MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: thiên chúa :: chúa thánh thần
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Phục Vụ Trong Thánh Thần
Thứ Bảy, Ngày 14 tháng 8-2010

PHỤC VỤ TRONG THÁNH THẦN

Tôi từng sinh hoạt với các đoàn thể khác, nhưng phải thú thật mỗi khi được gần gũi, ca ngợi, được tĩnh tâm, được cầu nguyện với anh chị em Canh Tân Đặc Sủng thì lòng của tôi cảm thấy được mở ra cho quyền năng của Chúa, cảm thấy được bồi dưỡng trong sức mạnh và niềm vui của Chúa.

Trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều thách đố, khó khăn, gian nan cho nên khi được gần gũi anh chị em để ca ngợi Chúa tôi cảm thấy Chúa luôn ở gần chúng ta. Nói thế là để tạ ơn Chúa và cám ơn tất cả quý anh chị em đã luôn luôn là những người trong Chúa Thánh Thần, đem niềm tin, lòng mến và niềm vui đến cho tất cả mọi người xung quanh. Nếu chúng ta là những người phục vụ Thiên Chúa trong niềm tin mến và vui như thế, thì phần thưởng của Thiên Chúa dành cho quý anh chị em là những người phục vụ rất bội hậu.

Chúng ta cùng suy niệm, thảo luận với nhau về chủ đề “Phục vụ trong Chúa Thánh Thần”, cùng nhau suy niệm về gương của Chúa Giêsu Kitô được lấy ra từ các sách phúc âm và tuần tới chúng ta sẽ suy niệm về ơn gọi phục vụ trong Chúa Thánh Thần. Nhìn về gương của Giáo hội sơ khai, thiết tưởng quý anh chị em là người phục vụ Chúa Thánh Linh thì chúng ta cần phải được bồi dưỡng bằng chính nguồn Thánh Kinh, nguồn Lời Chúa. Vì thế, trong buổi chia sẻ ngày hôm nay, xin anh chị em cùng xuôi mình vào trong Lời hằng Sống để chúng ta thấy được trái tim của Đấng đầy tràn Thánh Thần là chính Chúa Giêsu, và Giáo hội sơ khai cả cộng đoàn được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần hiện xuống và họ đã sống ơn phục trong Chúa Thánh Linh như thế nào? Rồi từ đó 2 ngàn năm sau, chúng ta đây cũng tiếp nối những gì Chúa Giêsu đã sống, hiện diện mà Giáo hội sơ khai đã xây dựng cho chúng ta.

Chủ đề phục vụ trong Chúa Thánh Thần là chủ đề chúng ta cần phải học hỏi. Bởi vì trong những năm tháng vừa qua chúng ta được mời gọi để phục vụ người khác. Chúng ta được mời gọi để mời người khác tham dự khóa Thánh Linh, vào trong các nhóm cầu nguyện, vào trong hoan lạc, bình an của Chúa Thánh Linh. Chúng ta tạ ơn Chúa về ơn gọi này. Nhưng nhiều khi chúng ta thực hiện ơn gọi phục vụ này một cách rất là tự phát, một cách rất là tự nhiên. Dù cho chúng ta phục vụ trong tâm tình đó, Chúa vẫn ban ơn cho mình nhiều, Chúa vẫn chúc lành cho những công việc của chúng ta, rõ ràng trong những năm vừa qua phong trào canh tân đặc sủng Việt Nam phải nói với tất cả niềm tri ân cảm mến quả là một món quà tặng của Chúa Thánh Linh cho cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại giáo phận Orange này để rồi từ đó lan toả đến các giáo phận khác, nơi có các cộng đoàn Công giáo Việt Nam.

Chúng ta thấy gì? Tuy là một phong trào non trẻ xuất hiện về say này, nhưng lại một phong trào mạnh, phong trào lớn, có khả năng thu hút được đông đảo quần chúng, không phải chỉ có người Công giáo mà thôi, mà còn nhiều những anh chị em tôn giáo bạn nữa. Thử hỏi có một phong trào nào mà mỗi một năm tổ chức đến 2 ngày tĩnh tâm đầy tràn ơn Chúa Thánh Linh. Kỳ vừa rồi chúng ta thấy khủng khiếp nhỉ? Có đến trên 500 người tham dự. Nhưng chắc chắn số người tham dự không phải là tất cả là người Công giáo mà còn có đông người từ tôn giáo bạn. Chỉ có Chúa Thánh Linh mới kêu gọi được như thế, các khóa tĩnh tâm khác, các khóa đại hội khác, các khóa 3 ngày khác công nhận có người tham dự, nhưng số người tham dự không kỷ lục bằng phong trào Canh Tân Đặc Sủng. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa. Và lại càng hiếm thấy, nếu không muốn nói là không có những anh chị em của tôn giáo khác. Nói thế không phải để mình khen mình.

Nói thế để thông cảm, không phải là để mình có một niềm kiêu hãnh cho bằng là để thấy hoa trái phục vụ của chúng ta đã nở sinh, bằng cách Chúa đã đưa các anh chị em của tôn giáo bạn đến. Tôi xin nhắc lại đây là dấu hoa trái của Chúa Thánh Thần, đó là bất cứ một đoàn thể nào có khả năng thu hút được những anh chị em của các tôn giáo bạn đến để cùng chia sẻ niềm tin, niềm vui của người biết Chúa, thì đấy chính là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần đang hoạt động và đã sinh ra những mầm non mới, những cành lá mới để như Chúa nói trong Phúc âm chim trời đến nương náu nơi này.

Hãy vui mừng, vì không phải chúng ta xứng đáng, tài giỏi, vì không phải chúng ta đạo đức hay thánh thiện mà Chúa làm nên điều đó, nhưng nhờ lòng Chúa thương xót chúng ta. Nhờ Chúa Thánh Thần đã biến đổi chúng ta như khi xưa Chúa biến đổi Phêrô là người đã chối Chúa, các môn đệ là người chạy bỏ Chúa, để rồi lại trở nên một người đức tin, sau ngày lễ hiện xuống đã đứng lên làm chứng để đưa bao tâm hồn trở về với Chúa. Không phải chờ đến ngày lễ hiện xuống, chúng ta mới thấy những biến cố như vậy, nhưng mà chính lễ hiện xuống đang tiếp diễn ở ngay giữa chúng ta.

Tôi tin chắc rằng Chúa đang dùng anh chị em để phục vụ không phải chỉ cho những người Công giáo mà thôi, mà con biết bao người lương dân đang chờ đón nữa. Vậy việc chúng ta suy niệm phục vụ là đi vào trong chính ơn gọi của chúng ta đấy. Khi tôi nói ở đây không nói cho quảng đại quần chúng đâu, vì đây là những chất gọi đi vào ơn phục vụ. Khi anh chị em nghe lời này, thì không phải là lời của linh mục như cha Hòa nói, mà chính là lời của Chúa mời gọi mỗi người chúng ta, người nói lẫn người nghe đều phải nhìn nhận lại ơn gọi phục vụ mà Chúa đã dành cho chúng ta, với tư cách là một người Kitô hữu, với tư cách là người cha, người vợ, người mẹ trong gia đình, và nhất là với tư cách của người phục vụ trong Chúa Thánh Linh.

I- Phục vụ không phải là...
1- Phục vụ không phải là cách gây ảnh hưởng:
Mẹ Giacôbê-Gioan: “Một người ngồi bên hữu, một ngồi bên tả” (Mt 20:20).
Chúng ta đã thấy tấm gương này ở trong phúc âm khi Giacôbê và Gioan, hai người môn đệ, 2 người tình nguyện phục vụ theo con đường của Thầy. Thế nhưng trên đường đi Giêrusalem, thì họ nghĩ tưởng là đi lên Giêrusalem để có được một địa vị, có được một uy quyền, có một ảnh hưởng, thế giá. Dĩ nhiên họ biết họ non trẻ không thể nói trực tiếp với Chúa Giêsu được, họ đã nhờ mẹ mình, hy vọng vào mẹ vì họ biết Chúa Giêsu rất nể những người phụ nữ trong hình của người Mẹ mình, cho nên họ nhờ mẹ mình làm “bộ trưởng ngoại giao” cho mình. Bà trưởng ngoại giao đến xin Thầy cho 2 đứa con của con, một đứa ngồi bên hữu, một đứa ngồi bên tả. Chúa Giêsu trả lời, bà ngoại giao không biết xin cái gì cả.

Kinh nghiệm xin xỏ để có được một vị thế, có ảnh hưởng, có một thế giá không phải là chuyện của Gioan và Giacôbê hồi xưa, mà luôn là một cám dỗ cho mỗi chúng ta hôm nay. Nó nhức nhối lắm, nó ác nghiệt lắm, mà nó lại tinh vi lắm. Bởi vì khi chúng ta phục vụ, thì chắc chắn một cách nào đó sẽ có khi không có kết qua. Nếu không có kết quả thì ít ra mình cũng đã bỏ vào, đầu tư trong đó, thời gian, công sức, tiền bạc đủ thứ cả, mà khi mình đã đầu tư rồi, investment rồi thì mình cũng sẽ đặt câu hỏi là lời lãi bao nhiêu? Cái đó là luật rất tự nhiên. Người ta vẫn thường nói là trồng cây thì muốn hái quả, hay là cha mẹ nuôi con thì muốn con cái được ngoan ngoãn, hiếu thảo, học hành thì muốn được thi đậu, làm việc muốn được tăng lương, tất cả những quy luật đó như là nhân và quả vậy.

Có làm là có hưởng, nhưng mà chúng ta phải coi chừng. Quy luật đó có thể áp dụng trong thế giới tự nhiên, có thể áp dụng trong thương trường, nhưng chúng ta phải rất cẩn thận khi chúng ta áp dụng nó vào trong đời sống phục vụ, nhất là tương quan Thầy Chí thánh với người môn đệ. Khi chúng ta áp dụng luật đời vào tương quan phục vụ với Thầy Chí thánh với anh chị em thì chúng ta cũng chuẩn bị nghe câu của Chúa Giêsu nói với mẹ Gioan ở trên. Bởi vì trong đời sống phục cho dù chúng ta có bỏ công khó, có đạt được những thành tựu như thế nào, có được một vị thế như thế nào, thì tất cả những điều đó như Chúa Giêsu nói hãy làm tay trái mà tay phải không biết. Nếu chúng ta quên đi được, thì chất người, chất nhân tố, sẽ cho chúng ta một quy luật nhân quả, chúng ta đã gieo nên chúng ta sẽ hái được những quả nào đó. Chưa kể là nói chuyện chúng ta sẽ gây những ảnh hưởng để có những lợi lộc trần thế, tiền bạc hay là nhiều khi những ảnh hưởng về cá nhân, ảnh hưởng về tiếng tăm, về danh giá v.v... Những điều đó, thiết tưởng chúng ta là những người được mời phục vụ, đã cho thì chúng ta hãy cho hết và không lấy lại.

2- Phục vụ không phải là con đường tiến thân. “Chúng tôi trước đây hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu Israel” (Lc 24:21).

Chúng ta thấy 2 môn đệ đi làng Emau, đã chia sẻ cho chúng ta về ham vọng tiến thân này, ở nơi ít nhất là 2 vị hay nếu nói chung là cả nhóm 12. Đó là 2 vị khi đi với người lạ mặt trên đường Emau thì đã tâm sự với người lạ mặt đó là, ông chẳng biết gì về một ông Giêsu rao giảng rất là có quyền thế, thế mà các thượng tế, biệt phái đã đóng đinh ông ta trên thập giá, chúng tôi cứ tưởng là Người sẽ giải phóng dân Do thái, và ông đã chết 3 ngày. Một số người ra ngoài mộ thấy chuyện lạ, nói Ngài đã sống lại v.v... Các ông nghe biết chuyệnChúa Giêsu đã sống lại nhưng mà 2 ông đi làng Emau để làm gì? Suốt cả hành trình trong 3 năm trường qua, 2 ông theo Chúa không phải là vì Ngài mà vì mình, vì con đường tiến thân của mình, dùng Chúa như là một cơ hội để đầu cơ cho tương lai, đầu cơ sự nghiệp, để có một cơ may thăng tiến trong cuộc đời.

Chúng ta nghe câu chuyện của 2 môn đệ đi làng Emau đó, thì hình như đâu đó cũng là tâm trạng của mỗi người chúng ta. Không phải nói anh chị em ở đây, nhưng mà tôi được phục vụ ở các nơi khác, cộng đoàn khác thì thấy được những hiện tượng không mấy làm đáng khen, đáng khuyến khích. Nhiều khi muốn được phục vụ nhưng một cách thức nào đó, lúc nào đó, ở một thời điểm nào đó, muốn lên thí dụ như là chủ tịch cộng đoàn. Làm sao có thể lên chủ tịch được nếu không phải đi qua các ban nghành, đoàn thể? Sai lầm rồi, các cha trong cộng đoàn thấy rõ hết điều đó. Con người phục vụ mà phục vụ cách chân thật thấy rõ hết, còn nếu mà dùng đoàn thể để mà tiến thân, dùng đoàn thể làm bàn đạp để đi lên với gây ảnh hưởng, uy tín với cha quản nhiệm trước để làm những chuyện khác thì không dấu được đâu.

Đối với chúng ta, những trưởng nhóm, trợ tá đi đây đi đó thì xin đừng bao giờ có, đừng bao giờ thấy ở trong cộng đoàn việc dùng tông đồ như là một cơ hội để chúng ta từ từ bước lên. Nếu có, chúng ta phản bội lại ơn gọi phục vụ của Chúa Thánh Thần. Khi làm việc, khi phục vụ đừng bao giờ mơ tưởng một chức vụ nào khác. Anh chị em nào đang ngồi đây mà có những tư tưởng đó, xin xác nhận ngay đó là tư tưởng của ma quỷ, phải loại trừ ra ngay. Nếu không, anh chị em không xứng đáng là người phục vụ đâu. Đã nói ma quỷ rất là tinh vi, nếu chúng ta không tỉnh táo, không mở mắt, không khiêm tốn thì khi chúng ta đã thành ông này, bà nọ thì muộn rồi.

3- Phục vụ không phải là cơ hội lập công. “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19:27).

Phêrô đến nói với Chúa, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, bỏ cha mẹ, bỏ làng xóm, bỏ thuyền chài, bỏ anh em bỏ tất cả, để chúng con theo Thầy tay trắng, đầu đường xó chợ, bây giờ Thầy nghĩ thế nào về cái công khó của chúng con, sự từ bỏ của chúng con. Câu hỏi của Phêrô là vậy chúng con sẽ được gì? Nhức nhối chưa? Chớ có cười Phêrô, mà hãy tự cười lấy chính mình. Nhiều khi chúng ta có tâm trạng đó. Chúng ta nói rằng mỗi khi chúng con đi phục vụ cho chương trình, cho phong trào, bỏ nhà, bỏ con, bỏ sở, bỏ cả nghỉ hè, bỏ đủ mọi thứ. Vậy Lạy Chúa, con sẽ được gì? Làm như Chúa không biết, làm như Chúa mất trí nhớ, làm như Chúa là người vô tâm. Sai rồi, chúng ta đơn sơ quá. Chúng ta đang có khuynh hướng kể công đó anh chị em, để rồi chúng ta mong đợi Chúa sẽ trả công cho chúng ta một cái phần thưởng nào đó. Cái đó là của con người. Với tất cả mọi công việc mà mình sống đây, chúng ta phải nhớ lại lời của thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu đã hoàn toàn thánh hiến cuộc đời cho Chúa. Câu nói không thể quên được mà thánh nữ nói với mỗi người chúng ta hôm nay, “tất cả là ân sủng”. Chúng ta cũng hãy cảm nghiệm đời sống của mình, gia đình, công việc, con cái, thời gian, sức khỏe, được ở Hoa kỳ tất cả là ân sủng. Đối với Thiên Chúa chúng ta chỉ là những người nhận ơn, chứ không phải chúng ta là những người làm ơn cho Chúa, làm ơn cho người khác. Thưa không, chúng ta là những người nhận chiụ bao nhiêu ơn Chúa ban cho chúng ta. Vì thế, sự đáp trả của chúng ta mới gọi là đúng đắn và công bằng, mà không có chuyện lập công là trả ơn nghĩa lại cho Chúa. Nói gì đâu xa, sự hiện diện của chúng ta ở đất nước Hoa kỳ này, nó là một phép lạ của ân sủng Chúa. Vì thế, khi chúng ta làm việc xin chớ bao giờ để ý nghĩ nào đó là chúng ta đã mất, mất, mất, mà bây giờ đây chúng ta được, được, được. Lối suy nghĩ đó rất là non, rất là khờ, rất là dại.

4- Phục vụ không phải là xả tính hiếu động. “Tôi chẳng khác gì thanh la lẻng kẻng chập cheng” (1Cr 13:1).
Mỗi người chúng ta, mà có lẽ cũng là tính của người Việt Nam mình là năng động, năng nổ hoạt động. Nếu chúng ta đứng ở trong nhà nói thì chẳng có ông Tây, ông Mễ nào nghe. Chúng ta là người chịu khó, chịu làm, chịu cực trong gia đình đã đành, mà còn trong cộng đoàn, trong Giáo hội nữa, nhưng mà coi chừng! Phải coi chừng, không phải vì cái tính năng động đó của mình, mà chúng ta làm việc cho Chúa rồi tự nghĩ rằng tất cả mọi sự đều để phục vụ. Thực tế, đã có những trường hợp đó, là phục vụ không phải vì Chúa vì các linh hồn mà để xả cái sức mà nó dồn ép ở trong mình không biết phải làm thế nào, nên xả vào con đường phục vu nào đó. Chắc chắn là con đường tốt. Chắc chắn là môi trường lành, chắc chắn là những con người hay, nhưng Thánh Phaolô đã nhắc nhở cho chúng ta trong bài ca đức ái rằng, “kẻo tôi chẳng khác gì thanh la lẻng kẻng chập chèng” (1Cor13:1). Nếu không có bác ái, nếu không có Chúa thì dù tôi nói tiên tri, dù làm phép lạ, dù có hiến thân mình tử vì đạo, Thánh Phaolô nói, vô ích. Vì sao? Vì tính hiếu động của mình mà thôi. Không phải vì đối tượng khác là Thiên Chúa, mà Chúa ở trong những anh chị em. Chúng ta ta là người Việt Công giáo phải xét lại khía cạnh rất tinh vi này. Để chúng ta thấy làm không phải là vì phải làm, vì có cái sức nào đó đẩy mình làm, mà làm tất cả vì Chúa, cho Chúa trong Chúa mà thôi.
5- Phục vụ không phải làm cớ tự miễn chước: khỏi việc bổn phận, việc thiêng liêng, cầu nguyện, học hỏi.
Nhiều khi chúng ta phục vụ rồi chúng ta nhân danh phục vụ, dùng việc phục vụ, làm cớ cho mình miễn chước những việc khác. Trong gia đình, việc bổn phận đối với vợ, đối với chồng, đối với con cái, đối với cha mẹ. Con làm việc cho Chúa rồi miễn làm cho bố. Bà chớ mớ nhé, tôi mới vừa đi phục vụ phong trào CTĐS về là bà phải nấu cho tôi ăn. Còn chúng mày ở nhà thế nào? Không biết bố đi phục vụ là không có một đồng lương hay sao? Các cha quản nhiệm không những là không trả đồng lương nào, mà còn xì nẹt nữa. Mà về chúng mày còn đòi cái này, đòi cái kia. Trên thực tế, ít nhiều trong chúng ta dùng việc phục vụ, lấy cớ bào chữa mình, miễn chước cho mình những việc cần phải làm đối với những người chung quanh, những người mình có trách nhiệm, có bổn phận, có tình thương. Hay nhiều khi không phải đối với người khác mà dùng những việc phục vụ để miễn cho mình những việc thiêng liêng của chính mình, việc cầu nguyện của chính mình. Cầu nguyện cho người khác thì hay lắm, còn cầu nguyện riêng mình, nơi mình thì nhiều khi lại trở thành “xa xỉ phẩm”.

Như vậy chúng ta thấy rõ ràng phục vụ là như thế nào? Anh chị em hãy dùng ít phút để xem trong 5 cái đó mình có cái nào mắc phải. Chúng ta nhân vô thập toàn chớ có lấy hết 5 cái đó nhá. Nếu bị kẹt 1 số, thì xin Chúa tiếp tục thánh hóa, thanh tẩy. Khi phục vụ mà chúng ta không thấy mình có chính trực thì đừng có nói chuyện phục vụ. Ai mà bảo là lòng con tinh tuyền như là tuyết trắng, tôi không tin đâu. Ai trong chúng ta cũng có khuyết điểm. Và vì thế chúng ta phải xuôi mình, rửa mình nhờ đó chúng ta trở nên tinh tuyền hơn.


Lm Trịnh Đức Hòa

20/9/2004

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (6/8/2011)
Luôn Chờ Đợi Để Đón Nhận Chúa Thánh Linh Trong Cuộc Sống (6/7/2011)
Đặc Sủng Và Hoa Quả Của Chúa Thánh Thần Trong Tân Ước (6/4/2011)
Sức Mạnh Của Chúa Thánh Thần (5/28/2011)
Xin & Ơn Chúa Thánh Thần Và 12 Hoa Quả Chúa Thánh Thần (5/7/2011)
Tin/Bài cùng ngày
Kỷ Niệm Ngày Lễ Mẹ Lên Trời 15.8.2010 (8/14/2010)
Tin/Bài khác
Thần Khí Sự Thật (5/24/2010)
Thiên Chúa Là Tình Yêu (5/24/2010)
Hãy Tin Vào Giáo Hội! (5/24/2010)
Anh Em Biết Người Vì Người Luôn Ở Trong Anh Em (5/23/2010)
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 2010 (chính Ngày) (5/23/2010)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768