LINH HỒN TÔI NGỢI KHEN CHÚA
Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Trong dịp hành hương Đất Thánh, chúng tôi có đến Nhà thờ Thăm Viếng, nơi có tượng Đức Mẹ ngũ. Từ Nhà thờ kính Thánh Gioan Tẩy Giả tại En Kerem, đi bộ một đoạn đường khá xa, lên một dốc cao rồi bước thêm đúng 66 bậc thang mới đến Nhà thờ. Từ trên ngọn đồi nhìn xuống thung lũng xa xa, quê hương Thánh Gioan Tiền Hô đẹp như một bức tranh mờ trong sương sớm.
Nhà thờ dâng kính cuộc thăm viếng của Đức Mẹ. Khi nghe tin bà Isave mang thai, Đức Mẹ đã vượt đường sá xa xôi đến thăm và giúp đỡ. Từ Nazarét về tới En Kerem đường xa lắm, chừng 90 km và rất nhiều trắc trở hiểm nguy. Mẹ đã thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm đặc biệt đến người chị họ Isave. Nơi đây bài Magnificat đã được viết trên tường bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Việt Nam. Nhà thờ thăm viếng trên đỉnh đồi.
Sau kinh cầu nguyện trong Nhà thờ thăm viếng, chúng tôi đi xuống tầng hầm, mỗi người thành kính quỳ gối lần hạt trước tượng Đức Mẹ ngũ. Nhìn Đức Mẹ thánh thiện ngũ giấc bình an, ai cũng cảm động nguyện cầu khấn xin. Nhiều người thổn thức bên Mẹ.
Theo truyền thống xa xưa, Đức Mẹ không chết mà chỉ ngũ một giấc rồi Chúa đưa Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác. Phụng vụ đã cử hành ngày qua đời của Mẹ dưới nhiều tên gọi: Dormitio (an giấc), Deposotio (an táng), Transitus (qua đời), Natalis (ngày sinh vào Nước Chúa). Tất cả những danh từ đó được dùng để nói tới cái chết của Đức Mẹ. Tiếng “assumptio” ( bởi động từ assumere; sumere: cất lấy; ad: kết hợp, đoàn tụ), lúc đầu ám chỉ việc linh hồn Mẹ được đưa vào vinh quang của Chúa (giống như các thánh); về sau từ ngữ này được dùng để chỉ việc Mẹ được cất về trời. Giáo hội phân biệt hai từ ngữ ”ascensio” áp dụng cho Chúa Giêsu vì Ngài lên trời do quyền năng riêng, còn “assumptio” áp dụng cho Mẹ để nói rằng Mẹ đựơc Chúa đưa về trời.
Tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời được Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố vào ngày 1.11.1950: “Sau khi đã mãn cuộc đời dưới đất, Đức Maria được đem về trời cả xác hồn”. Vào thế kỷ 19, có một luồng thần học chủ trương rắng Đức Maria không phải chết và xin Đức Thánh Cha hãy định tín như vậy. Họ cho rằng Đức Maria không mắc tội nguyên tổ nên không phải chết bởi vì sự chết là hình phạt của tội nguyên tổ. Tuy nhiên đa số các nhà thần học cho rằng Đức Maria đã chết và sau đó được sống lại. Đức Piô XII không bàn tới vấn đề này, không nói rằng Mẹ không phải chết cũng chẳng nói Mẹ đã chết và đã sống lại; nhưng chỉ nói rằng: sau khi chấm dứt cuộc đời dương thế, Mẹ được cất về trời cả xác và hồn. Nhìn Đức Mẹ ngũ, tôi thấy sáng lên vẻ đẹp thánh thiện cao quý. Mẹ tuyệt đẹp vì Mẹ đầy ơn Chúa. Mẹ đẹp thánh thiện vì ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mẹ đẹp cao quý vì làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ tuyệt mỹ vì niềm tin đơn sơ và cuộc sống khiêm nhường. Nét đẹp ấy thoang thoảng như như một hương thơm hảo hạng toả ra lôi cuốn. Nét đẹp ấy mặn mà như thứ muối thiêng liêng. Nét đẹp ấy lung linh như ánh sáng dịu mát. Nét đẹp ấy huyền diệu như âm nhạc dịu êm mời gọi con người nâng tâm hồn lên tới Chúa. Cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ ngũ.
Hôm nay, Giáo hội mừng kính Đức Maria được khải hoàn bước vào quê hương Nước Trời.
Bầu khí phụng vụ đượm sắc thái vui tươi với những lời ngợi khen và chúc tụng Đức Trinh Nữ lên trời hiển vinh. Từ đây Đức Mẹ nắm giữ vai trò quan trọng nhất là Nữ Vương trời đất. Từ nay, Đức Mẹ đảm nhận một địa vị cao cả nhất và cũng thật gần bên Thiên Chúa. Kể từ nay, Đức Mẹ trổi vượt trên mọi tạo vật với địa vị làm Mẹ Thiên Chúa và làm Mẹ nhân loại.
Quyền năng và tình yêu Chúa tràn đầy trên Mẹ làm cho Mẹ được khỏi tội tổ tông và được đầy ơn ơn sủng ngay từ trong lòng mẹ. Quyền năng và tình yêu Chúa bao phủ suốt cả đời Mẹ trên từng ý nghĩ, từng tình cảm, từng mỗi hành động, từng mỗi bước đi... khiến cho tâm hồn Mẹ luôn hướng về Chúa mà tạ ơn và ngợi khen liên lỉ. Quyền năng và tình yêu Chúa đong đầy trọn vẹn nhất trong khoảnh khắc lịch sử, Mẹ lên trời cả hồn cả xác. Đặc ân cao trọng này chính là triều thiên sáng chói bao phủ lên Mẹ, vốn đã được “Thánh Thần ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà” (Lc 1,35).
Giáo hội cùng hiệp ý chung lời với Mẹ ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.
Đó là những lời tán tụng ngợi ca Thiên Chúa phát xuất từ sâu thẳm lòng Mẹ trong ngày thăm viếng người chị họ Isave.
Những lời ngợi ca đó nói lên tất cả tâm hồn của Mẹ. Đó là toát lược cả cuộc đời Mẹ, cả chương trình sống của Mẹ, là con đường tu đức của Mẹ: mãi mãi là người nữ tỳ khiêm tốn, luôn phó thác hoàn toàn trong tay Chúa toàn năng và nhân hậu, hằng dâng lời ngợi khen tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Những lời ca ngợi Magnificat nói lên hết ý nghĩa và tâm tình của Mẹ đối với Thiên Chúa toàn năng và yêu thương.
Mẹ cảm thấy thân phận tôi tớ hèn mọn nầy lại được cất nhắc cao trọng trong giây phút lên trời: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.
Mẹ cảm nghiệm được quyền năng và tình yêu vô biên của Chúa trong giây phút Chúa hiển dương Mẹ về trời: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả...Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.
Đức Mẹ được lên trời hồn xác là do đặc ân Chúa ban cho Mẹ và đồng thời cũng là do cuộc sống thánh thiện của Mẹ hằng luôn hợp tác với ơn Chúa. Hồn xác lên trời là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban cho Mẹ. Mẹ là người diễm phúc nhất trong mọi người nữ. Mẹ có tên gọi đẹp nhất là ”Đấng đầy ơn phúc” vì “Thiên Chúa ở cùng bà”. Mẹ được hết mọi đời khen là diễm phúc chính vì “Đấng toàn năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả”. Điều cao cả nhất là làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Mẹ là cây sinh quả phúc và nhờ quả phúc ấy mà Mẹ được biết đến và được ca tụng. Mẹ là cây trường sinh mang quả đầu mùa mà Thiên Chúa đã trồng trong vườn địa đàng mới hầu đem lại sự sống đời đời cho mọi thế hệ loài người. Chính vì thế mà Thiên Chúa muốn cho cây mang quả trường sinh ấy được nhân lên trong vườn địa đàng mà Người muốn mở rộng diện tích tới tận cùng trái đất.
Trong bài giảng tại Thánh địa La Vang ngày 15/8/2007, Đức TGM Huế đã suy niệm: Đức Mẹ lên trời sau khi đã đi qua hết mọi nẻo đường đời của một người bình thường nghèo khó: nẻo đường không nơi trú ngụ; phải sinh con trong hang đá Bêlem; nẻo đường lánh cư sang Ai Cập đầy tiếng khóc than của các bà mẹ mà những đứa con thơ vô tội bị vua Hêrôđê sát hại; đường vào tiệc cưới Cana có tiếng vui cười của thực khách và đôi tân hôn; đường lên núi Calvariô, có tiếng nguyền rủa, tiếng búa đóng đinh của các lý hình; đường loan Tin mừng Chúa Phục Sinh và đường thẳng lên trời hồn xác trong tiếng reo vui của đất trời, của thần thánh, của loài người. Đức Mẹ đã sống thánh giữa đời, đã nên thánh qua những chặng đường vui, đường sáng, đường thương, đường mừng.
Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta cũng đang đi lại những chặng đường của Đức Mẹ: có cả vui, sáng, thương, mừng. Chúng ta lần hạt, tràng chuỗi nơi tay, miệng thầm thỉ, lòng kết hiệp với các mầu nhiệm vui mừng và đau thương của Đức Mẹ. Chúng ta cũng lần hạt một cách thiết thực nữa trong cuộc sống hằng ngày, mà tràng chuỗi và những hạt chuỗi giờ đây chính là những hạt mồ hôi, những giọt nước mắt, những khổ đau, những oan ức..., và cũng chính là những tiếng vui cười, những tia hy vọng, những niềm hân hoan... Đó là tràng chuỗi sống, đi đôi với việc đọc kinh lần hạt suy niệm của chúng ta.
Đức Mẹ được vinh hiển hồn xác trên trời là hình ảnh và là khởi đầu bảo đảm cho tương lai của chúng ta sau nầy cũng sẽ được như vậy, miễn là bây giờ chúng ta biết noi gương Mẹ mà sống thánh giữa đời, qua những chặng đường vui, sáng, thương, mừng của cuộc sống (x. LG 68).
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
|