có được sự tự do, nhưng giai đoạn kinh hoàng cũng bắt đầu.
Hỏi: Đâu đã là thời gian tệ hại nhất đối với cộng đoàn kitô của Đức Cha?
Đáp: Tôi phải nói rằng đó là trong các năm trước đó nữa, tức trong thời Irak có chiến tranh với Iran, vì đã có rất nhiều tín hữu kitô bị giết chết. Không có gia đình nào là không có con trai phải chiến đấu ngoài chiến trường. Và tôi còn nhớ biết bao nhiêu đám táng tôi đã cử hành trong thời chiến tranh.
Hỏi: Thế còn bây gìơ thì sao thưa Đức Cha?
Đáp: Người Mỹ đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều, bằng cách khiến cho chúng tôi có được trở lại sự tự do. Nhưng họ có thái độ thực tiễn: họ thử một giải pháp, rồi khi thấy nó không được, họ lại thử một giải pháp khác. Sự kiện đó là trong một đất nước như đất nước Irak, trao ban cho nó các thế quân bình qúa tế nhị có thể trở thành một nguy cơ tàn phá. Hoa Kỳ phải hiểu rằng con đường đúng đắn đó là con đường giáo dục. Cần phải giáo dục dân chủ cho các thế hệ trẻ, trong khuôn khổ của một chương trình lâu dài. Và cũng cần phải đào tạo các người lãnh đạo, vì họ cần có một người lãnh đạo mạnh mẽ.
Trong tình trạng trống rỗng quyền bính mà chúng tôi đang sống, sự chia rẽ bè phái được củng cố mạnh. Và tôi xác tín rằng đất nước Irak đang tiến tới tình trạng chia rẽ nội bộ trầm trọng.
Hỏi: Thời gian chuyển tiếp sẽ còn kéo dài cho tới bao giờ thưa Đức Cha?
Đáp: Nó sẽ kèo dài hàng thế hệ. Cần phải có sự thay đổi não trạng bao gồm việc giáo dục các thế hệ. Từ chiến tranh với Iran trong các năm 1980-1988, hệ thống điện tại Irak đã không bao giờ được tái thiết. Chúng tôi đã phải dùng các máy phát điện riêng và bên ngoài trời nóng tới 50 độ C. Chúng tôi hy vọng tình trạng này không xảy ra đối với cuộc sống của người dân Irak trong tương lai. (Avvenire 1-8-2010) Linh Tiến Khải
|