Trường Hợp Đức Bà Hồn Xác Lên Trời
Vào ngày 15 tháng Tám hằng năm, tín hữu Công Giáo mừng Lễ kính một trong những mầu nhiệm trọng đại nhất của cuộc đời rất thánh trinh Nữ Maria: Hồn Xác Lên Trời. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo ghi lại như sau:
“Sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế, Rất thánh Trinh Nữ Maria, được cất nhắc vinh hiển lên trời cả hồn lẫn xác, nơi mà Mẹ đã thông phần vào vinh quang Phục sinh của con Mẹ, báo trước sự phục sinh của mọi chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô.” (Giáo Lý Công giáo số 974)
Một đôc giả của chúng tôi tên Bernard (Bê-na-đô) mới đây đã viết thư hỏi rằng có bằng chứng đích thực nào cho thấy Đức Maria đã được rước về trời cả hồn lẫn xác sau khi qua đời không, bởi vì hình như Kinh Thánh cũng yên lặng về vấn đề này, và ngay cả các thánh giáo phụ của Giáo Hội tiên khởi cũng không nói gì hết. Anh bạn của chúng tôi vừa mới đọc xong một cuốn sách của một tác giả tin lành trong đó vị ấy nói rằng tín điều này của người Công Giáo chỉ là sản phẩm của “tình cảm dân gian và huyền thoại” mà thôi. Như vậy có phải chúng ta buộc phải chấp nhận tín điều này môt cách mù quáng chăng, vì tin rằng Giáo Hội được Chúa Thánh Thần hướng dẫn?
Vâng, đúng đấy Bernard ạ! Thật vậy, khi phân biệt những điều này và xác định một tín điều thì Giáo Hội được Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô gọi Giáo Hội là “cột trụ và là điểm tựa của chân lý” (1 Tim 3:15). Vậy thì bạn có thể tin cậy vào “cột trụ và điểm tựa” này!
Tuy nhiên, nếu hỏi rằng Giáo Hội căn cứ vào những dấu chỉ nào để nhận định về sự thật của vấn đề, và tìm hiểu Giáo Hội đã làm cách nào để khai triển và xác định chung cuộc tín điều do Đức Giáo Hoàng Piô XII ban hành năm 1950, thì đó cũng là một điều hoàn toàn hợp pháp. Ngoài ra, nhớ lại lời khuyên của thánh Phêrô thì chúng ta cũng nên tìm hiểu những lý do đàng sau tín điều để nhỡ có một người bạn hoặc người quen không-công-giáo nào thắc mắc rằng tại sao Giáo Hội Công giáo lại tin một điều như vậy thì chúng ta có thể “… sẵn sàng (để) trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh chị em ” (1 Pt 3:15).
Trước hết, trong khi các tác giả Kitô tiên khởi không viết rõ về sự kiện Đức Maria Hồn Xác Lên Trời nhưng cũng có một sự yên lặng kỳ lạ và lâu đời về (sự không tìm thấy) di hài của Đức Maria thì cũng đòi hỏi phải có một sự giải thích đàng hoàng. Như đôi khi chúng ta cũng nói đây là một “sự yên lặng choáng váng mặt mày”.
(1) Ông Karl Keating viết trong nguyệt san Catholic Answers như sau “Chúng ta biết rằng sau khi Chúa Giêsu bị khổ hình thập giá thì thánh Gioan Tông Đồ đưa Đức Maria về nhà mình để săn sóc phụng dưỡng”. (Gioan 19:26-27) Theo các văn kiện Kitô thời đó thì thánh Gioan di cư đến Ephêsô và đưa Đức Maria về sinh sống vơí ngài tại đó. Có một sự tranh cãi về chuyện không biết Đức Maria qua đời ở đâu, có thể Đức Mẹ quay về Giêrusalem trong những ngày cuối đời chăng. Nhưng cả hai thành phố này không nơi nào nói rằng họ sở hữu di hài của Đức Mẹ cả, mặc dầu có sự tranh chấp về quyền sở hữu ngôi mộ (tạm) của Đức Mẹ. Tại sao không có thành phố nào dành được quyền sở hữu hài cốt của Đức Maria? Dĩ nhiên làm gì có hài cốt để mà dành, và dân chúng biết rõ điều đó. Nên nhớ rằng trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo, di hài của các thánh rất được tôn vinh và dành dật canh giữ nghiêm mật lắm. Tỉ như hài cốt của các vị tử đạo trong đấu trường Coliseum đều được nhanh chóng thu nhặt và trân trọng bảo tồn; có rất nhiều bài tường thuật trong các tiểu sử của các vị đã dâng hiến mạng sống mình cho đức tin [tỉ như ai cũng biết rằng hài cốt của thánh Phêrô và thánh Phaolô được bảo tồn tại Rôma, và nơi chôn cất của (vua) Đavid và ngôi mộ của tháng Gioan Tẩy giả cũng đều được ghi chép trong thánh kinh]. Vậy mà đây là Đức Maria, rõ ràng là một vị có nhiều đặc ân nhất trong các thánh… nhưng lại không có lấy một hồ sơ nào nói về di hài của Đức Mẹ được tôn kính tại bất cứ nơi đâu.
Sự việc Đức Bà Hồn Xác Lên Trời được đề cập một cách rõ ràng nhưng nhuốm nhiều màu sắc huyền thoại bắt đầu từ thế kỷ thứ 4. Chúng ta có một tài liệu của thánh Gioan Damascene có vẻ chừng mực hơn ghi lại trong một lá thư của một vị Thượng Phụ thành Giêrusalem từ thế kỷ thứ 5 tên là Ju-ve-na-li-us viết cho Hoàng Hậu Pulcheria (pun-kê-ri-a) xứ Byzantine (Bi-dăng-tin) mà ngài còn giữ được. Hình như Hoàng Hậu có ngỏ lời xin Thuợng Phụ Juvenalius cho bà một thánh tích của Rất Thánh Đức Nữ Đồng Trinh. Thượng Phụ Juvanelius trả lời rằng theo như truyền thống cổ xưa thì thân xác Mẹ Thiên Chúa đã được đưa về thiên đàng ngay sau khi Mẹ qua đời và ngài tỏ vẻ ngạc nhiên rằng Nữ Hoàng không biết đến sự kiện này (ý nói vào thời điểm đó, Kitô hữu trong Hội Thánh ít nhiều đều biết đến việc này rồi).
Juvenalius bèn kèm vào bức thư đó môt bài tường thuật nói về việc các thánh tông đồ đã tụ họp một cách mầu nhiệm như thế nào để an táng Đức Mẹ Thiên Chúa, và sau khi thánh Tôma tông đồ đến, các vị đã mở cửa mồ của Mẹ ra (2) (cho thánh Tôma thăm viếng) thì xác Đức Mẹ không còn ở đó nữa, và các thánh tông đồ đã được mặc khải cho biết Đức Mẹ đã được rước về thiên đàng cả hồn lẫn xác…
Sau này, vào thế kỷ thứ 6, thánh Grêgôriô thành Tours (Tua) đã bảo vệ niềm tin về việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và không một vị thánh nào hoặc giáo phụ nào trong Giáo Hội bác bỏ giáo lý này.
Tất nhiên những mảnh chứng cớ này tự nó (sự yên lặng ‘vang dội’ lạ lùng về hài cốt của Đức Maria, sự tin tưởng của các tín hữu tiên khởi các thế kỷ thứ Tư và thứ Năm rằng Đức Mẹ đã được đưa về trời cả Hồn lẫn Xác ngày càng lan rộng mà không một vị thánh hoặc một giáo phụ nào bác bỏ) không chứng minh được sự xác thực của giáo lý (Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời). Nhưng Giáo Hội tin rằng hồng ân của Chúa Thánh Thần đã đổ tràn xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, nên toàn thể dân Chúa sở đắc được điều mà thánh Augustinô và thánh Tôma Aquinô gọi là affectio hoặc inclinatio fidei. Nói cách khác là (họ sở đắc được) một khuynh hướng cảm xúc kéo họ tới những chân lý của đức tin. Công nhận rằng Đức Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Chân Lý, thì một sự đồng tâm nhất trí của các tín hữu về một sự thật thiêng liêng, và đặc biệt là của các thánh (là những vị được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần) chắc chắn không nên coi thường.
Thứ hai, người ta nói rằng Kinh Thánh không đề cập đến việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Nhưng tôi xin chứng minh (theo lời học giả và biện giải Thánh Kinh Scott Hahn) rằng thật ra là (Kinh Thánh) có ám chỉ đến mầu nhiệm Đức Me Hồn Xác lên trời ngay tại đoạn mà chúng ta trông đợi để xem giáo lý này có đúng hay không: đó là trong các văn kiện của thánh Gioan Tông Đồ, người mà Chúa Giêsu đã trao phó cho bổn phận săn sóc Đức Mẹ trước khi Chúa trút hơi thở cuói cùng trên Thánh Giá, và đặc biệt là quyển sách cuối cùng của Tân Ước, một quyển sách gần như chắc chắn được viết sau khi Đức Mẹ qua đời, đó là sách Khải Huyền.
Trong tác phẩm của ông gần đây nhan đề là Lạy Nữ Vương Mẹ Thiên Đàng giáo sư Hahn chứng minh thỏa đáng rằng chuyện Đức Bà thăm viếng bà thánh Isave trong Phúc Âm theo thánh Luca, chương 1, có nhiều điểm rất đáng chú ý và tương đồng với bài tường thuật trong sách Samuel quyển 2, chương 6 của Cựu Ước về việc vua Đavid rước Hòm Bia Thiên Chúa về thành Giêrusalem. Có qúa nhiều điểm tương đồng nên không thể cho đó là tình cờ được: Thánh Luca có ý cho ta thấy, theo lối trình bày đặc biệt của ngài rằng bản thân Đức Maria là Hòm Bia Giao Ước mới của Thiên Chúa. Cũng như Hòm Bia Thiên Chúa của thời Israel xưa đựng hai bia đá Lề Luật và vài tấm bánh-manna từ trời ban xuống, dấu chỉ của Cựu Ước – thì cung lòng của Đức Maria cũng chứa đựng dấu chỉ của lời hứa trong Tân Ước và Bánh Sự Sống Đích Thực: đó chính là Chúa Giêsu Đấng Cứu Chuộc chúng ta vậy.
Hòm Bia Giao Ước cũ đã mất tích cách đây nhiều thế kỷ, và không một người Do Thái nào biết Hòm Bia Thiên Chúa nằm ở đâu (thật vậy, Hòm Bia vẫn thất lạc cho đến tận hôm nay). Với ý nghĩ đó trong đầu, chúng ta thử xem chuyện gì xảy ra vào đoạn chót của chương 11, Sách Khài Huyền: Rồi Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ. Và có ánh chớp, tiếng sấm tiếng sét, động đất và mưa đá lớn. (Kh 11:19)
Ôi, quả là một cảnh tượng tai nghe mắt thấy thần kỳ ngoạn mục! Hòm Bia đã được tìm thấy! Nhưng thử xem sách Khải Huyền còn cho ta thấy cái gì nữa trong đoạn kế tiếp (xin nhớ rằng cách dùng số để phân chia các chương và ngắt câu không giống như các bản chép chính gốc: mãi nhiều thế kỷ sau này các vị tu sĩ mới gài thêm (số) vào hầu giúp chúng ta tìm các đoạn Kinh Thánh dễ dàng hơn, cho nên câu đầu của chương 12 tiếp theo ngay sau câu cuối của chương 11 trong bản chép tay nguyên thủy là như sau: Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai… Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. (Kh 12:1-5)
Rõ ràng điều mà thánh Gioan được thị kiến và ghi trong sách Khải Huyền ở đây là Hòm Bia Giao Ước hiện nay ở trên trời với tư cách “một người nữ khoác áo mặt trời” và Con của Bà là Đấng Mêsia (sẽ cai trị bằng “trượng sắt”. (xem thánh vịnh 2: 9) (3) Thật vậy, một số thánh giáo phụ nhìn nhận rằng đoạn này nói về Đức Maria, kể cả thánh Ephrem xứ Syria, thánh Ambrôsiô, và thánh Augustinô nữa. Cùng lúc đó, nhiều giáo phụ cũng nhìn thấy “người nữ” ở đây là biểu tượng của Israel, và Giáo Hội là Israel mới. Chắc chắn cũng có dấu chỉ cho thấy người nữ tượng trưng cho cái gì ở đây (tỉ như bà đội trên đầu triều thiên 12 ngôi sao tượng trưng cho 12 chi tộc Israel, và 12 thánh tông đồ). Vậy thì lối giải thích nào là đúng? Cả hai đều đúng cả!(Và các thánh giáo phụ xưa không thấy có gì mâu thuẫn trong 2 lối giải thích này). Trong văn chương Do Thái xưa không hiếm trường hợp dùng biểu tượng kép: một cá nhân lịch sử có thể được dùng để chỉ cả một nhóm người. Tỉ như rất có thể là chương 53, sách ngôn sứ I-da-i-a trong đoạn văn nổi tiếng về những đau khổ của Đấng Mê-si-a (“Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật” v.v...) cũng là những ám chỉ đến ơn gọi chịu đau khổ của cả dân tộc Do Thái.
Cũng vậy, (hình ảnh) Đức Maria, Mẹ của Giáo Hội, cũng được dùng trong sách Khải Huyền để biểu tượng cho ơn gọi của dân Do Thái được hoàn thiện trong dân mới của Thiên Chúa, mà nhiệm vụ là đem Chúa Kitô đến cho thế gian. Cho nên không có gì là lạ khi sắp xếp các bản kinh lễ nghi cho đại lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời Giáo Hội đã nối kết thánh vịnh (TV) 132: 8 với mầu nhiệm người nữ-hòm-bia-giao-ước thiên cung (đã được một số các giáo phụ tiên khởi soạn thảo): “Lạy Chúa, xin hãy trỗi dậy, và về nơi an nghỉ cùng với Hòm Bia quyền lực của Ngài.” Sau khi Đức Chúa “phục sinh” từ cõi chết, Ngài đem thân thể Đức Maria, thân Mẫu của Ngài là “Hòm Bia” Giao Ước Đích Thực về vinh quang thiên quốc cùng Ngài. Bởi vi cũng giống như dân Do Thái Xưa tin rằng hòm bia giao ước nguyên thủy được làm bằng thứ gỗ không mục nát thì đoạn này là điềm báo trước về ơn thân xác bất khả hủy hoại được Chúa Giêsu Phục Sinh ban cho Đức Maria, là Thân Mẫu của Ngài. Và nếu chúng ta còn muốn có thêm bằng chứng rằng “người nữ mặc áo mặt trời” trong chương 12 sách Khải Huyền là biểu tượng của Đức Maria, hồn xác hưởng vinh quang thiên quốc thì cũng nên ngắm nhìn chân dung mầu nhiệm của Đức Mẹ Guada-lupe đã được ban cho thánh Juan Diego hồi thế kỷ thứ 16 và so sánh bức hình này với đoạn mô tả trong sách Khải Huyền. Sau này chúng tôi sẽ thảo luận thêm về chứng cớ / và ý nghĩa sâu xa của phép lạ ấy. Tín hữu công giáo chỉ cần tin chắc rằng Đức Bà Guadalupe và “người nữ” trong Khải Huyền 12 là một.
Tuy nhiên, có thể tất cả những điều này cũng chưa đủ khiến cho Giáo Hội đi đến việc xác định sự kiện Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là một sự thật được Thiên Chúa mặc khải. Vẫn cần có một cái gì khác nữa: một điều mà các nhà thần học gọi là tín ngưỡng loại suy.- Nghĩa là mọi tín lý đích thực được Thiên Chúa mặc khải cần phải “thích hợp” với tất cả các tín điều khác đã được mặc khải. Nói cách khác không được có mâu thuẫn giữa các tín điều này.
Tín điều Đức Bà Maria Hồn Xác Lên Trời có thích hợp với toàn thể đức tin Công giáo không?
Tất nhiên là có.
Trước hết, điều này thích hợp một cách rất tự nhiên với tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội: Đức Mẹ được miễn trừ tội nguyên tổ vì công nghiệp cuộc Khổ Nạn của Con (thần linh) của Mẹ. (Nhân tiện đây chúng ta phải nói rằng Thiên Chúa có khả năng làm những việc như vậy, đơn giản chỉ vì toàn bộ thời gian lúc nào cũng hiện diện trước mặt Ngài. Tỉ như Ngài lấy công nghiệp của cuộc Khổ Nạn của Con của Ngài và căn cứ trên nền tảng ấy đem áp dụng cho các vị tổ phụ và ngôn sứ của Dân Do Thái, mà ban nhiêu ơn huệ cho các ngài. Cũng một cách thức ấy, và trên căn bản ấy Chúa lấy công nghiệp của cuộc Khổ Nạn của Con Ngài mà đổ tràn đầy ơn sủng vào linh hồn Đức Maria từ phút đầu tiên cuộc đời của Bà hầu sau này giúp Bà nhận lãnh vai trò làm Mẹ Đấng Cứu Thế).
Như chúng ta biết trong sách Sáng Thế rằng một trong những hậu quả của sự sa ngã của Adong và Evà là dòng dõi của hai ông bà đều bị đặt dưới sự khống chế của đau khổ và sự chết. “Nghiệp báo của tội là sự chết”. Nhưng Đức Maria không dự phần vào số phận sa ngã này, trái lại nhờ ơn-sủng-ban-sự-sống của Đức Chúa Thánh Thần mà linh hồn Bà còn phong phú hơn nữa ngay từ lúc thụ thai. Như Đức Đáng Kính John Henry Newman viết: “Tại sao Bà là người không dự phần vào sự sa ngã của Adong mà lại phải chia sẻ số phận bị nguyền rủa của Adong?” Như vậy thì sự tin tưởng của chúng ta vào nguồn gốc đầy ơn sủng của Đức Maria tự nhiên dẫn chúng ta đến chổ chấp nhận chân lý Bà được bảo vệ khỏi sự nguyền rủa và sỉ nhục của việc thân xác bị hủy hoại do cái chết của thân phận con người đem lại. Và cũng nhân tiện xin nhắc lại rằng tại sao mãi đến thế kỷ thứ 20 Giáo Hội mới tin chắc vào tín điều này mà công bố một chân lý được Thiên Chúa mặc khải: bởi vì mãi đến thế kỷ thứ 19 Giáo Hội mới vượt qua được mọi ngờ vực để tin vững vàng vào sự thật Vô Nhiễm Nguyên Tội. Giáo lý này (khi được công bố xong thì lại) mở đường cho một giáo lý khác!
Điều quan trọng hơn hết là Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là một lời công bố khải hoàn vang lừng cho chân lý toàn diện của Lễ Phục Sinh. Đôi khi chúng ta nói rằng niềm tin Phục Sinh tóm gọn trong câu “Chúa Kitô đã Sống Lại.” Theo một nghĩa nào đó, như vậy cũng đủ rồi. Nhưng Tin Mừng mà các Tông Đồ rao giảng cho thế gian không phải chỉ là Đức Kitô đã Phục Sinh không mà thôi đâu, nhưng chính vì Ngài đã phục sinh nên môt ngày kia Ngài sẽ đem toàn thể Nhiệm Thể của Ngài trên thế gian về hiệp nhất với vinh quang Ngài trên thiên quốc. Chính vì vậy mà thánh Phêrô vui mừng công bố: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em…” (I Phêro 1:3-4)
Đa số các dân tộc cổ đại nếu có tin chút gì vào sự sống sau khi chết thì họ cũng chỉ tin vào sự bất diệt của linh hồn con người mà thôi: coi như định mệnh cuối cùng của con người cũng giống như số phận của “Con Ma Casper thân hữu” mà thôi! (Con ma Casper thân hữu (Casper the friendly Ghost) là một câu chuyện tưởng tượng của một vài người được dựng thành phim tại Mỹ từ thập niên 1930 trở đi. Con ma Casper trước kia thích hù dọa cho người ta sợ hãi, nhưng sau chán lối đùa ấy nó muốn kết thân với người sống. Dù sao thì nó cũng chỉ là một con ma không thể nào trở lại làm người được nữa. - Chú thích của người dịch.) Như vậy thì đâu có gì là “tin mừng”! Nhưng sứ điệp của Tin Mừng là không những bản thân Chúa Giêsu sống lại trong một thể xác và linh hồn vinh quang, nhưng nếu tâm hồn chúng ta kết hiệp với Ngài thì cả điều này nữa hồn xác chúng ta cũng sẽ sống lại trong một cuộc sống vinh quang, giống như Ngài vậy. Đây chính là điều công bố của sự kiện Đức Bà Hồn Xác Lên Trời: “Đức Kitô đã Sống Lại – và giờ đây kết hợp tất cả tâm hồn tín hữu vào vinh quang của Ngài!” Vì dấu chỉ của niềm hy vọng này đối với toàn thể Giáo Hội là trái tim gần cận nhất với Trái Tim nhân ái của Ngài (là Đức Bà) đã được đưa lên hưởng vinh quang trước chúng ta rồi! Assumpta est Maria in coeli, gaudete angeli! (Đức Maria đã được đưa về trời, các thiên sứ hãy vui lên!)
Tác giả Robert Stackpole, tiến sĩ thần học (STD) là giám đốc Học Viện Gioan Phaolô II, Lòng Thương Xót Chúa. (John Paul II Institute of Divine Mercy). 13/8/20009
Louis Lê xuân Mai dịch thuật
Phần Chú thích:
(1) Nguyên văn : “deafening silence” một sự yên lặng điếc tai. (2) Cho Tôma nhìn vì trruyền thống nói rằng Tôma đã về trễ (Chú thíchn của người dịch) (3) Con sẽ dùng trượng sắt đập chúng tan tành, nghiền nát chúng như đồ sành đồ gốm." TV 2:9)
|